Vì sao người Việt ở nhà sàn

Linh Nhi

Qua hàng nghìn năm lịch sử của người Việt Nam, với sự phát triển từ thấp đến cao, con người đã sống qua những hình thái xã hội như bầy đàn, công xã, thị tộc,… nhưng cao hơn cả và vẫn còn tồn tại, duy trì cho đến ngày nay là đơn vị hành chính nhỏ được gọi là “làng”. Nhưng làng lại được lập lên từ tập hợp các gia đình, nhiều có tới vài nghìn hộ, ít cũng phải trên chục hộ gia đình và mỗi gia đình sống độc lập trong mỗi khuôn viên riêng. Dù ở giai đoạn nào thì mỗi gia đình đều tìm cho mình thế ứng xử trong cách sống để phù hợp với điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội và đặc biệt là phù hợp với mô hình sản xuất nông nghiệp lúa nước đó chính là xây dựng cho gia đình những ngôi nhà.

Vì sao người Việt ở nhà sàn

Ngôi nhà của người Việt xưa

Nhà là công trình xây dựng có mái, tường bao quanh, có cửa ra vào dùng để ở, sinh hoạt văn hoá, xã hội hoặc cất giữ vật chất, phục vụ cho các hoạt động cá nhân và tập thể của con người, và có tác dụng bảo vệ cho các hoạt động đó.

Nhà là nơi sống, làm việc, sinh hoạt của gia đình, nên nhà có ý nghĩa rất cao cả về mặt tinh thần lẫn vật chất.

Về mặt tinh thần nhà được xem là chốn trú ngụ yên ổn chở che, nâng đỡ tâm hồn con người. Khi con người thoát khỏi cuộc sống bầy đàn và trở thành sinh vật có thói quen, trạng thái nhà của một người được biết đến nhiều hơn về mặt tâm lý có thể ảnh hưởng đến hành vi, cảm xúc, và toàn bộ sức khoẻ tinh thần. Vì thế mới hình thành tâm trạng nhớ nhà khi con người rời khỏi ngôi nhà thân yêu của họ trong một khoảng thời gian nhất định.

Thực tế ngày nay, nhiều người còn xem nhà là của cải vật chất (bất động sản) và là thước đo chất lượng cuộc sống.

Nhà ở được coi là một hình thức tiêu biểu của văn hóa vật thể trước hết là về mặt kiến trúc.

Quá trình phát triển nền kiến trúc Việt Nam gắn liền với môi trường thiên nhiên và hoàn cảnh kinh tế - xã hội. Thưở ban sơ, con người đã biết sử dụng những vật liệu có sẵn như tranh, tre, nứa, lá, gỗ, đá... để làm cho mình ngôi nhà che mưa che nắng, hay để tránh thú dữ, cất giữ và bảo quản lương thực. Sau này, cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội về mọi mặt các vật liệu khác như gạch, ngói, sành, sứ... xuất hiện, bổ sung vào sự đa dạng của vật liệu xây dựng.

Nhà ở Việt Nam đa phần sử dụng kết cấu khung gỗ, kết hợp với các vật liệu bổ trợ khác như gạch, đá, ngói, đất, rơm, tre... Hệ thống kết cấu khung cột, vì kèo và các loại xà đều có quy định thống nhất về kích thước, tương quan về tỷ lệ. Trong thể loại kiến trúc này, thực sự không có sự khác biệt hoặc phân chia nhiều về kết cấu của các thể loại công trình khác nhau. Dựa trên những đặc điểm cũng như tính chất của hệ kết cấu, vật liệu mà kiến trúc nhà ở Việt Nam không tồn tại các công trình có kích thước lớn như ở các quốc gia khác.

Vì sao người Việt ở nhà sàn

Vật liệu của ngôi nhà truyền thống chủ yếu là vật liệu địa phương

Về phân loại, có thể chia nhà ở Việt nam thành rất nhiều loại hình như nhà trệt, nhà cao tầng, nhà tranh, nhà ngói, nhà mái bằng, nhà mái ngói, nhà ống, nhà biệt thự....nhưng tựu chung lại, theo tiến trình lịch sử phát triển nhà ở Việt Nam, nhà ở có thể được chia thành hai loại hình chính: Nhà ở dân gian và nhà ở hiện đại.

Nhà ở dân gian: Với người Việt Nam nhà ở là không gian cư trú chính, là tổ ấm gắn bó nhiều mặt của các thành viên trong quan hệ gia đình, thân tộc để từ đó mở ra quan hệ với xóm giềng, làng nước. Nhà ở cũng là nơi sinh ra, nuôi dưỡng và hình thành đầu tiên nhân cách, nơi lưu giữ và trao truyền những giá trị văn hoá của thế hệ này cho thế hệ khác, nơi tổ chức những hoạt động kinh tế và các hoạt động sống của người dân. 

Nhà ở dân gian là những công trình kiến trúc cổ truyền với bộ khung chịu lực được làm chủ yếu từ tre hay gỗ, không chỉ là nơi trú ẩn, che mưa nắng, gió bão mà còn là sự thể hiện thế ứng xử linh hoạt giữa con người với môi trường tự nhiên quanh khu vực cư trú. Sự lựa chọn kiểu dáng, kết cấu, sử dụng vật liệu cũng như bố trí, sắp xếp nội, ngoại thất các công trình kiến trúc sao cho phù hợp là sự biểu hiện một cách chân thực nhận thức, tư duy của chủ nhân về văn hoá ở; đồng thời nó còn phản ánh rõ nét quan hệ kinh tế, xã hội, quan hệ giai cấp, thói quen trong sinh hoạt, phong tục tập quán.

Trong lịch sử kiến trúc nhà ở dân gian Việt Nam thì kiểu nhà Sàn được coi là kiểu sơ khai nhất, tiền đề cho các kiểu kiến trúc về sau. Nhưng từ nhà Sàn đến nhà Đất là cả một quá trình cải biến, thay đổi các yếu tố kiến trúc cổ sơ để phù hợp với điều kiện môi trường, hoàn cảnh kinh tế, xã hội trên vùng đất mới của các nhóm dân cư(6). Nhà sàn thường được làm bằng gỗ là kiểu nhà truyền thống từ xưa đến nay ở các vùng đồng bào dân tộc hay sinh sống ở các vùng núi cao.

Nhà nền đất miền xuôi có kết cấu khung tre hay gỗ, thường làm vách và lợp bằng tranh, rạ hay ládừa nước. Một số nhà có kết cấu khung gỗ loại tốt lại thường được lợp bằng ngói, tường bao quanh bằng gạch với vì kèo gỗ. Khuôn viên nhà bao gồm nhà chính, nhà phụ (nhà ngang, nhà bếp) và chuồng gia súc cùng sân, vườn, ao, giếng hoặc bể nước và hàng rào, tường vây quanh, cổng ngõ. Nhà chính thường có số gian lẻ (1, 3 hay 5) cùng với 1 hoặc 2 chái.

Vì sao người Việt ở nhà sàn

Lối kiến trúc nhà gỗ cổ 3 gian của người Việt xưa

Trong khuôn viên ngôi nhà dân gian của Việt Nam thường có một bộ phận không thể thiếu được là mảnh vườn. Đây là nơi tăng gia và cũng là nơi cải thiện môi trường sống, tạo không gian thoáng đãng cho ngôi nhà.

Nhà ở hiện đại: Cùng với tiến trình phát triển kinh tế và đô thị hoá nông thôn tại Việt Nam, một số lượng lớn di sản văn hoá vật thể như nhà ở dân gian đã và đang bị mất đi một cách nhanh chóng. Sự du nhập của văn hóa phương Tây có ảnh hưởng rất lớn đến toàn cảnh xã hội Việt Nam, nhà ở dân gian Việt đã có sự thay đổi về mặt kiến trúc và trở nên hiện đại hơn, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế, xã hội.

Vì sao người Việt ở nhà sàn

Nhà ở truyền thống của người miền Trung được thiết kế hiện nay

Vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, thể loại kiến trúc thuộc địa du nhập từ các nước phương Tây, cùng với sự xuất hiện của người Pháp tràn vào Việt nam. Loại hình kiến trúc này phát triển song song với quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp. Do đặc điểm của riêng của điều kiện địa lý, khí hậu khác biệt nên các phong cách kiến trúc châu Âu đã phải có những chuyển biến nhất định để hòa hợp với điều kiện Việt Nam. (Hình minh họa)

Từ giữa thế kỷ 20, sau khi nước Việt Nam thoát khỏi giai đoạn thuộc địa của thực dân Pháp, thể loại kiến trúc mới được hình thành. Dựa trên điều kiện lịch sử khác biệt, kiến trúc hai miền Nam và Bắc cũng phải chịu những ảnh hưởng nhất định. (Hình minh họa)

Cùng với sự phát triển của kinh tế cũng như quá trình mở của hội nhập quốc tế sau giai đoạn đổi mới và sự du nhập nhiều luồng kiến trúc khác nhau vào Việt Nam đã hình thành nên một khuynh hướng kiến trúc mới – kiến trúc đương đại. Vào giai đoạn của mở cửa, phong cách kiến trúc này phần nhiều mang tính lai tạp sao chép các đặc điểm kiến trúc nước ngoài còn mang tính hỗn loạn.

Từ những năm đầu của thế kỷ 21 cho đến nay, trào lưu kiến trúc mới theo phong cách hiện đại đã được hình thành. Tuy chưa rõ nét nhưng đã một phần thể hiện được sự hội nhập với thế giới của kiến trúc Việt Nam. Bên cạnh các hình thức thường thấy ngoài đường phố, công năng sử dụng cũng được nghiên cứu nghiêm túc hơn, tạo tiện nghi cho người sử dụng tốt hơn.

Vùng đầu nguồn sông Cửu Long (gồm phần lớn diện tích hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp) là nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi, được khai phá sớm nhất ở Nam bộ và cũng là nơi có thành phần dân tộc đa dạng nhất.

Vì sao người Việt ở nhà sàn
Hình1. Bản đồ các khu vực thuộc ĐBSCL với vị trí đầu nguồn (được khoanh vùng) và bản đồ cho thấy mật độ cư trú ở khu vực đầu nguồn

Trong quá trình định cư ở đây, người Việt đã kế thừa loại hình nhà ở dân gian truyền thống từ miền Trung và học hỏi văn hóa của người Khmer bản địa để xây dựng một loại hình nhà ở mới – Đó là kiểu nhà sàn có bố cục không gian mặt bằng phát triển theo chiều sâu, cấu trúc đơn giản, linh hoạt với những chi tiết trang trí rất đặc trưng, dựa trên bối cảnh điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội của vùng đất này. Qua điều tra khảo sát điền dã cho thấy, loại hình nhà ở nói trên đã trải qua một quá trình biến đổi phong phú, hiện vẫn còn phổ biến và được nhiều người dân đang sinh sống nơi đây ưa chuộng.

Bối cảnh hình thành từ lịch sử – xã hội và văn hóa

Hành trình tiến về đất phương Nam

Từ khoảng thế kỷ 17, các lưu dân Việt từ miền Trung đã dần di cư một cách tự phát vào vùng đất mới ở phía Nam để khai khẩn đất hoang sinh sống. Họ đi bằng ghe men theo sông rạch miền Đông Nam Bộ rồi đến Tây Nam Bộ. Nếu lên đất liền sinh sống, họ cất tạm một mái nhà đơn sơ (gọi là “nhà đá”, “nhà đạp”), để khi không cần nữa thì có thể đá bỏ, đạp bỏ ra đi. Nhà ở dạng này tập trung nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau là các vùng đất thấp thường xuyên bị ngập lụt, đất nhiễm phèn hoặc mặn. Đến khi gặp vùng đất thiên nhiên ưu đãi, dễ dàng sinh sống thì họ dừng lại lập nghiệp, định cư lâu lài, tích lũy của cải và xây cất nhà ở kiên cố [2,4].

Vùng đất thuận lợi đầu tiên mà lưu dân Việt dừng chân là vùng Đông Nam Bộ và Tiền Giang. Một bộ phận những người giàu có ở đây đã thuê thợ từ miền Trung vào để xây cất những căn nhà kiên cố có phong cách gần giống với kiểu nhà tại miền Trung hoặc có “lai kiến trúc Pháp” với cách tổ chức không gian theo chiều ngang của nhà.

Vì sao người Việt ở nhà sàn
Hình 2. Nhà sàn dân gian người Việt vùng đầu nguồn sông Cửu Long

Vùng đất thuận lợi thứ hai là các cù lao nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, ứng với “tiểu vùng phù sa ngọt” (theo cách phân vùng của các nhà nghiên cứu) với đặc trưng là có mùa lũ hàng năm làm cho đất đai màu mỡ, thích hợp để trồng lúa và có đặc điểm là đất cao, ngập không sâu [4].

Ngoài lớp người khai phá tự phát đến từ trước, vào năm 1700, thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đem quân đánh ngoại xâm trên đất Campuchia đã dẫn theo một bộ phận người dân Quảng Bình ở quê nhà của ông đến vùng đất cù lao Cây Sao (sau đổi thành cù lao Ông Chưởng, huyện Chợ Mới, An Giang); sau đó là đến các cù lao lân cận lập nghiệp. Nhóm “cư dân từ Hai Huyện” (hai huyện ở Quảng Bình) có điều kiện mang theo các nghề thủ công truyền thống của người Việt ở quê nhà cùng với nếp suy nghĩ của ông cha về căn nhà chuẩn mực [3]. Với nguồn gỗ tốt từ Campuchia khá dồi dào và hệ thống đường thủy thuận lợi về cảng sông Tiền ở Tân Châu, tại vùng Chợ Thủ (Chợ Mới- An Giang), cư dân “Hai Huyện” đã hình thành nên nghề mộc nức tiếng miền Tây tỏa đi những khu vực để xây cất nhà.

Sự giao lưu với văn hóa bản địa của người Khơ me

Vào thời kỳ người Việt đến vùng đất này khai phá, người Khmer đã có mặt từ rất lâu ở vùng Bảy Núi. Nhà ở truyền thống của người Khmer là kiểu nhà sàn với lối lên luôn ở giữa mặt chính nhà.

Vì sao người Việt ở nhà sàn
Hình 3. Thống kê các kiểu nhà sàn truyền thống của người Khmer. Nguồn: [10]

Vì sao người Việt ở nhà sàn
Hình 4. Nhà ông Tôn Văn Đề (thân sinh chủ tịch Tôn Đức Thắng) ở xã Mỹ Hòa Hưng, Long Xuyên (xd năm 1887, hiện là di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia).

Với đặc điểm thiên nhiên của vùng đất mới, những lưu dân Việt di cư từ miền Trung đã học hỏi kiểu nhà sàn của người Khmer bản địa để xây dựng cho mình loại nhà ở mới vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên, vừa dễ xây cất, ai cũng có thể làm được và phù hợp với hình thức gia đình có qui mô nhỏ nhưng vẫn giữ bố cục không gian trong những ngôi nhà ở truyền thống của mình.

Một đặc điểm nổi bật khác mà người Việt chịu ảnh hưởng từ nhà ở của người Khmer là kỹ thuật và phong cách trang trí khá đặc trưng. Trong khuôn khổ bài báo, xin không đề cập nội dung này.

Phật giáo Hòa Hảo

Nam bộ là vùng đất mộ đạo. Phật giáo Hòa Hảo được khai sáng bởi đức giáo chủ Huỳnh Phú Sổ vào năm 1939 tại Phú Tân, An Giang là đạo Phật của giới nông dân Tây Nam Bộ. Với chủ trương tu tại gia, các tín đồ chỉ thờ một tấm trần dà màu nâu lồng khung kiếng trên trang thờ ở gian chính giữa nhà; ngoài sân trước lập một bàn thờ Thiên [4].

Như vậy, với nhu cầu về một cuộc sống ổn định lâu dài tại vùng đất mới, với tiềm năng về nhân lực (thợ lành nghề, không phải thuê từ nơi khác) và vật lực (nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào); với bối cảnh về tự nhiên (thường xuyên bị ngập vào mùa lũ) và văn hóa (có sự giao lưu văn hóa với người Khơ me, có đời sống tín ngưỡng riêng); những lưu dân Việt đã xây dựng nên ngôi nhà ở đặc trưng cho mình tại vùng đất mới.

Quá trình phát triển

Thời kỳ định hình

Qua kết quả khảo sát điền dã tại các địa bàn: Phường Long Phú, thị xã Tân Châu; xã Long Điền B, xã Kiến An, huyện Chợ Mới; xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang); xã Phú Đức, xã Phú Cường, huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp); những ngôi nhà cổ gốc miền Trung tiêu biểu còn tồn tại ở đây có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ 18 đến thế kỷ 19.

Thời kỳ này, các gia đình khá giả xây cất nhà kiên cố với lối tổ chức không gian trên mặt bằng cơ bản giữ nguyên như nhà ở truyền thống miền Trung nhưng sàn nhà được nâng lên để thích ứng với điều kiện tự nhiên. Lối đi lên nhà luôn ở về một phía.

Hệ khung chịu lực nhà nơi đây cũng giống hệ khung chịu lực của nhà dân gian miền Trung và các địa phương khác của miền Nam (tại vùng Đông Nam Bộ, Tiền Giang). Có 2 loại: (1) Nhà nọc ngựa (phổ biến nhất) với cấu trúc có một cột chính giữa chống trực tiếp lên đòn đông; và (2) Nhà xuyên trính với cấu trúc có hai cột ở trung tâm, vì kèo nằm về hai phía đối xứng với đòn đông được nối với nhau bằng một thanh dầm ngang (trính/trến). Theo thời gian, hình thức chịu lực của nhà cũng dần được đơn giản hóa.

Vì sao người Việt ở nhà sàn
1. Nhà Đốc phủ Đẩu ở Bình Dương (1890)

Vì sao người Việt ở nhà sàn
2. Nhà Hội đồng Cự ở Tiền Giang (1938). Nguồn:[5,9]

Thời kỳ phát triển với nhiều biến đổi phong phú

Phân tích so sánh bố cục không gian các thành phần chức năng, hình thức mái, hệ khung chịu lực, thời gian xây cất của các ngôi nhà mà nhóm nghiên cứu tiếp cận điều tra khảo sát được; quá trình biến đổi của nhà có những hình thức như sau:

* Ban đầu, nhà chỉ có một nếp nhà. Mặt bằng phát triển theo chiều sâu, có 2 mái rất dốc sà xuống thấp để tránh mưa tạt khiến từ ngoài nhìn vào nhà khá kín đáo và hơi tối. Gian thờ nằm trang trọng ở trung tâm nhà, tựa vào vách ngăn chia hai không gian nhà chính và nhà phụ.Từ diện tích khá lớn, gian thờ dần được thu nhỏ lại; giao thông trong nhà xuyên phòng.

* Theo thời gian, nhà được thêm vào mái phụ tạo thành khu nóc có tác dụng che nắng, chắn mưa tạt và cũng để che cho đường đi bên hông được thêm vào. Hệ khung chịu lực có sự trốn cột ở gian giữa để nới rộng không gian.

Mặt chính nhà luôn có các bộ cửa lớn mở rộng. Nhà có ít vách ngăn, nếu có thì dùng vách lửng, phía trên vách có trang trí theo lối chạm khắc rỗng tăng khả năng thông thoáng cho nhà.

Với nhu cầu tăng diện tích sử dụng cho các hoạt động và quy mô gia đình ngày càng lớn; ngoài nhà chính (nhà trên), nhà phụ (nhà dưới) thường được mở rộng thêm các không gian phụ trợ một cách linh hoạt tạo thành các bố cục tương đồng với nhà ở dân gian tại các vùng khác ở Nam bộ như sau:

(1) Bố cục nhà sắp đọi (còn gọi là xếp đọi, nối đọi): Nhà phụ nằm liền kề phía sau nhà chính, đòn dông mái nhà chính song song với đòn dông mái nhà phụ; giao thông hoặc là xuyên phòng hoặc qua hành lang bên hông nhà.

(2) Bố cục chữ đinh: Nhà phụ nằm bên cạnh nhà chính, đòn dông mái nhà chính vuông góc với đòn dông mái nhà phụ.

(3) Biến thể từ 2 bố cục nhà nêu trên: Do toàn bộ nhà không nằm trên mặt đất mà nằm trên cùng một sàn nên khi mở rộng thêm diện tích các không gian phụ trợ, toàn bộ ngôi nhà cũng chỉ hợp chung một nóc với nhiều mái.

Vai trò của hiên (hàng ba)

Dù cấu trúc bố cục các thành phần chức năng nhà có nhiều biến đổi nhưng hiên luôn là một thành phần quan trọng không thể thiếu nằm phía trước nhà. Đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động phong phú như: làm việc, học hành, nghỉ ngơi, vui chơi của trẻ em…, có nơi được mở rộng đến 2 bước cột (khoảng 6m). Hiên là không gian mở rất sáng sủa, thoáng mát; là khoảng đệm liên kết từ ngoài sân vào trong nhà.

Do khuôn viên nhà thường không có hàng rào nên hiên còn là không gian giao tiếp trực tiếp với hàng xóm, tiếp khách thường nhật, nơi tổ chức đám tiệc. Một số nhà có quan hệ họ hàng ở gần nhau nối liên thông hàng ba với nhau để tiện giao lưu, di chuyển.

Thời kỳ đô thị hoá

Hiện nay, nhu cầu về nhà ở trong khu vực ngày càng tăng cùng với sự gia tăng dân số. Với nguồn gỗ trở nên khan hiếm cùng sự sự giao lưu học hỏi những nơi khác ngoài khu vực, nhiều hộ gia đình mới có xu hướng xây nhà ở kiểu nhà ống nền trệt, nhà nhiều tầng bằng những vật liệu mới như: bê tông, gạch, tôn… giống các tỉnh thành trên cả nước. Ngoài ra, nhờ hệ thống đê bao trong vùng mà nhiều cụm tuyến dân cư không còn ngập lũ. Các ngôi nhà có phần sàn khá cao trước đây đã tận dụng phần dưới sàn làm không gian ở. Tại làng mộc Chợ Thủ, xuất hiện nhiều đội thợ chuyên nâng sàn lên cao cho những ngôi nhà hiện hữu có sàn không đủ cao để hình thành thêm một tầng ở cho nhà.

Nhiều hộ gia đình vẫn chọn kiểu ở nhà sàn. Do đất đai dần hạn hẹp, nhiều nhà xây mới được cất chen vào khoảng trống giữa các nhà hiện hữu.

Do điều kiện kinh tế, nhiều nhà sàn xây mới có xu hướng thu hẹp hơn về chiều ngang, dùng tôn lợp mái; cấu trúc không gian mặt bằng biến đổi giống với nhà phố.

Nhận dạng các đặc tính nổi bật

Tuy sự hình thành và phát triển chưa trải qua khoảng thời gian dài so với bề dày lịch sử của nhà ở truyền thống người Việt trên khắp cả nước, ngôi nhà sàn người Việt vùng Tây Nam bộ vẫn định hình những đặc tính nổi bật sau đây:

  • Tính thích ứng với hoàn cảnh một cách nhanh chóng, thể hiện qua sự biến đổi phong phú của ngôi nhà trong từng thời kỳ phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa xã hội; đáp ứng nhu cầu sử dụng của chủ nhân.
  • Tính mở thoáng thể hiện qua: (1) Cấu trúc vật lý của ngôi nhà để phù hợp với điều kiện tự nhiên; (2) Đặc điểm tính chất không gian sử dụng phản ánh tính cách, thói quen sinh hoạt và tương tác xã hội của con người vùng Tây Nam bộ.
  • Tính đa năng, linh hoạt của từng không gian nhà rất cao. Tính linh hoạt còn thể hiện trong việc xây cất mở rộng các không gian phụ trợ. Từ không gian cơ bản ban đầu, tùy nhu cầu mà có thể phát triển mở rộng nhà: Xây cất trước phần quan trọng rồi dựng thêm các phần phụ trợ về sau nhưng vẫn hợp thành một chỉnh thể thống nhất.

Lời kết

Cho đến cuối thế kỷ 20, ngôi nhà sàn dân gian người Việt vùng đầu nguồn sông Cửu Long vẫn tiếp tục có sự phát triển về số lượng. Qua kết quả khảo sát điền dã, các ngôi nhà có bố cục không gian tiêu biểu, trang trí đẹp, còn nguyên vẹn, ít sửa chữa được xây dựng khá nhiều thuộc giai đoạn này. Tất cả đã góp phần làm phong phú thêm di sản kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống Việt Nam.

Hiện nay, những tác động và hệ quả của quá trình đô thị hóa là không thể tránh khỏi. Từ kết quả điều tra phỏng vấn, rất nhiều hộ gia đình bày tỏ mong muốn được tiếp tục sinh sống trong các ngôi nhà sàn kiểu truyền thống. Hiện tại, đã có nhiều ngôi nhà hiện đại được xây mới ở đây khai thác yếu tố nhà ở truyền thống nhưng những tìm tòi thể nghiệm để định hình kiểu thức mới chưa thành công. Điều đó cho thấy, bản thân ngôi nhà sàn truyền thống.

Những đặc tính được định hình trong quá trình phát triển của ngôi nhà cần được khai thác, kế thừa một cách khoa học và sáng tạo để xây dựng những mô hình nhà ở mới phù hợp với yêu cầu của nhà ở hiện đại, đáp ứng nhu cầu sống cho người dân; đảm bảo tính an toàn, kinh tế, thẩm mỹ; góp phần bảo tồn nét văn hóa vùng ĐBSCL của đất nước.

[1] Trần Thị Quế Hà, Nguồn gốc và quá trình phát triển kiến trúc dân gian truyền thống người Việt, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ III, Tiểu ban Văn hóa Việt Nam. [2] Sơn Nam (2009), Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nxb Trẻ, TPHCM. [3] Sơn Nam (2014), Tìm hiểu đất Hậu Giang và lịch sử đất An Giang, Nxb Trẻ, TPHCM. [4] Trần Ngọc Thêm (chủ biên) (2013) Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb Văn hóa – văn nghệ, TPHCM. [5] Ngọc Phan, Hoàng Phương (2016), Độc đáo nhà cổ miền Tây: Nhà thảo bạt lớn nhất Nam bộ, Báo Thanh niên 05/01/2016. [6] Trần Thuận (2014), Nam Bộ vài nét lịch sử – văn hóa, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TPHCM. [7] Ngô Kế Tựu (2013), Nhà xưa Nam Bộ, Nxb Thời Đại, TPHCM. [8] Ủy ban nhân dân tỉnh An giang (2013), Địa chí An Giang. [9] Trang web: https://gowdee.vn/places .

[10] Trang web: https://www.facebook.com/pages/Khmer-Traditional-House/.