Trật tự the giới mới hình thành sau những quyết định của Hội nghị Ianta 1945 là gì

Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc đánh dấu một giai đoạn phát triển của tình hình mới. Một trật tự thế giới được hình thành với 2 phe Tư bản chủ nghĩa (TBCN - do Mĩ đứng đầu) và Xã hội chủ nghĩa (XHCN - do Liên Xô đứng đầu). Liên Hợp quốc ra đời và trở thành công cụ duy trì trật tự thế giới vừa hình thành.

I. Hội nghị Ianta (2/1945) và những thoả thuận của ba cường quốc

- Hội nghị Ianta tại Liên Xô (từ ngày 4-11/2/1945) diễn ra trong bối cảnh sắp kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2 với sự tham dự của 3 cường quốc trụ cột trong chiến tranh chống phát xít là Liên Xô, Anh và Mĩ.

- Hội nghị đưa ra 3 quyết định quan trọng là tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít Đức và quân phiệt Nhật Bản, sau khi đánh bại quân Đức, Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật Bản. Thành lập Liên Hiệp quốc nhằm duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Thoả thuận việc đóng quân tại các nước nhằm giải giáp quân đội phát xít, phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu và châu Á.

II. Sự thành lập Liên hợp quốc

- Từ ngày 25/4-26/6/1945, tại Xan Phranxixcô (Mĩ) đã diễn ra hội nghị quốc tế với sự tham dự của 50 nước nhằm thông qua bản Hiến chương và thành lập tổ chức Liên hợp quốc với mục đích duy trì hoà bình và an ninh thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành hợp tác quốc tế theo nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc.

Nguyên tắc của Liên hợp quốc gồm:

+ Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc.

+ Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước.

+ Không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kì nước nào.

+ Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.

+ Chung sống hòa bình và sự nhất trí giữa năm nước lớn (Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc)

- Liên hợp quốc bao gồm 6 cơ quan chính là Đại hội đồng, Hội đồng bảo an, Hội đồng kinh tế và xã hội, Hội đồng quản thác, Toà án quốc tế, Ban thư ký.

- Tháng 9/1977, Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức này.

III. Sự hình thành hai hệ thống xã hội đối lập

Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, trên thế giới chia thành 2 phe TBCN và XHCN đối chọi gay gắt với nhau. Tiêu biểu nhất cho sự đối chọi là sự thành lập 2 nhà nước trên lãnh thổ Đức gồm Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Dân chủ Đức. Sau đó, châu Âu cũng phân chia thành 2 xu hướng là Đông Âu (phe XHCN) và Tây Âu (TBCN).