Vì sao tỷ giá euro giảm

BNEWS Hiện chiếm 1/5 dự trữ ngoại hối thế giới, đồng tiền chung châu Âu vốn được xem là “kình địch” của đồng USD.

Tỷ giá đồng tiền chung châu Âu (euro) so với đồng USD hôm 13/7/2022 lần đầu tiên đã giảm xuống dưới 1 - 1 euro tương đương 0,9998 USD - kể từ cuối năm 2002. Đây là lần đầu tiên trong gần 20 năm qua, đồng euro bị giảm giá trị so với đồng USD.

Đồng euro đã từng xuống mức thấp lịch sử vào tháng 10/2000 khi 1 euro chỉ đổi được 0,823 USD - thấp hơn cả giá trị khi lần đầu tiên được đưa ra sử dụng vào tháng 1/1999, trong bối cảnh suy thoái hồi đầu năm 2000.

Theo giới quan sát, sự trượt giá này khiến đồng euro có thể ghi nhận một năm giao dịch tồi tệ nhất trong lịch sử.

Tại sao euro trượt giá?

Hiện chiếm 1/5 dự trữ ngoại hối thế giới, đồng tiền chung châu Âu vốn được xem là “kình địch” của đồng USD. Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc đồng euro mất giá so với đồng USD chủ yếu là do ảnh hưởng từ triển vọng ảm đảm bao trùm nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và khả năng Nga sẽ ngừng cấp khí đốt cho khu vực này.

Đà mất giá của đồng euro diễn ra sau khi đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) của Nga đóng cửa trong 10 ngày để bảo dưỡng, làm ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt. Sự phụ thuộc của Eurozone vào khí đốt của Nga khiến nền kinh tế khu vực dễ bị tổn thương hơn do hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine, từ đó tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ.

Một nguyên nhân khác là do tình trạng lạm phát tăng phi mã tại châu Âu, tác động đến lĩnh vực năng lượng và nguyên liệu thô, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đã khiến đồng euro bị sụt giá.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lại mạnh tay tăng lãi suất, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc lên cao hơn và khiến đồng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư so với đồng euro. FED đã tăng lãi suất 3 lần trong năm nay và để ngỏ kế hoạch tăng thêm 4 lần nữa như một phần trong chiến lược kiểm soát lạm phát.

[>>>Vòng xoáy trượt giá của đồng euro]

Hậu quả thế nào?

Đồng euro trượt giá không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân, doanh nghiệp mà còn làm suy yếu nền kinh tế của cả Eurozone.

Đồng euro mất giá đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ cần nhiều euro hơn để thanh toán cho cùng một lượng hàng hóa tương đương được niêm yết bằng đồng USD và hàng nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn, từ đó khiến lạm phát thêm trầm trọng và làm giảm sức mua của các hộ gia đình.

Giá trị đồng euro giảm cũng khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm theo. Năm 2021, GDP của Eurozone chiếm khoảng 15% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu, trong khi kinh tế Mỹ chiếm khoảng 24%. Năm nay, chỉ riêng tác động từ việc đồng euro giảm giá có thể khiến GDP khu vực Eurozone giảm đáng kể.

Nếu như tăng trưởng thực tế của các quốc gia trong khu vực cũng thấp hơn trước theo đúng dự báo, thì quy mô nền kinh tế của Lục địa già sẽ tiếp tục bị thu hẹp.

Tầm quan trọng của "Lục địa Già" cũng đang giảm đáng kể trên thị trường vốn, vì giá trị thị trường chứng khoán của tất cả các tập đoàn châu Âu đang giảm theo đà giảm của đồng euro.

Kịch bản tương lai ra sao?

Giới phân tích dự đoán đà giảm trong phiên 13/7 có thể mở đường cho việc đồng euro tiến tới mức 1 euro đổi 0,96 USD. Một số chuyên gia thậm chí còn dự đoán mức 1 euro đổi 0,90 USD nếu nguồn cung khí đốt cho châu Âu tiếp tục bị gián đoạn hơn nữa.

Trong ngắn hạn, vòng xoáy trượt giá của đồng euro chỉ có thể đổi chiều khi những lý do khiến đồng tiền chung này sụt giảm được giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề lạm phát, giá năng lượng và chiến sự ở Ukraine đều khó có được giải pháp hữu hiệu nếu như tình hình quốc tế không có thay đổi lớn nào. Nếu tình hình quốc tế không có thay đổi lớn nào, tương lai của đồng euro sẽ là tiếp tục đà giảm giá.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chưa khẳng định đồng euro đang rơi vào khủng hoảng. Đồng euro giảm so với đồng USD chủ yếu phản ánh sự thay đổi theo chu kỳ trong nền kinh tế toàn cầu chứ không phải thay đổi cơ cấu.

Vậy giải pháp là gì?

Các nhà giao dịch vẫn tin rằng đồng euro có thể phục hồi với điều kiện là nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) phải giải quyết được một số thách thức trong thời gian tới.

Việc đầu tiên châu Âu cần giải quyết là tránh nguy cơ bị chặn tiếp cận đối với nguồn cung khí đốt Nga, bởi điều này sẽ khiến giá điện tăng cao và buộc các nước trong Eurozone phải hạn chế một số hoạt động công nghiệp.

Nhà phân tích Stephen Innes tại hãng quản lý tài sản SPI Asset Management cảnh báo nếu đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 "không hoạt động trở lại, đồng euro sẽ giảm do cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu rất có thể sẽ gây ra suy thoái".

Thách thức thứ hai là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tìm cách tránh tăng lãi suất quá mạnh để không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. ECB cho đến nay vẫn duy trì chính sách tiền tệ cực lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, ngân hàng này đã bày tỏ ý định sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm.

Các chuyên gia của công ty dịch vụ tài chính S&P nhận định: “Nếu ECB đang nhắm đến việc thúc đẩy giá trị đồng euro, lãi suất tại Eurozone sẽ phải tăng thêm 50 điểm cơ bản trong tháng 7 và/hoặc có thể tăng thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 9 tới”.

Theo tập đoàn tài chính UniCredit, đến cuối năm 2022, triển vọng lạm phát giảm và xu hướng cân bằng chính sách từ các ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ tâm lý thích rủi ro của giới đầu và làm giảm nhu cầu mua USD. Nếu điều này xảy ra, đồng euro có thể sẽ tăng giá trong vài tháng cuối năm 2022./. 

>>>Kịch bản nào cho đồng euro sau khi lao dốc kỷ lục?