Vì sao có tên là cầu trường tiền

Đi qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, cầu Trường Tiền như một nhân chứng của Huế 

Lần trùng tu cầu Trường Tiền gần đây nhất vừa được thực hiện năm 2017. Nhiều hạng mục từng đã bị phá bỏ, làm sai đã được phục hồi trong niềm vui của nhiều người.

Quay ngược về với quá khứ, cầu Trường Tiền được khởi công xây dựng vào năm 1897 và hoàn thành năm 1899 dưới triều vua Thành Thái. Cầu được thiết kế và thi công bởi hãng Eiffle (Pháp), với hình dáng sáu vòng cung bằng thép, mặt cầu được lát bằng gỗ lim. Thời điểm cầu hoàn thành dài 402m, có một ý nghĩa vô cùng quan trọng khi là cầu đường bộ đầu tiên bắt qua sông Hương, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Huế và cũng là dấu mốc chấm dứt thời gian dài đò giang cách trở của hai bờ bắc – nam.

Vì sao có tên là cầu trường tiền

Để xây dựng được một cây cầu bắt qua sông Hương vào thời điểm ấy là vô cùng khó khăn. Không chỉ khó khăn về mặt kỹ thuật mà còn làm sao cho hài hòa với sự duyên dáng, thơ mộng của dòng sông Hương soi bóng lên nó. Thế nhưng khi đáp ứng được tiêu chí ấy, chỉ mới hoạt động được 5 năm cây cầu đã rơi vào một hoàn cảnh bi đát: Bão năm Thìn (1904) hất tung bốn vài của chiếc cầu xuống sông. Cho đến năm 1906 cầu mới được sửa lại, lúc này mặt cầu được thay thế từ gỗ lim sang bằng bê tông.

31 năm sau, năm 1937 dưới triều vị vua cuối cùng của triều Nguyễn – Bảo Đại, cầu lại được trùng tu. Lần này, cầu được mở thêm hai lan can phía ngoài vài cầu để phục vụ cho người đi xe đạp, đi bộ. Không lâu sau đó, năm 1946, cầu lại bị đánh sập theo chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, đến năm 1953 việc tái thiết mới được thực hiện một cách hoàn chỉnh.

Số phận cây cầu dường như chưa được yên ổn. Mùa xuân năm 1968, Quân giải phóng miền Nam buộc phải  đánh sập hai vài cầu số 3 và 4 của cầu để cắt đường tấn công của đối phương. Từ đó đến năm 1991, một đoạn bị đánh sập được lát gỗ theo kiểu tạm bợ đã được dựng lên. Cho đến năm 1991, Bộ Giao thông – Vận tải mới có quyết định phục hồi nguyên vẹn cây cầu lịch sử Trường Tiền.

Trải qua thời gian dài, đến năm 2017, trong quá trình khôi phục lại cầu các đơn vị thi công đã làm được công việc được nhiều người ghi nhận dù chưa được trọn vẹn: Trả lại tên cho cầu là cầu Trường Tiền, bổ sung 10 cái bao lơn để khách dừng chân ngắm cảnh từng đã bị phá dỡ ở lần trùng tu trước…

Nhưng thay đổi khiến nhiều người dân Huế giật mình chính là việc đơn vị thi công đã cắt bỏ 10 cái bao lơn hình nửa lục giác nhô ra sông - điểm dừng chân ngắm cảnh, hóng mát vừa tạo sự mềm mại, duyên dáng cho cầu. Và, khi cầu trung tu xong, ai ai cũng bất ngờ khi bị gắn bảng “Tràng Tiền” thay cho đúng của nó là Trường Tiền. Việc thay đổi này đã khiến nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, người dân Huế lên tiếng, phản ứng.

120 năm đã đi qua, cầu Trường Tiền dù có rất nhiều tên gọi khác nhau như Thành Thái (tên vị vua triều Nguyễn), Clémenceau (tên vị thủ tướng Pháp), Nguyễn Hoàng (tên vị chúa có công khai phá vùng đất Thuận Hóa). Thế nhưng Trường Tiền vẫn là tên gọi thân thuộc, gần gũi nhất với người Huế - bởi lẽ cái tên ấy gắn liền tên bến đò cũ ở điểm đầu cầu phía bắc, cạnh xưởng đúc (trường) tiền của triều đình Nguyễn.

Thoát ra khỏi biểu tượng lịch sử, biểu tượng của Huế, cầu Trường Tiền giờ đây vẫn mang trong mình sứ mệnh cao cả khi ngày ngày gồng gánh hàng vạn lượt xe, dòng người qua lại hai bờ bắc – nam. Không dừng lại đó, cầu Trường Tiền còn là một điểm đến văn hóa, một sân khấu hoành tráng mà những đạo diễn, người làm chương trình, lễ hội lớn mỗi khi đến Huế đều muốn thể nghiệm.

Vì sao có tên là cầu trường tiền

Cầu Trường Tiền giờ đây trở thành một không gian sân khấu vô cùng ấn tượng với rất nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật đặc sắc được biểu diễn ngay trên cầu

Có thể thấy rõ không gian sân khấu lung linh, huyền ảo cùng ánh đèn soi chiếu lóng lánh phản ngược lại dòng nước sông Hương về đêm. Mỗi khi chứng kiến những màn trình diễn nghệ thuật, từ tà áo dài thướt tha, hay chúng ta còn nhớ màn trình diễn nghệ thuật sắp đặt lửa trên nền bài hát “La Narche” của đoàn nghệ sĩ đoàn nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse – Pháp đã làm cho không gian này trở nên lung linh sắc màu trong sự sang trọng pha lẫn cổ kính.

Rất đơn giản, khi mà những người làm nghệ thuật muốn được trình diễn ở ngay trên cây cầu lịch sử này bởi vốn dĩ cây cầu là không gian vô cùng thơ mộng, một kiến trúc đặc biệt của đô thị Huế mà ở đó có những giá trị văn hóa, lịch sử không vùng đất nào có được.

Cùng với sông Hương, cầu Trường Tiền như một gạch nối tạo nên thương hiệu, chỉ dẫn văn hóa, du lịch mà gần như khi nhắc đến Huế ai ai cũng sẽ nhớ đến. Ở nhiều góc thời gian, mùa khác nhau cầu Trường Tiền có một vẻ đẹp riêng. Trong khung ảnh là không gian của Trường Tiền một sáng sớm mờ sương đẹp đến nao lòng

Nhưng trước đó, cùng với sự hình thành, hiện hữu cùng với con người, cầu Trường Tiền được ví như một không gian của những tâm hồn thi ca, nhạc họa. Những câu hát, lời thơ ấy hay, đẹp da diết nhưng cũng buồn đến nao lòng.

“Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp

Em theo không kịp, tội lắm em anh ơi!

Bấy lâu mang tiếng chịu lời

Anh có xa em đi nữa, cũng tại ông Trời nên xa”

(Ca dao. Cũng có tài liệu cho rằng đây là thơ của ông Hoàng giáp Đỗ Huy Liệu - người Nam Định sáng tác)

Vì sao có tên là cầu trường tiền

Năm 1941, trong thời gian lưu lạc tới xứ Huế, thi sỹ Nguyễn Bính đã ví nét cong cong của nhịp cầu cùng màu sơn nhũ bạc (nguyên bản) như hình ảnh của chiếc lược ngà trong bài “Vài nét Huế”:

“…Cầu cong như chiếc lược ngà

Sông dài mái tóc cung nga buông hờ…”

Những thăng trầm lịch sử của cầu Trường Tiền cũng được ghi chép lại. Năm 1946, cầu bị sập và đã có câu ca mang âm hưởng hò sông thế này:

Cầu Trường Tiền bấy nhiêu niên (năm) qua lại,

Kể tự đời Thành Thái đến nay.

Chạnh lòng biết hỏi ai đây,

Việc chi nên nỗi đang tay dứt cầu?

Đáp rằng:

Chí quyết thắng Pháp Tây

Nên cầu nầy phải phá,

Qua sông còn nhiều ngả

Đừng buồn bã em ơi.

Nước non khôi phục được rồi,

Cầu nầy bắc lại, không mấy hồi đó em...

Dòng sông Hương vẫn chảy. Dòng đời vẫn lẳng lặng đi qua. Để rồi nhân chứng Trường Tiền vẫn nghiêng mình dưới nắng gió Cố đô…

Vì sao có tên là cầu trường tiền

Nhiều tài liệu cho rằng cầu Trường Tiền không phải do kiến trúc sư Gustave Eiffel thiết kế mà là do Schneider và Letellier là tác giả - Ảnh: NHẬT LINH

Một thông tin thú vị khác: chính cầu Mống bắc qua rạch Bến Nghé ở trung tâm Sài Gòn là cây cầu hiếm hoi tại Việt Nam "cùng cha" với ngọn tháp mang tên tác giả Eiffel nổi tiếng của Pháp. Còn cầu Trường Tiền, theo nhiều thông tin cho thấy thì không phải vậy.

Schneider và Letellier là tác giả

"Có lẽ do sự nổi tiếng của Công ty Eiffel gắn liền tháp Eiffel biểu tượng nổi danh toàn cầu của nước Pháp mà người ta dễ dàng cho rằng công ty này đã thiết kế và xây dựng nên cầu Trường Tiền (tương tự là cầu Long Biên). Đọc lại tài liệu lưu trữ, giật mình té ra họ đấu thầu bị rớt nên không có chuyện họ xây cầu (cầu Trường Tiền - PV)!". 

Cuộc tranh luận thú vị này nảy ra khi trên trang mạng xã hội cá nhân của ông Trần Đình Hằng, phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, đăng tải thông tin khiến nhiều người yêu Huế "giật mình".

Từ trước đến nay, rất nhiều người, kể cả giới nghiên cứu văn hóa Huế, vẫn mặc định cầu Trường Tiền do Công ty Eiffel làm nên. Xem lại sách sử chính thống triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, kể cả Hồi ký Xứ Đông Dương của Toàn quyền Paul Doumer đều không ghi rõ "tác giả" của cây cầu nổi tiếng xứ Huế mộng mơ này.

Từ điển nhà Nguyễn của nhà nghiên cứu Võ Hương An ghi: "Cầu do Công ty Eiffel của Pháp thiết kế và xây dựng". Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cũng đăng tải một đoạn phim trên YouTube về quá trình xây dựng cầu Trường Tiền cho biết: "Năm 1897 cầu Trường Tiền được Khâm sứ Trung kỳ giao cho Công ty Eiffel thiết kế. Công ty này do kiến trúc sư Gustave Eiffel sáng lập và trước đó đã nổi tiếng với công trình tháp Eiffel tại Paris"...

Những thông tin này được ông Tim Doling, tác giả cuốn Exploring Huế (Khám phá Huế, Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 2018), bác bỏ. 

Trên trang historicvietnam.com, ông Tim Doling dẫn theo tài liệu "Situation de l'Indochine française de 1897 à 1901 (Rapport par Paul Doumer, gouverneur général) - Indochine française" (Tình hình Đông Dương thuộc Pháp từ năm 1897-1901 - Báo cáo của Toàn quyền Paul Doumer - PV) rằng: "Cầu Huế: Một cuộc thi đấu thầu, dựa trên chương trình này, được khai mạc vào tháng 5-1897 giữa các nhà xây dựng Pháp. Dự án do ông Schneider và Letellier trình bày được coi là vượt trội hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác, và việc xây dựng cây cầu đã được trao cho công ty của hai ông vào ngày 23-11-1897. Số tiền được phép chi tiêu đã được ấn định là 723.926,50 francs".

Thêm một tài liệu khác là "Recueil des arrêts du Conseil d’État, Paris, 1908" (Tuyển tập các phán quyết của Hội đồng Nhà nước, Paris, 1908 - PV) được ông Tim Doling dẫn thêm, có đoạn: "Vào ngày 18-10-1901, ông Schneider và Letellier nhận được thông báo về lệnh dịch vụ mời họ đến văn phòng của Sở Công chánh quận thứ nhất ở Hà Nội để ý xem xét quyết toán cuối cùng về công trình cầu tại Huế và ký nó để chấp nhận".

Công ty Eiffel từng sửa cầu Trường Tiền

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trần Đình Hằng, phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, nói rằng theo nhiều nguồn tư liệu mà ông có được khẳng định thông tin một công ty hậu thân của Công ty Eiffel từng tham gia cuộc thi thiết kế cầu Trường Tiền. Tuy nhiên bản vẽ do công ty này bị đánh rớt, không được chọn để thiết kế cây cầu.

Ông Hằng cũng nói rằng có một tài liệu tiếng Pháp vào thời bấy giờ ghi thông tin chính Công ty Eiffel là đơn vị thiết kế cây cầu. Theo ông, thông tin này là sai và đã khiến nhiều người hiểu nhầm.

"Tuy nhiên vào năm 1936, Công ty Eiffel lại được chính quyền nhờ cậy việc sửa chữa, cải tạo lại cây cầu. Dáng vẻ nên thơ, đi vào tiềm thức nhiều người Huế của cây cầu Trường Tiền chính là nhờ việc cải tạo này mà có" - ông Hằng nói.

Liên quan đến thông tin này, chúng tôi cũng phát hiện một tư liệu khá thú vị được đăng tải trên một tờ báo tiếng Việt, xuất bản ở kinh đô Huế lúc bấy giờ. Trang nhất báo Tràng An (ấn hành ở Huế) số 433 ngày 4-7-1939 có bài viết: "Chung quanh việc mở rộng cầu Trường Tiền".

Bài viết trên được viết vào thời điểm cầu Trường Tiền đang được tiến hành mở rộng cầu, trùng tu lớn dưới thời vua Bảo Đại, tức gần 40 năm sau ngày cầu được xây dựng.

Theo bài viết, "Nguyên cái cầu này do Hãng Schneider làm năm 1901. Nó gồm có 6 vài, mỗi vài bề dài được 66 mètres 66. Những vài ấy nằm trên các cột trụ đúc... Cơn thủy triều theo sau trận bão năm Thìn (đêm 10 rạng ngày 11-9-1904) đã đưa tuốt 4 vài cầu xuống sông".

Bài viết diễn giải: "Trong khoảng từ năm 1905-1915 thì cái mặt đường trên cầu đã bị thay đổi nhiều lần... Về sau, muốn giảm bớt số tiền chi phí về việc tu bổ, người ta bèn đúc thêm lên trên một lớp ximăng cốt sắt, rồi sau đó còn thêm một lớp thứ 2 nữa".

"Vậy cho nên chi, xét về sức chịu đựng thì sự trọng tải của các vài cầu bằng thép ấy đã bị tăng lên thêm nhiều quá. Vài năm về trước đây, Chánh phủ đã nhận thấy rằng có một vài bộ phận, nhất là những cái sườn bằng sắt ở phía dưới cầu đã bị sét ăn nhiều".

Chính vì thế nên "Chánh phủ bèn thương lượng với Hãng Eiffel (nguyên trước là Hội kiến trúc Levallois-Perret) để tìm phương án tu bổ cầu ấy với món tiền chi phí tối thiểu, mà lại phải cải tạo nó cho thích hợp với sự cần dùng về việc giao thông và sức chở nặng trong lúc này".

Việc sửa chữa cầu sẽ khiến cho giao thông qua lại sông Hương xứ kinh đô bấy giờ gặp ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy nên "Chánh phủ bèn thuận theo lời đề xướng của Hãng Eiffel, để đặt một cái cầu tạm ở trên cái vai cầu đang sửa, cầu tạm ấy gồm có hai cầu theo kiểu Pigeaud".

Bài báo ghi rõ số lượng cấu kiện, đinh vít, chốt sắt hư hỏng được thay thế trong lần đại tu sửa này và chỉ ra cả tổng số tiền tiêu tốn trong lần đại tu này cũng khoảng 435.000$ thời điểm đó.

Một cây cầu có hai cái tên

Vì sao có tên là cầu trường tiền

Tấm biển ghi "cầu Tràng Tiền" (tên sai) đặt ở bên trái hai đầu cầu Trường Tiền hiện nay - Ảnh: NHẬT LINH

Cầu Trường Tiền là chiếc cầu dài 402,6m; gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược, khẩu độ mỗi nhịp 67m. Khổ cầu 6m, được thiết kế theo kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương. Cầu Trường Tiền hiện nay đã trở thành biểu tượng của xứ Huế.

Tuy nhiên, có một "hạt sạn" hiện còn chính là cây cầu đang được gắn biển 2 tên, đó là Trường Tiền và Tràng Tiền (tên sai). Cái tên Tràng Tiền xuất hiện ở cầu sau lần đại tu vào giai đoạn năm 1991-1995 do Công ty cầu 1 Thăng Long (Hà Nội) thực hiện.

Báo chí từng nêu việc sai sót này nhưng đến nay chưa thấy cơ quan chức năng điều chỉnh, bỏ đi cái tên sai.

Vì sao có tên là cầu trường tiền
Hơn 10 tỉ đồng 'khoác áo mới' về đêm cho cầu Trường Tiền

NHẬT LINH