Cách viết số 7 bảng chữ

Trong các lần đi thực tế, khi tiếp xúc với các em học sinh phổ thông, chúng tôi thường gặp một thắc mắc liên quan đến cách viết các chữ số. Chẳng hạn, nhiều em học sinh tiểu học có hỏi, đại loại là: Tại sao khi viết con số 7 chúng em lại bắt buộc phải thêm một dấu đánh ngang thân? Điều này có cần không vì đa số các sách, báo in người ta chỉ viết số 7 bằng một nét mà không cần dấu này? Ngay cả đối với một số giáo viên (đang dạy viết chữ) cũng có người kiến nghị là sách giáo khoa nên bỏ quy định như vậy đi vì chỉ làm cầu kỳ cách viết chứ không giải quyết được vấn đề gì.

Trước hết, phải nói rằng, các ký hiệu văn tự của chữ quốc ngữ tiếng Việt dựa trên cơ sở hệ thống ký tự của bảng chữ cái và chữ số Latin. Bảng chữ cái Latin(Alphabet)đã ra đời từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Tiếng Latin dùng 26 mẫu tự chữ cái và 10 mẫu tự chữ số. Hệ đếm (viết theo chữ số Ả Rập, khác với chữ số La Mã) dựa trên nền tảng cơ số 10, theo thứ tự của chữ số tự nhiên (0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9). Về cách viết, ngay từ thời cổ xưa đã tồn tại nhiều biến thể tự dạng. Song nói chung, các kiểu viết trên đều tuân thủ các biểu trưng đồ hình không khác nhau là mấy. Vì vậy mà dù tiếp xúc với nhiều loại văn bản rất đa dạng về kiểu dáng trang trí chữ nhưng ít khi chúng ta bị nhầm lẫn.

Trong các chữ số, riêng con số 7 có cách viết hơi đặc biệt. Đó là sự khác nhau giữa chữ số viết tay và chữ số in. Khi viết tay, người ta thường thêm một nét sổ ngang thân (giống như thêm một trục hoành trên chữ thập). Theo Từ điển Bách khoa Larousse (Pháp) thì cách viết này có từ thế kỷ 12 và rõ nét nhất là từ thế kỷ 15. Người ta đã tìm thấy bút tích chữ số 7 kiểu này trong các bức vẽ sáng tạo mẫu chữ của danh hoạ Leonardo da Vinci (hoạ sĩ nổi tiếng người Ý, 1452 - 1519). Trong các mẫu chữ, mọi hệ chữ nói chung đều chia thành 2 loại: chữ có nét chân và chữ không có nét chân(nét trơn).Hiện nay, trên máy tính (phần mềm soạn thảo văn bản Microsoft Office, mã Unicode), ta vẫn gặp các kiểu chữ có chân như: Times New Roman, Century Schoolbook, Garamond...; chữ không chân như Arial, Tahoma, Candara... Dù là theo kiểu trang trí nào, có sáng tạo đến mấy, người ta vẫn phải tuân thủ cách vẽ số và chữ cho đúng để không gây nhầm lẫn khi nhận dạng.

Trở lại cách viết con số 7. Dấu ngang giữa con số này không phải chỉ để trang trí mà nó cũng có chức năng khu biệt. Bởi vì, khi viết tay, người ta viết thoáng, nên dấu ngang trên bắt đầu của số 7 thường không đạt đủ độ dài và không lượn sóng. Cách viết như vậy đôi khi làm cho chữ số 7 dễ bị nhầm với chữ số 1 (tuy số 1 có nét ngang ngắn hơn và chúc xuống về bên trái). Chính vì thế mà dấu sổ ngang thân của số 7 kia có tác dụng phân biệt rạch ròi 2 số (1 và 7) khi nó đứng cạnh nhau. Cũng như vậy, chữ H hoa cũng được thêm một dấu sổ dọc ở giữa, để phân biệt với chữ X vốn có tự dạng khá giống nhau khi viết tay hai chữ hoa này (khi viết nhanh, các nét chữ của chữ X hoa có thể rời nhau, nom na ná như chữ H).

Như vậy, dù số 7 phải thêm gạch ngang đúng là có vẻ hơi cầu kỳ và mất công một chút khi viết (trong các sách hướng dẫn viết chữ số, nét ngang trong số 7 được thiết kế theo đồ hình, nằm hơi cao so với chân chữ), nhưng chúng ta không nên bỏ đi thao tác này khi dạy cho các em học sinh mới tập viết bảng chữ số. Đó là kỹ năng viết đúng chính tả mà mọi học sinh ngồi trên ghế nhà trường cần phải làm quen và tuân thủ. Khi các em đã thuần thục rồi, các em có thể sử dụng cách viết bỏ sổ ngang trên số 7 tuỳ trường hợp. Tất nhiên là phải viết rõ ràng, chuẩn xác. Điểm 1 và điểm 7 cách nhau một trời một vực đấy. Vì vậy mà khi chấm bài, theo quy định, các giáo viên sau khi cho điểm bằng số vẫn phải mở ngoặc đơn ghi chính xác bằng chữ điểm số này, tránh gây phiền hà rắc rối khi vào sổ.