Các chủ thể tham gia thị trường là ai

Các chủ thể tham gia vào thị trường tài chính có thể chia thành 4 nhóm chủ yếu sau: 

1. Các nhà phát hành

Các nhà phát hành là những người đi vay trên thị trường tài chính. Các nhà phát hành thông qua phát hành chứng khoán để huy động vốn tài trợ cho các hoạt động của mình.

Những phân tích về các công cụ lưu thông vốn trên thị trường tài chính ở trên cho thấy không phải mọi chủ thể trong nền kinh tế đều có thể trở thành nhà phát hành để huy động vốn trên thị trường tài chính. Chỉ những chủ thể kinh tế có tiềm lực tài chính lớn, uy tín cao thì mới có thể tham gia vào thị trường tài chính. Những chủ thể đó bao gồm Chính phủ, các doanh nghiệp lớn. Chính phủ nhờ nắm được quyền thu thuế nên thường được coi là nguy cơ mất khả năng trả nợ rất thấp. Chính vì vậy chính phủ gặp rất nhiều thuận lợi trong việc huy động vốn. Chi phí huy động vốn của chính phủ luôn thấp nhất trên thị trường. Tiếp theo chính phủ là những doanh nghiệp lớn. Đây là những doanh nghiệp hoạt động lâu năm trên thị trường, tình hình tài chính tốt. Thông tin về những doanh nghiệp này có thể dễ dàng tiếp cận nên những người cho vay có cơ hội tìm hiểu rõ và yên tâm khi quyết định cho vay. Doanh nghiệp càng có tiềm lực tài chính lớn, uy tín cao thì càng có cơ hội có thể huy động vốn với chi phí rẻ.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ gia đình không thể thông qua hoạt động phát hành để vay trên thị trường tài chính vì uy tín và tiềm lực tài chính quá nhỏ, không đủ làm cho những người cho vay tin tưởng. Hơn nữa, quy mô mỗi đợt phát hành trên thị trường tài chính thường rất lớn, vì nếu quy mô nhỏ thì sẽ kém hiệu quả, đây cũng chính là rào cản đối với các doanh nghiệp chỉ có nhu cầu huy động vốn trung bình.

2. Các nhà đầu tư

Các nhà đầu tư trên thị trường tài chính là những người đi vay. Bằng cách đầu tư (mua) vào các chứng khoán, các nhà đầu tư đã nhường cho nhà phát hành quyền sử dụng khoản vốn của mình theo những điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng phát hành chứng khoán.

Các nhà đầu tư trên thị trường tài chính rất đa dạng, từ chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính đến các cá nhân. Các chủ thể đầu tư được chia làm hai nhóm là các nhà đầu tư có tổ chức và các nhà đầu tư riêng lẻ. Các nhà đầu tư có tổ chức hoạt động đầu tư rất chuyên nghiệp, với quy mô lớn, và có ảnh hưởng mạnh tới nhu cầu của thị trường. Các nhà đầu tư riêng lẻ thường có vốn nhỏ, tính chuyên nghiệp không cao, nhiều khi lại là nhân tố làm nhiễu các tín hiệu thị trường do các hành động đầu tư không cân nhắc, theo phong trào.

3. Các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ

Đây là các công ty cung cấp các dịch vụ nhằm hỗ trợ cho các hoạt động mua bán chứng khoán trên thị trường tài chính.

Trước tiên phải kể đến các Sở giao dịch. Các sở giao dịch thường được tổ chức theo mô hình công ty. Các Sở giao dịch cung cấp các dịch vụ mua bán, thanh toán cho các nhà phát hành và nhà đầu tư. Cung cấp các dịch vụ tương tự là các công ty cung cấp các dịch vụ mua bán chứng khoán trực tuyến. Nổi tiếng và thành công nhất hiện nay là hệ thống NASDAQ (National Association of Securities Dealers Automated Quotations) do công ty Nasdaq Stock Market, Inc thành lập năm 1971.

Nhóm các công ty cung cấp các dịch vụ tiếp theo là các công ty cung cấp dịch vụ lưu ký chứng khoán, lưu giữ, quản lý các chứng khoán hộ cho các nhà đầu tư. Thường các ngân hàng thương mại sẽ cung cấp các dịch vụ này.

Cuối cùng là các công ty cung cấp thông tin như các công ty định mức tín nhiệm (cung cấp các dịch vụ đánh giá về khả năng trả nợ của các nhà phát hành trên thị trường tài chính), công ty  cung cấp thông tin tài chính (thông tin về giá các chứng khoán, các chỉ số tài chính...). Các công ty cung cấp dịch vụ thông tin tên tuổi trên thế giới là Moody's, Standard & Poor's (cung cấp dịch vụ định mức tín nhiệm cho ngành chứng khoán), Bet's (cho ngành bảo hiểm), Bloomberg, Reuters cung cấp các thông tin tài chính v.v...

4. Các nhà quản lý

Đây là các cơ quan nhà nước hoặc được nhà nước ủy thác để quản lý, giám sát hoạt động của thị trường tài chính nhằm đảm bảo cho thị trường hoạt động được an toàn và phục vụ cho các mục tiêu kinh tế - xã hội của nhà nước.

Cơ quan quản lý đầu tiên phải đề cập đến là Ngân hàng Trung ương. Ngân hàng trung ương với quyền phát hành tiền có khả năng tác động tới các biến số kinh tế vĩ mô quan trọng đối với thị trường tài chính như lạm phát, lãi suất, vốn khả dụng của các ngân hàng, qua đó ảnh hưởng lớn tới tình hình hoạt động trên thị trường tài chính.

Tiếp theo là Bộ Tài chính, cơ quan có nhiệm vụ hoạch định và thực thi chính sách tài chính nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô của nhà nước. Hoạt động của Bộ Tài chính có ảnh hưởng lớn tới thị trường tài chính.

Ủy ban chứng khoán quốc gia, Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là các tổ chức được nhà nước thành lập để giám sát hoạt động hoặc ngăn ngừa khủng hoảng cho thị trường tài chính.

Trên tầm quốc tế, các tổ chức như Ngân hàng thế giới (World Bank), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cũng là những tổ chức có khả năng ảnh hưởng lớn tới các hoạt động tài chính quốc tế, thậm chí cả hoạt động tài chính của các quốc gia thành viên. 

Nguồn: Ths. Đặng Thị Việt Đức - Ths. Phan Anh Tuấn (Quantri.vn biên tập và hệ thống hóa)

Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán là gì? Mời quý khách hàng cùng theo dõi bài viết dưới đây của công ty Luật ACC để biết thông tin cụ thể về các thắc mắc trên.

Các chủ thể tham gia thị trường là ai
Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán

Uỷ ban chứng khoán Nhà nước được thành lập theo Nghị định số 75/CP ngày 28/1/1996 của Chính phủ. Đây là cơ quan trực thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng tổ chức và quản lý Nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán quản lý việc cấp phép, đăng ký phát hành và kinh doanh chứng khoán, tổ chức công tác thanh tra, giám sát các hoạt động giao dịch, mua bán chứng khoán,… để đảm bảo thị trường hoạt động ổn định, công bằng và minh bạch.

Bộ máy làm việc của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước gồm có:

  • Vụ phát triển thị trường
  • Vụ quản lý phát hành chứng khoán
  • Vụ quản lý kinh doanh chứng khoán
  • Vụ quan hệ quốc tế
  • Vụ tổ chức cán bộ và đào tạo
  • Thanh tra
  • Văn phòng

Theo Nghị định 48/1998/NĐ-CP ngày 11/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm giao dịch chứng khoán. Quyết định 128/1988/QĐ-UBCK5 ngày 1/8/1998 của Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước thì Trung tâm giao dịch chứng khoán là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Uỷ ban chứng khoán Nhà nước có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng.

Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM thực hiện các chức năng: tổ chức, quản lý điều hành việc mua bán chứng khoán; quản lý điều hành hệ thống giao dịch chứng khoán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ việc mua bán chứng khoán, dịch vụ lưu ký chứng khoán; đăng ký chứng khoán, thanh toán bù trừ đối với các giao dịch chứng khoán; công bố thông tin về hoạt động giao dịch chứng khoán; kiểm tra giám sát các hoạt động giao dịch chứng khoán và một số nhiệm vụ khác.

Tổ chức của Trung tâm giao dịch chứng khoán gồm có Ban giám đốc điều hành và 8 phòng chức năng:

  • Phòng Quản lý giao dịch
  • Phòng Đăng ký – Lưu ký – Thanh toán bù trừ
  • phòng Quản lý Niêm yết
  • Phòng Giám sát thị trường
  • Phòng Công bố thông tin
  • Phòng Công nghệ tin học
  • Phòng Quản lý thành viên
  • Phòng Hành chính – Nhân sự

Theo Quyết định số 04/1998/QĐ-UBCK3 ngày 13/10/1998 của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, các công ty chứng khoán được thành lập dưới hình thức pháp lý là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm nhiệm hữu hạn. Đó là những tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân, có vốn riêng và hạch toán kinh tế độc lập.

Tuỳ theo vốn điều lệ và đăng ký kinh doanh mà một công ty có thể thực hiện một hoặc một số nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán: môi giới chứng khoán, tự doanh, quản lý danh mục đầu tư, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư và lưu ký chứng khoán.

Theo các văn bản pháp lý hiện hành, các tổ chức được phép phát hành chứng khoán ở Việt Nam bao gồm:

  • Chính phủ: phát hành tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc và trái phiếu đầu tư.
  • Chính quyền địa phương: phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án và các nhu cầu chi tiêu của chính quyền địa phương.
  • Các công ty cổ phần (bao gồm cả doanh nghiệp cổ phần hóa và công ty cổ phần mới thành lập): phát hành cổ phiếu (cổ phiếu phổ thông, cổ phiếu ưu đãi biểu quyết, cổ phiếu ưu đãi cổ tức và cổ phiếu ưu đãi hoàn lại) và trái phiếu doanh nghiệp.
  • Các doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn: phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
  • Các quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ: phát hành chứng chỉ quỹ đầu tư.

Tuy nhiên, trên thực tế tham gia phát hành chứng khoán trong thời gian qua chủ yếu là Chính phủ, các Ngân hàng thương mại quốc doanh, một số doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa. Các chủ thể còn lại (ngoài chứng khoán phát hành lần đầu khi thành lập công ty, nếu có), hầu như chưa triển khai phát hành chứng khoán.

Theo các văn bản pháp luật hiện hành, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam bao gồm: cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp, các công ty bảo hiểm… Tuy nhiên, tuỳ theo đặc điểm của mỗi loại thị trường mà mức độ tham gia của các nhà đầu tư có khác nhau.

Trên thị trường đấu thầu tín phiếu và trái phiếu kho bạc, các nhà đầu tư chủ yếu là các ngân hàng thương mại quốc doanh và một số tổ chức Bảo hiểm quen thuộc. Các thành viên khác như ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam… hầu như không tham gia, hoặc tham gia đặt thầu với lãi suất cao nên rất ít khi trúng thầu.

Trên thị trường bán lẻ trái phiếu qua hệ thống kho bạc nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại, Trung tâm giao dịch chứng khoán. Các nhà đầu tư tham gia thị trường thường là nhà đầu tư cá thể và chủ yếu là nhà đầu tư trong nước.

Thời gian gần đây đã bắt đầu xuất hiện một số nhà đầu tư nước ngoài (Anh, Trung Quốc, Công ty Bảo hiểm Prudential). Trên thị trường tự do, ngoài các nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng đã xuất hiện những nhà đầu tư cá nhân nước ngoài.

Ngoài các thành viên nêu trên, tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam còn có các tổ chức phụ trợ khác như: các tổ chức lưu ký, thanh toán bù trừ, các tổ chức kiểm toán…

Thành viên lưu ký của Trung tâm giao dịch chứng khoán bao gồm các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đủ điều kiện được Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép hoạt động lưu ký chứng khoán. Hiện nay, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam được chọn là ngân hàng chỉ định thanh toán.

Trên đây là toàn bộ nội dung trả lời cho câu hỏi Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán mà chúng tôi cung cấp đến cho quý khách hàng. Nếu có bất kỳ vấn đề vướng mắc cần giải đáp cụ thể, hãy liên hệ với Công ty luật ACC để được hỗ trợ:

Hotline: 1900.3330Zalo: 0846967979Gmail:

Website: accgroup.vn