Tỳ nằm ở đâu

Vị trí của Tỳ ở trong khoang bụng, dưới hoành cách mô, dính liền với vị và màng khoang bụng, “hình như lưỡi chó, trạng như mào gà” ( “trạng” nghĩa là chi tiết trên hình, hình là nói về toàn diện ), cùng với Vị ( dạ dày ), nhục ( thịt ), môi, miệng cấu thành hệ thống của Tỳ. Tạng này chủ vận hoá, thống nhiếp huyết, phân bố tinh hoa thủy cốc, là nguồn sinh hoá của khí và huyết, thân thể, tạng phủ, bách hài của con người, đều dựa vào sự nhu dưỡng của Tỳ, nên gọi nó là gốc của hậu thiên. Trong ngũ hành thì nó thuộc Thổ, là tạng chí âm trong âm. Trong bốn mùa thì Tỳ ứng với trưởng hạ ( Trưởng hạ là thời điểm tháng 6, lúc khí của mùa hạ mạnh nhất ).

I) Hình thái giải phẫu của Tỳ:

1) Vị trí giải phẫu của tỳ: Vị trí nằm phía trên trong khoang bụng, dưới cách mạc, nằm sâu trong sườn non bên trái, gần với phía trên mặt bên trái trên lưng của vị. Thiên “Thái Âm Dương Minh Luận” sách Tố Vấn chép: “Tỳ dữ Vị dĩ mạc tương liên – 脾与胃以膜相连” ( Tỳ và Vị nối liền với nhau bằng màng mỡ ).

2) Kết cấu hình thái của Tỳ: Hình thái của Tỳ giống như lưỡi liềm, thân bẹt hình thoi, khúc khuỷu, màu sắc của nó đỏ tía. Trong văn hiến Đông y, tả hình thái của Tỳ “dẹt như hình móng ngựa” (Y Học Nhập Môn – Tạng Phủ ), “màu sắc của nó đỏ tía như gan ngựa, hình của nó như chiếc liềm” ( Y Cương Tổng Khu ).

Tóm lại, nhìn từ vị trí và hình thái của Tỳ, có thể biết được “Tỳ” trong học thuyết  tạng tượng Đông y là một đơn vị học thuyết giải phẫu, cũng là bản chất giải phẫu của tỳ trong học thuyết giải phẫu hiện đại. Nhưng công năng sinh lý của Tỳ về ý nghĩa sâu xa thì không phải là tỳ theo nghĩa của giải phẫu hình thể.

II) Công năng sinh lý của Tỳ:

1) Tỳ chủ vận hoá: Vận, tức là chuyển vận, chuyên chở; hoá, tức là tiêu hoá hấp thu. Tỳ chủ vận hoá, ý nói Tỳ bao gồm công năng đem thủy cốc hoá thành chất tinh vi, đồng thời đem vật chất tinh vi chuyên chở đến các tổ chức tạng phủ. Trên thực tế, Tỳ đối với tiêu hoá vật chất dinh dưỡng, công năng hấp thụ và vận chuyển gồm:

Tiêu hoá đồ ăn thức uống và hấp thu, chuyên chở vật chất dinh dưỡng, là một hoạt động sinh lý phức tạp dưới sự tham dự cộng tác của Tỳ – Vị, Can – Đởm, Đại tiểu tràng, và nhiều tạng phủ khác, trong đó Tỳ đóng vị trí chủ đạo. Công năng vận hoá của tỳ chủ yếu dựa vào tác dụng thăng thanh của Tỳ khí, và ôn ấm của Tỳ dương –  Tỳ nên thăng thì mới mạnh được. Mục Tạng Phủ – phụ lục – sách Y Học Tam Tự Kinh chép: “Nhân nạp thủy cốc, Tỳ khí hoá nhi thượng thăng – 人纳水谷,脾气化而上升” ( con người ăn uống thủy cốc vào, nhờ Tỳ khí hoá mà thượng thăng ); sách Tứ Thánh Tâm Nguyên chép: “Tỳ thăng thì ( thủy cốc ) sẽ ngấu nhừ” ( 脾升而善磨- Tỳ thăng nhi thiện ma ). Thủy cốc nhập vào vị đều dựa vào sự vận hoá của tỳ dương. Nên sách Y Học Nguyên chép: “Tỳ hữu nhất phần chi dương, năng tiêu nhất phần chi thủy cốc; Tỳ hữu thập phần chi dương, năng tiêu thập phần chi thủy cốc -脾有一分之阳,能消一分之水谷;脾有十分之阳,能消十分之水谷” ( Tỳ có một phần dương thì tiêu hoá một phần thủy cốc, Tỳ có mười phần dương thì có thể tiêu hoá mười phần thủy cốc ). Công năng vận hoá của Tỳ, là gọi tắt của “vận hoá thủy cốc”, phân ra mà nói thì bao gồm hai phương diện là vận hoá thủy cốc, và vận hoá thủy dịch.

a) Vận hoá thủy cốc: Thủy cốc, ý nói đến các loại đồ ăn thức uống. Tỳ vận hóa thủy cốc, là ý nói đến Tỳ đối với dụng hấp thu tiêu hoá đồ ăn thức uống . Quá trình vận hóa thủy cốc của Tỳ như sau:

Một là vị bước đầu ngấu nhừ đồ ăn thức uống đã được tiêu hoá, trải qua tác dụng phân tách thanh trọc của Tiểu tràng, thông qua tác dụng làm cho cốc thực tan rã ra của tỳ, khiến cho thủy cốc đã hoá được trở thành chất tinh vi ( còn gọi là tinh khí thủy cốc ).

Hai là hấp thu tinh hoa thuỷ cốc đồng thời đem chất này vận chuyển đi toàn thân.

Ba là đem tinh hoa thủy cốc chuyên chở lên tâm Phế mà hoá thành khí huyết và các vật chất sự sống khác. Nói cách khác, tác dụng sinh lý quan trọng của Tỳ là chủ vận hoá, bao quát về tiêu hoá thủy cốc, hấp thu chuyên chở tinh hoa, đồng thời đem tinh hoa chuyển hoá thành khí huyết. Đồ ăn thức uống sau khi vào vị, đối với việc hấp thu và tiêu hoá ẩm thực, trên thực tế là do Vị và Tiểu tràng tiến hành. Sách “Loại Kinh”, mục “Tạng Tượng Loại” chép: “Tỳ chủ vận hoá, Vị tư thọ nạp, thông chủ thủy cốc – 脾主运化,胃司受纳,通主水谷” ( Tỳ chủ vận hoá, Vị chủ đón nhận, đều là chủ thủy cốc ). Vị chủ thọ nạp thủy cốc, đồng thời bước đầu tiến hành tiêu hoá thuỷ cốc đi vào, đi qua môn vị di chuyển xuống Tiểu tràng tiến hành một bước tiêu hoá. Nhưng phải dựa vào tác dụng làm tan rã tiêu mòn cốc thực của Tỳ, mới có thể đem thủy cốc hoá thành chất tinh vi.

Đồ ăn thức uống sau khi trải qua hấp thụ, tinh hoa thủy cốc lại dựa vào sự chuyên chở của Tỳ và tác dụng tán tinh mà chuyển lên Phế, bởi tạng Phế mà rót vào Tâm mạch, hoá thành huyết khí, lại nhờ thông qua kinh mạch mà chuyên chở đi toàn thân để dinh dưỡng cho ngũ tạng lục phủ, tứ chi bách hài, đến bì mao, cân nhục và các tổ chức cơ quan khác. Nói tóm lại, sự duy trì tinh hoa thủy cốc cần thiết cho sinh lý hoạt động bình thường của tạng phủ, đều phải dựa vào tác dụng vận hoá của Tỳ. Do ăn uống thủy cốc là nguồn gốc chủ yếu của vật chất dinh dưỡng cần thiết cho sự duy trì hoạt động sinh mệnh của con người sau khi sinh ra, cũng là cơ sở vật chất của sự sinh thành khí huyết. Sự vận hoá đồ ăn thức uống tất nhiên là do Tỳ làm chủ, cho nên nói Tỳ là gốc của hậu thiên, là nguồn của sinh hóa khí huyết. Mục “Thận Vi Tiên Thiên Bản Tỳ Vi Hậu Thiên Bản Luận” sách Y Tông Tất Độc chép: “Thân thể có được là nhờ bởi cốc khí, cốc nhập vào Vị, tưới thắm cho lục phủ nên Khí đến, điều hoà ngũ tạng mà Huyết sinh, nhờ vậy mà chất trong cơ thể con người được sinh ra. Vì thế nên gọi gốc của hậu thiên là ở Tỳ” ( 一有此身,必资谷气,谷入于胃,洒陈于六腑而气至,和调于五脏而血生,而人资之以为生者,故曰后天之本在脾 – nhất hữu thử thân, tất chất cốc khí, cốc nhập vu vị, sái trần vu lục phủ nhi khí chí, hoà điều vu ngũ tạng nhi huyết sinh, nhi nhập chi dĩ vi sinh giả, cố viết hậu thiên chi bản tại Tỳ ). Thiên “Kỳ Bệnh Luận” sách Tố Vấn chép: “ngũ vị nhập khẩu, tàng vu Vị, Tỳ vi chi hành kỳ tinh khí – 五味人口,藏于胃,脾为之行其精气” ( ngũ vị ăn vào, tàng chứa nơi vị, Tỳ thì hành tinh khí ), con người lấy thủy cốc làm gốc, Tỳ vị là bể của thủy cốc, nên nói Tỳ Vị là gốc của hậu thiên, là nguồn sinh hoá của khí huyết. Lý luận này ở phương diện dưỡng sinh mà nói, thì có ý nghĩa chỉ đạo rất quan trọng.

Công năng vận hoá của Tỳ được mạnh mẽ, trên thói quen thường nói là “Tỳ khí kiện vận”. Chỉ có Tỳ khí kiện vận, thì công năng hấp thu tiêu hoá của cơ thể mới có thể kiện vận, mới có thể hoá sinh khí, huyết, tân dịch và được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, mới có thể khiến cho các tổ chức toàn thân được đầy đủ dinh dưỡng, để duy trì hoạt động sinh lý bình thường. Ngược lại, nếu Tỳ mất kiện vận, thì công năng hấp thu và tiêu hoá của cơ thể cũng vì nguyên nhân ấy mà thất thường, sẽ xuất hiện các chứng trạng như trướng bụng, tiêu chảy, không thèm ăn, mệt mỏi, gầy còm và khí huyết bất túc và các biến hoá bệnh lý khác.

b) Vận hoá thủy thấp: Vận hoá thủy thấp còn gọi là vận hoá thủy dịch, là ý nói đến tác dụng của Tỳ đối với sự chuyên chở và hấp thụ của thủy dịch, điều tiết và trao đổi thủy dịch, tức là Tỳ phối hợp với Phế, Thận, Tam tiêu, Bàng quang và các tạng phủ khác để tăng cường tác dụng duy trì sự bình hoành trong sự trao đổi thủy dịch của cơ thể. Tỳ chủ vận hoá thủy thấp là mắt xích then chốt của sự trao đổi thủy dịch trong cơ thể con người. Trong quá trình trao đổi thuỷ dịch trong cơ thể con người, Tỳ cùng lúc với sự chuyên chở tinh hoa thủy cốc, còn đem thủy dịch cần thiết của cơ thể ( tân dịch ), thông qua Tâm Phế mà vận chuyển đến các tổ chức toàn thân, để phát huy tác dụng tư dưỡng nhu nhuận, lại mang thủy dịch sau khi đã được dùng của các tổ chức cơ quan tạng khí, kịp thời mang xuống Thận, thông qua tác dụng khí hoá của Thận mà hình thành niệu dịch ( nước tiểu ), đưa đến bàng quang, bài tiết ra ngoài, do đó mà duy trì được sự thăng bằng của trao đổi thủy dịch trong cơ thể con người. Ở Trung tiêu, Tỳ là then chốt của thăng giáng khí cơ cơ thể con người, nên trong quá trình trao đổi thủy dịch của cơ thể con người thể hiện được tác dụng then chốt quan trọng. vì vậy, công năng vận hoá thủy thấp của Tỳ được mạnh mẽ, mới có thể khiến cho các tổ chức trong cơ thể nhận được sự nhu nhuận nuôi dưỡng của thủy dịch, lại khiến cho thủy thấp không đến mức độ thái quá mà dẫn đến đình đọng bên trong. Ngược lại, nếu công năng vận hoá thủy thấp của Tỳ thất thường, tất nhiên sẽ dẫn đến sự đình trệ thủy dịch trong cơ thể con người, mà sinh ra thủy thấp, đàm ẩm và các chất bài tiết bệnh lý, nếu nặng thì sẽ hình thành thủy thũng. Vì vậy thiên “Chí Chân Yếu Đại Luận” sách Tố Vấn chép: “chư thấp thũng mãn, giai thuộc vu Tỳ – 诸湿肿满,皆属于脾” ( các chứng thũng mãn do thấp đều thuộc bởi tỳ ). Đây cũng là tỳ hư sinh thấp, tỳ là nguồn sinh ra đàm và nguyên lý của sự phát sinh thủy thũng tỳ hư.

Tác dụng của hai phương diện vận hoá thủy thấp và vận hoá tinh vi thủy cốc của Tỳ là liên hệ tương hỗ, ảnh hưởng tương hỗ, nếu công năng của mặt này thất thường thì cũng sẽ dẫn đến công năng mặt kia cũng thất thường, nên trong bệnh lý trên lâm sàng, cần phải lưu ý đến hai phương diện này.

2) Tỳ chủ sinh huyết thống huyết:

Tỳ chủ sinh huyết, là ý nói đến công năng sinh huyết của Tỳ. Thống huyết, thống tức là thống nhiếp, là khống chế. Tỳ chủ thống huyết là ý nói đến Tỳ bao gồm chức năng thống nhiếp huyết dịch, có công năng khiến cho huyết lưu hành trong kinh mạch mà không tràn ra ngoài mạch.

a) Tỳ chủ sinh huyết: Tỳ là gốc của hậu thiên, là nguồn sinh hoá khí huyết. Tinh hoa thủy cốc mà Tỳ vận hoá là cơ sở vật chất chủ yếu của sự sinh thành huyết dịch. Vậy nên mục Huyết Chứng sách Cảnh Nhạc Toàn Thư chép: “Huyết…cuồn cuộn mà đến, sinh hoá bởi Tỳ ( Huyết…nguyên nguyên nhi lai, sinh hóa ư Tỳ – 血..,源源而来,生化于脾). Tinh hoa thủy cốc mà Tỳ vận hoá, trải qua tác dụng khí hoá mà sinh thành huyết dịch. Tỳ khí kiện vận, nguồn sinh hoá sung túc, khí huyết vượng thịnh thì huyết dịch sung túc. Nếu Tỳ mất đi sự kiện vận, vật chất sinh huyết thiếu thốn, thì huyết dịch khuyết hư, xuất hiện đầu choáng mắt hoa, mặt, môi, lưỡi, móng tay nhợt nhạt và các chứng trạng huyết hư.

b) Tỳ chủ thống huyết: Sách “Danh Y Hối Tuý” chép: “Tỳ thống chư kinh chi huyết – 脾统诸经之血 ” ( Tỳ chủ huyết của các kinh mạch ). Quyển 16, sách “Thẩm Chú Kim Quỹ Yếu Lược” chép: “Nhân ngũ tạng lục phủ chi huyết, toàn lại Tỳ khí thống nhiếp – 人五脏六腑之血,全赖脾气统摄” ( Huyết của ngũ tạng lục phủ trong con người, đều dựa vào sự thống nhiếp của Tỳ khí ). Tỳ khí có thể thống nhiếp huyết dịch của khắp thân, khiến cho huyết dịch vận hành bình thường mà không tràn ra ngoài mạch. Tác dụng thống huyết của Tỳ là thông qua tác dụng nhiếp huyết của khí để thực hiện. Tỳ là nguồn sinh hoá khí huyết, khí là tướng dẫn đường, huyết theo nó mà hành. Công năng vận hoá của tỳ được mạnh mẽ, thì khí huyết tràn đầy, khí có thể nhiếp huyết; khí vượng thì tác dụng cố nhiếp cũng mạnh mẽ, huyết dịch cũng không bao giờ đi càng ra ngoài mạch mà phát sinh các hiện tượng xuất huyết. Ngược lại, công năng vận hoá của Tỳ bị suy giảm, nguồn hoá bất túc, thì khí huyết hư khuyết, khí hư thì sự thống nhiếp bị mất chức năng, huyết rời khỏi mạch đạo ( huyết quản ), từ đó dẫn đến xuất huyết. Từ đó có thể thấy, Tỳ thống huyết, trên thực tế là thể hiện cụ thể tác dụng của khí đối với huyết, có thể nói “Tỳ thống huyết giả, tắc huyết tuỳ tỳ khí lưu hành chi nghĩa dã – 脾统血者,则血随脾气流行之义也” ( Tỳ thống huyết, ý nói huyết theo Tỳ khí mà lưu hành ). Nhưng Tỳ thống huyết và Tỳ dương cũng có liên hệ mật thiết. Mục Tạng Phủ Bệnh Cơ, sách Huyết Chứng Luận chép: “Tỳ thống huyết, huyết chi vận hành thượng hạ, toàn lại ư Tỳ. Tỳ dương hư, tắc bất năng thống huyết – 脾统血,血之运行上下,全赖于脾。脾阳虚,则不能统血” ( Tỳ thống huyết, huyết vận hành trên dưới, đều dựa vào Tỳ. Tỳ dương hư, thì không thể thống huyết được ). Vì nếu Tỳ mất kiện vận, dương khí hư suy, không thể thống nhiếp huyết dịch, huyết không quy kinh mà dẫn đến xuất huyết cái đó gọi là Tỳ bất thống huyết, biểu hiện lâm sàng là xuất huyết dưới da, tiện huyết, niệu huyết, băng huyết v.v…và nhất là thường thấy xuất huyết ở nhị âm ( nhị âm tức là tiền âm ( bộ phận sinh dục ), và hậu âm ( tức là hậu môn ) ).

Tỳ không những có thể sinh huyết, mà lại còn nhiếp huyết, gồm có hai công năng quan trọng là sinh huyết và thống huyết. Cho nên quyển 2, sách “Kim Quỹ Dực” chép: “Tỳ thống huyết, Tỳ hư tắc bất năng thống huyết; Tỳ hoá huyết, Tỳ hư tắc bất năng vận hoá, thị giai huyết vô sở chủ, nhân nhi thoát hãm vọng hành – 睥统血,脾虚则不能摄血;脾化血,脾虚则不能运化,是皆血无所主,因而脱陷妄行” ( Tỳ thống nhiếp huyết, Tỳ hư thì không thể nhiếp huyết. Tỳ hoá huyết, Tỳ hư thì không vận hoá được, đều là huyết không có chủ, nhân đó thoát xuống bên dưới mà vọng hành ).

3) Tỳ chủ thăng thanh: Thăng, ý nói thăng lên trên và chuyên chở. Thanh, ý nói đến vật chất tinh vi. Tỳ chủ thăng thanh là ý nói bao gồm đem tinh hoa thủy cốc và các vật chất dinh dưỡng khác, hấp thu và cùng đưa lên Tâm, Phế, đầu mắt – lại thông qua tác dụng của Tâm Phế hoá sinh khí huyết để doanh dưỡng cho toàn thân, đồng thời duy trì tác dụng của tính cố định tương đối của vị trí tạng phủ trong cơ thể con người. Đặc điểm của công năng vận hoá này là lấy thượng thăng làm chủ, nên mới nói “Tỳ khí thượng thăng”. Mà chủ yếu của thượng thăng là vật chất tinh vi, cho nên mới nói “Tỳ chủ thăng thanh”. Sự thăng thanh của Tỳ, là cách nói đối lập lại sự giáng trọc của Vị. Tỳ phải thăng mới kiện, Vị phải giáng mới hoà. Tỳ khí chủ thăng cùng với Vị khí chủ giáng hình thành một cặp mâu thuẫn với nhau là thăng và thanh giáng trọc, chúng đã đối lập lại còn thống nhất, cùng nhau hoàn thành công việc phân bố và hấp thu tiêu hoá đồ ăn thức uống. Ở phương diện khác, sự tương ứng thăng giáng giữa các tạng phủ, hợp tác bình hoành là duy trì nhân tố quan trọng của sự cố định với nhau vị trí tạng phủ trong cơ thể con người. Tỳ khí nếu thăng thì có thể duy trì vị trí cố định của tạng phủ trong cơ thể con người mà khiến cho nó không bị sa xuống. Công năng thăng thanh của Tỳ bình thường, tinh hoa thủy cốc và các vật chất dinh dưỡng khác mới có thể chuyên chở phân bố, hấp thu bình thường được, khí huyết sung thịnh, cơ thể con người mới đầy đặn. Đồng thời, Tỳ khí thăng phát thì khiến cho nội tạng bên trong cơ thể không bị sa xuống bên dưới. Nếu Tỳ khí không thể thăng thanh, thì thủy cốc sẽ không thể vận hoá, sự sinh hoá của khí huyết không còn nguồn, có thể sẽ xuất hiện tinh thần mệt mỏi, người vô lực, huyễn vựng, tiết tả và các chứng trạng khác. Tỳ khí hư hãm ( còn gọi là trung khí hạ hãm ), thì có thể thấy chứng cửu tiết thoát giang nặng, hoặc nội tạng sa xuống bên dưới.

III) ĐẶC TÍNH SINH LÝ CỦA TỲ

1) Tỳ phải thăng mới kiện:

Thăng tức là từ bên dưới thượng hành lên trên, ý nói đến sự thăng phù hướng thượng. Tất cả ngũ tạng đều có sự thăng giáng: Tâm Phế bên trên, bên trên thì cần phải giáng; Can Thận bên dưới, bên dưới thì phải thăng; Tỳ Vị ở giữa, ở giữa thì có thể thăng có thể giáng. Tác dụng thăng giáng khí cơ của ngũ tạng tương hỗ cho nhau, hình thành một tính chất chỉnh thể của hoạt động khí hoá xuất nhập thăng giáng cơ thể, duy trì động thái sự xuất nhập thăng giáng của cơ thể. Tỳ thăng vị giáng, là then chốt của thăng giáng trên dưới khí cơ cơ thể. Tỳ khí chủ thăng, ý nói hình thức vận động khí cơ của Tỳ lấy thăng là chủ yếu. Tỳ thăng thì có nghĩa là Tỳ khí kiện vượng, công năng sinh lý bình thường.

2) Tỳ hỷ táo ố thấp:

Tỳ là tạng thái âm thấp thổ, Vị là phủ dương minh táo thổ  ( 脾为太阴湿土之脏,胃为阳明燥土之腑 ). Quyển 2, sách “Giám Chứng Chỉ Nam Y Án” chép: “ Thái âm thấp thổ, đắc dương thỉ vận; dương minh táo thổ, đắc âm tự an, thử Tỳ hỷ can táo, Vị hỉ nhu nhuận dã – 太阴湿土,得阳始运;阳明燥土,得阴自安,此脾喜刚燥.胃喜柔润也” ( Thái âm thấp thổ có được dương thì vận hoá; Dương minh táo thổ, có được âm thì tự an. Đó là bởi Tỳ thích khô ráo, Vị thích trơn nhuận vậy ). Tỳ thích táo ghét thấp, cùng với Vị thích nhuận ghét táo trở thành một cặp đối lập nhau. Tỳ có thể vận hoá thủy thấp, để điều tiết sự thăng bằng trao đổi thủy dịch trong cơ thể. Tỳ hư không vận hoá thì rất dễ sinh thấp, mà thấp tà quá trình thắng lại rất dễ khốn tỳ ( gây trở ngại cho tỳ ). Quyển 2, sách Giám Chứng Chỉ Nam Y Án chép: “ Thấp hỷ quy Tỳ giả, dĩ kỳ đồng khí tương cảm vi giả” ( thấp thích đi về Tỳ, ấy là đồng khí tương cảm vậy ). Tỳ chủ thấp mà ố thấp, nhân thấp tà tổn thương Tỳ, Tỳ mất kiện vận mà thủy thấp gây ra bệnh, thường gọi là “thấp khốn Tỳ thổ”, có thể thấy các triệu chứng như đầu nặng, bụng và chấn thủy trướng đầy, miệng dính không khát, và các chứng khác. Nếu Tỳ khí hư nhược, chức năng kiện vận mất thì thuỷ thấp đình tụ, đó gọi là “Tỳ bệnh sinh thấp” ( Tỳ hư sinh thấp ), có thể thấy tứ chi mỏi mệt, sự nạp vào yếu, bụng và chấn thủy trướng mãn, đàm ẩm, tiết tả, thủy thũng v.v…Nói tóm lại, Tỳ có đặc tính ghét thấp, đồng thời đối với thấp tà có tính cảm ứng đặc thù.

3) Tỳ khí tương ứng với khí trưởng hạ:

Tỳ chủ trưởng hạ, Tỳ khí vượng vào mủa trưởng hạ, Hoạt động công năng sinh lý của tạng Tỳ, cùng thông ứng hỗ tương biến hoá âm dương với trưởng hạ. Ngoài ra, Tỳ cùng với phương Vị trung ương, thấp, thổ, màu vàng, vị ngọt v.v…có sự liên hệ nội tại. Tỳ vận hoá thấp mà lại ghét thấp, nếu Tỳ thấp khốn, vận hoá bị sút kém sẽ dẫn đến ngực bụng đầy kết, ăn ít người mệt, đại tiện lỏng loãng, miệng ngọt nhiều nước dãi, rêu lưỡi trơn mềm, phản ánh liên hệ giữa Tỳ và thấp. Vì vậy, cách xử phương dụng dược vào thời điểm trưởng hạ, thường gia thêm Hoắc hương, bội lan, và các loại thuốc phương hương hoá trọc, tỉnh Tỳ táo thấp. Ngoài ra, Tỳ là gốc của hậu thiên, là nguồn của sinh hoá khí huyết, Tỳ khí suy nhược thì xuất hiện mệt mỏi vô lực, ăn uống khôngg thoải mái. Trên lâm sàng lúc điều trị Tỳ hư thì gia thêm Đảng sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Biển đậu, Đại táo, Di đường và các loại thuốc có vị ngọt, đấy là thể hiện sự liên hệ giữa vị ngọt và Tỳ.

Được viết bởi nhà thuốc Hạnh Lâm Đường