Cách hướng dẫn thực tập chủ nhiệm

Năm nào cũng vậy, thời gian vừa nghỉ Tết Nguyên đán xong là học sinh phổ thông lại nô nức, vì đã đến “mùa” sinh viên ngành sư phạm tỏa về “thực tập” ở các trường phổ thông. Dù chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng đối với các em học sinh, không gì vui và thích thú hơn là được “thay đổi” không khí học tập khi trong trường “xuất hiện” thêm những “thầy cô mới” rất trẻ, rất đẹp và rất…tâm lý! Được đón nhận một cách nồng nhiệt từ phía nhà trường và các em học sinh, nhưng để đạt được thành công trong nhiệm vụ thực tập sư phạm, mà cụ thể là thực tập về công tác chủ nhiệm lớp, sinh viên ngành sư phạm cần chuẩn bị cho mình một số vấn đề cơ bản nhất.

Trước hết, đó là việc tìm hiểu về đặc điểm tâm sinh lý của đối tượng. Học sinh trung học phổ thông nhìn chung đang ở độ tuổi từ 16-18, là độ tuổi cơ bản đã bắt đầu có sự định hình về phát triển tinh thần lẫn thể chất. Tuy vậy, cá biệt vẫn còn một số em đang có nhiều diễn biến phức tạp trong sự phát triển tâm sinh lý giống như còn ở độ tuổi trung học cơ sở. Ở cấp học này, đa phần học sinh nữ tỏ ra “chín chắn” hơn học sinh nam trong suy nghĩ và tính cách, tuy nhiên về năng lực học tập và mức độ sáng tạo thì học sinh nam có phần trội hơn. Độ tuổi này học sinh thích tự khẳng định mình, các em muốn được có cơ hội thể hiện tính tự chủ, tài năng, sự sáng tạo, năng khiếu, bản lĩnh… Các em thích quan tâm những vấn đề mới, hay, lạ và độc đáo, những thông tin, sự kiện mới nảy sinh trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Thích tìm hiểu, thích khám phá là ưu điểm nổi bật của các em. Tuy vậy, các em chưa hoàn toàn độc lập được trong các mặt hoạt động và học tập, các em vẫn rất cần có sự trợ giúp, định hướng đúng mực của người lớn trong công việc và đời sống hàng ngày. Trên bình diện chung là vậy, nhưng bước vào nhận một lớp “chủ nhiệm” cụ thể nào đó, sinh viên thực tập cần lập tức “phân loại” được đối tượng, xác định được mặt mạnh, yếu của tập thể lớp và từng nhóm hay cá nhân học sinh cụ thể, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch chủ nhiệm hoặc đề xuất các loại hoạt động phù hợp với tình hình của lớp, của trường trong quá trình thực tập của mình.

Nắm rõ tình hình nhà trường là yếu tố quan trọng kế tiếp. Vì “tập thể lớp” mà mình được phân công chủ nhiệm là một phần tử nhỏ hoạt động nhịp nhàng trong “guồng máy” chung của tổng thể nhà trường, chịu sự quản lý, định hướng về chuyên môn, phong trào… của Ban lãnh đạo cũng như các đoàn thể trong trường. Mỗi đơn vị lớp chính là trung tâm của trường học, hoạt động của lớp gắn liền với nhiều mảng trong nhà trường, từ chuyên môn, đoàn, hội, thư viện, y tế…. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu rõ về tình hình, thực trạng, chất lượng học tập của lớp, nắm rõ đặc điểm của từng giáo viên bộ môn đang trực tiếp giảng dạy môn học ở lớp mình chủ nhiệm cũng là một nội dung quan trọng mà sinh viên thực tập phải lưu ý.

Tâm lý chung của học sinh phổ thông là chuộng “cái mới”, do vậy sau thời gian dài học tập với những giáo viên “cũ” của trường, các em đã quen với những quy định, nề nếp, phong cách, cá tính, đặc điểm đứng lớp… của những thầy cô khá “đứng tuổi”, do vậy trong suy nghĩ của các em cũng có phần hơi “nhàm chán” với một nhịp điệu đã quen thuộc thường ngày. Đặc biệt là với những giáo viên chủ nhiệm lâu năm, có nhiều kinh nghiệm về “quản” học sinh thì thường hay “khe khắt” và cũng do khoảng cách chênh lệch về độ tuổi cho nên đôi lúc các em cảm thấy như bị ràng buột trong một khuôn khổ nhất định nào đó! Bởi vậy, các em rất phấn khởi, hào hứng, giống như được đón nhận “luồng gió mới” khi đến một ngày bỗng dưng lớp có thêm thầy hoặc cô chủ nhiệm mới là những sinh viên trẻ trung, tươi vui, xinh đẹp và …dễ tính! Có thể nói đây chính là lợi thế đầu tiên góp phần giúp cho sinh viên thực tập thành công trong công tác chủ nhiệm lớp.

Học sinh ở độ tuổi trung học phổ thông thường cởi mở, dễ gần, thích chia sẻ, dễ tiếp xúc, đặc biệt khi có được sự đồng cảm thì các em lại càng sẵn sàng bộc lộ, bày tỏ những suy nghĩ, cảm nhận, ước muốn của mình. Có thầy cô chủ nhiệm trẻ, nhiệt tình, tâm lý, lại gần như cùng trang lứa do khoảng cách chênh lệch về tuổi tác không lớn, cho nên các em không chút do dự “thổ lộ” tất cả mọi chuyện, nhất là những chuyện “bí mật”, mà điều này có khi các em “giấu nhẹm” với những thầy cô cũ của mình! Có khi từ những thông tin “dạng” này mà giúp thầy cô chủ nhiệm mới giải quyết được những vấn đề nảy sinh của lớp trong quá trình thực tập, ví như chuyện xích mích, mất đoàn kết trong nội bộ lớp, hay tìm hiểu lý do vì sao có học sinh bỗng dưng buồn chán, sa sút trong học tập, nghỉ học nhiều, hay những mâu thuẫn khác giữa học sinh với nhau ở trong và ngoài lớp, trong và ngoài trường…

Điều đặc biệt cần quan tâm là bước đầu nhận nhiệm vụ, sinh viên thực tập phải dành thời gian tiếp cận, học hỏi, tìm hiểu, nắm bắt đặc điểm, tình hình lớp từ giáo viên chủ nhiệm cũ và thường xuyên liên hệ chặt chẽ, nhờ vào sự trợ sức của giáo viên chủ nhiệm cũ trong mọi tình huống. Cần xem giáo viên chủ nhiệm cũ như một chổ dựa cả về mặt đánh giá chuyên môn và học hỏi kinh nghiệm. Tôn trọng ý kiến đóng góp, định hướng của giáo viên chủ nhiệm cũ, tuyệt đối không để học sinh vì quá yêu mến chủ nhiệm mới mà đi quá đà, bỏ qua vai trò của chủ nhiệm cũ trong tất cả mọi tình huống. Tuy vậy, để thành công trong công tác chủ nhiệm trong thời gian thực tập, vấn đề bản lĩnh và năng lực cá nhân của sinh viên mới là yếu tố quyết định. Muốn vậy, đòi hỏi mỗi sinh viên phải nỗ lực, tận tâm với công việc, phát huy năng khiếu, sở trường, biết huy động các nguồn lực, không ngại khó, sát cánh cùng với học sinh trong mọi hoạt động. Luôn chú ý tạo hình ảnh đẹp trước học sinh bằng phong thái chững chạc, ăn mặc lịch sự, tác phong chuẩn mực, lời nói nhã nhặn, cử chỉ từ tốn, công việc chu đáo… Đầu tư, chuẩn bị kỹ cho mỗi tiết lên lớp, kể cả dạy chuyên môn hay sinh hoạt lớp, lao động, sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp… Cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình với các phương án thực hiện khả thi, hiệu quả. Sáng tạo luôn là yếu tố hàng đầu, cần mạnh dạn đề xuất với nhà trường, với giáo viên chủ nhiệm cũ những cách làm mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả tốt trong công tác chủ nhiệm của mình.

Lợi thế lớn nhất của sinh viên khi về thực tập chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông là nhờ trẻ tuổi nên có dư thừa sự năng động, nhạy bén, có tư duy đổi mới và am hiểu tâm lý học sinh. Vậy nên, các bạn sinh viên cần phát huy tối đa lợi thế này. Đó là, tạo sự hấp dẫn phong phú trong mỗi bài giảng, trong từng tiết dạy, tiết sinh hoạt trên lớp bằng việc đầu tư kỹ trong khâu soạn giảng. Nên nhớ là khi học với thầy cô mới, học sinh sẽ để ý quan sát kỹ, so sánh, thậm chí nhận xét, đánh giá về nội dung, hình thức, về năng lực, kiến thức, khả năng truyền tải…. của thầy cô mới. Mặc dù điều này trước đó không hề xảy ra khi các em học với những thầy cô cũ có dày dạn kinh nghiệm. Cho nên khi soạn giáo án, ngoài việc đảm bảo yêu cầu chung về chuyên môn còn phải thiết kế thêm những phần mềm sinh động, vui tươi, linh hoạt, nhiều màu sắc; cũng như khi thực hiện các tiết sinh hoạt ngoại khóa cho lớp cần phải tươi mới, sôi nổi, sáng tạo, chọn lọc nội dung gắn với sở thích, nguyện vọng, phù hợp tâm lý của học sinh. Học sinh không chỉ chuộng hình thức bên ngoài, mà các em còn đòi hỏi vốn kiến thức sâu rộng, vốn sống phong phú, phẩm chất, năng lực sư phạm và tính “trí tuệ” cao ở những người gọi là thầy cô của mình, cho dù chỉ trong một thời gian ngắn. Bởi vậy, mỗi ngày, mỗi tiết lên lớp đối diện với học sinh, nhất thiết phải chuẩn bị thật kỹ, thật chu đáo, từ nội dung đến hình thức, từ những tình tiết dẫn dắt cho đến phương pháp, lối ứng xử…. Trên nguyên tắc chung là tôn trọng học sinh, cho dù các em là học sinh giỏi hay học sinh yếu kém, có những trình độ nhận thức khác nhau, vì vậy mà sinh viên thực tập không thể qua loa chiếu lệ hay cẩu thả khi thực hiện những việc làm hàng ngày trong công tác chủ nhiệm của mình.

Tận tụy với học trò trong những hoạt động ngoài giờ cũng là một phẩm chất quý mà trong thời gian thực tập sinh viên cần phải thể hiện. Đừng ngại khó khăn, nên dành ra ít thời gian để đi vận động học sinh bỏ học nếu có. Hoặc cùng với tập thể lớp đến gia đình thăm học sinh bị bệnh. Hay tình nguyện kèm cặp cho học sinh yếu kém ở bộ môn mà mình đảm trách. Hỗ trợ giúp đỡ học sinh nghèo. Cùng học sinh tham gia các hoạt động phong trào do nhà trường tổ chức… Có như vậy, thầy cô chủ nhiệm mới sẽ thấy mình thật sự “hòa nhập” được với tập thể lớp, cùng lo lắng vui buồn, cùng hồi hộp với các em trong những phong trào tham gia hay những kết quả thi đua mà lớp đạt được. Và đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá về tinh thần, thái độ của sinh viên vào cuối đợt thực tập.

Một số kỹ năng mềm cũng thật cần thiết cho những thầy giáo, cô giáo tập sự chuẩn bị bước vào nghề. Nói năng lưu loát, hát hay, đàn giỏi, có năng khiếu văn nghệ, chơi thể thao giỏi, biết quản trò, biết dàn dựng kịch bản, viết tiểu phẩm, thiết kế được những hoạt động tập thể. … chính là những thứ “vũ khí lợi hại” giúp cho sinh viên thực tập được học sinh ưu ái dành thật nhiều thiện cảm! Không cảm mến sao được khi một thầy giáo trẻ trung có nhiều tài lẻ, ngoài những giờ lên lớp còn hòa đồng với học sinh cùng đàn hát vô tư trong những buổi tập văn nghệ hoặc chơi thể thao hết mình trong các trận thi đấu hay giao lưu bóng chuyền, bóng đá! Đây là điều rất hiếm xảy ra đối với những thầy cô giáo cũ của các em, âu đó cũng chính là điểm khác biệt làm rút ngắn khoảng cách thầy trò giữa sinh viên thực tập và các em học sinh. Nhờ vậy mà trò sẽ không còn e dè ngán ngại đối với thầy, khi ấy thì thầy trò sẽ thoải mái cùng trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ nhau không chỉ là trong công tác quản lý lớp, mà có khi còn là những mối quan hệ thân thiết trong cuộc sống sau này.

“Mỗi ngày đến trường là một niềm vui” – đây là câu khẩu hiệu được nhiều trường phổ thông chọn làm phương châm cho mục tiêu giáo dục. Quan điểm này được quán triệt cho cả thầy và trò. Nhằm tạo nên một không khí dạy và học phấn khởi, hăng say, sôi động, vui tươi và đạt hiệu quả. Cho nên, thầy cô dạy bộ môn kiến thức hàn lâm khô khan đã đành, thì thầy cô chủ nhiệm phải “nghĩ” ra được những kế hoạch, chương trình nào đó để đem lại cho lớp bầu không khí phấn khởi, vui vẻ, giúp các em giảm bớt căng thẳng sau những giờ học tập mệt mỏi. Niềm vui mà các em có được không chỉ là việc được tiếp thu kiến thức mới, mà còn là việc các em được hưởng những giờ phút sinh hoạt hấp dẫn trong bầu không khí thắm đượm tình đoàn kết bạn bè; là những buổi tập thể lớp cùng nhau đi dã ngoại; là những khi bạn bè cùng bên nhau thưởng thức món ăn học trò; hay những lúc giải lao ngồi trong sân trường cùng “tám chuyện”, vẽ vời những dự định, mơ ước tương lai xa xôi… Biết, tôn trọng và tạo cho các em có được những niềm vui ấy cũng là một nhiệm vụ của chủ nhiệm. Tuy nhiên, với vai trò là một chủ thể quan trọng, thầy cô giáo cũng là tác nhân chủ yếu giúp cho trò có được niềm vui đến trường. Gác lại sau lưng cuộc sống đời thường, cho dù có gặp chuyện gì khó khăn đến đâu, khi bước chân đến trường thầy cô cần phải mang tâm trạng vui vẻ, nét mặt tươi tỉnh, cử chỉ lịch sự, phong thái ung dung, trang phục tao nhã…. Để khi đứng trước học trò, thầy cô bao giờ cũng tạo được sự tin tưởng và mang lại cho trò niềm vui trong học tập.