Chấp hành án bao lâu thì được giảm an

Hiện nay, giữa quy định của BLHS, các văn bản hướng dẫn và thực tiễn áp dụng vẫn có sự bất cập.

1.Quy định của pháp luật

Trong hệ thống hình phạt của BLHS thì tù chung thân là một trong 7 loại hình phạt chính. Theo đó, tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình và không áp dụng hình phạt này đối với người dưới 18 tuổi phạm tội[1]. Như vậy, hình phạt tù chung thân có khả năng tước tự do của người bị kết án đến hết đời[2].

Tuy nhiên, thời gian chấp hành án thực tế bao lâu là phụ thuộc phần lớn vào quá trình cải tạo của cá nhân người bị kết án. Bởi pháp luật hình sự Việt Nam đã ghi nhận rõ ràng về việc hình phạt không chỉ nhằm trừng trị mà còn nhằm giáo dục, ngăn ngừa và đấu tranh chống tội phạm nên Nhà nước có nhiều quy định nhân đạo để rút ngắn thời hạn chấp hành án phạt tù cho những phạm nhân cải tạo tốt, đóng góp nhiều thành tích. Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là một trong những chính sách nhân đạo đó.

Khi người chấp hành án phạt tù chung thân đủ các điều kiện: Đã chấp hành hình phạt được 12 năm và có nhiều tiến bộ, đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự thì người đó có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù[3]; Đối với người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù sau khi chấp hành án được 15 năm tù[4].

Về điều kiện cụ thể để xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của hình phạt tù chung thân hiện được quy định tại Điều 63, Điều 64 BLHS, Điều 38 Luật Thi hành án hình sự, Chương 2 của Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TANDTC, VKSNDTC.

Về mức giảm: Đối với người bị xử phạt tù chung thân thì lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành là 20 năm, đối với người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án tù chung thân thì thời hạn thực tế chấp hành là 25 năm, trừ trường hợp người đó lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể  được xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc mức cao hơn[5]. Như vậy, mức giảm lần đầu đối với người bị kết án tù chung thân được pháp luật quy định là từ tù chung thân xuống 30 năm tù.

2.Thực tiễn áp dụng

Tình huống pháp lý: Theo đề nghị của Trại giam A, phạm nhân Lê Văn Q. bị kết án tù chung thân, đủ điều kiện, tiêu chuẩn xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đợt 2/9/2021, thời gian đã chấp hành án của phạm nhân Q. đến ngày Tòa án mở phiên họp xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là 12 năm 6 tháng. Tòa án tỉnh K đã chấp nhận đề nghị của Trại giam A, xác định “Thời hạn chấp hành án phạt tù được giảm là tù chung thân giảm xuống 30 năm tù, thời hạn tù Lê Văn Q. còn phải chấp hành là 30 năm tù.” Sau đó, VKSND tỉnh K có kháng nghị phúc thẩm cho rằng Tòa án xác định thời hạn tù còn lại của Lê Văn Q là 30 năm tù là không chính xác và cần phải xác định thời hạn tù còn lại là 17 năm 6 tháng.

Như vậy, cách xác định thời hạn tù còn lại của phạm nhân được giảm thời hạn tù lần đầu từ tù chung thân xuống 30 năm tù hiện nay có hai quan điểm trái ngược nhau.

Quan điểm thứ nhất: Tính đến ngày Tòa án mở phiên họp xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, phạm nhân đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn 30 năm, phạm nhân đã chấp hành thực tế được 12 năm 6 tháng nên thời hạn tù còn phải chấp hành là 17 năm 6 tháng. Nếu xác định thời hạn tù còn lại là 30 năm thì tổng thời hạn chấp hành phải chăng sẽ là 42 năm 6 tháng? Do đó, cần áp dụng quy định “có lợi cho người phạm tội” để xác định thời hạn tù còn lại là 17 năm 6 tháng.

Quan điểm thứ hai: Theo quy định của Điều 63 BLHS, phạm nhân được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lần đầu “xuống 30 năm tù”. Do đó, cần xác định thời hạn tù còn lại là 30 năm mới đúng với nội hàm quy định điều luật, việc phạm nhân chấp hành án thực tế được 12 năm 6 tháng ở lần giảm đầu tiên chỉ được coi là một trong các điều kiện để được giảm. Khi xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù ở những lần giảm sau, thời gian 12 năm 6 tháng này mới được coi là thời gian chấp hành thực tế để xác định thời hạn tù còn lại phải chấp hành.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai bởi lẽ:

Thứ nhất: Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của hình phạt tù chung thân đặc biệt ở chỗ, lần đầu giảm từ tù “không thời hạn” giảm xuống mức tù có thời hạn. Mức giảm lần đầu tiên của hình phạt này là từ tù chung thân xuống 30 năm tù tức là mức 30 năm tù là “mức án” mới mà phạm nhân phải chấp hành. Trong đợt xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lần sau, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì phạm nhân tiếp tục được xét giảm căn cứ vào “mức án” mới này.

Thứ hai: Nếu cho rằng thời hạn tù còn lại là 30 năm thì thời gian đã chấp hành thực tế (12 năm 6 tháng) có được trừ vào thời gian còn phải chấp hành hay không? Theo tác giả, thời gian thực tế đã chấp hành ở lần đầu tiên xem xét giảm là điều kiện “đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định” và không được trừ vào thời hạn tù còn lại. Việc trừ thời hạn chấp hành thực tế này sẽ được áp dụng vào lần xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù lần sau, là khi phạm nhân đã ở “mức án” mới là 30 năm tù.

Ví dụ: Năm 2021, phạm nhân Lê Văn Q chấp hành được 12 năm 6 tháng tù, đủ điều kiện và được giảm lần đầu từ tù chung thân xuống 30 năm tù, thời hạn tù còn lại là 30 năm. Năm 2022, phạm nhân Lê Văn Q tiếp tục đủ điều kiện và được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 01 năm thì xác định: thời hạn tù đã chấp hành là 13 năm 6 tháng, thời hạn tù còn phải chấp hành là 15 năm 6 tháng.

Thứ ba: Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai là bởi sự tương đồng pháp lý của điều luật này trong Bộ luật Hình sự giữa hình phạt tù chung thân và tù có thời hạn. Cụ thể: Đối với tù có thời hạn thì mức tối đa là 20 năm; khi xét xử cùng một người phạm nhiều tội, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án mà hình phạt chính cùng là tù có thời hạn thì không được vượt quá 30 năm[6]. Người bị kết án trong trường hợp này điều kiện về thời hạn chấp hành hình phạt thực tế là 10 năm và có thể được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời hạn chấp hành thực tế được một phần hai mức hình phạt đã tuyên (15 năm).

Đối với người bị kết án tù chung thân thì điều kiện về thời hạn chấp hành hình phạt thực tế là 12 năm và có thể được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời hạn chấp hành thực tế là 20 năm. Người bị kết án tù chung thân phạm nhiều tội (không kể phạm tội trước hay sau khi có bản án kết án tù chung thân) thì điều kiện về thời hạn chấp hành hình phạt thực tế là 15 năm và có thể được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời hạn chấp hành thực tế là 25 năm. Như vậy, cần thiết phải xác định thời hạn tù còn lại của người bị kết án tù chung thân được giảm lần đầu là 30 năm tù để cá thể hóa mức độ, tính chất nghiêm khắc của từng loại hình phạt. Dù phạm nhân được xác định thời hạn tù còn phải chấp hành là 30 năm tù, là mức tù có thời hạn nhưng có sự tách bạch rõ ràng giữa tù chung thân được giảm xuống 30 năm và tù có thời hạn. Việc xác định thời hạn còn lại là 30 năm tù cũng là đúng với tinh thần của Khoản 2 Điều 63 BLHS.

Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là vấn đề thường xuyên, cấp bách nên các quy định liên quan đến chế định này cần sớm được hướng dẫn cụ thể, chi tiết để được áp dụng thống nhất giữa BLHS, Luật Thi hành án hình sự hiện hành và Thông tư Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP ngày 12/8/2021 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nhằm đảm bảo áp dụng thống nhất chế định trong thực tiễn.

Tòa án  tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt bị cáo Bùi Ngọc Tú (sinh năm 2001) mức án tử hình và Bùi Ngọc Thanh (anh trai Tú, sinh năm 1994, cùng trú Phước Long, Nha Trang, Khánh Hòa) tù chung thân cùng về tội giết người - Ảnh: NV

[1] Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

[2] Trần Văn Biên, Đinh Thế Hưng, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, NXN Thế giới (2017), trang 54.

[3] Khoản 1 Điều 63 Bộ luật Hình sự năm 2015

[4] Khoản 1 Điều 63 Bộ luật Hình sự năm 2015

[5] Khoản 2, Khoản 3 Điều 63, Điều 64 Bộ luật Hình sự năm 2015

[6] Điều 38, Điều 55, 56 Bộ luật Hình sự năm 2015

Giảm mức hình phạt đã tuyên là gì? Chính sách giảm mức hình phạt đã tuyên và tha tù trước thời hạn theo quy định Bộ luật hình sự hiện hành? Điều kiện để người phạm tội được giảm mức hình phạt đã tuyên? Mỗi người phạm tội có thể được giảm bao nhiêu lần mức hình phạt tù?

1. Luật sư tư vấn về giảm mức hình phạt đã tuyên

Giảm mức hình phạt đã tuyên được hiểu là việc Tòa án quyết định cho người bị kết án đang chấp hành hình phạt được chấp hành hình phạt với mức ít hơn mức hình phạt của bản án đã tuyên, khi có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Đây là chính sách vừa thể hiện tính nhân văn của pháp luật Việt Nam,

khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Việc giảm mức hình phạt đã tuyên cũng là động lực to lớn động viên, khích lệ người phạm tội tích cực rèn luyện, cải tạo để có cơ hội sớm hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, việc giảm mức hình phạt đã tuyên phải được đảm bảo thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và đáp ứng điều kiện theo quy định của Bộ luật hình sự. Trường hợp bạn có vướng mắc liên quan đến giảm mức hình phạt đã tuyên thì bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia hoặc gọi Hotline1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Quy định cụ thể về giảm mức hình phạt đã tuyên và tha tù trước thời hạn

Câu hỏi: Chào luật sư! Anh trai tôi hiện đang thi hành án tại trại giam, với mức án 4 năm tù với tội danh cố ý gây thương tích (đánh nhau), hiện giờ đã thi hành án được 6 tháng và đều được xếp loại tốt hàng tháng. Tôi muốn hỏi a tôi sẽ được hưởng chính sách giảm án như thế nào? Và chế độ đặc ân của pháp luật như thế nào? Xin cảm ơn luật sư.

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về chính sách giảm án theo quy định của pháp luật

Điều 63 Bộ luật hình sự 2015 quy định về vấn đề giảm mức hình phạt đã tuyên như sau:

Điều 63. Giảm mức hình phạt đã tuyên

1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.

2. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên.

Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.

3. Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.

4. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới ít nghiêm trọng do cố ý, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được một phần hai mức hình phạt chung.

5. Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc trường hợp hình phạt chung là tù chung thân thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.

6. Đối với người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm.

Hướng dẫn vấn đề này, nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao quy định:

“3.1. Người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc hình phạt tù được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống hoặc mười hai năm đối với hình phạt tù chung thân;

b) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; thành thật hối cải, tích cực lao động, học tập;

c) Không vi phạm chế độ, nội quy của Trại giam (Trại tạm giam) (đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù);

d) Được cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục (đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ) hoặc cơ quan thi hành án phạt tù (đối với người đang chấp hành hình phạt tù) đề nghị bằng văn bản xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

3.2. Mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt

 b) Người bị kết án phạt tù từ ba mươi năm trở xuống thì mỗi lần có thể được giảm từ ba tháng đến ba năm. Trường hợp được giảm ba năm phải là người bị kết án phạt tù có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, cải tạo và chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của Trại giam (Trại tạm giam).

d) Mỗi người có thể được giảm thời hạn chấp hành hình phạt nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là một phần hai mức hình phạt đã tuyên hoặc hai mươi năm đối với hình phạt tù chung thân.

đ) Mỗi người mỗi năm chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt một lần. Trường hợp trong năm đó sau khi được giảm thời hạn chấp hành hình phạt mà có lý do đặc biệt đáng được khoan hồng như lại lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được xét giảm thêm tối đa là hai lần trong một năm.”

Điều 1 Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP bổ sung một số hướng dẫn của nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP và nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP bổ sung quy định về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt như sau:

“Trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù, có đủ các điều kiện được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù và phần hình phạt tù còn lại mà họ phải chấp hành là dưới 3 tháng thì mức giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù có thể bằng thời hạn tù còn lại nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai hình phạt đã tuyên theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 58 của Bộ luật hình sự".

Như vậy, anh bạn có thể được giảm án nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau:

- Đã chấp hành được ít nhất 16 tháng tù (1/3 mức án đã tuyên);

- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; thành thật hối cải, tích cực lao động, học tập;

- Không vi phạm chế độ, nội quy của Trại giam;

-  Được cơ quan thi hành án phạt tù đề nghị bằng văn bản xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các điều kiện tha tù trước thời hạn được quy định tại Điều 66 Bộ Luật Hình sự 2015 như sau:

“1. Người đang chấp hành án phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Phạm tội lần đầu;

b) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;

c) Đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên;

d) Có nơi cư trú rõ ràng;

đ) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự;

e) Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.

Trường hợp người phạm tội là thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì thời gian đã chấp hành ít nhất là một phần ba hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn;

g) Không thuộc một trong các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Không áp dụng quy định của Điều này đối với người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người bị kết án về tội xâm phạm an ninh quốc gia; tội khủng bố; tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh hoặc người bị kết án từ 10 năm tù trở lên đối với tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người; 07 năm tù trở lên đối với các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và sản xuất trái phép, mua bán trái phép, chiếm đoạt chất ma túy;

b) Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này.”

Thứ hai, về chế độ đặc xá theo quy định của pháp luật

Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt (khoản 1 Điều 3 Luật Đặc xá 2007).

Anh bạn có thể đề nghị được đặc xã nếu thỏa mãn các điều kiện theo quy định tại Điều 10 Luật Đặc xá 2007:

“1. Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chấp hành tốt quy chế, nội quy của trại giam, trại tạm giam; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 b) Đã chấp hành hình phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quyết định nhưng ít nhất là một phần ba thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành hình phạt tù; ít nhất là mười bốn năm đối với hình phạt tù chung thân;

c) Đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.”

Đồng thời không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 11 Luật đăc xá 2007:

“Người có đủ điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này không được đề nghị đặc xá trong các trường hợp sau đây:

1. Bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

2. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác;

3. Trước đó đã được đặc xá;

4. Có từ hai tiền án trở lên;

5. Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.”.