Vai trò của phụ nữ trong bình đẳng giới

Theo Thủ tướng, cần tiếp tục nhận thức đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người phụ nữ, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau; cùng giải quyết và cùng có trách nhiệm trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đây là khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Phụ nữ Việt Nam, chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội” được tổ chức sáng 15/10 tại Trụ sở Chính phủ.

Cùng dự có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; hơn 300 đại biểu và trên 5.000 cán bộ, hội viên phụ nữ, đại diện các nữ doanh nhân, nữ trí thức, phụ nữ lực lượng vũ trang, phụ nữ tiêu biểu đang tham dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Vai trò của phụ nữ trong bình đẳng giới

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, nhân kỷ niệm 92 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2022, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các bà, các mẹ, các chị, các em, các cháu gái cùng các quý vị đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tích cực chuẩn bị, tổ chức cuộc gặp gỡ, đối thoại này.

Thủ tướng nêu rõ, có thể thấy, phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn có vai trò đặc biệt, có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, vị trí công việc gì, phụ nữ Việt Nam cũng luôn luôn tỏa sáng phẩm chất “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phụ nữ trong tạo việc làm, khởi nghiệp…. Với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò, tầm quan trọng và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội những lúc thuận lợi cũng như khó khăn.

Vai trò của phụ nữ trong bình đẳng giới

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng chia sẻ với phụ nữ Việt Nam về những khó khăn, vất vả, hy sinh trong suốt hơn 2 năm vừa qua trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân nói chung và người phụ nữ nói riêng, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau. Từ đầu năm tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có các cuộc gặp gỡ, đối thoại với nông dân, người lao động, doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng nhau chia sẻ, tìm các giải pháp thiết thực, hiệu quả, xử lý những khó khăn đang hiện hữu và cả trong tương lai.

Theo Thủ tướng, cuộc đối thoại này là để lắng nghe, chia sẻ, cùng giải quyết và cùng có trách nhiệm trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở 3 nhóm chủ đề: Phụ nữ với phát triển kinh tế; Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; Phụ nữ và thế hệ tương lai.

"Chúng ta cần nhìn lại những việc đã làm được, chưa làm được để tiếp tục có các giải pháp nhằm cải thiện, tạo động lực, truyền cảm hứng làm việc, cống hiến của chị em phụ nữ ngày càng tốt hơn. Tất nhiên, cuộc đối thoại không thể giải quyết được tất cả các vấn đề, nhưng ít ra chúng ta phải có ý thức, không ngừng giải quyết các vấn đề nảy sinh, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên" - Thủ tướng chia sẻ.

Vai trò của phụ nữ trong bình đẳng giới

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, thân thành, cởi mở, Thủ tướng đề nghị các đại biểu nói rõ những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc; đề nghị các bộ, ngành trao đổi cởi mở, thẳng thắn, chân thành, khách quan, trách nhiệm về những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở, lo lắng của phụ nữ cả nước. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó xử lý, giải quyết, mỗi người trên cương vị, thẩm quyền, trách nhiệm của mình phải cố gắng làm hết mình, không phải nêu ra rồi để đấy. Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Tại hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nêu rõ, đối với tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng hành cùng các cấp chính quyền, các cấp Hội trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Có thể kể đến một số hoạt động như:

Chủ động triển khai, vận động phụ nữ tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Chính phủ, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp phát động.

Thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em phát triển toàn diện với nhiều cách thức sáng tạo, linh hoạt, kể cả trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 (Từ Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã có 11.000 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 2.000 trẻ mồ côi do Covid-19 đã được kết nối hỗ trợ, đỡ đầu)

Nâng cao hiệu quả tham gia quản lý nhà nước thông qua việc chủ động giám sát, phản biện xã hội và đề xuất với Chính phủ và các cấp chính quyền các chính sách về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Điển hình trong giai đoạn vừa rồi là các đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” và đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (vừa sơ kết 5 năm vào ngày 30/9/2022). Tích cực phát huy vai trò trong thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia, trong đó chủ trì Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Ngày càng tích cực, chủ động tham gia hội nhập quốc tế và thực hiện công tác đối ngoại nhân dân, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới (Năm 2022 Hội tổ chức nhiều hoạt động rất đậm nét kỷ niệm Năm đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào và Năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia)

Vai trò của phụ nữ trong bình đẳng giới
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị đối thoại của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa quan trọng khi được tổ chức vào năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Đây là dịp để chị em phụ nữ và các cấp Hội gửi gắm tình cảm, bày tỏ nguyện vọng, kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành với mong muốn được tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện phát triển toàn diện, phát huy vai trò, sự đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển chung của đất nước.

Để chuẩn bị cho hội nghị, các cấp Hội đã tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của hội viên, phụ nữ thông qua sinh hoạt hội viên, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, nắm bắt dư luận xã hội, mở chuyên mục trên Báo Phụ nữ Việt Nam, thu thập ý kiến trên hệ thống cổng thông tin điện tử và các nền tảng số của Hội, tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn:

Một là, các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế như cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay hợp pháp, hợp lý, an toàn…

Hai là, các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ như: các giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu về tỷ lệ cán bộ nữ; những giải pháp, cơ chế đặc thù đối với cán bộ Hội cơ sở; công tác đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn; hỗ trợ tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ…

Ba là, các vấn đề liên quan đến môi trường sống an toàn và phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em, như chính sách thai sản nhằm bảo đảm thu nhập và sức khỏe cho lao động nữ khi mang thai và sinh con; chương trình giáo dục làm cha mẹ; quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; tạo điều kiện để phụ nữ di cư trở về nhanh chóng tái hòa nhập, ổn định cuộc sống; quản lý hiệu quả thông tin chia sẻ trên mạng xã hội…

Vai trò của phụ nữ trong bình đẳng giới

Thủ tướng tặng quà lưu niệm cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tin tưởng rằng, những ý kiến chính đáng của phụ nữ sẽ được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, giải đáp và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có các giải pháp phù hợp để giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng của chị em phụ nữ; đồng thời động viên, khích lệ, truyền cảm hứng để mỗi phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, nỗ lực và quyết tâm hơn nữa nhằm hiện thực hóa những mong ước, khát vọng chính đáng của bản thân, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trong chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tặng hoa và quà động viên 10 cá nhân phụ nữ tiêu biểu đã đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các đề án của Chính phủ là Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” và Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn năm 2017-2025”.

Vai trò của phụ nữ trong bình đẳng giới

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: TRẦN HẢI

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu nhiều kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương về các lĩnh vực như: hỗ trợ phụ nữ, doanh nghiệp hay hợp tác xã do phụ nữ làm chủ tham gia sâu hơn chuỗi giá trị, chiếm tỷ trọng nhiều hơn trong chuỗi sản xuất theo mô hình OCOP; tài chính vi mô để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh cho các tổ chức kinh doanh siêu nhỏ, các hộ nghèo; hỗ trợ về khoa học công nghệ cho quá trình sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ phụ nữ trong khám chữa bệnh, nhất là tầm soát, chữa trị các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới, nhất là nâng cao tỷ lệ lãnh đạo, cán bộ nữ trong các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương; phát huy tiềm năng, vai trò của phụ nữ trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; quan tâm giúp đỡ các trẻ em mồ côi cha mẹ do đại dịch Covid-19; quan tâm, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị cần thiết cho hoạt động của các cấp Hội; các chính sách liên quan bảo hiểm y tế…

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các mẹ Việt Nam anh hùng, các bà, các chị và tất cả phụ nữ Việt Nam lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Thủ tướng nêu rõ, hình ảnh người mẹ có lẽ là biểu tượng cao đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam, là người nuôi dưỡng, dẫn dắt cảm xúc, hành động và là tượng đài của mỗi chúng ta. Đó là biểu tượng của sự hy sinh, sự hiền hậu, đảm đang như câu ca dao “Vì con sống, mẹ suốt đời lam lũ - Vì con vui, mẹ gánh hết đau buồn”. Truyền thống tốt đẹp đó luôn được gìn giữ, phát huy qua các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành 8 chữ vàng tặng phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

Đánh giá cao ba chủ đề thảo luận của hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung:

Trước hết là về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế. Khi nói đến phụ nữ người ta hay gọi là “phái yếu” bởi sự tinh tế, dịu dàng, nhẹ nhàng và hiền hậu… Nhưng ẩn sâu trong sự yếu đuối đó, Thủ tướng muốn nhấn mạnh “sức mạnh mềm, sức mạnh của sự kiên cường, bền bỉ, dẻo dai, khả năng chống chịu và vượt qua khó khăn của phụ nữ”...

Thứ hai, an sinh xã hội và bình đẳng giới là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...; đã ban hành nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới vì sự phát triển của phụ nữ...

Thứ ba, về vấn đề liên quan môi trường sống và an toàn cho trẻ em, Thủ tướng được biết đây là nội dung được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam rất quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa để bảo vệ môi trường; thực hiện nhiều chương trình thiết thực để tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em…

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần tiếp tục nhận thức đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới; cần tiếp tục quán triệt một số quan điểm về công tác phụ nữ theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Với các nội dung cuộc đối thoại này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn nói chung.

Về phía Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan: Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó, có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học…

Vai trò của phụ nữ trong bình đẳng giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: TRẦN HẢI

Về một số nhiệm vụ của các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu:

Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường các giải pháp để bảo đảm các chỉ tiêu, mục tiêu về công tác cán bộ nữ; cơ chế đặc thù cho cán bộ ở các thành phố lớn, nhất là những nơi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; xây dựng chính sách mở rộng kết nối giữa hệ thống các doanh nghiệp dẫn đầu với các doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về BHYT, thực hiện các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó, có mục tiêu tăng cường sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP Việt Nam; phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch hỗ trợ các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, báo cáo chủ trương về máy tính cho cán bộ Hội cấp cơ sở, bảo đảm phương tiện, điều kiện làm việc trong bối cảnh thích ứng Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó ưu tiên cho phụ nữ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình giáo dục làm cha mẹ; rà soát, bảo đảm đủ chỗ học an toàn cho trẻ mầm non; chú trọng đưa vào chương trình dạy các kỹ năng sinh tồn và tạo môi trường an toàn cho trẻ em.

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm tăng cơ hội tiếp cận khoa học, ứng dụng công nghệ và kỹ năng số, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số.

Các bộ, ngành khác chủ động phối hợp xây dựng, triển khai các hoạt động có liên quan chính sách của phụ nữ; các bộ, ngành, địa phương quan tâm, bảo đảm cho các cấp Hội phụ nữ tham gia quản lý nhà nước; tạo điều kiện để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh, toàn diện, hướng về cơ sở; có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội trong triển khai các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, các phong trào thi đua, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

Thủ tướng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có các Chỉ thị số 05, 06, 21 của Ban Bí thư về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, công tác giảm nghèo bền vững, công tác phụ nữ trong tình hình mới. Vận động phụ nữ tham gia tích cực, thành công phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” và các phong trào, chương trình liên quan.

Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ với phụ nữ, đồng thời, đồng thời Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với phụ nữ để giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề theo tinh thần phân cấp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách, tình thế, vừa giải quyết các vấn đề chiến lược, lâu dài.