Vì sao phải dạy học theo dự án

Với phương pháp dạy học theo dự án do Sở Giáo dục – Đào tạo TP Hồ Chí Minh phát động, các kỹ năng học sinh đạt được không đơn thuần là kiến thức lĩnh hội được mà còn là vốn sống, khả năng thích nghi với sự phát triển toàn cầu.

  • Nâng cao nhận thức về an toàn giao thông và kỹ năng lái xe an toàn

  • Phát triển toàn diện kỹ năng cho học sinh

  • Mối lo học sinh thiếu kỹ năng sống

Thích thú học theo dự án

Học sinh sẽ phải tự thu thập thông tin, số liệu từ thực tiễn về các vấn đề liên quan đến dân số để viết một bài báo cáo. Sau đó, các học sinh sẽ phải đóng vai báo cáo viên, phóng viên, nhà nghiên cứu... để giới thiệu về dự án của nhóm trước lớp hoặc báo cáo trước toàn trường. Đó là phương pháp dạy học theo dự án của cô Hoàng Thị Hiền, Tổ trưởng bộ môn Địa lý Trường THPT Trần Khai Nguyên, hướng dẫn cho học sinh lớp 10, 11 và lớp 12 cùng tham gia với dự án "Dân số và phát triển bền vững".

Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên được trải nghiệm và hình thành nhiều kỹ năng thông qua phương pháp dạy học theo dự án. Ảnh: Trường THPT Trần Khai Nguyên

Cô Hoàng Thị Hiền cho biết, nội dung của dự án này đề cập đến các vấn đề sự gia tăng dân số quá nhanh, tỉ lệ nạo phá thai, mất cân bằng giới tính và bất bình đẳng giới tính, những áp lực dân số... Với những nội dung trên, các em sẽ được chia làm các nhóm Quỹ dân số Liên hiệp quốc, Hội kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng, Viện Nghiên cứu và phát triển TP Hồ Chí Minh, phóng viên báo chí... để nghiên cứu theo từng mục tiêu của mình. Việc thực hiện dự án “Dân số và phát triển bền vững” nhằm giúp các em sẽ tự nhận thấy trách nhiệm, nghĩa vụ và bài học cho bản thân trong việc tuyên truyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới... đồng thời tăng cường hiểu biết về các mối quan hệ tình bạn, tình yêu lành mạnh.

"Chúng em rất thích thú với cách học mới này. Khác với lối học truyền thống chủ yếu là lý thuyết trên sách vở và những bài tập thiếu thực tế, với phương pháp dạy học theo dự án, chúng em được tự mình tìm hiểu các kiến thức từ thực tiễn, đưa ra quan điểm của mình. Từ đó, chúng em hiểu sâu hơn về thực trạng và tác động của vấn đề nêu trên ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam và thế giới, qua đó chúng em ý thức trách nhiệm của bản thân mình hơn", em Bùi Tấn Lộc học sinh lớp 11A2, chia sẻ.

Cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên dạy Văn trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý, cho rằng thông qua việc học tập dự án, cách nhìn nhận và tiếp cận môn học của học sinh thay đổi theo hướng tích cực hơn. Cụ thể, học sinh nhìn thấy được lợi ích mà các dự án mang lại cho các em. Lợi ích không nằm ở điểm số, ở kiến thức mà là ở cơ hội trải nghiệm cuộc sống với không gian ở bên ngoài lớp học. Dạy học dự án giúp học sinh hình thành và phát triển rất nhiều kỹ năng như tự tin, sáng tạo; khả năng sắp xếp, lập kế hoạch, chủ động trong công việc; cách hợp tác tốt với nhiều đối tượng, khả năng thích ứng sự thay đổi môi trường sống và môi trường học tập. Điều quan trọng nhất là các em nhận thức được các giá trị sống, tư duy sáng tạo. Các kỹ năng này rất khó hình thành cho học sinh theo phương pháp dạy truyền thống.

Thay đổi cả thầy lẫn trò

Khác với phương pháp dạy học truyền thống, nơi giáo viên đóng vai trò chủ động trong mọi hoạt động, còn dạy học theo dự án mang lại sự đổi mới trong vai trò của giáo viên và học sinh. Người giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, tư vấn cho các hoạt động của học sinh thay vì “cầm tay chỉ việc” cho học sinh của mình. Giáo viên nhìn ra sự liên quan của bài học tới các vấn đề trong cuộc sống, hình thành ý tưởng về một dự án để học sinh đóng vai trò là người thực hiện. Giáo viên có nhiệm vụ tham vấn nhiều hơn so với cách dạy truyền thống mà họ vẫn thường xuyên sử dụng.

Cô Hoàng Thị Hiền cho biết, đặc điểm của dạy học theo dự án là tích hợp cùng lúc nội dung kiến thức nhiều môn học, đòi hỏi học sinh phải dành thời gian tìm hiểu nghiên cứu vấn đề trong thực tế cuộc sống, nhưng do phải học nhiều môn trên trường, học thêm khiến các em không có thời gian. “Ở những dự án của mình, tôi chú trọng xây dựng lớp học online trên facebook. Mọi kế hoạch, hoạt động giảng dạy, trao đổi thông tin, tiến độ dự án, tập huấn kỹ năng tạo sản phẩm... đều thực hiện online. Ngoài giờ chính khóa và học thêm, học sinh rảnh rỗi bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu đều có thể lên mạng thực hiện”, cô Hiền cho biết.

Cũng theo cô Hiền, học qua online giảm được những khó khăn, không chỉ cho học sinh mà còn cho giáo viên. Đây cũng là cách hạn chế học sinh lướt web vô bổ, thay vào đó các em khai thác kho kiến thức khổng lồ trên internet, hình thành khả năng tìm kiếm, chọn lọc, xử lí thông tin và khả năng tự học.

Thầy Ngô Thành Nam, giáo viên trường Việt Úc, chia sẻ: Thật ra không có một quy chuẩn cụ thể nào quy định phương pháp này phù hợp với loại hình lớp học nào. Phương pháp này đòi hỏi sự thay đổi về cả vai trò của người dạy và người học, đôi khi thử thách bắt nguồn từ chính người học do đã nhiều năm quen với cách học truyền thống. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng có đủ sự kiên trì để vượt qua thách thức để thay đổi suy nghĩ của cả người dạy và người học. "Tôi thiết nghĩ, khi người giáo viên hiểu rõ bản chất của phương pháp, cộng với sự đam mê của bản thân thì dạy học theo dự án sẽ dễ dàng được nhân rộng", thầy Nam cho biết thêm.

Đan Phương

Giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cho học sinh tiểu học

“Thông minh cùng Cha-Ching” - chương trình giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cơ bản đã lần đầu tiên được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp cùng Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam triển khai tại các trường tiểu học Hà Nội tại Lễ khởi động ngày 29/10.

Chia sẻ:

Từ khóa:

  • Phương pháp dạy học,
  • Sở Giáo dục – Đào tạo,
  • kỹ năng học sinh,
  • vốn sống,

Từ VLOS

Dạy học theo dự án là một mô hình dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Nó giúp phát triển kiến thức và các kỹ năng liên quan thông qua những nhiệm vụ mang tính mở, khuyến khích học sinh tìm tòi, hiện thực hoá những kiến thức đã học trong quá trình thực hiện và tạo ra những sản phẩm của chính mình. Chương trình dạy học theo dự án được xây dựng dựa trên những câu hỏi định hướng quan trọng, lồng ghép các chuẩn nội dung và tư duy bậc cao trong những bối cảnh thực tế.

Bài học thiết kế theo dự án chứa đựng nhiều kỹ thuật dạy học khác nhau, có thể lôi cuốn được mọi đối tượng học sinh không phụ thuộc vào cách học của các em. Thông thường học sinh sẽ được làm việc với các chuyên gia và những thành viên trong cộng đồng để giải quyết vấn đề, hiểu sâu nội dung hơn. Các phương tiện kỹ thuật cũng được sử dụng để hỗ trợ việc học. Trong quá trình thực hiện dự án có thể vận dụng nhiều cách đánh giá khác nhau để giúp học sinh tạo ra những sản phẩm có chất lượng.

1. Khái niệm dạy học dự án

1.1. Khái niệm

Dạy học theo dự án là một hình thức dạy học, trong đó HS dưới sự điều khiển và giúp đỡ của GV tự lực giải quyết một nhiệm vụ học tập mang tính phức hợp không chỉ về mặt lý thuyết mà đặc biệt về mặt thực hành, thông qua đó tạo ra các sản phẩm thực hành có thể giới thiệu, công bố được.

1.2. Phân loại

a) Phân loại theo quĩ thời gian thực hiện dự án:

  • Dự án nhỏ: thực hiện trong một số giờ học, có thể từ 2 đến 6 giờ.
  • Dự án trung bình: thực hiện trong một số ngày (còn gọi là ngày dự án) nhưng giới hạn trong một tuần hoặc 40 giờ học.
  • Dự án lớn: được thực hiện với quỹ thời gian lớn, tối thiểu là một tuần, có thể kéo dài trong nhiều tuần.

b) Phân loại theo nhiệm vụ:

  • Dự án tìm hiểu: là dự án khảo sát thực trạng đối tượng.
  • Dự án nghiên cứu: nhằm giải quyết các vấn đề, giải thích các hiện tượng, quá trình.
  • Dự án kiến tạo: tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm vật chất hoặc thực hiện các hành động thực tiễn, nhằm thực hiện những nhiệm vụ như trang trí, trưng bài, biểu diễn, sáng tác.

c) Phân loại theo mức độ phức hợp của nội dung học tập:

  • Dự án mang tính thực hành: là dự án có trong tâm là việc thực hiện một nhiệm vụ thực hành mang tính phức hợp trên cơ sở vận dụng kiến thức, kỹ năng cơ bản đã học nhằm tạo ra một sản phẩm vật chất
  • Dự án mang tính tích hợp: là dự án mang nội dung tích hợp nhiều nội dung hoạt động như tìm hiểu thực tiễn, nghiên cứu lí thuyết, giải quyết vấn đề, thực hiện các hoạt động thực hành, thực tiễn

Ngoài các cách phân loại trên, còn có thể phân loại theo chuyên môn (dự án môn học, dự án liên môn, dự án ngoài môn học); theo sự tham gia của người học (dự án cá nhân, dự án nhóm, dự án lớp…).

1.3. Đặc điểm

  • Định hướng thực tiễn: chủ đề của dự án xuất phát từ những tình huống của thực tiễn xã hội, thực tiễn nghề nghiệp cũng như thực tiễn đời sống. Nhiệm của dự án cần chứa đựng những vấn đề phù hợp với trình độ và khả năng nhận thức của người học. Các dự án học tập có ý nghĩa thực tiễn xã hội, góp phần gắn việc học tập trong nhà trường với thực tiễn đời sống, xã hội. Trong những trường hợp lí tưởng, việc thực hiện các dự án có thể mang lại những tác động xã hội tích cực.
  • Định hướng hứng thú người học: HS được tham gia chọn đề tài, nội dung học tập phù hợp với khả năng và hứng thú cá nhân. Ngoài ra, hứng thú của người học cần được tiếp tục phát triển trong quá trình thực hiện dự án.
  • Mang tính phức hợp, liên môn: nội dung dự án có sự kết hợp tri thức của nhiều lĩnh vực hoặc nhiều môn học khác nhau nhằm giải quyết một nhiệm vụ, vấn đề mang tính phức hợp.
  • Định hướng hành động: trong quá trình thực hiện dự án có sự kết hợp giữa nghiên cứu lý thuyết và vận dụng lý thuyết vào trong hoạt động thực tiễn, thực hành. Thông qua đó, kiểm tra, củng cố, mở rộng hiểu biết lý thuyết cũng như rèn luyện kỹ năng hành động, kinh nghiệm thực tiễn của người học.
  • Tính tự lực của người học: trong dạy học theo dự án, người học cần tham gia tích cực, tự lực vào các giai đoạn của quá trình dạy học. Điều đó cũng đòi hỏi và khuyến khích tính trách nhiệm, sự sáng tạo của người học. GV chủ yếu đóng vai trò tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ. Tuy nhiên, mức độ tự lực cần phù hợp với kinh nghiệm, khả năng của học sin và mức độ khó khăn của nhiệm vụ.
  • Cộng tác làm việc: các dự án học tập thường được thực hiện theo nhóm, trong đó có sự cộng tác làm việc và sự phân công công việc giữa các thành viên trong nhóm. Dạy học theo dự án đòi hỏi và rèn luyện tính sẵn sàng và kỹ năng công tác làm việc giữa các thành viên tham gia, giữa HS và GV cũng như với các lực lượng xã hội khác tham gia trong dự án. Đặc điểm này còn được gọi là học tập mang tính xã hội.
  • Định hướng sản phẩm: trong quá trình thực hiện dự án, các sản phẩm được tạo ra không chỉ giới hạn trong những thu hoạch lí thuyết, mà trong đa số trường hợp các dự án học tập tạo ra những sản phẩm vật chất của hoạt động thực tiễn, thực hành. Những sản phẩm này có thể sử dụng, công bố, giới thiệu.

1.4. Lưu ý

  • Các dự án học tập cần góp phần gắn việc học tập trong nhà trường với thực tiễn đời sống, xã hội; có sự kết hợp giữa nghiên cứu lí thuyết và vận dụng lí thuyết vào hoạt động thực tiễn, thực hành.
  • Nhiệm vụ dự án cần chứa đựng những vấn đề phù hợp với trình độ và khả năng của HS.
  • HS được tham gia chọn đề tài, nội dung học tập phù hợp với khả năng và hứng thú cá nhân.
  • Nội dung dự án có sự kết hợp tri thức của nhiều lĩnh vực hoặc môn học khác nhau nhằm giải quyết một vấn đề mang tính phức hợp.
  • Các dự án học tập thường được thực hiện theo nhóm, trong đó có sự cộng tác làm việc và sự phân công công việc giữa các thành viên trong nhóm.
  • Sản phẩm của dự án không giới hạn trong những thu hoạch lý thuyết; sản phẩm này có thể sử dụng, công bố, giới thiệu.
  • Dạy học dự án rất thích hợp để tổ chức dạy học các ứng dụng kĩ thuật của vật lí hay vận dụng các kiến thức vật lí để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
  • Dạy học dự án không phù hợp với các bài học đòi hỏi sự trình bày chính xác, chặt chẽ và hệ thống (đại lượng vật lí, định luật, thuyết vật lí).

2. Các bước tổ chức dạy học dự án

Bước Hoạt động của GV Hoạt động của HS
1. Chuẩn bị
  • Xây dựng ý tưởng,
  • Lựa chọn chủ đề, tiểu chủ đề
  • Lập kế hoạch các nhiệm vụ học tập
  • Xây dựng bộ câu hỏi định hướng: xuất phát từ nội dung học và mục tiêu cần đạt được.
  • Thiết kế dự án: xác định lĩnh vực thực tiễn ứng dụng nội dung học, ai cần, ý tưởng và tên dự án.
  • Thiết kế các nhiệm vụ cho HS: làm thế nào để HS thực hiện xong thì bộ câu hỏi được giải quyết và các mục tiêu đồng thời cũng đạt được.
  • Chuẩn bị các tài liệu hỗ trợ GV và HS cũng như các điều kiện thực hiện dự án trong thực tế.
  • Làm việc nhóm để lựa chọn chủ đề dự án.
  • Xây dựng kế hoạch dự án: xác định những công việc cần làm, thời gian dự kiến, vật liệu, kinh phí, phương pháp tiến hành và phân công công v iệc trong nhóm.
  • Chuẩn bị các nguồn thông tin đáng tin cậy để chuẩn bị thực hiện dự án.
  • Cùng GV thống nhất các tiêu chí đánh giá dự án.
2. Thực hiện dự án
  • Thu thập thông tin
  • Thực hiện điều tra
  • Thảo luận với các thành viên khác
  • Tham vấn giáo viên hướng dẫn
  • Theo dõi, hướng dẫn, đánh giá HS trong quá trình thực hiện dự án
  • Liên hệ các cơ sở, khách mời cần thiết cho HS.
  • Chuẩn bị cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho các em thực hiện dự án.
  • Bước đầu thông qua sản phẩm cuối của các nhóm HS.
  • Phân công nhiệm vụ các thành viên trong nhóm thực hiện dự án theo đúng kế hoạch.
  • Tiến hành thu thập, xử lý thông tin thu được.
  • Xây dựng sản phẩm hoặc bản báo cáo.
  • Liên hệ, tìm nguồn giúp đỡ khi cần.
  • Thường xuyên phản hồi, thông báo thông tin cho GV và các nhóm khác.
3. Kết thúc dự án
  • Tổng hợp các kết quả
  • Xây dựng sản phẩm
  • Trình bày kết quả
  • Phản ánh lại quá trình học tập
  • Chuẩn bị cơ sở vật chất cho buổi báo cáo dự án.
  • Theo dõi, đánh giá sản phẩm dự án của các nhóm.
  • Chuẩn bị tiến hành giới thiệu sản phẩm.
  • Tiến hành giới thiệu sản phẩm.
  • Tự đánh giá sản phẩm dự án của nhóm.
  • Đánh giá sản phẩm dự án của các nhóm khác theo tiêu chí đã đưa ra.

3. Các ví dụ

Tài liệu tham khảo

  • Thiet-ke-du-an-hieu-qua-Intel.docx
  • Vat-ly-THPT-Tap-huan-Day-hoc-kiem-tra-theo-dinh-huong-phat-trien-nang-luc-hoc-sinh-2014.doc
  • Cac-phuong-phap-day-hoc-tich-cuc.doc
  • Md18-Phuong-phap-day-hoc-tich-cuc.pdf

Video liên quan

Chủ đề