Vì thầy bảo xin lỗi nên tớ xin lỗi cậu năm 2024

“NHỮNG lời xin lỗi có tác động mạnh mẽ. Chúng giải quyết những mâu thuẫn mà không dùng bạo lực, hàn gắn tình trạng rạn nứt giữa các quốc gia, giúp các chính phủ nhìn nhận sự đau khổ của những công dân xứ họ, và phục hồi mối quan hệ hài hòa giữa người với người”. Deborah Tannen, một tác giả rất được hâm mộ kiêm nhà ngôn ngữ-xã hội thuộc Đại Học Georgetown ở Washington, D.C., đã viết như trên.

Kinh Thánh xác nhận rằng một lời xin lỗi thành thật thường là cách hữu hiệu để hàn gắn một mối quan hệ sứt mẻ. Chẳng hạn, trong dụ ngôn của Chúa Giê-su về người con trai phá của, khi người con trở về nhà và chân thành xin lỗi, cha anh rất sẵn lòng đón nhận anh trở lại gia đình. (Lu-ca 15:17-24) Đúng vậy, một người không bao giờ nên quá kiêu ngạo, không chịu xin lỗi và xin tha thứ. Dĩ nhiên, đối với những cá nhân thành thật khiêm nhường, nói xin lỗi chẳng phải là điều quá khó.

Sức mạnh của lời xin lỗi

A-bi-ga-in, một phụ nữ khôn ngoan trong Y-sơ-ra-ên xưa, đã cho thấy sức mạnh của lời xin lỗi, dù bà xin lỗi về hành động sai trái của chồng. Khi trú ngụ nơi đồng vắng, Đa-vít, người sau này trở thành vua nước Y-sơ-ra-ên, cùng với thuộc hạ đã bảo vệ đàn gia súc của Na-banh, chồng A-bi-ga-in. Thế nhưng khi những người trai trẻ của Đa-vít xin ít bánh và nước, Na-banh mắng nhiếc và đuổi họ đi. Tức giận, Đa-vít dẫn theo khoảng 400 người đi đánh Na-banh và người nhà của ông ta. Nghe tin ấy, A-bi-ga-in lên đường đi đón Đa-vít. Khi thấy Đa-vít, bà phục xuống chân ông rồi nói: “Lạy chúa, lỗi về tôi, về tôi! Xin cho phép con đòi ông nói trước mặt ông, xin hãy nghe các lời của con đòi ông”. Sau đó A-bi-ga-in giải thích sự tình và trao cho Đa-vít món quà gồm đồ ăn và thức uống. Lúc đó, ông nói: “Hãy trở lên nhà ngươi bình-an. Hãy xem, ta đã nghe theo tiếng ngươi, và tiếp ngươi tử-tế”.—1 Sa-mu-ên 25:2-35.

Thái độ khiêm nhường của A-bi-ga-in cùng với những lời xin lỗi về cách đối xử thô lỗ của chồng đã bảo toàn mạng sống cho gia đình bà. Thậm chí Đa-vít còn cảm ơn bà vì cản ông đến làm đổ huyết. Dù không bạc đãi Đa-vít và thuộc hạ của ông, A-bi-ga-in đã nhận trách nhiệm cho gia đình và giảng hòa với Đa-vít.

Một trường hợp khác về người biết lúc nào cần xin lỗi là sứ đồ Phao-lô. Có lần, ông phải tự biện hộ trước Tòa Công Luận, tức tòa án tối cao của người Do Thái. Tức giận trước những lời thẳng thắn của Phao-lô, thầy tế lễ thượng phẩm A-na-nia ra lệnh cho những người đứng gần Phao-lô vả miệng ông. Lúc đó, Phao-lô nói với A-na-nia: “Hỡi bức tường tô trắng kia, Đức Chúa Trời sẽ đánh ông, ông ngồi để xử-đoán tôi theo luật-pháp, mà lại không kể luật-pháp, biểu người đánh tôi!” Khi những người đứng xem lên án Phao-lô vì nhiếc móc thầy tế lễ thượng phẩm, sứ đồ liền nhận lỗi của mình và nói: “Hỡi anh em, tôi chẳng biết là thầy cả thượng-phẩm, vì có chép rằng: Chớ sỉ-nhục người cai-trị dân mình”.—Công-vụ 23:1-5.

Phao-lô đã nói đúng—một người được bổ nhiệm làm quan án không nên dùng bạo lực. Tuy vậy, ông vẫn xin lỗi vì vô tình đáp lời thầy tế lễ thượng phẩm một cách có thể xem là thiếu lễ độ.a Lời xin lỗi của Phao-lô mở đường cho Tòa Công Luận lắng nghe những gì ông muốn nói. Vì biết có sự mâu thuẫn giữa các thành viên của tòa án, Phao-lô nói với họ rằng mình đang bị xét xử vì đức tin nơi sự sống lại. Thế là có nhiều bất đồng nổi lên, người Pha-ri-si đồng ý với Phao-lô.—Công-vụ 23:6-10.

Chúng ta học được gì từ hai gương này trong Kinh Thánh? Trong cả hai trường hợp, những lời bày tỏ lòng thành thật ân hận mở đường cho hai bên tìm hiểu nhau thêm. Vì thế lời xin lỗi có thể giúp chúng ta giảng hòa. Đúng vậy, việc chúng ta nhận lỗi và xin lỗi về thiệt hại đã gây ra có thể đưa đến những cơ hội bàn bạc xây dựng.

‘Nhưng tôi không làm điều gì sai’

Khi biết người nào đó bị xúc phạm bởi những gì chúng ta nói hoặc làm, chúng ta có thể cảm thấy người đó vô lý hoặc quá nhạy cảm. Tuy nhiên, Chúa Giê-su khuyên các môn đồ ngài: “Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của-lễ nơi bàn-thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của-lễ trước bàn-thờ, trở về giảng-hòa với anh em trước đã, rồi hãy đến dâng của-lễ”.—Ma-thi-ơ 5:23, 24.

Chẳng hạn, một anh có lẽ nghĩ bạn có lỗi với anh ấy. Trong trường hợp đó, Chúa Giê-su nói rằng bạn phải đi và “giảng-hòa với anh em”, dù có nghĩ mình đã làm điều gì sai với anh ấy hay không. Theo văn bản tiếng Hy Lạp, từ mà Chúa Giê-su dùng ở đây ‘nói về sự nhân nhượng lẫn nhau sau khi đã xung khắc nhau’. (Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Words) Thật vậy, khi hai người bất hòa, có lẽ cả hai bên đều có một phần lỗi, vì cả hai đều bất toàn và có khuynh hướng phạm sai lầm. Điều này thường đòi hỏi phải nhân nhượng lẫn nhau.

Vấn đề không phải là ai đúng ai sai, mà là ai sẽ chủ động giảng hòa trước. Khi sứ đồ Phao-lô biết các tín đồ Đấng Christ ở thành Cô-rinh-tô kiện những người cùng là tôi tớ Đức Chúa Trời trước tòa án thế gian vì những bất đồng cá nhân như vấn đề tài chánh, ông sửa sai họ: “Sao chẳng chịu sự trái lẽ là hơn? Sao chẳng đành sự gian-lận là hơn!” (1 Cô-rinh-tô 6:7) Dù Phao-lô nói điều này nhằm can ngăn anh em tín đồ Đấng Christ giải quyết những mối bất hòa nơi tòa án thế gian, nguyên tắc này rõ ràng: Sự hòa thuận giữa những người đồng đức tin quan trọng hơn việc chứng tỏ ai đúng ai sai. Nhớ rõ nguyên tắc này trong trí khiến chúng ta dễ dàng xin lỗi về điều sai trái mà anh hoặc chị nào đó nghĩ là chúng ta đã phạm.

Cần chân thành

Tuy thế, một số người lạm dụng những lời dùng để diễn đạt sự hối lỗi. Chẳng hạn, ở Nhật, từ sumimasen, một thành ngữ thường dùng trong việc xin lỗi, được nghe hàng ngàn lần. Thậm chí nó có thể được dùng để thể hiện lòng biết ơn, hàm ý một cảm giác khó xử vì không có khả năng đáp lễ khi được làm ơn. Do tính đa dụng của nó, một số người nghĩ từ này được dùng quá nhiều và có lẽ tự hỏi những người nói câu này có thật sự chân thành hay không. Một số câu xin lỗi dường như cũng bị lạm dụng trong những nền văn hóa khác.

Trong bất cứ ngôn ngữ nào, điều quan trọng là thành thật khi ngỏ lời xin lỗi. Lời lẽ và giọng nói nên biểu hiện sự hối tiếc thành thật. Chúa Giê-su Christ dạy các môn đồ trong Bài Giảng trên Núi: “Song ngươi phải nói rằng: phải, phải; không, không. Còn điều người ta nói thêm đó, bởi nơi quỉ dữ mà ra”. (Ma-thi-ơ 5:37, chúng tôi viết nghiêng). Nếu bạn xin lỗi, hãy chắc chắn bạn thật tình muốn xin lỗi! Để minh họa: Tại quầy kiểm tra hành lý ở sân bay, một người đàn ông đã xin lỗi khi hành lý của ông đụng vào người một phụ nữ đứng phía sau. Vài phút sau, hàng người đó di chuyển dần lên, va-li của ông ta lại đụng vào phụ nữ đó. Một lần nữa, người đàn ông nhã nhặn xin lỗi. Khi sự việc lại tái diễn thêm lần nữa thì người bạn cùng đi với bà ấy nói với anh rằng nếu thật lòng xin lỗi, anh phải cố làm sao cho túi hành lý của anh đừng đụng vào người phụ nữ lần nữa. Đúng vậy, lời xin lỗi thành thật phải đi đôi với quyết tâm không lặp lại lỗi đó.

Nếu thành thật, lời xin lỗi của chúng ta sẽ bao gồm lời nhìn nhận bất cứ điều sai trái nào, tìm kiếm sự tha thứ, và cố gắng sửa chữa thiệt hại càng nhiều càng tốt. Còn người bị xúc phạm nên sẵn lòng tha thứ cho người có lỗi biết ăn năn. (Ma-thi-ơ 18:21, 22; Mác 11:25; Ê-phê-sô 4:32; Cô-lô-se 3:13) Vì cả hai bên đều bất toàn, sự giảng hòa có thể không luôn luôn suôn sẻ. Tuy vậy, lời xin lỗi là một mãnh lực nhắm đến việc giảng hòa.

Khi không cần thiết phải xin lỗi

Dù bày tỏ lòng ân hận và hối tiếc có tác dụng xoa dịu và góp phần giảng hòa, nhưng một người khôn ngoan tránh xin lỗi khi không cần thiết. Chẳng hạn, giả sử vấn đề liên quan đến sự trung kiên với Đức Chúa Trời. Khi Chúa Giê-su Christ ở trên đất, “ngài đã tự hạ mình xuống, vâng-phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập-tự”. (Phi-líp 2:8) Tuy nhiên, ngài đã không xin lỗi về niềm tin của mình để được giảm bớt sự đau đớn. Chúa Giê-su cũng không xin lỗi khi thầy tế lễ thượng phẩm yêu cầu: “Ta khiến ngươi chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề, hãy nói cho chúng ta, ngươi có phải là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời chăng?” Thay vì rụt rè xin lỗi, Chúa Giê-su can đảm đáp lại: “Thật như lời, vả lại, ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền-phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống”. (Ma-thi-ơ 26:63, 64) Chúa Giê-su đã không bao giờ nghĩ đến việc hy sinh lòng trung kiên đối với Cha ngài, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, để giữ hòa khí với thầy tế lễ thượng phẩm.

Tín đồ Đấng Christ kính trọng nhà cầm quyền. Thế nhưng, họ không cần phải xin lỗi vì vâng lời Đức Chúa Trời, và vì yêu thương anh em.—Ma-thi-ơ 28:19, 20; Rô-ma 13:5-7.

Không còn những điều cản trở sự hòa thuận

Ngày nay, chúng ta phạm lỗi vì gánh chịu sự bất toàn và tội lỗi từ tổ phụ A-đam của chúng ta. (Rô-ma 5:12; 1 Giăng 1:10) Tình trạng tội lỗi của A-đam là hậu quả của sự phản nghịch lại Đấng Tạo Hóa. Nhưng lúc đầu A-đam, Ê-va là người hoàn toàn, không tội lỗi, và Đức Chúa Trời hứa khôi phục tình trạng hoàn toàn cho con người. Ngài sẽ xóa bỏ tội lỗi và mọi hậu quả của nó.—1 Cô-rinh-tô 15:56, 57.

Hãy nghĩ về ý nghĩa của điều ấy! Gia-cơ, em cùng mẹ khác cha với Chúa Giê-su, đã khuyên về cách dùng miệng lưỡi như sau: “Nếu có ai không vấp-phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn-vẹn, hay hãm-cầm cả mình”. (Gia-cơ 3:2) Một người hoàn toàn có thể kiềm chế miệng mình để không phải xin lỗi vì nói sai. Người đó “hay hãm-cầm cả mình”. Thật tuyệt vời làm sao khi chúng ta trở nên hoàn toàn! Lúc đó, sẽ không có gì gây trở ngại cho sự hòa thuận giữa những cá nhân. Nhưng từ đây đến đó, ngỏ lời xin lỗi thành thật và thích hợp về lỗi lầm đã phạm sẽ giúp ích rất nhiều để giảng hòa.

Chủ đề