Vì sao phải nghiên cứu nguyên nhân điều kiện và những đặc điểm tâm lý của hành vi phạm tội

Nguyễn Thị Minh - Học viện Tòa án

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, cùng với nền kinh tế thị trường và sự toàn cầu hóa về mọi mặt đời sống xã hội, tình hình tội phạm ở Việt Nam và trên thế giới ngày càng gia tăng phức tạp. Tình trạng trên luôn đặt ra câu hỏi: Tội phạm bắt nguồn từ đâu? Tại sao lại gia tăng? Động cơ nào – nguyên nhân nào thúc đẩy con người phạm tội mà không sợ sự trừng phạt của pháp luật, của xã hội loài người? Nghiên cứu động cơ phạm tôi là một trong những vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn to lớn trong cả công tác phòng chống và xét xử tội phạm hiện nay. 

2. Một số vấn đề cơ bản về động cơ

2.1.Khái niệm động cơ

Trong tâm lý học có rất nhiều quan niệm khác nhau về động cơ hoạt động của con người, song điểm chung thống nhất trong cách nhìn nhận về hiện tượng tâm lí này là xem động cơ là sự định hướng, kích thích, thúc đẩy và duy trì hành vi, hoạt động của con người. Trên cơ sở phân tích các quan niệm khác nhau về động cơ, chúng tôi cho rằng: “Động cơ là yếu tố tâm lí phản án đối tượng có khả năng thỏa mãn nhu cầu của chủ thể, nó định hướng, thức đẩy và duy trì hoạt động của chủ thể nhằm chiếm lĩnh đối tượng đó” [1].

2.2.Một số cách tiếp cận trong nghiên cứu động cơ

Theo quan điểm của AbrahamMaslow về động cơ: Ông đưa ra một hệ các thứ bậc như cầu được sắp xếp từ các nhu cầu sinh tồn cơ bản nhất đến những nhu cầu mang tính người hơn như các như cầu mang tính nhận thức, xã hội, thẩm mỹ...Những động cơ đặt biệt của con ngời đã được nhận diện bằng các kỹ thuật phóng chiếu trong đó các đối tượng phóng chiếu những nhu cầu mình lên các bức tranh [4]. Như vậy, theo Maslow thì động cơ được hiểu như là nhu cầu, động cơ cũng mang tính thứ bậc, có cả động cơ thuần thúy sinh học và động cơ mang tính văn hóa – xã hội – tính người...

Theo Leonchive (nhà tâm lý học Xô Viết) ông cho rằng động cơ chỉ xuất hiện trong hoạt động và nó nằm trong bản thân của khách thể hoạt động. Cũng theo ông, hoạt động luôn hướng vào động cơ(nằm trong đối tượng), đó là mục đích chung, mục đích cuối cùng của hoạt động [4].

Theo tâm lý học Mac_xit xem con người là sản phẩm lịch sử, xã hội, là thực thể mang bản chất xã hội bao gồm những phẩm chất, những thuộc tính có ý nghĩa được hình thành trong quá trình lao động (hoạt động sản xuất) và do kết quả của sự tác động qua lại giữa người với người trong xã hội. Ở đây không quá đề cao mặt xã hội cũng không phủ nhận yếu tố sinh học của con người. C. Marx đã chỉ ra rằng : “con người là một thực thể tự nhiên trực tiếp. Với tư cách là một thực thể tự nhiên, con người được phú cho những sức mạnh tự nhiên, những sức sống trở thành thực thể tự nhiên hoạt động”.

Trong luận cương về Feuerbach, Marx  đề cập bản chất con người không phải cái gì trừu tượng, vốn có của mỗi cá nhân riêng biệt, trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Và nếu con người có xác mà không có hồn thì đâu còn là con người! Và ngay cả người bình thường thì cuộc sống bản năng cũng được ý thức hóa [5].

Con người không phải là cái túi đựng đầy phản xạ và hoạt động, không phải là dòng phản ứng, cử động sống mà là một dòng hoạt động. Trong đó bao gồm cả dòng tư tưởng, dòng ý thức, đơn vị cuộc sống là từng hoạt động cụ thể [5]. Như vậy một tổ hợp các quá trình con người tác động vào đối tượng nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu nhất định và chính kết quả của hoạt động là cụ thể hóa nhu cầu của chủ thế. Nói đơn giản hơn, hoạt động bao gồm cả hành vi, lẫn tâm lý, ý thức, công việc chân tay và công việc trí óc. Như vậy trong khi tạo ra và chiếm lĩnh các quan hệ xã hội, con người hình thành nên bộ mặt tâm lý, hình thành động cơ.

Như đã trình bày trên, ta thấy rằng khi nói đến động cơ là phải xét đến hoạt động. Động cơ là tiền đề, điều kiện đầy đủ nhất của hoạt động. Không có động cơ sẽ không có hoạt động của con người, động cơ đóng vai trò thúc đẩy, duy trì hoạt động, động cơ là mục đích cuối cùng của hoạt động.

2.3. Động cơ phạm tội

Như đã đề cập đến khái niệm động cơ, ta điều hiểu rằng động cơ là yếu tố thúc đẩy, đóng vai trò là đích cuối cùng của hoạt động, giúp duy trì hoạt động trong suốt quá trình hoạt động của mình. Động cơ được hình thành trên cơ sở nhu cầu của con người, khi nhu cầu của con người đã được nhận thức đầy đủ và có khả năng thực hiện thì nó trở thành động cơ.

Nói đến động cơ và hoạt động thì không thể bỏ qua hành vi của con người. Hành vi là những biểu hiện của con người ra bên ngoài thế giới khách quan dưới hình thức cụ thể hóa nhằm đạt được những mục đích có chủ định và mong muốn. Quá trình thực hiện tội phạm cũng là một hoạt động của kẻ phạm tội mà ở đó động cơ thúc đẩy được gọi là động cơ phạm tội. Động cơ phạm tội theo tâm lý học pháp lý là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp cố ý phạm tội thì bao giờ hành vi của người phạm tội cũng được thúc đẩy bởi động cơ phạm tội, chỉ những trường hợp phạm tội do vô ý, cẩu thả hay quá tự tin mới không có động cơ phạm tội thúc đẩy.

Hành vi phạm tội ở đây được hiểu là mặt khách quan và chủ quan thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Trong mặt khách quan của tội phạm hành vi khách quan là biểu hiện cơ bản. Không thể nói đến hậu quả của tội phạm cũng như những biểu hiện khách quan khác như công cụ, phương tiện phạm tội, địa điểm, thời gian...khi không có hành vi khách quan, những biểu hiện về mặt chủ quan là lỗi, mục đích, động cơ phạm tội luôn gắn với hành vi khách quan. Hành vi phạm tội được biểu hiện là hành vi có lỗi, là thể thống nhất giữa hành vi khách quan (gây hại) và mặt chủ quan (có lỗi). Việc thực hiện hành vi phạm tội này trở thành tội phạm. Như vậy, động cơ có phạm tội thuộc mặt chủ quan của hành vi, thúc đẩy hoạt động phạm tội đạt mục đích.

Thực tế cho thấy, hành vi phạm tội diễn ra đa dạng và phức tạp. Hành vi phạm tội là hoạt động tâm lý của người phạm tội, thể hiện trong thực tiễn khách quan. Và khi thực hiện hành vi phạm tội thì bao giờ cũng có sự tham gia của nhận thức, cảm xúc, ý chí và nhu cầu của người phạm tội. Nhận thức giúp con người xác định được mục tiêu cần hướng tới, cảm xúc làm cho họ gắn với mục tiêu hơn, ý chí giúp họ vượt qua khó khăn trong trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, còn nhu cầu là nguồn gốc bên trong tạo thành động cơ thúc đẩy người phạm tội  thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi  phạm tội là kết quả tác động của cá nhân người phạm tội với môi trường, hay nói cách khác khi nói đến nguyên nhân dẫn người phạm tội đến việc thực hiện tội phạm ma túy là nói đến nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.

2.4. Động cơ của người phạm tội ma túy ở Việt Nam

Ở Việt Nam, đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy và các tội phạm về ma túy trong nhiều năm qua đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, tệ nạn ma túy và các tội phạm về ma túy ngày càng diễn ra phức tạp. Từ chỗ chủ yếu có từ các nguồn trong nước, những năm gần đây, ma túy từ nước ngoài thẩm lậu vào Việt Nam ngày càng tăng. Việt Nam không chỉ là địa bàn tiêu thụ, mà đã biến thành nơi trung chuyển ma túy và hoạt động buôn lậu ma túy. Bên cạnh đó, đã xuất hiện tình trạng sản xuất và điều chế trái phép chất ma túy ở trong nước.

Tìm hiểu về động cơ của người phạm tội ma túy, chúng ta nên bắt đầu từ đặc điểm siêu lợi nhuận của nhóm tội ma túy, đây là điều không ai có thể phủ nhận được. Khó có tội phạm nào, thậm chí ngành kinh tế nào mang lại lợi nhuận nhanh và nhiều như tội phạm về ma túy. Xuất phát từ luận điểm trên, chúng tôi đi từ giải thuyết nghiên cứu cho rằng:  Số đông người phạm tội về ma túy họ đều muốn làm giàu nhanh, họ có cuộc sống túng bấn, khó khăn về kinh tế, không có việc làm ổn định và có tâm lý lười lao động. Bài viết này là kết quả khảo sát trên 203 phạm nhân phạm tội túy đang chấp hành án phạt tại trại giam Phú Sơn 4 Tổng cục VIII Bộ công an.

Thực hiện đề tài này tác giả đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu như: Trắc nghiệm nhân cách 16 yếu tố của Cattell vàphương pháp điều tra bằng bảng hỏi cá nhân, bên cạnh đó tác giả sử dụng thêm phương pháp văn bản và tài liệu. Cách tính điểm số trong bảng anket được tác giả tính như sau:

Bảng hỏi cá nhân chủ yếu bao gồm những mệnh đề có tính nhận định và đều có các điểm số như nhau. Khách thể phải đánh giá các nhận định đó trong trường hợp cụ thể của mình và các lựa chọn sẽ được tính điểm. Cụ thể, mỗi mệnh đề có 3 phương án trả lời ứng với 3 điểm như sau:

+ Mức độ 1: Mức độ ít ảnh hưởng: 1 ≤ ĐTB ≤ 1,5

+ Mức độ 2: Mức độ ảnh hưởng: 1,5 ≤ ĐTB ≤ 2,5

+ Mức độ 3: Mức độ rất ảnh hưởng: 2,5 ≤ ĐTB ≤ 3

Số liệu thu được sau điều tra chính thức được xử lý bằng chương trình phần mềm thống kê SPSS dùng trong môi trường Window, phiên bản 11.5. Các thông số và phép thống kê được dùng trong nghiên cứu là phân tích thống kê mô tả và phân tích thống kê suy luận.

* Phân tích thống kê mô tả

Trong phần phân tích mô tả sử dụng các chỉ số sau:

- Điểm trung bình cộng (mean) được dùng tính điểm đạt được của từng mệnh đề và của từng yếu tố.

- Điểm lệch chuẩn (stadard deviation) được dùng để mô tả mức độ phân tán hay mức độ tập trung của các câu trả lời của mẫu.

- Tần xuất và chỉ số phần trăm các phương án trả lời của các câu hỏi đóng và các câu hỏi  mở.

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là: một số đặc điểm nhân cách của phạm nhân phạm tội ma túy.

Khách thể nghiên cứu là phạm nhân phạm tội ma túy đang chấp hành hình phạt tại trại giam Phú Sơn 4. Số phiếu điều tra được phát ra là 203 phiếu, Sự phân bố khách thể nghiên cứu phạm nhân phạm tội ma túy trong khảo sát thực tiễn được trình bày tóm tắt ở bảng sau:

Động cơ là cái thúc đẩy con người hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu hoặc đạt tới một mục đích nào đó. Cá nhân thực hiện hành vi phạm tội bao giờ cũng có động cơ nhất định thúc đẩy. Không có động cơ tâm lý thúc đẩy thì không thể có hành vi phạm tội. Động cơ của hành vi phạm tội là nguyên nhân tâm lý bên trong thúc đẩy cá nhân thực hiện hành vi phạm tội. Động cơ được hình thành trên cơ sở nhu cầu, được chủ thể nhận thức và đánh giá có khả năng thực hiện được. Động cơ phạm tội thường xuất phát từ những nhu cầu có tính nhỏ nhen, hẹp hỏi hoặc thực dụng, đồi bại…

Phần lớn người phạm tội mua bán trái phép chất ma túy trong số khách thể nghiên cứu họ đều mua bán trái phép chất ma túy với mục đích vật chất, tiền bạc. Không ai phủ nhận được đặc điểm siêu lợi nhuận của nhóm tội phạm ma túy. Vì thế, họat động này là hoạt động chủ đạo, tác động đến đời sống tâm lý và sự phát triển hình thành nhân cách của họ theo hướng lệch chuẩn. Các động cơ chủ yếu của họ cũng có nhiều điểm khác biệt, nhằm nhiều mục đích khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là mục đích kiếm tiền. Do có ý đồ phạm tội (Nhu cầu + phương thức thỏa mãn trái pháp luật) những người phạm tội tìm đối tượng có thể thỏa mãn nhu cầu của mình bằng hành vi phạm tội. Điều mà người phạm tội quan tâm trước tiên đó là mục tiêu hành động, cụ thể là: làm thế nào để thực hiện trót lọt việc mua bán trái phép chất ma túy. Động cơ phạm tội được hình thành, thúc đẩy hành vi phạm tội của cá nhân, bao giờ cũng có sự thống nhất giữa hai loại yếu tố tâm lý: kích thích (nhu cầu, hứng thu, xúc cảm, tình cảm, thói quen) và điều chỉnh (quan điểm, quan niệm, sự hiểu biết...). Khi hai loại yếu tố này còn có sự mâu thuẫn với nhau, nghĩa là còn diễn ra sự đấu tranh động cơ, qua trình suy tính, phân tích, so sánh để lựa chọn quyết định nên hay không nên thực hiện hành vi phạm tội.

STT

Động cơ

Mức độ

ĐTB

ĐLC

Rất ảnh hưởng

Ảnh hưởng một phần

Không ảnh hưởng

%

%

%

1

Có tiền tiêu xài hàng ngày

67.0

25.1

7.9

2.59

0.63

2

Hỗ trợ gia đình

26.1

58.1

15.8

2.10

0.40

3

Có tiền sử dụng ma túy

36.0

49.3

14.8

2.21

0.48

4

Tích lũy vốn làm ăn

41.4

27.1

31.5

2.09

0.85

5

Muốn giàu nhanh không phải lao động

75.9

18.2

5.9

2.69

0.57

6

Muốn thoát khỏi cảnh túng quẫn

42.4

38.4

19.2

2.23

0.75

Tổng

2.31

0.53

Bảng Động cơ phạm tội mua bán trái phép chất ma túy của phạm nhân được thể hiện ở bảng sau(khách thể nghiên cứu là phạm nhân đang thụ án tại trại giam Phú sơn 4

Kết quả trung bình của toàn thang đo động cơ phạm tội của phạm nhân là 2.31, đây là mức độ điểm khá. Điều này cho ta nhìn thấy khá rõ động cơ mua bán trái phép chất ma túy của phạm nhân. Các biểu hiện của điểm trung bình thấp nhất dao động từ 2.09 đến 2.69.Bảng số liệu này cho thấy sự khá đồng nhất với nhu cầu của phạm tội của phạm nhân. Động cơ “muốn giàu nhanh không phải lao động” luôn thúc đẩy phạm nhân tham gia mua bán trái phép chất ma túy, vì tính chất phi lợi nhuận cũng như đặc thù dễ phi tang, tẩu tán của chất ma túy càng thúc đẩy phạm nhân phạm tội. Lao động chân chính là một trong những hoạt động mang ý nghĩa kinh tế xã hội, đối với từng cá nhân lao động là con đường quan trọng để hoàn thiện mình. Lao động giúp con người nói chung xây dựng được những phẩm chất tốt đẹp như tính sáng tạo, cần cù, giúp con người có kỹ năng và thói quen nỗ lực trong lao động. Như vậy, nhìn vào động cơ mua bán trái phép chất ma túy của phạm nhân cho thấy bản chất lười lao động ham hường thụ của họ, chính thói quen lười lao động, coi thường lao động , ngại khó khăn và ý thức vô kỷ luật càng làm họ dễ đi vào con đường phạm tội.

Động cơ “có tiền tiêu xài hàng ngày” và “thoát khỏi cảnh túng quẫn” chiếm điểm trung bình lần lượt là 2.59 và 2.23 cho thấy mong muốn có tiền phục vụ cho các nhu cầu hàng ngày của phạm nhân là rất cao. Sự túng thiếu tiền chi tiêu cho sinh hoạt hằng ngày khiến cuộc sống của họ càng tù túng nên nó cũng là một trong những động cơ thúc đẩy họ phạm tội mua bán trái phép chất ma túy để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.

Điều này cho thấy, phạm nhân phạm tội mua bán trái phép chất ma túy là những phạm nhân phạm tội với lỗi “cố ý trực tiếp”. Để đi đến quyết định thực hiện hành vi phạm tội, ở người phạm tội bao giờ cũng diễn ra một quá trình đấu tranh giữa các động cơ. Đó là quá trình đấu tranh giữa hai loại yếu tố: ý đồ phạm tội(tâm thế phạm tội) hay “kích thích’ và “điều chỉnh”(gồm: lập trường, tư tưởng, quan niệm, giá trị, chuẩn mực, ý thức pháp luật). Cường độ đấu tranh động cơ, trên lý thuyết phụ thuộc vào sự tương hợp của hai yếu tố: nếu có sự thống nhất thì việc đi đến một quyết định sẽ nhanh chóng, hành vi phạm tội sẽ được thực hiện, nếu có sự mâu thuẫn thì trong tâm lý người chuẩn bj phạm tội sẽ diễn ra quá trình suy đoán, phân tích, so sánh, lựa chọn để đi đến quyết định nên hay không thực hiện hành vi phạm tội. Khi “kích thích” vượt trội yếu tố “điều chỉnh” thì hành vi phạm tội được tiến hành, ngược lại, khi yếu tố “kích thích” yếu hơn thì hành vi phạm tội không xảy ra.

Và thực tế cho thấy đối với phạm nhân phạm tội mua bán trái phép chất ma, yếu tố “kích thích” ở đây hoàn toàn vượt trội yếu tố “điều chỉnh” đối với cá nhân họ. Lợi nhuận do mua bán trái phép chất ma túy đem lại đối với họ là quá lớn, khiến họ bất chấp tất cả: đạo lý, tù tội thậm chí cả mạng sống của mình. Hơn nữa, một số phạm nhân tin rằng với phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội của mình sẽ khó bị phát hiện vì cất giấu, vân chuyển, giao nhận, phi tang dễ dàng. Chính điều cho thấy quá trình đấu tranh động cơ ở phạm nhân là rất nhanh chóng và đơn giản. Điều để phạm nhân cân nhắc, tính toán là làm thế nào để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội của mình mà không để bị bắt. Điều này được thể hiện ở phương thức thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội. Như số liệu thu được về động cơ phạm tội của phạm nhân phạm tội ma túy chúng tôi thấy động cơ “muốn giàu nhanh không phải lao động” là động cơ thúc đẩy đa số phạm nhân phạm tội.

Ý thức phạm tội của phạm nhân là một trong những tiêu chí quan trọng để chúng tôi hiểu sâu hơn về đông cơ phạm tội của phạm nhân, do vậy để tìm hiểu về ý thức của phạm nhân khi quyết định thực hiện hành vi phạm tội, chúng tôi đưa ra câu hỏi: “khi quyết định thực hiện mua bán ma túy, anh chị có xác định là mình bị bắt hay không”. Kết quả thu được cho thấy có 32.0% phạm nhân cho rằng có thể bị bắt trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội. Qua quá trình làm việc với cán bộ quản giáo và cán bộ giáo dục cho thấy rằng những phạm nhân cho rằng mình có thể bị bắt khi thực hiện hành vi phạm tội thường rơi vào những nhóm phạm nhân có hoàn cảnh túng quẫn hoặc phạm tội lần đấu, vì khi lên cơn nghiện thì mối quan tâm lớn nhất là việc bằng mọi cách phải có ma túy đưa ngay vào cơ thể, còn những kẻ túng quẫn hoặc phạm tội lần đầu thường là đối tượng chưa có “kinh nghiệm” đối phó với cơ quan chức năng  nên về phương thức thủ đoạn phạm tội thường có nhiều sơ hở, thậm chí sẵn sàng chấp nhận khi bị bắt.

Có 43.3% số phạm nhân xác định là mình không thể bị bắt thường, với niềm tin rằng hành vi phạm tội của mình sẽ không bị bắt cho thấy mức độ nguy hiểm của phạm nhân phạm tội ma túy. Những phạm nhân có niềm tin như vậy thường có rất nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi cũng như khả năng ứng phó với cơ quan chức năng để nhằm mục đích là thực hiện trót lọt hành vi mua bán chất ma túy.

Qua quá trình trao đổi với cán bộ quản giáo cho biết, phần lớn phạm nhân phạm tội mua bán trái phép chất ma túy đều sử dụng phương thức, thủ đoạn phân nhỏ ma túy ra từng “liều” để bán dễ hòng tẩu tán, phi tang khi bị bắt. Họ thường liên lạc bằng điện thoại và giao nhân trực tiếp ở những địa điểm khác nhau bằng nhiều hình thức đa dạng nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Điều đang lưu ý ở đây là có tới 50 phạm nhân chiếm 24.6 không trả lời cho câu hỏi: “khi quyết định thực hiện mua bán ma túy, anh chị có xác định là mình bị bắt hay không”. Điều này cho thấy đặc tính ngoan cố , gian xảo của loại tội phạm này, ngay cả khi bị bắt và thi hành án phạt tù rồi mà ở họ vẫn bảo thủ che dấu, không chịu nhận tội và cho rằng mình bị oan. Đây là một trong những phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy nói chung và tội phạm mua bán chất ma túy nói riêng nhằm đối phó với cơ quan chức năng đặc biệt là phạm nhân nằm trong đường dây mua bán ma túy.

Kết quả nghiên cứu về “động cơ” phạm tội cũng như ý thức của phạm nhân trước khi thực hiện hành vi phạm tội cho thấy đông cơ tâm lý của phạm nhân phạm tôi mua bán trái phép chất ma túy biểu hiện dưới dạng “túng thiếu phải làm liều”. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm cộng với tâm lý lười lao động nhưng có cuộc sống hưởng thụ nên bản thân họ càng dễ vào con đường phạm tội. Động cơ này phản ánh sự hiểu biết xã hội hạn chế, trình độ đạo đức và pháp luật kém, ở những phạm nhân phạm tội ma túy, họ luôn bị nhu cầu tối thiểu của cuộc sống thúc đẩy điều chỉnh, và chính nhu cầu đó đã dẫn họ đến con đường phạm tội.

Để góp phần ngăn chặn, hạn chế và tiến tới đẩy lùi ma túy và tội phạm ma túy ra khỏi xã hội, một trong những nhiệm vụ quan trọng là chúng ta phải xác định được động cơ phạm tội của đối tượng tội phạm này.Định hướng phòng ngừa tội phạm ma túy cần tập trung vào việc khắc phục các tác động hình thành và động cơ phạm tội ở người phạm tội về ma túy.

Thứ nhất là giải quyết tốt vấn đề việc làm và thu nhập. Khi những biện pháp mưu sinh không phải là gánh nặng thường trực mà người dân phải đối mặt thì sức hấp dẫn của lợi nhuận siêu ngạch từ các hoạt động phạm tội về ma túy sẽ giảm đi đáng kể, họ sẽ cân nhắc nhiều hơn tới hậu quả pháp lí, nghiêm khắc với chính bản thân mình hơn.

Thứ hai, chú trọng hơn nữa tới các hoạt động giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống và ý thức tôn trọng pháp luật. Giáo dục có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hình thành ở mỗi cá nhân nền tảng đạo đức, ý chí và nghị lực sống, đối đầu và vượt qua khó khăn cũng nhưng cám dỗ trong cuộc sống, đặc biệt làm cám dỗ từ ma túy trong xã hội hiện nay.

Thứ ba, tăng cường và đầu tư nâng cao hiệu quả hoạt động cai nghiện ma túy để làm giảm tình trạng tái nghiện sau thời gian cai nghiện. Hoạt động này không chỉ trực tiếp giảm nhu cầu về ma túy mà còn giảm đáng kể sự tham gia của người nghiện ma túy trong hoạt động phạm tội về ma túy.

Thứ tư, tăng cường đầu tư cho giáo dục dạy nghề trong quá trình cải tạo phạm dân. Phạm nhân trong quá trình thi hành án được học nghề, đây là một hành trang quan trọng để giúp người phạm tội có cơ hội tái hòa nhập xã hội. Mãn hạn tù, họ được trang bị một nghề để có thể chủ động nuôi sống bản thân, để tái hòa nhập xã hội, việc này sẽ giảm tỉ lệ tình trạng tái phạm tội sau khi mãn hạn tù trờ về hòa nhập với cộng đồng.

Như vậy, nghiên cứu động cơ của người phạm tội về ma túy không chỉ giúp chúng ta nhìn nhận và lí giải một cách chính xác hơn tình hình phạm tội ma túy ở Việt Nam thời gian qua mà còn góp phần đưa ra định hướng đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này.

Tài liệu tham khảo

1.     Phạm Minh Hạc (chủ biên) (1997) Tâm lý học, NXB Giáo dục, Hà Nội.

2.     Nguyễn Phong Hoà (1998), Các tội phạm về ma túy - Đặc điểm hình sự; dấu vết pháp lý; các biện pháp phát hiện và điều tra, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.

3.     Phan Đình Khánh (2004), Đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh - thực trạng, nguyên nhân và giải pháp, Đề tài khoa học cấp thành phố của Sở khoa học công nghệ và môi trường thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

4.     A.N. Lêônchiev (1980), Hoạt động, ý thức, nhân cách, Phạm Hoàng Gia và Phạm Minh Hạc dịch, NXB giáo dục, Hà Nội.

5.     A.N. Lêônchiev D.B Enchonin 1975, Nhu cầu và động cơ trong “Tâm lý học” Tập II, Nxb Giáo dục Hà Nội.

Xem: Phạm Minh Hạc (chủ biên) (1997) Tâm lý học, NXB Giáo dục, Hà Nội, tr 98

Video liên quan

Chủ đề