Triệu chứng tai biến và cách phòng ngừa

Bạn có biết, tai biến mạch máu não (hay đột quỵ) có thể phòng ngừa ngay từ lối sống hàng ngày. Tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi để hiểu hơn về căn bệnh nguy hiểm (một trong ba căn bệnh gây tử vong hàng đầu trên thế giới) và trang bị cho mình kiến thức để phòng ngừa tai biến mạch máu não.

1. Hiểu để phòng ngừa tai biến mạch máu não (đột quỵ)

1.1 Tai biến mạch máu não là căn bệnh rất nguy hiểm

Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là căn bệnh khá phổ biến. Đây là một trong ba nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và để lại các biến chứng về thần kinh nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Đây là tình trạng một phần não bộ đột ngột bị tổn thương khi mạch máu nuôi dưỡng phần não đó bị tắc (đột quỵ do thiếu máu não) hoặc bị vỡ (đột quỵ xuất huyết não).

1.2 Dấu hiệu tai biến mạch máu não

Các dấu hiệu đột quỵ (để chẩn đoán lâm sàng người có dấu hiệu đột quỵ) người ta căn cứ theo các dấu hiệu F.A.S.T viết tắt của:

F (Face): Méo miệng

A (Arm): Yếu liệt chân tay

S (Speech): Nói khó

T (Time): Gọi cấp cứu ngay.

Đột quỵ để lại rất nhiều hậu quả, trong đó biến chứng nặng nề nhất là tử vong. Bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng hoặc do các biến chứng về nhiễm trùng.

Ở những bệnh nhân bị đột quỵ mà không tử vong, có rất nhiều người gặp biến chứng về thần kinh. Ví dụ như: bệnh nhân có thể gặp di chứng liệt nửa người, rối loạn về ý thức, rối loạn ngôn ngữ, ảnh hưởng đến vận động, xương khớp và tỉ lệ lớn bệnh nhân có kèm theo trầm cảm.

Triệu chứng tai biến và cách phòng ngừa

Các dấu hiệu đột quỵ (F.A.S.T)

1.3 Các yếu tố nguy cơ gây bệnh đột quỵ

Hiểu các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa tai biến mạch máu não tốt hơn.

Có 2 nhóm yếu tố nguy cơ gây bệnh đột quỵ:

– Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được gồm: tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, địa điểm sinh sống, chủng tộc,…

– Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được gồm: các yếu tố liên quan đến bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp,…

1.4 Xử trí người bị đột quỵ tại cơ sở y tế

Cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, đột quỵ. Bệnh nhân nên được làm các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp phim cắt lớp, cộng hưởng từ,… càng sớm càng tốt. Và thực hiện các tầm soát về bệnh lý tim mạch, siêu âm tim, điện tim, … để chẩn đoán, tìm ra các nguyên nhân bệnh lý về tim mạch. Sau đó bệnh nhân nên được làm thêm các xét nghiệm máu. sinh hóa máu. Sở dĩ các bác sĩ phải thực hiện nhiều xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng như vậy là để: đánh giá chính xác tình trạng tổn thương, mức độ tổn thương, tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử trí hiệu quả nhất. Bởi đột quỵ là một căn bệnh rất nguy hiểm, nếu không chẩn đoán kỹ càng có thể dẫn tới xử trí sai, “bắt” nhầm bệnh hoặc bỏ sót bệnh, gây ảnh hưởng tới tính mạng và để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh.

2. Phòng ngừa tai biến mạch máu não

Bệnh nhân đột quỵ hoàn toàn có thể phòng tránh và làm giảm tỉ lệ mắc đột quỵ qua những việc làm, thói quen sống hàng ngày tác động vào các yếu tố có thể thay đổi như đã nêu ở trên:

– Thay đổi lối sống để phòng ngừa tai biến mạch máu não.: tăng cường tập thể dục, kiểm soát cân nặng, xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, kiêng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…

– Ngừng hút thuốc lá: Thuốc lá là nguy cơ chính của bệnh mạch máu có thể dẫn đến tai biến mạch máu não.

– Điều trị tốt bệnh cao huyết áp và các bệnh lý về tim mạch để phòng ngừa tai biến mạch máu não: Cao huyết áp và các bệnh lý về tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây ra xuất huyết não. Cao huyết áp cũng là yếu tố làm tăng tốc xơ vữa động mạch tạo thuận lợi cho tình trạng nhũn não.

– Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường giúp phòng ngừa tai biến mạch máu não: Tiểu đường cũng là yếu tố nguy cơ chủ yếu của mảng xơ vữa động mạch lớn và gây thiếu máu lên não. Tăng cholesterol máu cùng với tăng triglyceride máu cũng thường phối hợp với tai biến mạch máu não. Tăng số lượng hồng cầu trong máu quá cao cũng có thể gây cơn thiếu máu não hay nhũn não.

– Tầm soát dị dạng mạch máu não (nếu có) để có biện pháp kiểm soát, xử trí kịp thời, ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra, phòng ngừa tai biến mạch máu não trong trường hợp đột quỵ do vỡ mạch (đột quỵ xuất huyết não).

Ngoài việc điều trị tốt các bệnh có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, chế độ ăn uống, tập luyện và tinh thần là điều hết sức quan trọng, đặc biệt là với những người đã từng có tiền sử bị tai biến mạch máu não khả năng tái lại sẽ cao hơn người khác.

Chính vì vậy, ngay khi người bệnh có các biểu hiện nghi ngờ bị đột quỵ cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất có xử trí hoặc điều trị đột quỵ (tai biến mạch máu não) để người bệnh được cấp cứu kịp thời, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng và giảm tối đa các di chứng có thể để lại.

Triệu chứng tai biến và cách phòng ngừa

Khám sức khỏe định kỳ đặc biệt là tầm soát sức khỏe tim mạch, hệ thần kinh giúp ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.

3. Lưu ý khi sơ cứu người bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) tại nhà

Đột quỵ não cần xử trí sớm và đúng cách, người bệnh cần được đưa đến viện càng sớm càng tốt, nhất là trong 3 giờ đầu (giờ vàng xử trí cơn đột quỵ). Nhưng phần lớn người bệnh đột quỵ có biểu hiện ngay tại nhà, cơ quan khi đang lao đông, làm việc hay nghỉ ngơi sau đó mới được đưa tới bệnh viện. Vì vậy, song song với việc gọi cấp cứu hoặc chờ xe để chuyển người bệnh đến bệnh viện cấp cứu, bạn cần lưu ý một số điều sau khi xử trí tại nhà đối với người bị đột quỵ.

Triệu chứng tai biến và cách phòng ngừa

Nếu thấy người bị đột quỵ cần liên hệ ngay tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt, tốt nhất là 3 giờ đầu (giờ vàng xử trí cơn đột quỵ). Không cho người bệnh ăn, uống bất cứ thứ gì kể cả thuốc điều chỉnh huyết áp.

– Không được xoa dầu nóng, cạo gió, cắt lể hoặc cúng bái… Điều này chỉ làm cho tình trạng bệnh trầm trọng thêm và nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.

– Không được nặn/chích máu ở 10 đầu ngón tay.

– Không tự ý cho uống hoặc nhỏ bất cứ loại thuốc nào.

– Không để nằm chờ xem bệnh nhân có khỏe lại không.

– Đặt người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng một bên nếu bị nôn, móc hết đờm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.

– Gọi cấp cứu ngay, nếu muốn đưa bệnh nhân đến viện không nên đưa bệnh nhân đi bằng xe máy, tránh xóc khi di chuyển. Khi di chuyển cần lưu ý: nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo cho thoáng.

Tai biến mạch máu não là tình trạng rất nguy hiểm, đứng top đầu về nguy cơ gây tử vong và tàn phế trên thế giới. Cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây tai biến để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. 

1. Các nguyên nhân gây tai biến thường gặp

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tai biến mạch máu não rất đa dạng, xuất phát từ các yếu tố gây tổn thương và suy yếu mạch máu, làm tăng nguy cơ hình thành cùng máu đông và vỡ mạch, phổ biến nhất là:

1.1 Cao huyết áp

Theo các nghiên cứu, người bị cao huyết áp có nguy cơ tai biến cao gấp 3 – 4 lần so với người bình thường có chỉ số huyết áp bình thường. Khi huyết áp tăng cao, thành mạch máu bị giãn dần ra và gây tích tụ tổn thương. Lúc này, theo cơ chế tự làm lành vết thương của cơ thể, hệ thống tiểu cầu và các sợi fibrin sẽ đến để vá lại chỗ bị tổn thương, gây hình thành các cục máu đông. Bên cạnh đó, nếu áp lực dòng máu đột ngột tăng cao còn có thể khiến cho mạch máu não bị vỡ.

Triệu chứng tai biến và cách phòng ngừa

Cao huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến.

1.2 Xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch là tình trạng động mạch bị xơ cứng do sự hình thành và tích tụ các mảng bám từ chất béo, mỡ máu. Điều này khiến lòng mạch bị thu nhỏ và làm cản trở dòng máu lưu thông lên nuôi dưỡng tế bào não. Tình trạng máu ùn ứ, tắc lại tạo điều kiện thuận lợi hình thành các cục máu đông. Nếu những cục máu đông này di chuyển lên não, đến nơi hẹp và kẹt lại sẽ làm tắc mạch máu não, dẫn đến thiếu máu não cục bộ.

1.3 Đái tháo đường

Khi lượng đường trong máu tăng cao hơn mức cho phép sẽ gây phá hủy thành mạch, thúc đẩy quá trình xơ vữa diễn ra nhanh hơn. Khi đó hiện tượng những cục máu đông cũng và các mảng xơ vữa dễ hình thành hơn trong lòng động mạch làm bít tắc lòng mạch trở. Hậu quả là máu, oxy không đến nuôi dưỡng được vùng mà mạch máu đó cung cấp máu, gây ra tình trạng tắc mạch máu não, phình vỡ mạch máu não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim…

Bên cạnh đó, hầu hết người bệnh đái tháo đường đều có mỡ máu cao. Nếu lượng cholesterol xấu trong máu vượt quá mức cho phép và thường xuyên vượt mức kiểm soát, người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não.

1.4 Nguyên nhân gây tai biến do dị dạng mạch máu não

Dị dạng mạch máu não là sự bất thường liên quan đến cấu trúc mạch máu não. Đây thường là khiếm khuyết bẩm sinh, tiến triển âm thầm khiến người bệnh khó phát hiện. Các mạch máu này có xu hướng ngày càng giãn ra và yếu đi theo thời gian, đến khi bị căng tức quá mức thì chúng có thể dẫn đến vỡ ra, gây chảy máu não. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tai biến xuất huyết não phổ biến. 

Triệu chứng tai biến và cách phòng ngừa

Dị dạng mạch máu não cũng có thể là nguyên nhân gây khởi phát tai biến mạch máu não

1.5 Bệnh lý về tim

Theo các nghiên cứu, những người mắc các bệnh tim mạch sẽ có nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não. Các bệnh đó là viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, hẹp van hai lá, rung nhĩ, u nhầy nhĩ trái, thông liên nhĩ… Bởi những vấn đề này có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim. Cục máu đông có thể trôi theo dòng máu đến não, dẫn đến nhồi máu não.

Bên cạnh đó, việc dùng các loại thuốc chống đông kháng vitamin K và thuốc điều trị tim mạch khác cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai biến. Bởi thuốc chống đông làm giảm khả năng đông máu, nếu gặp các yếu tố thuận lợi khác như tăng huyết áp, chấn thương… thì khả năng gây chảy máu não là rất cao.

1.6 Các nguyên nhân gây tai biến khác

Ngoài những bệnh lý kể trên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não khác như: 

– Hạ huyết áp đột ngột hơn 40 mmHg

– Bệnh viêm động mạch

– Bệnh viêm tắc tĩnh mạch

– U não

– Dị dạng động mạch cảnh

– Rối loạn chức năng đông máu

– Thoái hóa mạch máu não

– Thừa cân, béo phì…

Ngoài ra, các yếu tố như thói quen sống thiếu khoa học (thường xuyên hút thuốc, dùng quá nhiều thuốc tránh thai, sử dụng nhiều rượu bia…), ít vận động, chế độ ăn không kiểm soát… đều là lý do gây tai biến mạch máu não mà bạn cần lưu tâm.

Triệu chứng tai biến và cách phòng ngừa

Béo phì làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp 6 lần.

2. Các biện pháp phòng tránh tai biến mạch máu não

Dựa trên nguyên nhân tai biến mạch máu não, các chuyên gia khuyến cáo các biện pháp phòng tránh căn bệnh này gồm:

– Phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý nguy cơ theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Tham khảo ý kiến của bác sĩ bất cứ khi nào muốn có sự thay đổi về phác đồ điều trị.

– Bỏ hoặc hạn chế tối đa rượu, thuốc lá, các chất kích thích…

– Tích cực vận động, tập luyện phù hợp với khả năng của mình

– Duy trì chế độ ăn lành mạnh, giảm mặn, tăng cường rau xanh, các loại thực phẩm tốt cho tuần hoàn máu não…

Hi vọng qua bài viết trên đây, bạn đã hiểu tai biến mạch máu não là căn bệnh nguy hiểm như thế nào và các nguyên nhân gây tai biến chủ yếu, từ đó có biện pháp chủ động phòng tránh, bảo vệ sức khỏe của mình.