Cách sắp xếp văn bản pháp lý trong dự án năm 2024

Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật là việc tập hợp, sắp xếp các văn bản quy phạm pháp luật đã được rà soát, xác định còn hiệu lực theo các tiêu chí quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

Về bản chất, hoạt động hệ thống hóa văn bản không làm thay đổi tình trạng hiệu lực cũng như nội dung của văn bản được hệ thống hóa. Đây được xem là công cụ hữu hiệu để “tập hợp, sắp xếp” một cách khoa học, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc hệ thống pháp luật theo các tiêu chí nhất định. Nội dung cơ bản của hoạt động hệ thống hóa văn bản chính là việc tập hợp, sắp xếp các văn bản quy phạm pháp luật đã được rà soát, xác định còn hiệu lực. Tuy nhiên, thông qua việc thực hiện hệ thống hóa, cơ quan nhà nước cũng tập hợp, sắp xếp các danh mục văn bản, bao gồm: Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần; Danh mục văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực; Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần đình chỉ thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới.

Mục đích hệ thống hóa văn bản:

Để điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành số lượng vô cùng lớn các văn bản quy phạm pháp luật với sự đa dạng về lĩnh vực điều chỉnh, cơ quan ban hành và hình thức (loại) văn bản cùng tồn tại trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Theo đó, nếu không có sự sắp xếp khoa học thì việc tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật nhìn ở góc độ hệ thống sẽ gặp khó khăn, lúng túng. Bởi lẽ, hoạt động rà soát thường xuyên chủ yếu mới chỉ xác định được hiệu lực của từng văn bản đơn lẻ. Do vậy, để có thể tra cứu dễ dàng những thông tin liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật, người sử dụng cần đến nguồn dữ liệu mà tại đó văn bản không chỉ được tập hợp đầy đủ về số lượng mà còn được sắp xếp khoa học, có tính hệ thống. Để đáp ứng yêu cầu này, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã tiếp tục kế thừa quy định về hoạt động hệ thống hóa văn bản tại Nghị định số 16/2013/NĐ-CP. Cụ thể, sản phẩm của hoạt động này là Tập hệ thống văn bản còn hiệu lực và các quy định pháp luật hiện hành về rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL danh mục văn bản được sắp xếp theo từng lĩnh vực cụ thể, theo thứ bậc hiệu lực, thời gian ban hành... Đây là những tiêu chí cơ bản giúp người sử dụng có thể giới hạn được phạm vi tìm kiếm, tiết kiệm thời gian khi tra cứu, áp dụng và thực hiện pháp luật, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật. Đồng thời, thông qua việc công bố các Tập hệ thống văn bản còn hiệu lực và các danh mục văn bản, hoạt động hệ thống hóa văn bản còn hướng tới mục đích quan trọng là phục vụ công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Sản phẩm của hoạt động hệ thống hóa văn bản sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý có điều kiện đánh giá, nhìn nhận lại một cách có hệ thống về kết quả, hiệu quả thực tế của hoạt động lập pháp, từ đó có những định hướng quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, sản phẩm của hoạt động hệ thống hóa văn bản cũng được sử dụng trực tiếp phục vụ việc cập nhật thông tin của văn bản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định khoản 2 Điều 14 Nghị định số 52/2015/NĐ-CP về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

Nguyên tắc thực hiện hệ thống hóa văn bản .

Xuất phát từ mục đích, bản chất của hoạt động hệ thống hóa văn bản, tại Điều 138 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã quy định rõ nguyên tắc thực hiện hoạt động này. Theo đó:

- Việc hệ thống hóa văn bản phải được tiến hành định kỳ, đồng bộ; kịp thời công bố Tập hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực và các danh mục văn bản. Đây là nguyên tắc cơ bản, quan trọng của hoạt động hệ thống hóa văn bản. Để cụ thể hóa nguyên tắc định kỳ, tại Điều 164 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã quy định hoạt động hệ thống hóa văn bản theo định kỳ và việc công bố kết quả của hoạt động này phải được thực hiện 05 (năm) năm một lần, thời điểm ấn định văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa là ngày 31 tháng 12 của năm thứ năm tính từ thời điểm hệ thống hóa kỳ trước. Quy định về thời điểm ấn định văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa như vậy cùng với quy định về thời điểm công bố kết quả hệ thống hóa văn bản định kỳ sẽ bảo đảm nguyên tắc đồng bộ của hoạt động hệ thống hóa văn bản từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, hệ thống pháp luật sẽ được đánh giá một cách toàn diện, mang tính hệ thống trong phạm vi cả nước.

- Việc hệ thống hóa văn bản cũng phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ đúng trình tự thực hiện hệ thống hóa quy định tại Điều 167 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.