Xét nghiệm sinh hóa là gì

Máu chứa nhiều loại chất khác nhau thay vì chỉ riêng các tế bào máu như hồng cầu và bạch cầu. Các xét nghiệm sinh hóa máu là một trong những xét nghiệm phổ biến nhất được thực hiện để phát hiện và xác định rất nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, đây cũng là những thông số từ cơ bản đến phức tạp giúp bác sĩ đánh giá chức năng của các hệ thống cơ quan hoạt động tốt như thế nào qua các lần thăm khám sức khỏe tổng quát và thăm khám chuyên sâu.

Khám sức khỏe định kỳ có ý nghĩa như thế nào trong việc dự phòng bệnh tật?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có 11 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực hóa sinh lâm sàng.

Xét nghiệm sinh hóa máu là xét nghiệm với bệnh phẩm là máu nhằm đo lường nồng độ các chất hóa học nhất định trong mẫu máu (có thể bao gồm các chất điện giải, các loại chất béo, các loại protein, glucose ..) . Xét nghiệm hóa sinh máu cung cấp thông tin quan trọng về mức độ hoạt động của thận, gan và các cơ quan khác của người bệnh, Lượng chất bất thường trong máu có thể là dấu hiệu của bệnh hoặc tác dụng phụ của việc điều trị bệnh. Xét nghiệm hóa sinh máu được sử dụng để giúp chẩn đoán và theo dõi nhiều tình trạng bệnh lý trước, trong và sau khi điều trị.

Có nhiều loại xét nghiệm sinh hóa máu khác nhau được thực hiện trong thực hành thăm khám lâm sàng hằng ngày. Tuy nhiên, tùy vào từng bệnh cảnh, bác sĩ sẽ chỉ định đo lường xét nghiệm loại nào là phù hợp, tránh dư thừa không cần thiết. Trong đó, các chất sinh hóa quan trọng, phổ biến thường được chỉ định là men gan, chất đánh giá khả năng lọc của thận là creatinin, các chất điện giải, chất béo, đường, các loại protein. Đôi khi trong các bệnh lý chuyên biệt, bác sĩ sẽ cần khảo sát thêm nồng độ các loại hormone, vitamin và khoáng chất.

Trong lĩnh vực xét nghiệm của y khoa, chỉ định xét nghiệm sinh hóa máu được thực hiện rất phổ biến, như là một công cụ hỗ trợ chẩn đoán và điều trị với các vai trò quan trọng như sau:

  • Đánh giá chung khi thăm khám sức khỏe tổng quát
  • Kiểm tra chức năng một số cơ quan như thận, gan
  • Kiểm tra chức năng một số tuyến nội tiết như tuyến giáp, tuyến thượng thận, hệ sinh dục ..
  • Kiểm tra sự cân bằng nước và điện giải trong môi trường ngoại bào
  • Hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý và các tình trạng y khoa
  • Làm cơ sở để so sánh diễn tiến bệnh học hay đáp ứng điều trị trong tương lai.

2. Làm thế nào để thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu?

Xét nghiệm sinh hóa là gì

Cần nhịn ăn 6 -8 tiếng trước khi làm xét nghiệm

Đối với từng người bệnh đến khám, khi chỉ định xét nghiệm sinh hóa máu thì bác sĩ đã lựa chọn các chỉ số sinh hóa cần quan tâm để đo lường. Với chỉ định này, điều dưỡng hay kỹ thuật viên phòng xét nghiệm sẽ lấy một lượng máu vừa đủ của người bệnh tại vị trí tĩnh mạch trên tay. Mẫu bệnh phẩm sẽ được cho vào ống (tube) có chứa chất chống đông phù hợp, có dán định danh người bệnh (họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số PID duy nhất cho mỗi người bệnh – patient identification) , nhanh chóng đưa đến phòng xét nghiệm để thực hiện xét nghiệm ngay lập tức. Trong trường hợp chưa thể đưa máu đến phòng xét nghiệm, các ống bệnh phẩm cần được lưu trữ trong điều kiện thích hợp với yêu cầu của từng loại xét nghiệm được chỉ định, tránh để môi trường bình thường trở thành yếu tố gây nhiễu cho kết quả thu nhận.

Toàn bộ quá trình xét nghiệm sinh hóa máu đều thực hiện khép kín bằng máy móc với các thuốc thử chuyên biệt, từ lúc đưa bệnh phẩm vào máy cho đến lúc thu nhận kết quả (trừ một số xét nghiệm được thao tác thủ công theo quy trình). Sau khi kết quả được phòng xét nghiệm xem xét và phê duyệt sẽ được gửi trả lại cho bác sĩ chỉ định ban đầu. Phần bệnh phẩm dư thừa sau khi hoàn thành xét nghiệm sẽ được xử lý như rác thải y tế.

Cần lưu ý rằng, một số chỉ định xét nghiệm sinh hóa máu đòi hỏi người bệnh không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, trừ nước, trong một khoảng thời gian nhất định trước khi làm xét nghiệm. Ngoài ra, một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm sinh hóa máu. Do đó, người bệnh cần được dặn dò những điều này trước khi thực hiện xét nghiệm.

3. Các xét nghiệm sinh hóa máu thường được thực hiện là gì?

Xét nghiệm sinh hóa là gì

Xét nghiệm sinh hóa máu thường được đánh giá bằng khám sức khỏe tổng quát

Các xét nghiệm sinh hóa máu thường được thực hiện trong việc đánh giá khám sức khỏe tổng quát và thăm dò chức năng cơ quan, chẩn đoán bệnh lý bao gồm:

  • Chức năng gan

Gan là nội tạng lớn nhất của cơ thể, giữ nhiều vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa các chất (điều hòa đường huyết, tổng hợp và thoái hóa lipid, trao đổi và khử amin, tạo và bài tiết mật, khử độc nội sinh ..). Những xét nghiệm sinh hóa dùng trong đánh giá chức năng gan đo lường khả năng của gan đang hoạt động tốt như thế nào – trong đó các thông số chủ yếu về men gan – các enzyme giúp gan trao đổi và khử amin - là alanine transaminase (ALT), aspartate transaminase (AST), Gamma glutamyl transferase (GGT) và phosphatase kiềm (ALP). Nồng độ men gan cao có thể là dấu hiệu của viêm gan hay tổn thương tế bào gan.

Các xét nghiệm chức năng gan khác là đo nồng độ của bilirubin – sản phẩm của quá trình phân hủy huyết sắc tố từ hồng cầu. Nồng độ cao của bilirubin có thể chỉ ra các vấn đề về gan (do 80% bilirubin trong máu được tế bào gan giữ lại, chuyển hóa và bài xuất vào trong đường mật), do đó rối loạn chuyển hóa bilirubin (nồng độ bilirubin tăng cao trong các tế bào gan) sẽ dẫn đến quá trình trào ngược bilirubin vào dòng tuần hoàn và gây vàng da. Ngoài ra xét nghiệm ure máu, NH3 máu, Albumin máu cũng giúp bác sỹ đánh giá chức năng gan của bạn.

  • Chức năng thận

Thận là nơi đào thải chủ yếu các chất điện giải và các sản phẩm thoái hóa của protid và acid nucleic (ure, creatinine, acid uric ..) do đó những xét nghiệm sinh hóa chức năng thận được sử dụng để đánh giá các rối loạn chức năng thận và chẩn đoán, theo dõi điều trị các bệnh thận . Một trong những sản phẩm chuyển hóa quan trọng để đánh giá chức năng thận, đó là nitơ urê máu (BUN) và creatinin. Từ các chỉ số này, bác sỹ sinh hóa tính ra chỉ số mức lọc của cầu thận ước tính là eGFR cũng như hệ số thanh thải (clearance) - đây là thước đo mức độ thận lọc máu như thế nào. Nếu có bất kỳ nguyên nhân nào tác động lên chức năng lọc của thận, các sản phẩm này sẽ ứ lại trong máu và biểu hiện là tăng nồng độ trong máu, biểu thị trên kết quả xét nghiệm (vượt mức bình thường).

  • Điện giải

Các chất điện giải trong máu (bao gồm các loại khoáng chất và dịch mang điện tích ở dạng muối không tan ) đóng vai trò quan trọng trong hoạt động điện học trên màng các tế bào, dây thần kinh, duy trì cân bằng nội môi trong cơ thể, giúp điều hòa chức năng tim và thần kinh, cân bằng chất lỏng, phân phối oxy, cân bằng axit-bazơ và nhiều chức năng khác, chủ yếu bao gồm các bicarbonate, clorua, kali và natri.

Sự mất cân bằng điện giải có thể là do ăn quá nhiều hoặc giảm uống hay loại bỏ quá nhiều các chất điện giải cần thiết hoặc nước hoặc do các vấn đề về thận hay rối loạn chức năng chuyển hóa của các cơ quan khác.

Xét nghiệm sinh hóa là gì

Đánh giá chỉ số đường huyết bằng xét nghiệm

  • Đường huyết

Glucose là nguồn năng lượng chính của cơ thể, các tế bào trong cơ thể sử dụng glucose làm năng lượng trong quá trình chuyển hóa hiếu khí. Nguồn glucose được lấy từ thực phẩm ăn vào (các carbonhdrate – glucose ngoại sinh) và quá trình chuyển hóa glycogen thành glucose tại gan (chuyển hóa nội sinh). Dưới sự tác động và điều hòa của các hormone điều hòa nồng độ glucose trong cơ thể, nồng độ glucose trong máu sẽ tăng lên sau bữa ăn và giảm thấp vào khoảng giữa các bữa ăn nhưng luôn đảm bảo lượng Glucose trong máu luôn giữ ở một khoảng nồng độ nhất định. Vì vậy, để đánh giá chỉ số đường huyết được chính xác, người bệnh cần được dặn dò nhịn ăn ít nhất 8 đến 12 giờ trước khi lấy máu làm xét nghiệm.

Nếu lượng đường trong máu cao, đây có thể là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường hoặc kháng insulin. Tuy nhiên, việc xác định và chẩn đoán những bệnh lý này cần dựa trên ít nhất hai thông số cũng như đánh giá lặp lại, bởi lẽ việc điều trị đái tháo đường cần theo dõi và tuân thủ suốt đời.

  • Lipid máu

Lipid máu hay mỡ máu (là tên gọi chung cho các loại mỡ trong huyết thanh, bao gồm rất nhiều loại khác nhau) là một yếu tố nguy cơ chính gây xơ vữa động mạch, là nguyên nhân của các biến cố quan trọng trong các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Chính vì vậy, phát hiện sớm chứng rối loạn lipid máu thông qua sự tăng nồng độ các thành phần và điều trị là các phòng ngừa tiên phát hiệu quả đã được chứng minh.

Tương tự như glucose máu, xét nghiệm lipid máu cũng đòi hỏi người bệnh nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định (ít nhất 8h) . Đồng thời, vì quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể có sự tham gia của các thành phần trung gian khác nhau, các loại cholesterol thường được chỉ định trong lâm sàng là cholesterol toàn phần (thành phần quan trọng nhất, có trong hầu hết các mô và tổ chức của cơ thể, tham gia xây dựng cấu trúc tế bào, sản xuất hormone, vận hành chức năng não bộ, dự trữ vitamin), Lipoprotein cholesterol tỷ trọng thấp (LDL), Lipoprotein cholesterol tỷ trọng cao ((HDL) và triglyceride (vì không hòa tan trong nước nên cholesterol và các chất mỡ như triglyceride cần kết hợp với protein trở thành chất dễ tan trong nước là lipoprotein để dễ dàng di chuyển trong máu) do đó đây là 4 xét nghiệm chính để đánh giá nồng độ mỡ máu trong cơ thể bạn.

Xét nghiệm sinh hóa là gì

xét nghiệm lipid máu

  • Protein máu

Protein là một thành phần quan trọng có vai trò trong nhiều hoạt động chức năng của cơ thể, cung cấp thông tin về các vấn đề dinh dưỡng và giúp chẩn đoán bệnh lý tại gan, thận, đông máu ... Bất cứ sự thay đổi bất thường nào về hàm lượng protein máu đều có ý nghĩa phản ánh tình trạng sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề. Theo đó, kết quả protein máu quá cao hay quá thấp đều cần được tìm kiếm nguyên nhân, giúp cho bác sĩ phát hiện từ giai đoạn sớm của bệnh và có gợi ý chẩn đoán chính xác bệnh.

Khác với xét nghiệm đường huyết và lipid máu, xét nghiệm protein máu rất ít có sự tương quan với bữa ăn.

4. Kết quả xét nghiệm sinh hóa máu có ý nghĩa như thế nào?

Kết quả xét nghiệm sinh hóa máu thường được trình bày dưới dạng chữ số với đơn vị đo lường nồng độ tương ứng. Bên cạnh kết quả của người bệnh, khoảng giá trị tham chiếu của dân số bình thường cũng được thể hiện để hỗ trợ đưa ra nhận định kết luận là bình thường hay bất thường. Mặc dù vậy, việc kết luận kết quả còn phải phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm giới tính, tuổi tác và tiền sử bệnh lý trước đó cũng như bệnh cảnh hiện tại. Từ đó, bác sĩ sẽ có cách theo dõi diễn tiến của bệnh, đánh giá điều trị thích hợp.

Trong trường hợp người đi khám sức khỏe tổng quát nhận được kết quả bất thường, một xét nghiệm lặp lại là cần thiết. Nếu kết quả nhận được là bất thường, người bệnh cần được chuyển đến thăm khám đúng chuyên khoa, tìm kiếm các bệnh lý nghi ngờ và tiến hành điều trị sớm nếu có. Ngược lại, nếu các kết quả đều bình thường, những thông số này cũng cần được lưu trữ để làm giá trị tham chiếu cho các lần khám sau.

5. Khám sức khỏe tổng quát và chỉ định xét nghiệm sinh hóa máu tại Vinmec

Xét nghiệm sinh hóa là gì

Khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa bệnh tật

Ngày nay, nhờ vào trình độ học thức, chất lượng cuộc sống đã được nâng cao, việc chăm sóc sức khỏe định kỳ, phòng ngừa bệnh tật một cách chủ động đang trở nên phổ biến. Mọi người đã được trao quyền tiếp cận chủ động về sức khỏe của chính mình và nhờ có việc khám bệnh định kỳ, bác sĩ hỏi thăm về sức khỏe đôi khi sẽ giúp phát hiện ra bất thường mà chính bản thân chưa nhận thấy được. Từ đó, mọi người sẽ có chẩn đoán sớm, giúp điều trị bệnh sớm cũng như nhận được các lời khuyên y tế về một lối sống lành mạnh, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý thường gặp.

Chính vì những lợi ích nêu trên, với mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đưa ra các gói khám sức khỏe tổng quát và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp với từng đối tượng. Khách hàng sẽ được bác sĩ trực tiếp khai thác tiền sử bệnh bản thân và gia đình, đo huyết áp, chỉ số khối cơ thể, khám sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc cũng như các tư vấn trong từng tình huống.

Với đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp, trình độ cao và giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất hiện đại, hệ thống máy móc xét nghiệm tiên tiến, tối tân, việc khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec xứng đáng là một địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy, chất lượng đẳng cấp quốc tế của mọi người và của mọi gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để được giảm ngay 15% phí khám khi đặt hẹn khám lần đầu trên toàn hệ thống Vinmec (áp dụng từ 17/10 - 31/12/2022). Quý khách cũng có thể quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn tư vấn từ xa qua video với các bác sĩ Vinmec mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM:

  • Khai thác tiền sử bệnh tim khi khám sức khỏe tổng quát
  • Khai thác tiền sử bệnh thần kinh khi khám sức khỏe tổng quát
  • Cách hỏi tiền sử bệnh khi khám sức khỏe