Vai trò của học phần kinh tế vĩ mô

A. NỀN KINH TẾ TRI THỨC:     

1.  Bối cảnh:

Từ 1996, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD công bố báo cáo về một nền kinh tế lấy tri thức làm cơ sở. Thuật ngữ: “Kinh tế tri thức” đã nhanh chóng lan rộng khắp thế giới. Nhiều nhà khoa học, đặc biệt là các nhà kinh tế cho rằng thuật ngữ “Kinh tế tri thức” đã khái quát hoá được đặc trưng làm nổi bật được xu thế phát triển mới nhất của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng kinh tế tri thức đã được dự báo từ rất sớm. Vai trò của tri thức về kinh tế tri thức (KTTT) không phải đến nay nhân loại mới nói tới mà nó được đề cập từ thời cổ Hy Lạp, nhà triết gia cổ Hy Lạp Zeno đã đưa ra hình ảnh “Nếu 1 khách lữ hành một ngày chỉ đi được một ½ đoạn đường của mình hướng tới thì vĩnh viễn không sao đạt được mục đích cuối cùng”.

Có thể hiểu câu nói này như sau: nếu chỉ dựa vào đôi chân thì chẳng bao giờ tới đích lớn mà đòi hỏi có bước đi bằng tri thức, cao hơn nữa tạo dựng con đường đi bằng trí tuệ. 350 năm sao (1650) nhà tiến tri học tài năng của Anh Quốc, Uyliam Patter đã viết “Của cải mang tính tượng trưng sẽ thay thế của cải vật chất”. Đây là đánh giá khá chuẩn xác mà nhân loại đang hướng tới. Tiếp sau đó, nhà triết học, vật lý, tương lai học… ông tổ của chủ nghĩa duy vật nước Anh Bacon (1561 – 1626) đã nói “Tri thức là sức mạnh mà thiếu nó con người không chiếm lĩnh được của cải tự nhiên”.

Để thấy được bước phát triển như vũ bão của KHKT và kinh tế thế giới, chúng ta thử điểm qua vài nét nổi bật trong khoảng vài thập niên lại đây ở Mỹ – một siêu cường kinh tế thế giới. Vào 1970 các ông trùm kinh tế thế giới còn cho rằng công nghiệp nặng cần có xí nghiệp và điều đó sẽ mãi mãi không thể thay đổi, đã  thừa nhận “tri thức mới là chìa khoá để mở cổng bá quyền kinh tế”.

Một trong những nhà tương lai học nổi tiếng thế giới thế kỷ 20 là học giả Mỹ Alvin Toffler, ông đã bỏ ra 30 năm nghiên cứu và dự báo sự phát triển thế giới trong chu kỳ một đời người (từ 1980 – 2025). Năm 1970 ông cho ra mắt bạn đọc cuốn “cú sốc tương lai” (Future Shock) đến 1980, tiếp tục cho ra cuốn “Làn sóng thứ ba” (The Third Ware) và 10 năm sau, năm 1990 cho ra cuốn  thứ 3 có tên “Thăng trầm quyền lực” hay còn gọi là “tương lai thế giới”. Trong cuốn 1 ông trình bày quá trình biến đổi của công nghiệp đối với các tổ chức con người, dự báo hiệu quả cuộc CM sinh hoá, cải cách giáo dục, khả năng kiềm chế, điều chỉnh sao cho có lợi. Cuốn thứ 2, ông phân tích các hướng biến đổi mang tính KHKT, các đích đến, v.v…. Trong cuốn 3, ông nêu vai trò then chốt của tri thức là tạo ra sự biến đổi toàn diện nền kinh tế thế giới. Ban đầu người ta hồ nghi, nhưng cho đến nay dự đoán của ông đều trở thành hiện thực. Sách của ông bán chạy nhất thế giới, các chuyên gia, chính trị gia, kinh tế học đều coi sách ông là cẩm nang – Ông cho rằng: bạo lực – của cải – tri thức là 3 nhân tố có mối liên hệ mật thiết với nhau. Theo ông bạo lực chỉ là phẩm chất thấp của quyền lực, của cải thuộc bậc trung còn tri thức mới là phẩm chất cao nhất, nó chuyển hoá liên tục, tránh được lãng phí sức lực, tiền của. Tri thức dùng không bao giờ mất và nhiều người cùng sử dụng trong một lúc trong khi 2 nhân tố kia thì không  thể. Tác giả đã phân tích các bước phát triển của nhân loại dưới góc độ mới. Từ 10 nghìn năm trước CM nông nghiệp nổ ra, đến thế kỷ XVII là CM công nghiệp. Nhân loại đã tiến bước dài, từ thời cổ đại đến thế kỷ thứ V, ai đọc được sách được coi là vĩ đại, đến thế kỷ 15, những thương gia là những người đầu tiên được dạy làm toán, nhưng rồi điều này cũng trở thành phổ biến với mọi người. Năm 1832 máy điện tín ra đời (cha đẻ là Samuel Morse). Năm 1836 Mỹ lắp đường dây điện báo đầu tiên. Năm 1960 Mỹ trang bị máy điện toán cho các xí nghiệp. Như vậy, các bước nhảy vọt về KH – CN ắt phải đến  đó là thời đại máy làm việc với máy. Máy PC thay thế công nhân, thay thế cả tiền vốn “Tư bản nhân lực thay cho tư bản tiền bạc”. Các XN lưu động thay cho XN tích luỹ vốn và nhân lực lớn. Tri thức là tâm điểm tạo ra của cải và XN là nguồn lực của tri thức.

Vị thế tiền bạc trong XH mới được đặt ra, từ chỗ phải “Sờ mó được” dần dà nó mang tính tượng trưng và tiến tới chỉ là những ký hiệu mã hoá hiện trên màn hình máy tính. Quan hệ SX thay đổi – tiền bạc được thông tin hoá và ngược lại thông tin được tiền bạc hoá. Người mua hàng phải trả 2 lần tiền: tiền cho hàng hoá và tiền cho thông tin về hàng hoá, điều này không dễ nhận ra. Thông tin biến đổi hệ thống phân phối, sáng tạo ra thứ “Quyền lực chân không”. Thông tin đã làm khuynh đảo mọi biến động trong quá trình phát triển. Ngày nay, thông tin đã trở thành nguồn tài nguyên, nguồn lực mới và ai nắm được thông tin, người đó sẽ làm chủ. Giữa thông tin và tri thức có quan hệ rất gần nhau, đến 1 trình độ nào đó có thể thấy thông tin bắt nguồn từ số liệu, tri thức bắt nguồn từ thông tin cũng có thể nói thông tin là cơ sở của tri thức làm cho tri thức thăng hoa vượt lên trên thông tin, làm cho thông tin phát triển lên tầm cao mới. Chính vì lẽ đó mà trên thế giới xuất hiện thuật ngữ CNTT, công nghệ tri thức, XH thông tin, xã hội tri thức, thời đại thông tin và thời đại tri thức.

2.  Nhận dạng nền kinh tế tri thức:

Có nhiều định nghĩa về nền kinh tế tri thức. Song tựu trung lại, có thể nói đó là nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức. Các ngành SX dịch vụ sử dụng ngày càng nhiều công nghệ cao bao gồm giáo dục, R&D, CNTT, các dịch vụ viễn thông đều là ngành kinh tế tri thức. Các ngành công nghiệp truyền thống trong công nghiệp, nông nghiệp nếu được cải tạo sử dụng công nghệ cao mà giá trị do công nghệ cao chiếm trên 2/3 tổng giá trị thì cũng trở thành ngành kinh tế tri thức. Khi nền kinh tế phát triển dựa trên các ngành kinh tế tri thức thì gọi là nền kinh tế tri thức.

Như vậy, thực chất đây là hình thái kinh tế tương ứng với kinh tế nông nghiệp, công nghiệp phản ảnh đặc điểm của từng giai đoạn trong quá trình phát triển kinh tế của XH loài người, nó sẽ thúc đẩy, tiến trình tri thức hoá nông nghiệp và công nghiệp, cũng như trước đây kinh tế công nghiệp xuất hiện đã thúc đẩy quá trình CNH nông nghiệp.

Như vậy, chúng ta có thể nhận diện nền kinh tế tri thức theo các tiêu chí sau đây.

3.  Các đặc trưng chủ yếu của nền kinh tế tri thức:

Thứ nhất, là chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Trong khi nền kinh tế công nghiệp dựa vào sự tổ chức sản xuất hàng loạt, quy chuẩn hoá, thì nền kinh tế TT được tổ chức trên cơ sở sự sản xuất linh hoạt hàng hoá và dịch vụ dựa vào công nghệ cao. Đây cũng là kinh tế văn phòng (người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm trong các nhà máy ít đi, người làm việc ở văn phòng nhiều lên). Hiện nay ở Mỹ 93 triệu người lao động (80% lực lượng lao động) không phải giành thời gian để làm ra các vật phẩm, mà họ chuyển sang làm các công việc khác như di chuyển các vật phẩm, xử lý thông tin, cung cấp các dịch vụ cho người dân. Trong các nước OECD hiện nay 60 – 70% lực lượng lao động là công nhân tri thức.

Các công ty công nghệ ngày càng quan trọng. Tỷ lệ giá trị gia tăng công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế tạo đang tăng nhanh. Hiện nay ở Mỹ và nhiều nước phát triển tỷ lệ đó đã đạt khoảng 25 – 30%.

Thứ hai, là sản xuất công nghệ trở thành loại hình sản xuất quan trọng nhất, tiên tiến nhất, tiêu biểu nhất của nền kinh tế tri thức. Các ngành kinh tế tri thức đều phải dựa vào công nghệ mới để đổi mới và phát triển. Các doanh nghiệp đều có sản xuất công nghệ, đồng thời có nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất công nghệ, có thể gọi là doanh nghiệp tri thức, trong đó khoa học và sản xuất được nhất thể hoá, không còn phân biệt phòng thí nghiệm với công xưởng, những người làm việc trong đó là công nhân tri thức, họ vừa nghiên cứu vừa sản xuất.

Vì sản xuất công nghệ có ý nghĩa quyết định như thế nên người ta chạy đua vào đầu tư mạo hiểm, tức đầu tư cho nghiên cứu triển khai nhằm tạo ra công nghệ mới. Năm 1998 ở Mỹ đầu tư mạo hiểm cho phát triển internet hơn 3,5 tỷ USD, (năm 1997 là 2,1 tỷ, năm 1996 là 1,1 tỷ), và riêng quý II năm 1999 đã đầu tư 3,8 tỷ! Và đó là nguồn gốc của sự làm giàu lên rất nhanh chóng của các doanh nghiệp tri thức.

Thứ ba, là việc ứng dụng CNTT rộng rãi trong mọi lãnh vực và thiết lập mạng thông tin đa phương tiện phủ khắp nước, nối với hầu hết các tổ chức, các gia đình. Thông tin trở thành tài nguyên quan trọng nhất. Mọi người đều có nhu cầu thông tin và được truy nhập vào các kho thông tin cần thiết cho mình. Mọi lĩnh vực hoạt động trong xã hội đều có tác động của CNTT để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Cũng chính vì vậy nhiều người gọi nền kinh tế tri thức là nền kinh tế số hay kinh tế mạng.

Thương mại điện tử, thị trường ảo, tổ chức ảo, xí nghiệp ảo, làm việc từ xa… được thiết lập làm cho các hoạt động sản xuất kinh doanh rất nhanh nhạy, linh hoạt, khoảng cách bị xoá dần, ý nghĩa của vị trí địa lý giảm đi.

Thứ tư, là các doanh nghiệp vừa cạnh tranh vừa hợp tác để phát triển. Trong cùng một lĩnh vực khi một công ty thành công hơn, lớn mạnh hơn, thì công ty khác phải tìm cách sáp nhập vào hoặc chuyển hướng khác ngay, nếu không muốn bị phá sản.

Gần đây ta thấy rất nhiều các công ty khổng lồ hàng chục, hàng trăm tỷ USD “mua” nhau, trở thành những tập đoàn chi phối cả thế giới. Người ta lo ngại sự tập trung này dẫn tới độc quyền và thủ tiêu cạnh tranh. Mặt khác các công ty khổng lồ chia ra các công ty con trên khắp thế giới, và các công ty được quyền chủ động nhiều hơn để có thể linh hoạt, thích nghi với sự đổi mới. Cho nên mua bán để thành những công ty khổng lồ mà thực tế thì lại là sự chia nhỏ.

Thứ năm, xã hội thông tin thúc đẩy sự dân chủ hoá. Thông tin đến với mọi người, mọi người đều dễ dàng truy cập đến các thông tin cần thiết. Do đó đặt ra vấn đề là phải dân chủ hoá các hoạt động và tổ chức điều hành trong xã hội. người dân nào cũng có thể được thông tin kịp thời về các quyết định của Nhà nước, cơ quan Nhà nước, tổ chức có liên quan đến họ và họ có thể có ý kiến ngay nếu thấy không phù hợp. Không thể bưng bít thông tin được.

Cách tổ chức quản lý cũng sẽ thay đổi nhiều. Trong thời đại thông tin, mô hình chỉ huy tập trung, có đẳng cấp là không phù hợp, mà phải theo mô hình phi đẳng cấp, phi tập trung, mô hình mạng, trong đó tận dụng các quan hệ ngang, không cần đi qua các nút xử lý trung gian. Đó là mô hình tổ chức dân chủ, nó linh hoạt trong điều hành, dễ thích nghi với đổi mới, khơi dậy sự năng động sáng tạo của mọi người.

Thứ sáu, xã hội thông tin là một xã hội học tập. Giáo dục rát phát triển. Mọi người đều học tập, học thường xuyên, học ở trường và học trên mạng, để không ngừng trao đổi kỹ năng, phát triển trí sáng tạo. Không học tập thường xuyên thì không phát triển được nền kinh tế tri thức.

Đầu tư cho giáo dục và cho khoa học chiếm tỷ lệ rất cao. Nói chung đầu tư vô hình (cho con người, cho giáo dục, khoa học, văn hoá xã hội…) cao hơn đầu tư hữu hình (đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật). Phát triển con người trở thành nhiệm vụ trung tâm của xã hội.

Vốn con người là yếu tố then chố nhất tạo ra giá trị cho doanh nghiệp tri thức.

Thứ bảy, vốn quý nhất trong nền kinh tế tri thức là tri thức. Tri thức là nguồn lực hàng đầu tạo sự tăng trưởng không phải như các nguồn lực khác bị mất đi khi sử dụng, tri thức và thông tin có thể được chia sẻ và trên thực tế lại tăng lên khi sử dụng. Nền kinh tế tri thức do đó là một nền kinh tế dư dật chứ không phải khan hiếm.

Quyền sở hữu đối với tri thức trở thành quan trọng nhất, hơn cả vốn, tài nguyên, đất đai. Ai chiếm hữu được nhiều tài sản trí tuệ hơn, người ấy thắng. Pháp luật về sở hữu trí thức trở thành nội dung chủ yếu trong quan hệ dân sự cũng như trong thương mại quốc tế.

Thứ tám, sự đổi mới thường xuyên là động lực chủ yếu nhất thúc đẩy sự phát triển. Công nghệ đổi mới rất nhanh, vòng đời công nghệ rút ngắn; quá trình từ lúc ra đời, phát triển rồi tiêu vong của một lĩnh vực sản xuất, hay một công nghệ trở nên rất ngắn. Có khi từ lúc ra đời đến tiêu vong chỉ mấy năm, thậm chí mấy tháng.

Trong nền kinh tế tri thức có nhiều điều tưởng như nghịch lý: trước hết, của cải làm ra là dựa chủ yếu vào cái chưa biết; cái đã biết không còn giá trị nữa; tìm ra cái chưa biết đó là tạo ra giá trị. Thứ hai: môi trường để tìm ra cái chưa biết là mạng thông tin. Mạng thông tin, thực tế ảo… gợi ra các ý tưởng mới, những giải pháp mới đáp ứng các nhu cầu mới. Thứ ba là khi phát hiện ra cái chưa biết thì cũng tức là loại trừ cái đã biết. Cái cũ mất đi thay thế bằng cái mới; nền kinh tế, xã hội luôn đổi mới, cái mới càng ngày càng nhiều. Đó là đặc trưng của sự phát triển, sự tiến hoá của xã hội sắp tới, phát triển từ cái mới chứ không phải từ số lượng lớn dần lên. Thứ tư là sản phẩm giá trị sử dụng càng cao thì giá bán càng rẻ, thậm chí nhiều phần mềm cơ bản được cho không, (để rồi sau đó nâng cao hơn một ít thì bán rất đắt); sản phẩm càng nhiều người dùng thì giá trị sử dụng càng cao. Hiện nay vàng bạc hiếm thì quí, song ở thời đại thông tin cái được dùng nhiều nhất là cái có giá trị cao. Ví dụ máy Fax, nếu có ít thì không có tác dụng nhưng khi có đến hàng nghìn máy để liên lạc với nhau thì lúc đó mới có giá trị. Mạng cũng vậy, có nhiều người vào cùng sử dụng thì lúc ấy nó mới có giá trị.

Thứ chín, nền kinh tế tri thức là nền kinh tế toàn cầu hoá. Thị trường và sản phẩm mang tính toàn cầu, một sản phẩm sản xuất ở bất kỳ nơi nào cũng có thể nhanh chóng có mặt khắp nơi trên thế giới; rất ít sản phẩm do một nước làm ra, mà phần lớn là kết quả của sự tập hợp các phần việc được thực hiện từ nhiều nơi trên thế giới, kết quả của công ty ảo, xí nghiệp ảo, làm việc từ xa…

Quá trình toàn cầu hoá cũng là quá trình chuyển sang nền kinh tế tri thức, toàn cầu hoá và kinh tế tri thức thúc đẩy nhau, gắn quyện với nhau, là hai anh em sinh đôi của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại. Toàn cầu hoá một mặt tạo thuận lợi cho sự phát triển nhanh kinh tế tri thức ở các nước, nhưng đồng thời cũng đặt nhiều thách thức rủi ro. Cho tới nay thì khoảng cách giàu nghèo đang tăng nhanh, do chênh lệch nhiều về tri thức, nếu rút ngắn được khoảng cáh về tri thức thì sẽ thu hẹp được khoảng cách giàu nghèo.

Thứ mười, là sự thách thức về văn hoá. Trong  nền kinh tế tri thức – xã hội thông tin, văn hoá có điều kiện phát triển nhanh và vănn hoá là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

Do thông tin, tri thức bùng nổ, trình độ nền văn hoá nâng cao, nội dung và hình thức các hoạt động văn hoá phong phú đa dạng. Giao lưu văn hoá hết sức thuận lợi, tạo điều kiện cho các nền văn hoá của mình. Nhưng mặt khác các nền văn hoá đứng trước những rủi ro rất lớn: Bị pha tạp, dễ mất bản sắc, dễ bị các sản phẩm Văn hoá độc hại tấn công phá hoại, mà không có cách gì ngăn chặn được.

SO SÁNH KHÁI QUÁT CÁC THỜI ĐẠI KINH TẾ

Kinh tế nông nghiệp

Kinh tế công nghiệp

Kinh tế tri thức

Đầu vào của SX

Lao động, đất đai, vốn

Lao động, đất đai, vốn, công nghệ, thiết bị

Lao động, đất đai, vốn công nghệ, thiết bị, trí thức, thông tin

Trồng trọt, chăn nuôi

Chế tạo, gia công

Thao tác, điều khiển, kiểm soát

Đầu ra của SX

Lương thực

Của cải, hàng hoá tiêu dùng, các xí nghiệp, nền công nghiệp

Sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống, công nghiệp tri thức, vốn tri thức

Cơ cấu kinh tế

Nông nghiệp là chủ yếu

Công nghiệp và dịch vụ là chủ yếu

Các ngành kinh tế tri thức thống trị

Công nghệ chủ yếu thúc đẩy phát triển

SD súc vật, cơ giới hoá đơn giản

Cơ giới hoá, hoá học hoá, điện khí hoá, chuyên môn hoá

Công nghệ cao, điện tử hoá, tin học hoá, siêu xa lộ thông tin, thực ảo….

Cơ cấu xã hội

Nông dân

Công nhân

Công nhân trí thức

Đầu tư cho R&D

<0,3% GDP

1-2% GDP

>3%GDP

Tỷ lệ đóng góp của KHCN cho tăng trưởng kinh tế

<10%

>30%

>80%

Đầu tư cho giáo dục

<1% GDP

2 – 4% GDP

6 – 8% GDP

Tầm quan trọng của giáo dục

Nhỏ

Lớn

Rất lớn

Trình độ văn hoá trung bình

Tỷ lệ mù chữ cao

Trung học

Sau trung học

Vai trò của truyền thông

Không lớn

Lớn

Rất lớn

B.  ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG TIẾP CẬN NỀN KINH TẾ TRI THỨC Ở VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI.

I.  Kinh tế tri thức – giai đoạn phát triển mới của xã hội loài người.

Chúng ta ngày càng cảm nhận được rõ ràng những biến đổi trên trong đời sống kinh tế hiện thực, nhưng nhận thức về bản chất của những biến đổi này thì còn khác nhau, có thể nói là muôn màu muôn vẻ. Xin đưa ra đây mấy quan điểm chủ yếu.

1.   “Kinh tế tri thức” chẳng qua chỉ là sự nổi lên của ngành sản xuất mới – ngành sản xuất tri thức, có người gọi nó là ngành sản xuất thứ tư tiếp theo các ngành sản xuất thứ nhất, thứ hai, thứ ba đã lần lượt ra đời, nó đã trở thành ngành sản xuất quan trọng nhất, có vị trí chủ đạo trong nền kinh tế xã hội thời đại ngày nay. Theo quan điểm này, đây hình như chỉ là sự nâng cấp ngành sản xuất, là sự lên ngôi của ngành sản xuất chủ đạo mới so với các ngành sản xuất chủ đạo truyền thống, sự biến đổi của  toàn bộ nền kinh tế xã hội chỉ liên quan đến sự thay thế ngành sản xuất chủ đạo mà thôi. Loại quan điểm này không thấy được những biến chuyển mang tính cơ bản của nền sản xuất xã hội.

2.   “Kinh tế tri thức” là hình thức biểu hiện của sự nâng cao hiệu quả lợi dụng yếu tố tư bản. Theo quan điểm này, tư bản vẫn là nhân tố cột lõi của sự phát triển kinh tế, yếu tố “tri thức” ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, song thực chất vẫn chỉ là yếu tố làm tăng khả năng bóc lột của tư bản mà thôi. Vì vậy, “tri thức” là loại hình trung gian hoặc loại hình dẫn xuất của yếu tố tư bản.

3.  “Kinh tế tri thức” là biểu hiện của tiến bộ công nghệ, cùng với nó là sự thay đổi phương thức tổ hợp các yếu tố. Quan điểm này đã thừa nhận nhân tố “tiến bộ công nghệ” là yếu tố sản xuất có vị trí dẫn dắt và đang gây tác động ngang hàng với yếu tố tư bản. Nhưng quan điểm này đã không giải thích nổi vì sau khi nền kinh tế phát triển mới lên trình độ tri thức hoá như ngày nay thôi mà địa vị nòng cốt của tư bản đã có lâu nay bắt đầu bị xô đập, biểu hiện trực tiếp là mức đóng góp của “tiến bộ công nghệ” trong tăng trưởng kinh tế đang ngày càng lớn, thậm chí ở vào địa vị ưu thế tuyệt đối.

4.  Sự xuất hiện của “Kinh tế tri thức” có nghĩa là sự chấm hết của xã hội công nghiệp hiện đại lấy yếu tố “tư bản” làm hạt nhân, “xã hội hậu công nghiệp” sắp ra đời. Theo quan điểm này, yếu tố “tri thức” sẽ thay thế yếu tố “tư bản” để trở thành hạt nhân của nền kinh tế xã hội mới, cũng có nghĩa là nền kinh tế tri thức sẽ thay thế nền kinh tế tư bản. Bằng cách xem xét hiện thực khách quan ở các nước phát triển nhất, chẳng hạn ở Mỹ, nước làm chủ Internet (hơn một nửa của thế giới) đang phát triển Internet 2 và đang tiến hành một dự án đầy tham vọng (dự án Oxygen) phát triển xa lộ thông tin với các máy tinh tí hon cài ở tất cả mọi nơi, điều khiển mọi hoạt động, cho thấy viễn cảnh của một xã hội tự động hầu như không còn công nhân sản xuất, dự đoán cuối thế kỷ 21 xã hội như vậy sẽ ra đời, đó mới là xã hội cộng sản mà C.Mac tiên đoán.

Chúng tôi thấy rằng quan điểm 4 phản ánh đầy đủ nhất bản chất của kinh tế tri thức, phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội loài người. Vì theo quản điểm duy vật lịch sử, sự phát triển và biến đổi của sức sản xuất là lực lượng quyết định tiến trình phát triển của xã hội loài người. Sức sản xuất là tổng hoà các yếu tố cấu tạo nên năng lực sản xuất. Nó bao hàm nhiều loại yếu tố sản xuất như sức lao động, đất đai, tư bản, kỹ thuật…. Lịch sử phát triển đã cho thấy, trong tổng hoà các yếu tố cấu tạo nên năng lực sản xuất xã hội, bao giờ cũng xuất hiện yếu tố sản xuất quan trọng hàng đầu, tạm gọi là yếu tố sản xuất thứ nhất hay là yếu tố sản xuất chi phối, quyết định đặc trưng kinh tế xã hội và chế độ kinh tế xã hội phù hợp với trình độ phát triển của xã hội loài người trong từng giai đoạn lịch sử. Sự thay đổi yếu tố sản xuất số thứ nhất là nhân tố quyết định dẫn đến sự thay đổi phương thức sản xuất xã hội, thay đổi chế độ xã hội của loài người. Có thể thấy “nô lệ – sức lao động” , là yếu tố sản xuất thứ nhất, còn của thời nô lệ, khi chế độ xã hội nô lệ tan rã, phương thức sản xuất phong kiến ra đời, cũng là khi đất đai thay thế “nô lệ sức lao động”, trở thành yếu tố sản xuất thứ nhất, còn phương thức sản xuất tư bản xuất hiện là do “tư bản” thay thế “đất đai” trở thành yếu tố sản xuất thứ nhất và cũng logic đó, xã hội cộng sản mà C.Mác tiên đoán sẽ ra đời khi “tri thức” trở thành yếu tố sản xuất thứ nhất thay thế “tư bản”.

Có học giả đã lấy thuyết yếu tố sản xuất thứ nhất làm cơ sở lý luận để nhận thức về “Kinh tế tri thức”. Như  trên đã đề cập, sức sản xuất xã hội là tổng hoá sự kết hợp hữu cơ tất cả các yếu tố sản xuất. Trình độ sức sản xuất được quyết định bởi số lượng các loại yếu tố sản xuất; hiệu quả sử dụng các loại yếu tố sản xuất và sự kết hợp hữu cơ giữa các loại yếu tố sản xuất. Trong các loại yếu tố sản xuất hình thành nên trình độ sức sản xuất, ở mỗi giai đoạn phát triển của xã hội loài người đều nổi lên một yếu tố sản xuất đặc biệt, có tác dụng quyết định đối với trình độ sức sản xuất, tính đặc biệt ấy được biểu hiện chủ yếu ở : (1) Mức độ phụ thuộc của trình độ sức sản xuất lúc đó đối với yếu tố sản xuất này vượt rất xa các yếu tố sản xuất khác. (2) Đóng góp của yếu tố sản xuất này vào việc nâng cao trình độ sức sản xuất, cụ thể vào việc tăng GDP như cách tính hiện nay vượt rất xa các yếu tố sản xuất khác. (3) Lượng có được và hiệu quả sử dụng yếu tố sản xuất này quyết định nhu cầu sử dụng các yếu tố sản xuất khác. Yếu tố sản xuất có được những đặc trưng kể trên được gọi là yếu tố sản xuất thứ nhất trong giai đoạn đó của xã hội loài người.

Yếu tố sản xuất thứ nhất không thể giữ mãi ngôi vị của mình. Khi trình độ sản xuất có sự biến đổi về chất, nghĩa là khi các yếu tố cấu tạo nên sức sản xuất có sự kết hợp mới, đó cũng là lúc yếu tố sản xuất thứ nhất mới lên ngôi, xã hội bước vào một giai đoạn lịch sử mới tương ứng với một phương thức sản xuất mới. Do vậy, có thể căn cứ vào sự thay đổi của yếu tố sản xuất thứ nhất để phân chia xã hội loài người thành nhiều giai đoạn lịch sử và theo logic phát triển trong mỗi giai đoạn lịch sử này, xã hội loài người đều trải qua 3 giai đoạn nhỏ: (1) Giai đoạn khởi đầu, đó là giai đoạn mở rộng yếu tố sản xuất thứ nhất, tương ứng với giai đoạn tước đoạt nô lệ của xã hội nô lệ, giai đoạn mở rộng ruộng đất của xã hội phong kiến, giai đoạn tích luỹ nguyên thuỷ của xã hội tư bản. (2) Giai đoạn phát triển chín muồi, đó là giai đoạn nâng cao hiệu quả sử dụng yếu tố sản xuất thứ nhất. Trong giai đoạn này, biện pháp chủ yếu để tăng thêm sản xuất và của cải của xã hội dần dần chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu yếu tố sản xuất thứ nhất, tương ứng với giai đoạn nâng cao hiệu suất sử dụng dụng đất đai trong xã hội phong kiến, nâng cao hiệu suất sử dụng tư bản trong xã hội tư bản. Không ngừng mở rộng quy mô của xí nghiệp; cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, tập trung tư bản tài chính tiền tệ, xuất khẩu tư bản v.v… đều là những biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu suất, lợi dụng tư bản – yếu tố sản xuất thứ nhất trong xã hội tư bản. (3) Giai đoạn yếu tố sản xuất thứ nhất suy giảm. Yếu tố sản xuất thứ hai trong tổng hoà các yếu tố sản xuất nổi lên, một cấu trúc mới giữa các yếu tố sản xuất hình thành. Lịch sử đã chứng minh, sự nâng cao hiệu quả lợi dụng các yếu tố không phải là vô hạn. Sức sản xuất phát triển đến một mức độ nhất định, để có thể tiếp tục tăng thêm sản xuất và của cải, con người phải tìm kiếm yếu tố quyết định tăng tưởng mới. Khi yếu tố sản xuất thứ hai có mức đóng góp vào tăng trưởng gần sát và vượt qua mức đóng góp của yếu tố sản xuất thứ nhất, đó chính là dấu hiệu chào đời của một giai đoạn phát triển mới. Đối chiếu với hiện thực, lượng hoá các tiêu chí để nhận dạng nền kinh tế tri thức đã được đề cập, lấy nền kinh tế Mỹ làm ví dụ như tỷ lệ đóng góp của ngành sản xuất điện tử – tin học cho tăng trưởng kinh tế đã lên đến 45% trong ba năm qua, còn mức đóng góp của ngành xây dựng và ngành xe hơi vốn là trụ cột của nền kinh tế chỉ còn 14% và 4% và theo dự đoán, với sự khai thông của xa lộ thông tin cao tốc trên toàn cầu và sự phát triển nhanh của ngành điện tử – tin học, mức độ đóng góp của tri thức cho tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển sẽ từ 5 – 20% hiện nay nâng lên 90% vào cuối thế kỷ XXI, chúng ta có thể thấy xã hội công nghiệp hiện đại đã bắt đầu bước sag giai đoạn ba – giai đoạn suy giảm địa vị của yếu tố sản xuất thứ nhất là “tư bản” còn “tri thức” đang vươn lên trở thành yếu tố sản xuất thứ nhất, thời đại kinh tế mới đang ló rạng.

II.  Đón bắt thời cơ của thời đại kinh tế tri thức:

Bước sang thế kỷ XXI, tri thức sẽ trở thành yếu tố có sức sống nhất, quan trọng nhất trong các yếu tố sản xuất, là hạt nhân kết nối, tổ chức lại và thúc đẩy đổi mới các yếu tố sản xuất khác. Do vậy, ai nắm được tri thức kẻ đó sẽ ở vào địa vị chi phối kinh tế xã hội; quốc gia nào nắm được nhiều tri thức nhất, quốc gia đó sẽ ở vào địa vị chi phối nền kinh tế toàn cầu; khu vực nào hội tụ được nhiều tri thức nhất, khu vực đó sẽ trở thành trung tâm của nền kinh tế thế giới.

Tiền đồ sáng lạn của kinh tế tri thức đã làm cho người ta phải hướng tới nó, rất nhiều nước đang nghiên cứu các biện pháp thích ứng, tranh thủ giành địa vị chủ đạo trong cạnh tranh quốc tế ở thời đại kinh tế tri thức.

Các hướng chủ yếu để đón thời cơ do thời đại kinh tế tri thức đưa đến mà nhiều nước đang tiến hành, chúng ta cần kịp thời nắm bắt là:

1.  Mở rộng đầu tư cho nguồn vốn nhân lực:

Yếu tố cốt lõi của kinh tế tri thức là tri thức, vật mang chở tri thức là con người mà tố chất của con  người lại gắn liền với chất lượng giáo dục. Người ta cho rằng ở Mỹ đã bắt đầu lộ rõ nhiều đặc trưng của nền kinh tế tri thức, trong đó giáo dục được nhấn mạnh trước hết với các nét tiêu biểu như: chi tiêu cho giáo dục đã chiếm 7% GDP, những nhân tài tri thức được hoan nghênh ở các đơn vị sử dụng người, giáo dục đã tạo ra được số lượng lớn tài nguyên nhân lực có tố chất cao, đã cung cấp được các nhân tài cho việc phát triển mạnh mẽ hệ thống nghiên cứu khoa học. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, muốn giáo dục phát triển, kịp thời đón bắt được các yêu cầu tăng nhanh của cuộc sống, bên cạnh đầu tư của Chính phủ, phải có chính sách động viên được mọi lực lượng xã hội, cá nhân, xí nghiệp vào công cuộc giáo dục. Vì trong nền kinh tế hiện đại, lượng thông tin tăng lên rất nhanh, đồng thời sự lão hoá của tri thức cũng tăng nhanh tương ứng, chu kỳ đổi mới tri thức rút ngắn, sự giáo dục một lần đang dần dần được thay thế bằng giáo dục suốt đời; giáo dục nghề nghiệp và giáo dục tiếp tục có vai trò ngày càng quan trọng nên không có cách nào khác là phải đa dạng hoá nguồn lực cho giáo dục. Hiện nay ở Mỹ, mỗi năm đầu tư vào đào tạo nghề nghiệp đã vượt quá 100 tỷ USD, chỉ riêng công ty Motor Rola hàng năng chi cho đào tạo viên chức trên 1 tỷ USD.

Khi nhận biết được bản chất của kinh tế tri thức là loại “kinh tế đầu óc”, “kinh tế học tập”, chúng ta sẽ thấy ngay tính cấp bách của việc đẩy mạnh giáo dục, làm sao cho các trường học của chúng ta không chỉ là những cái nôi của nhân tài, là nguồn sáng tạo ra tri thức, mà còn là nguồn tăng trưởng kinh tế. Chỉ có như vậy mới đón bắt được thời cơ do kinh tế tri thức mang lại.

2.  Các công ty, xí nghiệp phải trở thành chủ thể đầu tư nghiên cứu khoa học:

Có thể nói, nếu coi giáo dục là cái nền của kinh tế tri thức, thì khoa học công nghệ là mũi chủ công của kinh tế tri thức. Cũng vì vậy mà đầu tư vào nghiên cứu phát triển R&D được coi như một tiêu chí quan trọng để đánh giá trình độ kinh tế tri thức. Mỹ hiện đang dẫn đầu về chỉ tiêu này, đầu tư R&D chiêm 2,8% GDP, đã đạt được cơ sở bước đầu cho sự sáng tạo cái mới quy mô lớn và có hệ thống, những thành quả sáng tạo cái mới về công nghệ liên tục được thai nghén và chín muồi. Mức đầu tư R&D bình quân của các nước OECD là 2,3%.

Ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến các chủ thể đầu tư R&D. Kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy,  vai trò của Chính phủ trong đầu tr R&D rất quan trọng, song đầu tư R&D của các công ty và xí nghiệp còn quan trọng hơn, vì nó tăng tính hiệu quả đầu tư. Điều này liên quan đến nguyên lý cơ bản sau đây: khi chưa ứng dụng vào sản xuất, tri thức ở vào hình thức quan niệm, chỉ là sức sản xuất tiềm tàng, chỉ khi ứng dụng nó vào sản xuất thì hiệu quả lợi ích kinh tế mới xuất hiện rõ và trở thành sức sản xuất trực tiếp, mới tạo nên kinh tế tri thức trên ý nghĩa trọn vẹn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tỷ lệ vốn đầu tư vào 3 giai đoạn R&D: Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, khai thác phát triển thử, sản xuất hàng hoá theo dây chuyền thường là 1:10:100 ở các nước phát triển, còn ở Trung Quốc là 1: 0,5: 100. Các học giả Trung Quốc cho rằng sự yếu kém của giai đoạn khai thác phát triển trung gian ở quốc gia này chứng tỏ sự trật khớp giữa quá trình phát triển khoa học công nghệ với sản xuất mà nguyên nhân chủ yếu là do các công ty xí nghiệp chưa trở thành các chủ thể đầu tư R&D như ở các nước phát triển. Cần có chính sách đẩy mạnh cải cách các doanh nghiệp, buộc họ phải trở thành chủ thể đầu tư vào nghiên cứu phát triển. Chính phủ chỉ đầu tư vào nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu công nghệ cao mới ở một số lĩnh vực và nghiên cứu khoa học có tính công ích, còn nghiên cứu ứng dụng, hàng hoá các sản phẩm nghiên cứu phải chuyển sang các công ty, xí nghiệp. Khi họ vừa là người được hưởng lợi, vừa là người gánh chịu rủi ro thì sự chuyển hoá các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ và sản xuất mới kết hợp được với nhau.

3.  Chính sách kích thích mạnh tính tích cực sáng tạo của con người:

Một khác biệt nổi bật giữa tri thức với các nguồn vốn khác là nó chịu sự khống chế hoàn toàn của người có nó, người khác không thể làm cho nó chuyển dời hoặc xuất ra ngoài một cách tuỳ tiện. Do vậy cần phải có chế độ sở hữu tài sản tri thức phù hợp, đảm bảo nguyên tắc lợi ích cùng hưởng, rủi ro cùng chịu để gắn bó chặt chẽ các nhân tài vào tiến độ phát triển của đơn vị. Thung lũng điện tử (Thung lũng Silicon) xuất hiện ở Mỹ đáp ứng được đòi hỏi này. Thung lũng điện tử của Mỹ hiện có hơn 7000 công ty kỹ thuật cao, giá trị thị trường 450 tỷ USD, cứ 5 ngày lại có một công ty chưng biển chào hàng, mức lương gấp 5 lần lương bình quân ở Mỹ, số nhà triệu phú tăng lên hàng ngày. Đến nay Thung lũng điện tử đã trở thành danh từ được hiểu một cách phổ biến là sáng tạo cái mới và sức sống ngày nay. Nó phát triển nhờ có một chế độ quyền sở hữu tài sản tri thức có thể phát huy đầy đủ tính tích cực sáng tạo của con người. Tại đây, công nhân viên chức được mua cổ phiếu với giá cả ấn định, với một số lượng nhất định cổ phần mới của công ty, trong một thời kỳ nhất định, đến cuối kỳ, lợi ích hoặc rủi ro của công nhân viên được biểu hiện dưới hình thức giá cổ phiếu lên cao hoặc xuống thấp gắn liền với những cố gắng nghiên cứu khoa học của công nhân viên chức trong khoảng thời gian đó. Ngoài ra còn nhiều biện pháp kích thích nhân tài khác như tham gia cổ phần bằng kỹ thuật, chia hưởng lợi ích theo chức vụ, bằng phát minh sáng chế…. Gần đây, trường đại học Cambridge của Anh đã ký hợp đồng làm việc với các giảng viên theo cơ chế như Thung lũng điện tử ở Mỹ. Hai bên thoả thuận với nhau về quyền sở hữu tài sản tri thức như sau: các giáo sư và nghiên cứu sinh của Cambridge có thể theo ý nguyện của mình thực hiện các hoạt động về hàng hoá các thành quả nghiên cứu khoa học, kể cả hoạt động lập nghiệp bằng cách lập công ty kỹ thuật cao trong khu vườn kỹ thuật cao được gọi là “Đầm điện tử” của nhà trường; lợi ích thu về được xác định rõ ràng trong  hợp đồng giữa nhà trường với giáo sư thực hiện, một phần khá lớn sẽ là sở hữu của giáo sư. Chỉ trong thời gian ngắn, “Đầm điện tử” của đại học Cambridge đã tiếp bước “Thung lũng điện tử” ở Mỹ, xuất hiện hơn 1000 công ty kỹ thuật cao, thu nhập hàng năm lên tới 3 tỷ USD.

III.  Tiếp cận bằng tư duy mới:

3.1.  Điểm qua đôi nét về KTTT ở Việt Nam:

Ở Việt Nam, ngay từ trước những năm 1980, chúng ta đã đưa điều khiển học vào điều khiển một số quá trình sản xuất. Nhà máy Len nhuộm Hà Đông sử dụng thiết bị của Pháp đã có công nghệ này. Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại cũng đã có công nghệ này. Vào những năm gần đây, công nghệ thông tin được áp dụng trong nhiều ngành kinh tế như bưu chính viễn thông, hàng không dân dụng và nhiều lĩnh vực như điều chỉnh hệ thống điện quốc gia lấy đường dây 500 KV làm xương sống.

Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nước ta cũng đã áp dụng nhân vô tính khoai tây, cây giống để trồng rừng.

Một số tổ chức trong lĩnh vực công nghệ thông tin đứng đầu là FPT ra đời, Trung tâm Công nghệ quốc gia ra đời, các Viện Nghiên cứu về gien, sử dụng những nghiên cứu về gien, về sinh sản vô tính không làm biến đổi gien ra đời. Công nghệ cao đã được áp dụng, tổ chức nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật cao đã ra đời. Nhưng nền kinh tế tri thức còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác. Ta chưa có một nền kinh tế tri thức. Nhưng có thể nói nước ta đã có một nền móng cho nền kinh tế này.

3.2.  Kinh tế tri thức định hướng ở nước ta:

Không phải đến năm 2000, khi nước ta đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX chúng ta mới tiếp cận vấn đề kinh tế tri thức. Ngay từ rất sớm, Đảng ta đặt vấn đề về cuộc cách mạng, khoa học kỹ thuật đã chuẩn bị những tư tưởng, tâm lý, cơ sở vật chất cho sự tiếp thu các công nghệ mới. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đề ra đường lối công nghiệp hoá và hiện đại hoá vấn đề tiếp cận, ứng dụng công nghệ hiện đại và kinh tế nước ta đã đặt ra một cách nghiêm túc và đúng với hoàn cảnh nước ta, đó là chủ trương “đi tắt đón đầu”.

Theo những chủ trương mới nhất, Việt Nam sẽ đầu tư cho một số ngành kinh tế mũi nhọn, một số công nghệ mũi nhọn để không bị tụt hậu so với một số quốc gia đã có nền kinh tế tri thức. Có nghĩa là, chúng ta sẽ không chờ đến công nghiệp hoá hoàn thành cơ bản mới chuyển sang kinh tế tri thức như một số nước đi trước đã trải qua.

Việt Nam, một nước có xuất phát điểm thấp cả về lực lượng sản xuất và trình độ quản lý sẽ chọn phương thức tiếp thu các thành tựu khoa học của kinh tế tri thức và đi thẳng vào kinh tế tri thức theo cách chọn lựa ngành phù hợp và có thế mạnh.

Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tàn dư của chế độ quản lý cũ theo kiểu tập trung quan liêu bao cấp, có sức ỳ cản trở tính năng động sẽ phải tự vượt qua chính mình để phát huy năng lực sáng tạo, linh hoạt của các chủ thể trong các thành phần kinh tế, của bộ máy quản lý và của từng cá nhân trong xã hội.

Hai yếu tố trên cũng sẽ không đủ cho Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế nông, công nghiệp thành nền kinh tế tri thức nếu không có sự đổi mới thực sự có tính cách mạng và đồng bộ cả về nhận thức và hành động. Bởi lẽ chúng ta đang lúng túng trong việc lựa chọn các mục tiêu ưu tiên, các giải pháp đột phá, lúng túng trong việc phối hợp liên ngành, tình trạng chồng chéo, lãng phí, biệt lập trong việc thực hiện các chương trình và dự án kinh tế, xã hội.

Để chớp thời cơ do thời đại kinh tế tri thức mang đến, chúng ta cần nhận thức đầy đủ về đặc trưng của nó để đề ra chính sách thích hợp. Kinh nghiệm các nước cho thấy chúng ta trước hết phải biết cách phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, rút ngắn khoảng cách về tri thức với các nước phát triển. Hai là phải biết cách phát triển khoa học công nghệ, tìm cách đi thẳng vào công nghệ mới nhất, phát triển mạnh loại công nghệ mà con người Việt Nam có nhiều khả năng nhất như công nghệ tin học, đặc biệt chú trong phát triển phần mềm, tham gia xuất khẩu phần mềm; phải xã hội hoá, thị trường hoá hoạt động nghiên cứu triển khai, biến các công ty xí nghiệp thành các chủ thể nghiên cứu triển khai. Ba là phải có một hệ thống chính sách và biện pháp tổ chức đủ sức kích thích cao độ tính tích cực sáng tạo cái mới của mọi người. Nghĩa là phải tìm ra phương thức đi tắt, đón đầu phù hợp để rút nhanh khoảng cách, đón bắt được mọi thời cơ của thời đại kinh tế tri thức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tạp chí Những vấn đề Kinh tế thế giới số 3 (65) 2000.

2.  Kinh tế Việt Nam và Thế giới chủ nhật 16-7-2000.

3.  Báo Tuổi trẻ chủ nhật – 2000.

4.  Báo Lao động – 2000.

5. Thời báo Kinh tế Trung Quốc No1-1999 (TL dịch)

6.     B/c của GS. Đặng Hữu tại Ban Khoa giáo TW 1/2000.

ThS.Nguyễn Quốc Tòng