Vì sao Vũ nhôm mang quân hàm thượng tá

(PL)- Dưới vỏ bọc là tình báo bí mật, Vũ “nhôm” cùng các bị cáo đã lập ra công ty bình phong để thực hiện các hành vi trái luật.

Ngày 10-6, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên xử phúc thẩm Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, cựu thượng tá Tổng cục V, Bộ Công an) cùng hai cựu thứ trưởng Bộ Công an trong vụ án liên quan đến việc thâu tóm nhiều nhà, đất công sản.

Vũ “nhôm” bị cáo buộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hai cựu thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân cùng bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuyển dụng làm tình báo bí mật

Hai bị cáo Phan Hữu Tuấn (cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an) và Nguyễn Hữu Bách (cựu cán bộ Tổng cục V) bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tại tòa, bị cáo Tuấn khai năm 2009, Vũ được tuyển dụng làm tình báo viên, theo hình thức tình báo mật, hoạt động đơn tuyến. Về việc giao nhiệm vụ và quản lý Vũ, cựu tổng cục trưởng khai rằng ông và bị cáo Bách cùng chịu trách nhiệm nghiên cứu, tuyển chọn.

Nhưng lời khai của ông Tuấn mâu thuẫn với bị cáo Bách khi Bách cho rằng chỉ một mình ông Tuấn quản lý Vũ “nhôm”. Ông Bách khẳng định mục đích tuyển dụng Vũ nhằm phát triển hoạt động công ty bình phong lớn mạnh, phục vụ công tác nghiệp vụ, ngoài ra không còn nhiệm vụ nào khác.

Đáng chú ý, khi chủ tọa phiên tòa chất vấn ông Tuấn liên quan đến việc tham gia góp vốn vào hai công ty bình phong không, bị cáo này cho biết có góp vào Bắc Nam 79 và Nova 79 lần lượt là 20% và 5% vốn. Trả lời câu hỏi văn bản nào quy định đang là sĩ quan Công an nhân dân (CAND) lại được góp vốn, quản lý doanh nghiệp, ông Tuấn cho hay lĩnh vực hoạt động tình báo rất phong phú, đa dạng…

Chủ tọa cho rằng mọi hoạt động tình báo đều phải chấp hành quy định pháp luật, không thể “trèo lên pháp luật”, lấy hai chữ đặc thù ra được. Luật Doanh nghiệp không cho cá nhân là sĩ quan CAND  được tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp.

Vì sao Vũ nhôm mang quân hàm thượng tá

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN

Bị cáo Tuấn cũng khai trước khi đề nghị mua, chuyển nhượng các dự án nhà, đất, Vũ có đề xuất với Tuấn nhưng vì không có thẩm quyền nên Tuấn tiếp tục báo cáo lên cấp trên. Khi mua bán xong, Vũ có báo cáo nhưng đều thực hiện bằng miệng, không có văn bản. Về các văn bản giới thiệu Vũ tới các cơ quan, đơn vị, ông Tuấn nói tất cả đều giới thiệu đây là công ty bình phong, nhằm phục vụ cho hoạt động tổ chức ngành, không hề có văn bản nào để phục vụ cho cá nhân Vũ hoặc để Vũ phát triển kinh tế.

Ông Tuấn thừa nhận việc Vũ tự mình viết văn bản đề nghị Tổng cục Tình báo kiến nghị Bộ Công an giới thiệu để được chuyển nhượng các dự án nhà, đất rồi sau đó chuyển cho chính mình là có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa ngành công an. Nếu không có các văn bản của Bộ Công an, Vũ không thể mua được các dự án nhà, đất cho cá nhân mình.

Vũ “nhôm” nhận sai

Liên tiếp hầu tòa ở cả hai miền Bắc, Nam, Vũ “nhôm” không có dấu hiệu mệt mỏi mà vẫn tỏ ra rất bình tĩnh. Vũ cũng là người duy nhất trong các bị cáo xuất trình thêm chứng cứ mới tại phiên phúc thẩm lần này. Đứng trước bục, Vũ khai báo rành mạch, khẳng định những lời khai trước đây của mình hoàn toàn khách quan.

Bị cáo Vũ khai sau khi được tuyển dụng vào chức danh tình báo viên, ngoài tên thật còn có hai tên khác là Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ. Thời điểm đó, bị cáo Tuấn là người trực tiếp quản lý Vũ, cũng là người duy nhất giao nhiệm vụ cho Vũ.

Chủ tọa đặt lại câu hỏi về việc là sĩ quan CAND nhưng cả Vũ và Tuấn lại tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp bình phong, Vũ thừa nhận điều này là sai so với Luật Doanh nghiệp. Bị cáo đề nghị được giải thích về cái sai này nhưng bị HĐXX bác bỏ vì đang trong phần xét hỏi.

Chủ tọa tiếp tục đặt vấn đề Vũ có ba tên gọi khác nhau nhưng đều là một người. Thế nhưng trong quá trình vận hành doanh nghiệp, Vũ từng tự ký văn bản chuyển nhượng cổ phần của mình cho Lê Văn Sáu, sau đó Sáu lại chuyển nhượng ngược lại cho Vũ. Việc Vũ tự chuyển nhượng cho chính mình như vậy có đúng quy định không. Trả lời HĐXX, Vũ thừa nhận việc này là sai.

Hôm nay, tòa tiếp tục làm việc.

Ai trực tiếp quản lý Vũ “nhôm”?

Tại tòa, bị cáo Bách thừa nhận tham gia soạn thảo một số văn bản liên quan để hai công ty Bắc Nam 79 và Nova 79 được mua, chuyển nhượng sáu tài sản nhà, đất: Dự án Công viên An Đồn cũ, khu đất ngoài biển resort, trụ sở Tư pháp 16 Bạch Đằng, 15 Thi Sách, số 8 Nguyễn Trung Trực, 129 Pasteur. Riêng dự án ở 319 Lê Duẩn, ông không tham gia. Ông Bách khẳng định việc soạn thảo là theo chỉ đạo trực tiếp của bị cáo Tuấn. Ông Bách không được giao nhiệm vụ quản lý Vũ. Các văn bản sau khi soạn thảo xong không được Vũ báo cáo đã sử dụng thế nào.

Bị cáo Tuấn thừa nhận lời khai của Bách về việc soạn thảo các văn bản là đúng. Tuy nhiên, hai bị cáo này lại có sự mâu thuẫn trong việc ai là người quản lý, giao việc cho Vũ. 

Cuối tháng 12 năm 2017, tin làm chấn động giới truyền thông và độc giả Việt Nam là chuyện ông Phan Văn Anh Vũ, biệt danh Vũ “nhôm” đào thoát sang Singapore và tìm cách xin tị nạn chính trị tại Đức. Điều gây xôn xao hơn cả là tin nói rằng ông Vũ là một sĩ quan tình báo của Việt Nam mang quân hàm thượng tá.

Sau đó ông Vũ bị Singapore trục xuất về Việt Nam với lý do ông đã vi phạm luật di trú của nước này, và ông bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ vào ngày 4 tháng Giêng, khi bị trục xuất về sân bay Nội Bài, Hà Nội.

Cho đến hiện nay, ba tuần lễ sau khi ông Phan Văn Anh Vũ bị truy tố, chỉ có một tiết lộ duy nhất, công khai trên báo chí chính thống về chi tiết ông Vũ là sĩ quan công an, đó là trong một buổi nói chuyện của Bí thư thành ủy Đà Nẵng, ông Trương Quang Nghĩa, với các sĩ quan cấp tướng đã nghỉ hưu tại Thành phố Đà Nẵng vào ngày 21/12/2017.

Ông Nghĩa được báo Thanh niên trích dẫn như sau:

“Ở đây có Vũ “nhôm” mà mọi người đang nói thì ở ngoài bắc, trong quân đội có nói về Út “trọc”, cũng thượng tá cả. Quan điểm là người của ai thì đơn vị đó phải xử lý. Quân đội vừa xử lý, bắt Út “trọc” rồi. Công an hiện cũng đang làm và phải trả lời câu hỏi về Vũ “nhôm”.

Ngày 5 tháng Giêng, 2018, nhà báo Nguyễn Thế Thịnh, Trưởng Văn phòng đại diện báo Thanh niên tại Đà Nẵng, kể lại trên mạng xã hội rằng cách đây nhiều năm, ông Văn Hữu Chiến, lúc đó là Phó Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng đã đưa ra trong một buổi họp báo, một công văn của Tổng cục tình báo gửi thành phố Đà Nẵng yêu cầu giúp đỡ công ty 79 do ông Phan Văn Anh Vũ đứng đầu.

Ông Phan Văn Anh Vũ chỉ là một người kinh doanh địa ốc thôi, nhưng tại làm sao lại đưa vào ngành công an làm đến thượng tá tình báo?
-Nhà báo Trương Duy Nhất.

Công văn gọi công ty này là công ty bình phong, tức là một công ty hoạt động kinh tế để cung cấp tài chính cho ngành công an. Ngoài ra một bản copy thẻ sĩ quan của ông Vũ cũng được đưa ra với quân hàm lúc đó là thiếu tá.

Theo lời kể của nhà báo Nguyễn Thế Thịnh thì ông Vũ mới chỉ học hết lớp 11, và theo ông thì với một công văn của Tổng cục tình báo như vậy, không địa phương nào có thể dám không bán những bất động sản với giá rẻ cho ông Vũ.

Theo thông tin từ trang mạng Vietnamnet, loan tải vào ngày 23 tháng 12, năm 2017, có đến 31 nhà công sản được bán cho ông Vũ với giá rẻ.

Nhà công sản là nhà do nhà nước quản lý, có nguồn gốc khác nhau. Việc bán các tòa nhà này đi được cho là để sử dụng tối đa lợi ích của chúng. Nhưng những tòa nhà công sản được bán cho ông Vũ được cho là không qua đấu thầu và với giá rẻ, tạo điều kiện cho ông thu lợi nhuận khổng lồ khi bán lại theo giá thị trường.

Một nguồn tin giấu tên trong giới truyền thông Việt Nam cho chúng tôi biết rằng ông Vũ chỉ là một doanh nhân bình thường nhưng được một số người trong ngành công an đưa vào cái vỏ bọc nhân viên tình báo để kinh doanh cho họ, chứ ông cũng không phải là người hoạt động kinh tài cho Bộ Công an.

Chúng tôi không kiểm chứng được nhận xét này, nhưng ông Trương Duy Nhất, một nhà báo tại Đà Nẵng cho rằng nhận xét đó là hoàn toàn có cơ sở. Ông Nhất nói tiếp:

“Ông Phan Văn Anh Vũ chỉ là một người kinh doanh địa ốc thôi, nhưng tại làm sao lại đưa vào ngành công an làm đến thượng tá tình báo? Vậy chuyện đó trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Công An thời kỳ đó ra sao? Tôi không biết những văn bản đưa trên mạng nó thực hư ở mức độ nào, đúng hay sai ở mức độ nào, nhưng nếu nó đúng, thì trách nhiệm của Thượng tướng, Thứ trưởng Trần Việt Tân, cho dù ông Trần Việt Tân đã nghỉ hưu từ tháng Ba năm 2016, thì trách nhiệm của ông ấy ra sao trong công tác xây dựng lực lượng tình báo trong gia đoạn ông Phan Văn Anh Vũ còn trong đó, cũng như trách nhiệm của Trung Tướng Bùi Việt Thành, người phụ trách mảng kinh tài của Bộ Công An phải ra sao?”

Tin đồn về chuyện ông Vũ làm nhân viên kinh tài cho Bộ Công An, và qua đó là người thuộc nhóm lợi ích của các sĩ quan Công an đã được người ta bàn với nhau từ lâu ở Thành phố Đà Nẵng.

Vào cuối tháng 10 năm 2017, quan chức cao cấp nhất của thành phố Đà Nẵng là cựu Bí thư thành ủy Nguyễn Xuân Anh bị mất chức. Trong số những lý do của việc cách chức, có những tài sản được cho là bị ông Anh sử dụng một cách sai trái có liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh ở Đà Nẵng, từng làm việc ở báo Thanh Niên nói với chúng tôi về ông Vũ:

“Ông Vũ Nhôm được đồn đại là người của ông Trần Đại Quang, ông ấy vốn làm nhôm kiếng, nên người ta gộ là Vũ Nhôm. Sau đó ông ấy làm ăn thế nào đó mà được ông Nguyễn Bá Thanh giúp đỡ. Từ đó trở đi ông ấy thành đại gia. Hình như là nằm trong nhóm lợi ích của ông Nguyễn Bá Thanh, rồi hình như là gắn vô nhóm lợi ích của ông Trần Đại Quang hay sao đó. Thường nó như vậy, khi có ông này thì sẽ tìm ông to hơn để đỡ mình.”

Ông Trần Đại Quang hiện nay là Chủ tịch nước, nhưng trong một thời gian rất dài trước đây, ông giữ những vai trò rất quan trọng trong Bộ Công An Việt Nam, là bí thư đảng ủy, thứ trưởng, và bộ trưởng.

Ở Việt Nam là ông đại gia nào cũng có ô dù, không có ô dù thì không thể nào sống được. Còn nếu mà ông lên đến đại gia rồi mà không có ô dù thì ô dù sẽ chạy đến xin làm ô dù cho ông.
-Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm.

Ông Vũ Hồng Lâm, một nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Hawaii cho rằng những tin đồn về những doanh nghiệp sân sau của các quan chức Việt Nam là rất nhiều, và rất khó có thể kiểm chứng, tuy nhiên ông Lâm nói tiếp:

“Nói chung là tình hình chung ở Việt Nam là ông đại gia nào cũng có ô dù, không có ô dù thì không thể nào sống được. Còn nếu mà ông lên đến đại gia rồi mà không có ô dù thì ô dù sẽ chạy đến xin làm ô dù cho ông.”

Trở lại vụ án ông Phan Văn Anh Vũ, Bộ Công An đã rất cẩn trọng khi loan tin về việc ông bị bắt. Khi báo chí nước ngoài loan tin là ông Vũ bị giữ tại Singapore vì hộ chiếu của ông bị cơ quan chức năng Việt Nam hủy bỏ, Bộ Công An nói với báo chí trong nước rằng họ không có thông tin gì về chuyện ông Vũ đào thoát ở đâu, bị cầm giữ ở đâu cả.

Ngày 11 tháng Giêng, 2018, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng nói với báo chí rằng ông Vũ đang được cơ quan an ninh tích cực điều tra.

Theo đánh giá của ông Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng, và Luật sư Lê Công Định từ Sài Gòn, thì mặc dù vụ án ông Phan Văn Anh Vũ không nổi lên như vụ án xử ông Đinh La Thăng, vì những nhân vật bị can trong vụ ông Thăng có chức vị cao, nhưng vụ án ông Vũ “nhôm” có thể là một chấn động lớn trong chính trường Việt Nam vì mức độ dính líu sâu sắc của nó với ngành công an.