Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng tây nguyên năm 2024

Văn hóa cồng chiêng của dân tộc K'Ho Lạc Dương là một bộ phận của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Nhận thức được giá trị và vai trò của văn hóa cồng chiêng, những năm qua, huyện Lạc Dương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Biểu diễn, giao lưu văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc K'Ho huyện Lạc Dương

Huyện Lạc Dương có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 66% dân số, đông nhất là người K'Ho. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của đồng bào dân tộc K'Ho dưới chân núi Lang Biang là một bộ phận của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại kể từ năm 2005.

Theo lãnh đạo huyện Lạc Dương, trong những năm qua, huyện luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên gắn với phát triển du lịch. Địa phương đã ban hành nhiều chương trình, đề án, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển du lịch chất lượng cao; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng… Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS.

Là địa phương có thế mạnh về du lịch, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của đồng bào dân tộc K'Ho huyện Lạc Dương dần trở thành sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch không chỉ phục vụ du lịch mà còn góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS thông qua hoạt động biểu diễn, giao lưu văn hóa cồng chiêng. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Lạc Dương có 17 câu lạc bộ, đội, nhóm cồng chiêng phục vụ nhu cầu của du khách. Trong đó có 8 nhóm cồng chiêng do các gia đình người DTTS tổ chức, 4 nhóm cồng chiêng của các công ty, doanh nghiệp, 5 nhóm cồng chiêng tại các xã hoạt động góp phần thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cũng như giải quyết công ăn việc làm cho trên 200 lao động địa phương. Các câu lạc bộ, đội, nhóm cồng chiêng trên địa bàn huyện hàng năm đón từ 800.000 đến 1,2 triệu lượt khách đến trải nghiệm. Từ đó góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy sự phát triển du lịch của địa phương.

Huyện Lạc Dương cũng đã triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa. Trong đó định kỳ hàng năm mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên trên địa bàn huyện; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị văn hóa các dân tộc. Bên cạnh đó, phục dựng các lễ hội của đồng bào dân tộc K'Ho trên địa bàn như: các nghi thức cúng lúa rẫy, lễ mừng lúa mới, lễ cưới của người K'Ho…

Đặc biệt, năm 2023, huyện Lạc Dương đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện Dự án “Làng truyền thống dân tộc K'Ho, thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais”. Đây là dự án được UBND tỉnh phê duyệt và thống nhất triển khai thực hiện thuộc Dự án “Bảo tồn mỗi một làng, bản truyền thống tiêu biểu của các DTTS” từ nguồn vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Dự án hướng đến sản phẩm du lịch văn hóa mang tính đặc thù, trong đó có biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên của đồng bào dân tộc K'Ho trên địa bàn huyện. Và hiện địa phương cũng đang triển khai Đề án “Xây dựng Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng xã Đưng K’nớ”. Qua đó góp phần bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc K'Ho gắn với phát triển du lịch cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giới thiệu quảng bá về văn hóa, con người huyện Lạc Dương.

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Chủ nhân của di sản văn hóa quý giá và đặc sắc này là 17 dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Á (Austro-Asian) và Nam đảo (Austronesian) sống trên khu vực cao nguyên trung bộ của Việt Nam.

Các cộng đồng cư dân nơi đây chủ yếu sống bằng canh tác nông nghiệp truyền thống. Họ đã phát triển nhiều loại hình nghề thủ công, sáng tạo ra nhiều phong cách trang trí và các kiểu nhà ở truyền thống độc đáo của mình.

Tín ngưỡng chủ đạo của cư dân nơi đây xuất phát từ tục thờ cúng tổ tiên, shaman giáo và thờ cúng vật linh. Gắn bó mật thiết với cuộc sống hằng ngày của cư dân và chu kỳ các mùa trong năm, những tín ngưỡng này hình thành nên một thế giới thần bí, nơi mà những chiếc cồng chiêng là chiếc cầu nối thông linh giữa con người, thần linh và thế giới siêu nhiên. Chứa đựng bên trong mỗi chiếc chiêng, chiếc cồng là một vị thần. "Cồng chiêng càng già thì thần linh càng mạnh và càng thiêng"*. Hầu như nhà nào cũng có cồng chiêng, thậm chí có gia đình có tới vài bộ. Điều này thể hiện sự giàu có và quyền thế, đồng thời cũng là vật che chắn, bảo vệ cho gia đình.

Bao ngàn đời nay, cồng chiêng gắn với Tây Nguyên như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng: từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới xin, lễ tiễn đưa người chết, lễ đâm trâu trong ngày bỏ mả, v.v. cho đến lễ cúng máng nước, mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ mừng nhà rông mới, v.v.

Có giả thuyết cho rằng văn hóa cồng chiêng bắt nguồn từ văn minh Đông Sơn, là nền văn hóa đồng thau xuất hiện tại Đông Nam Á. Cồng chiêng của Việt Nam rất đặc trưng so với cồng chiêng ở những khu vực khác do tính cộng đồng rất cao. Điều này thể hiện ở việc mỗi nhạc công đánh một chiếc. Từng thành viên trong dàn nhạc nhớ rõ từng tiết tấu của từng bài chiêng trong mỗi nghi lễ và kết hợp hài hòa với các nhạc công khác cùng chơi. Tùy theo từng nhóm dân tộc, cồng chiêng được đánh bằng dùi hoặc bằng tay; mỗi dàn cồng chiêng có khoảng từ 2 đến 13 chiếc có đường kính dao động từ 25 đến 120 cm.

Xưa nay, người Tây Nguyên không tự chế tác mà mua cồng chiêng của người Kinh từ các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, dân tộc Lào hoặc Campuchia, rồi về nắn chỉnh lại để có được âm thanh mong muốn. Mỗi một làng bản đều có một người chuyên lên chiêng (hay còn gọi là người chỉnh chiêng).

Các quá trình chuyển biến về kinh tế, xã hội và tín ngưỡng đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của các cộng đồng nơi đây. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành một Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của Nhân loại, bên cạnh niềm tự hào là một trách nhiệm hết sức nặng nề và to lớn. Cồng chiêng vốn là tài sản vô giá, được các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên sáng tạo và không ngừng phát huy, trao truyền lại bao đời nay. Chính vì vậy, đối mặt với những thử thách đó, Bộ Văn hóa - Thông tin đang chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng với cộng đồng có những hành động cụ thể nhằm khôi phục các giá trị truyền thống, trả lại cho cồng chiêng linh hồn và cuộc sống đích thực của nó.

Chủ đề