Top 5 khẩu súng tồi tệ nhất để đóng gói một cú đấm năm 2022

Top 5 khẩu súng tồi tệ nhất để đóng gói một cú đấm năm 2022

Max Hastings

Trần Quang Nghĩa dịch

CHƯƠNG 4 : NHỮNG DẤU CHÂN ĐẪM MÁU

1 Bỏ Cuộc Hay Dội Bom

Giáp tung ba phần tư lực lượng chính quy của mình vào Điện Biên Phủ. Tuy nhiên,  cho dù trận chiến đang tiếp diễn,  lực lượng du kích vùng miền của Việt Minh vẫn duy trì sức ép ở nơi khác, để phân tán sức mạnh Pháp. Có đọ súng xảy ra trong vùng châu thổ sông Hồng và xa hơn về phía nam ở Annam: giữa tháng 2 và giữa tháng 5 nhiều đồn Pháp bị đánh chiếm.  Nhiều vùng ở đồng bằng Cửu Long rơi vào tay cộng quân, khi binh lính Pháp rời đi để triển khai xa hơn về phía bắc.  Navarre và Cogny ra sức phòng thủ các vị trí trên khắp Việt Nam và sâu vào đất Lào.

Trong lúc họ đối mặt với thảm bại lù lù ở Điện Biên Phủ, chính quyền Pháp loạng choạng trên khắp Đông Dương.  Chỉ có một quyền lực trên trái đất được xem sở hữu sức mạnh đảo ngược cục diện: Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Trong gần hai tháng vào mùa xuân 1954, Tổng thống Eisenhower và những nhà hoạch định chính sách tiên phong của mình xiển dương một can thiệp quân sự mà họ mong muốn, và trong một vài trường hợp hăng hái xúc tiến. Như sẽ thường xảy ra trong những toan tính của  Washington trong suốt 20 năm sắp tới,  họ không đếm xỉa gì đến lợi ích hoặc nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Họ chỉ nhận thấy hiện ra lù lù ở châu Á một khúc khải hoàn cộng sản mới sẽ nâng cao uy tín của Trung Quốc và hạ thấp uy tín của phương Tây. Một hậu quả như thế sẽ làm khiếp đảm cử tri Cộng Hoà trong xứ, mà cơn sốt kiểu McCarthy sẽ biến họ ngang bướng và nguy hiểm. 

Tranh cãi về các lựa chọn càng trở nên cấp bách khi tham mưu trưởng Pháp Tướng Paul Ely đến Washington vào ngày 20 tháng 3, một tuần sau khi Giáp tiến hành cuộc tấn công đầu tiên tại Điện Biên Phủ. Ely đưa ra lời cảnh báo thẳng thừng: không có Hoa Kỳ tiếp cứu,  căn cứ sẽ thất thủ.  Người Mỹ đồng ý cung cấp một thay đổi nhỏ  – 20 oanh tạc cơ Marauder và 800 chiếc dù. Tuy nhiên,  Ely trông đợi nhiều hơn,  và nhanh chóng tìm được một người đối thoại nhiệt tình. Đô đốc Arthur Radford, chủ tịch uỷ ban Tham mưu Trưởng Liên Quân, là một diều hâu của các diều hâu. Ông lập tức đề xuất 60 Siêu Pháo đài bay B-29 ở căn cứ Philippin sẽ oanh tạc quân đoàn vây hãm của Giáp. Một nhóm nghiên cứu ở Ngũ Giác Đài đi xa hơn, đề nghị ba vũ khí hạt nhân chiến thuật,  ‘được sử dụng thích hợp’, chỉ một đòn có thể loại trừ mối đe dọa cộng sản. Radford cũng ôm lấy điều này như một lựa chọn khả thi. Tuy nhiên,  Bộ Ngoại giao gây áp lực buộc không được thốt ra từ hạt nhân cho dù chỉ thì thầm, cho rằng nếu kế hoạch đến tai người Pháp nó sẽ rò rỉ, với những hệ lụy dữ dội.

Tướng Matthew Ridgway, tham mưu trưởng Quân đội Hoa Kỳ và là người hùng tiên phong của chiến tranh Triều Tiên, chống đối một cách kiên trì, quyết liệt bất kì sự can thiệp nào, như dự cảm đó là một cuộc chiến sai lầm tại một nơi sai lầm.  Tuy nhiên, Tổng thống Eisenhower lại có quan điểm khác. Ông  tán thành điều động sức mạnh Mỹ, với hai thông báo trước,  cho thấy là quan trọng,  và thực ra có tính quyết định: hậu thuẫn của quốc hội và cả đồng minh cần được động viên. Mỹ phải huy động bạn bè, nhất là Anh. Ngoại trưởng Dulles chia sẻ với Radford và Phó tổng thống Richard Nixon một bầu nhiệt huyết về đề xuất Chiến dịch Kền Kền B-29. Trong suốt các tuần sau đó, trong khi de Castries chiến đấu, ở Washington,  London  và Paris các cuộc thảo luận và đúng ra là tranh cãi nảy lửa xảy ra khi người Mỹ ra sức vận động số đại biểu tối thiểu cho một nỗ lực chiến lược chủ yếu mới.

Vào ngày 30 tháng 3 tại Điện Biên Phủ, các trận tấn công liên tiếp với 5 trung đoàn Việt Minh đánh chiếm các mục tiêu trên và chung quanh Eliane 1, do binh sĩ Algeria trấn giữ mà ngay tên các sĩ quan họ cũng không biết.  Đối với binh lính thuộc địa, sự chỉ huy là tất cả. Nếu binh sĩ quen biết và tin cậy sĩ quan của mình,  họ chắc chắn sẽ chiến đấu. Nếu chỉ huy nản lòng hoặc ngã xuống,  họ sẽ buông xuôi. Việt Minh khai hỏa đợt pháo kích đúng giờ thông lệ 17:00, và phát động bộ binh một giờ sau. Mưa nặng hạt đã làm ngập úng các chiến hào và khiến yểm trợ không lực gần như không thể thực hiện được. Trong khi đó,  xa hơn về phía bắc,  Dominique cũng bị bao vây: Langlais buộc phải theo dõi một cách tuyệt vọng qua ống dòm khi vị trí bị đục đẽo. Tiếp theo là bốn cuộc giao tranh riêng biệt giữa bộ binh hai bên, cả bốn quân Pháp đều bị dồn ép. Lính Algeria ở

Eliane 1 bắt đầu tháo chạy,  buộc một sĩ quan dù phải bắn bỏ vài tên nhằm dẹp yên cơn hoảng loạn. Nhưng chẳng ích gì, và một lỗ hổng tan hoác mở ra trong vành đai phòng tuyến.  Sau gần bốn giờ giao tranh ác liệt,  cứ điểm sụp đổ. Cảnh tượng tương tự xảy ra ở Dominique 2: một số lính Algeria chạy vù về phía địch  giơ cao tay đầu hàng.  Vào 22:00 vị trí đó cũng bị đánh chiếm.  Một số chiến sĩ dũng cảm chiến đấu đến phút cuối cùng, trong đó có trung sĩ gốc Eurasia 18 tuổi tên Chalamont, điều khiển súng máy cho đến khi bị bao vây và bắn ngã. Dominique 3 được giữ vững, nhờ nỗ lực của một sĩ quan 27 tuổi tên

Paul Brunbrouck, một cựu binh của phòng tuyến Nasan 1952, một căn cứ Pháp bị vây hãm khác. Giờ đây, ông lần nữa huy động lính phòng thủ và duy trì hỏa lực của pháo 105mm, cuối cùng ra lệnh bi tráng cho pháo bắn trực diện:  ‘Débouchez à zéro!’ Langlais điện cho Brunbrouck hãy bỏ lại pháo. Chàng pháo thủ trẻ trả lời: ‘Không bao giờ!’ Sớm ngày 31 anh và các xạ thủ gốc Senegal bất khuất của mình rút lui với ba khẩu tự hành còn sử dụng được, đã bắn ra tất cả 1.800 viên đạn  Brunbrouck được thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, hai tuần sau đó ông mất vì các vết thương sau một hành động dũng cảm không kém khác.

Eliane 1 nhanh chóng thất thủ, cùng với một cứ điểm có tên kiêu hãnh Champs Elysées. Sáng ra hai bên đều rã rời. Một trung đoàn tấn công của Việt Minh chỉ còn thưa thớt khiến Giáp phải rút khỏi chiến tuyển. Người Pháp mất một số lượng đáng kể pháo và xài hết phân nửa quân nhu dự trữ còn lại, 500  tấn. Navarre từ Saigon đến Hà Nội và biết được các tin tức mới xui xẻo này – và phát hiện Cogny vắng mặt ở bộ chỉ huy suốt đêm qua, ắt hẳn là ngủ với gái. Điều này nhanh chóng làm nổ ra trận đấu khẩu giữa hai tướng lĩnh, mà tình thế nan giải của họ không đáng thèm chút nào.

Mike O’Danie thuộc quân đội Mỹ đưa ra một đề nghị lố bịch,  là Pháp nên phái một lực lượng thiết giáp thẳng tiến về tây từ Hà Nội để chiếm lại căn cứ Điện Biên Phủ.  Đề nghị này phớt lờ cả sự can thiệp của vùng quê hoang vu, và các vụ tấn công ác liệt  của Việt Minh vào các đoàn xe trên đường đã được ghi lại trong hồ sơ. Tổng thống Eisenhower tuy vậy sau này  cũng bày tỏ ngạc nhiên tại sao kế hoạch của O’Daniel không được làm thử.

Navarre và Cogny theo đuổi các động thái vô vọng hơn: sáng ngày 31, một tiểu đoàn dù khác nhảy xuống căn cứ. Cho dù giờ số phận căn cứ đã được định đoạt, trong số các động thái vô vọng đó vẫn có một đám người tình nguyện – Đại úy Alain Bizard, chẳng hạn, bỏ cuộc sống yên lành của một tùy viên cho tham mưu trường quân đội ở Paris để gia nhập lực lượng đồn trú của de Castries.  Dường như khá đúng để ước đoán rằng những binh sĩ trẻ theo quân nghiệp tìm cách chuộc lại nỗi ô nhục cho sự sụp đổ của đất nước mình vào năm 1940; nhằm chứng tỏ rằng một thế hệ mới quân nhân Pháp khao khát được hy sinh, điều mà cha anh  họ không làm được.

Vào cuối ngày 31, cuộc phản công của Pháp ngắn ngủi chiếm lại Dominique 2 và Eliane 1, để rồi nhìn chúng rơi trở lại trong cuộc tái tấn công của Việt Minh.  Cuộc công kích đêm của địch bị đẩy lui vào ngày 1 và 2 tháng 4, nhưng vào buổi sáng Huguette 2 bị bỏ lại để binh sĩ rút về củng cố tuyến phòng thủ trên các ngọn đồi còn lại.  Niềm tin của lực lượng phòng thủ đặt vào Lê Dương Viễn Chinh nhận một cú đấm vào ngày 3 tháng 4, khi 12 trong số họ, những người sống sót của cứ điểm Béatrice đã hết chịu nỗi, rời bỏ cứ điểm đầu hàng. Như mọi kẻ đào ngũ lọt vào tay Giáp, họ bị cắt cử đào hầm và khiêng đạn. Vào  7 tháng 4, các phẫu thuật viên cật lực chăm sóc cho 590 thương binh. Các tiểu đoàn Lê Dương và nhảy dù tập trung không tới 300 người mỗi binh chủng. Giáp phớt lờ đề nghị hưu chiến để cho phép máy bay tản thương – và tội gì ông ta phải nghe lời?

Cuộc tranh cãi ở Washington về một sự can thiệp của Mỹ – không phải để giải cứu Pháp,  mà để dằn mặt cộng sản – trở thành quan trọng đối với lịch sử hơn là số phận Điện Biên Phủ.  Từ cuối tháng 4 trở đi, Dulles tiến hành một trận chiến truyền thông chớp nhoáng nhằm vực dậy dân Mỹ. Ngoại trưởng đặc trưng hóa kẻ địch như là tay sai của Trung Quốc.  Chính quyền Hoa Kỳ,  ông nói, sẽ không đứng khoanh tay khi bọn Đỏ  đắc thắng, mặc dù ông khá mơ hồ về động thái tiếp theo sẽ là gì. Nhưng câu chuyện trên trang nhất chuẩn bị cho độc giả đón nhận việc can thiệp. Tờ US News and World Report nói: ‘Lưu ý thẳng thừng được đưa đến người cộng sản rằng Hoa Kỳ không có ý định để Đông Dương bị nuốt trọn.’ Phần đông thế giới  còn cho rằng,  tại Điện Biên Phủ,  hoả lực vượt trội sẽ cuối cùng thắng thế: tờ British Spectator nhận xét vào ngày 19/3 rằng: ‘Người Pháp phải thắng trận chiến này, và nếu họ thắng, đó là lần đầu tiên có thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm Đông Dương.’ Bài chính luận của tạp chí một lần nữa vào ngày 9/4: ‘Dù cuộc chiến không được nhiều người ủng hộ, cuộc vây hãm Đại tá de Castries và 11,000 quân của ông đã nhắc nhở cho nước Pháp rằng họ còn có thể chiến đấu và còn được sự ngưỡng mộ của thế giới.’ Những nhận xét như thế phản ánh cả mong muốn và lòng yêu thích nước Pháp quá đáng, nhưng nhấn mạnh rằng dường như không có gì về cuộc chiến mà không thể tránh khỏi nếu chưa ngã ngũ.

Vào ngày 3 tháng 4 ngoại trưởng Mỹ chủ tọa một cuộc họp các lãnh đạo quốc hội bao gồm các nhà Dân chủ Lyndon Johnson của Texas, Richard Russell của Georgia, Earle Clements của Kentucky; nhà Cộng Hoà  Eugene Millikin của Colorado và William Knowland của California. Radford tóm tắt cho họ về tình thế khó khăn thậm tệ của Điện Biên Phủ.  Dulles nói rằng tổng thống muốn một cách giải quyết liên kết với hậu thuẫn của Quốc hội cho việc khai triển không lực và hải lực của Hoa Kỳ. Radford nói rằng nếu mất Đông Dương, ‘thì chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi toàn bộ Đông Nam Á đều thất thủ,  cùng với Indonesia ‘. Dưới chất vấn hoài nghi của các chính trị gia,  vị đô đốc buộc phải thú nhận rằng ông là người độc nhất trong số các lãnh đạo tán thành hành động quân sự. Một vị khách hỏi, tại sao thế? Bởi vì tôi biết nhiều về châu Á hơn các đồng nghiệp tôi,  Radford đáp lại. Ông tuy không phải là con dao sắc nhất trong hộp, nhưng không hề thiếu tự tin 

Rồi họ đề cập đến biện pháp chủ chốt là hành động đơn phương hay hành động đa phương.

Lyndon Johnson nói: ‘Chúng ta không muốn có thêm Triều Tiên nữa với người Mỹ cung cấp 90 phần trăm nhân lực.’ Bài học nội bộ của chiến tranh Triều Tiên 1950-53 vốn đã tàn hại sự nghiệp tổng thống Harry Truman là, mặc dù người Mỹ muốn trả tiền cho người khác chết để đánh ‘bọn Đỏ’ trong các xứ sở Á châu xa xôi, họ chống lại việc nhìn các chàng trai của mình hi sinh. Dulles được hỏi thẳng thừng: người Anh có phối hợp với hoạt động của người Mỹ ở Việt Nam không? Ông nhìn nhận rằng điều đó còn nghi vấn. Kết quả của buổi họp, không làm ngoại trưởng và Tổng thống hài lòng, là họ có thể đảm bảo quyết tâm của quốc hội chỉ nếu những quốc gia khác cũng đồng lòng theo. Tại Nhà Trắng vào chiều tối hôm sau ngày 4 tháng 4, Eisenhower nói rằng đã rõ ràng là thái độ của Anh sẽ có tính quyết định.  Đến khuya, người Pháp chính thức yêu cầu Mỹ viện trợ không lực cho Điện Biên Phủ.  Navarre đưa ra đề nghị hữu ích là các máy bay này có thể không mang ký hiệu quốc tịch hoặc mang quốc tịch Pháp,  điều này càng chứng tỏ ông không nắm vững thực tế.

Vào chiều ngày ngày 5 tháng 4, Winston Churchill nhận một bức thư cá nhân sôi nổi từ Eisenhower, gợi nhớ các bóng ma quen thuộc của Hitler, Hirohito, Mussolini – ‘Bộ không phải các quốc gia chúng ta đã học được điều gì đó từ bài học ấy sao?’ – trong việc hậu thuẫn cho yêu cầu Anh tham gia vào Đông Dương.  Ngày hôm sau Eisenhower bảo với Hội đồng An Ninh Quốc gia rằng cuộc chiến vẫn còn ‘có thể thắng được một cách vẻ vang’. Tại cuộc họp báo ngày 7 tháng 4, lần đầu tiên vị tổng thống công khai làm rõ điều trở nên tai tiếng dưới tên ‘thuyết domino’. Nếu Đông Dương thất trận, ông nói, phần còn lại của của Đông Nam Á sẽ ‘ngã theo rất nhanh chóng’. Còn người Pháp thì đã cất tiếng về biến thể của mình – thuyết ‘mười con ky’, như trong trò chơi lăn bóng gỗ.

Các tàu sân bay Boxer và Essex được phái đến Vịnh Bắc Bộ, sẵn sàng nếu Eisenhower chấp nhận lời yêu cầu của Pháp. Vậy mà vẫn còn có nhiều người ngờ vực. Trên Đồi Capitol thượng nghị Dân chủ từ Massachusetts thúc giục đã đến lúc phải nói cho dân Mỹ biết sự thật: không có sự can thiệp nào của Mỹ có thể đạt được điều gì hữu ích,  John F. Kennedy nói, trừ khi Pháp giao quyền độc lập đầy đủ cho các thuộc địa của mình: ‘Đổ tiền của, vật chất  và con người vào rừng rậm Đông Dương’ chắc chắn không thể mang lại thắng lợi trong một cuộc chiến tranh du kích của kẻ thù có mặt khắp nơi mà không thấy đâu, và ‘nhận được cảm tình và sự hậu thuẫn giấu giếm của nhân dân ‘. Eisenhower dù sao vẫn  còn gân để chiến đấu  – nếu người khác cũng làm theo thế. Kiên nhẫn, hăm hở, ông chờ đợi kết quả các toan tính ở London.

Tại Điện Biên Phủ,  lực lượng tiếp viện vẫn được gửi đến. Một quyết định kịch tính được đưa ra, nhằm phái quân tình nguyện không cần đào tạo nhảy dù xuống. Thật khó tưởng tượng một màn khởi đầu nào cho một cuộc hành quân không vận khủng khiếp hơn là một cú nhảy xuống một vành đai phòng tuyến chật hẹp bao quanh bởi kẻ thù. Khi máy bay tiến gần đến vùng nhảy, binh lính được nhắc chỉ có thời gian cho sáu người nhảy ra mỗi lần phi cơ bay qua. Đường đạn đánh đấu từ dàn phòng không cộng sản vạch nát bầu trời và một trong mười lính không dám nhảy – và hành động khựng lại lây lan đến những người khác giữa tiếng gầm thét của động cơ, tiếng la hét của nhân viên đẩy xuống, tình trạng bấp bênh mù mờ bên dưới. Tuy vậy, hầu hết tiểu đoàn đều quả cảm nhảy xuống vào bóng đêm,  và tiếp đất xuống phòng tuyến Pháp với tổn thất ít. Bằng một hành động nhỏ nhen tệ hại mang tính quan liêu, những người sống sót sau đó bị khước từ huy hiệu lính dù, trên cơ sở họ vẫn chưa hoàn tất khóa học theo nguyên tắc.

Giờ đã là 1 tháng 4, một thời điểm thích hợp cho một động thái khôi hài đen khác của Navarre: một màn thăng cấp tập thể cho các sĩ quan đồn trú, bao gồm de Castries được thăng cấp chuẩn tướng. Trong khi các chiến sĩ bao vây của Giáp tiếp tục đào hào hầm tiến gần đến các mục tiêu tiếp theo, vào buổi sáng ngày 10 tháng 4 vị đại tá mới cắt chỉ Marcel Bigeard chỉ huy một cuộc phản kích vào Eliane 1. Binh sĩ vừa hát vừa tiến lên, dẫn đầu là lính mang súng phun lửa được hai tay súng máy yểm trợ tiến vào cơn bão lửa của hoả lực cộng sản. Lúc 11:30, sau trận đánh ác liệt họ đến được đỉnh đồi – rồi khựng lại, tổn thất 60 thương vong. Vào hoàng hôn  ngày 18 tháng 4 lực lượng đồn trú 100 người của Huguette 6, giờ được cho là không thể giữ được,  nhảy khỏi công sự và chạy thụt mạng, thậm chí nhảy qua hố cá nhân của Việt Minh về hướng phòng tuyến Pháp. 60 người thoát được.

Trên khắp các buổi họp giải quyết khủng hoảng Anh-Mỹ xảy ra vào tháng 4 1954, Dulles buộc phải che giấu sự khinh thị đối với Anh như một quốc gia,  và đặc biệt đối với các lãnh đạo của nó. Tình cảm này có tính hỗ tương: Churchill cho vị ngoại trưởng là ‘một người chậm hiểu,  thiếu óc tưởng tượng,  và kém hiểu biết ‘. Ở London vào ngày 11-12 tháng 4, vị khách một lần nữa duyệt lại các lập luận quen thuộc về nhu cầu chiến đấu bên nhau chống lại mối đe dọa chuyên chế. Eden lịch sự một cách bền bỉ, hoài nghi không mệt mỏi. Kết quả là hai người chia tay nhau trong sự lịch sự lạnh lùng. Vị khách Mỹ cũng không khá hơn ở Paris, nơi ngoại trưởng Georges Bidault khước từ đề xuất Pháp nên giao lại quyền độc lập cho Đông Dương,  một điều kiện tiên quyết của Mỹ để họ can thiệp.  Vậy mà các diều hâu ở Washington vẫn tha thiết muốn hành động. Vào ngày 16 tháng 4 Phó Tổng thống Richard Nixon bảo các chủ biên báo chí, ‘Hoa Kỳ phải đi  đến Geneva và chiếm một thế đứng tích cực cho một hành động đoàn kết của thế giới tự do’. Xa kia ở Đông Dương, người Pháp nghe được những lời  của ông, và nuôi dưỡng những ngọn lửa lay lắt của hy vọng.

2 ‘Một Thắng Lợi của Ý Chí’

Giữa 14 và 22 tháng 4, lực lượng đồn trú Điện Biên Phủ mất 270 người. ‘Tàn sát bằng lựu đạn’ bởi những người bất bình không phải là phát mình của người Mỹ: một đêm một binh sĩ ném một quả lựu đạn vào một boongke đầy hạ sĩ quan và bị tử hình lập tức cho hành động của mình.  Ngày 14 tháng 4, de Castries tập hợp 3,500 bộ binh còn khả năng chiến đấu; 2,000 lính đào ngũ trốn quanh bờ căn cứ,  mỗi đêm lại lẻn ra ngoài giành giựt lương thực  tiếp tế thả dù xuống. Lúc đầu cuộc chiến vành đai phòng tuyến rộng đến 1200 mẫu; bây giờ rút còn phân nửa.  Chiến trường giống như một mảnh của Mặt trận Phía Tây 1917: một vùng hoang địa trơ trọi,  ngập bùn, vương vãi đống đổ nát, vũ khí bị phá vỡ và vỏ đạn,  thùng quân nhu, cày nát và cháy đen bởi pháo. Ban ngày ít binh sĩ nào ở hai bên liều lĩnh ló mặt ra.

Năng lực phi hành của người Pháp vẫn hỡi ôi. Vào ngày 13 tháng 4 de Castries báo cáo với Cogny ba oanh tạc cơ tấn công nhầm vào quân mình, cùng với 800 quả pháo thả dù vào tay địch. Thông điệp này kết thúc với một cụm từ ‘Miễn bàn’ chua chát, khô khan. Việt Minh thể hiện năng lượng và tài khéo đáng kinh ngạc trong việc đào hào và hầm dẫn vào các cứ điểm Pháp, cùng với lòng quả cảm vô biên trong các trận xung phong. Tất nhiên lực lượng phòng thủ giáng cho họ nhiều thương vong hơn mình chịu đựng. Đến năm 2018 Hà Nội vẫn chưa đưa ra con số đáng tin về tổn thất ở Điện Biên Phủ,  cho thấy chắc chắn rất lớn. Các tù binh rơi vào tay Pháp khai về nỗi chán nản phổ biến trong nhiều tiểu đoàn Việt Minh, trong đó bệnh sốt rét là đặc hữu. Khó khăn của các sĩ quan cộng sản đủ nghiêm trọng khiến họ phải bỏ các cuộc tấn công biển người và thay thế bằng các chiến thuật có tính toán hơn, và tiến hành một loạt các buổi tuyên truyền và tự kiểm. Các cán bộ tuyên giáo tìm cách cổ vũ các bộ đội và dân công gốc nông dân chiếm đại đa số bằng lời hứa hẹn rằng việc cải cách ruộng đất- tịch thu điền sản của chủ đất – sẽ được áp dụng trong những ‘vùng giải phóng’ trong vòng vài tuần sau khi thắng trận này. Tuy nhiên,  tác động mạnh nhất chắc chắn là khi biết rằng những hi sinh của mình,  không như những hi sinh của binh lính đồn trú, không phải vô ích.  Họ đang đi đến chiến thắng.

Vào đêm 22-23 tháng 4, bộ đội Giáp đánh chiếm Huguette 1 sau khi xung phong từ đường hầm đào sâu vào trong vành đai của nó. Sĩ quan cao cấp của nó cuối cùng được nhìn thấy chiến đấu đến chết giữa đám Việt Minh tràn ngập.  De Castries yêu cầu phản công, vì nếu mất Huguette 1 sẽ không còn không gian để thả dù tiếp tế. Lính dù được lệnh mở đầu hành quân vào lúc 14:00 ngày 23 tháng 4, nhưng một giờ trước rõ ràng là họ chưa thể sẵn sàng.  Hỗn loạn xảy ra sau đó: không thể hủy bỏ cuộc không kích đã lên kế hoạch do bốn chiếc Marauder và một tá chiến đấu cơ thực hiện,  đã tập kích lúc 13:45, khi hầu hết đạn pháo có được cũng đã dùng hết. Việt Minh trên Huguette chịu tổn thất nghiêm trọng,  nhưng rồi được yên tĩnh trong 45 phút trong thời gian đó viện binh  được đưa tới vội vã.

Lúc hai đại đội Pháp nhảy từ vị trí của mình thì gặp hoả lực ác liệt, hết nửa đoạn đường đến mục tiêu ngay trên vùng đất trống trải  thì đã kiệt sức, và lúc 15:30 thì bị ghim chặt và chịu thương vong nặng nề. Một giờ sau đó những người sống sót rút lui, mất 76 người chết hoặc bị thương nặng. Một người bị thương là Trung úy Garin, thấy chân mình bị bắn nát, liền  bắn vào đầu để ngăn không cho ai phải liều mạng đến cứu mình. Quân Việt Minh giờ đã chiếm được nửa sân bay, và phòng băng bó của căn cứ vật lộn với 401 ca trầm trọng,  676 ca ít nặng hơn. Một sĩ quan bảo các thương binh không có chỗ trú ẩn: ‘Ai không đứng hoặc ngồi được tốt hơn nên nằm tại hào của mình.’

Khi hội nghị Geneva đến gần, một lần nữa Dulles bay đến châu Âu,  lần này có Đô đốc Radford tháp tùng, nhằm làm mới lại yêu cầu của mình với chính quyền của Winston Churchill, và để tham vấn với Pháp. Rõ ràng trước cặp mắt của thế giới là nếu không có hành động của Hoa Kỳ số phận của Điện Biên Phủ đã được định đoạt, và tờ Spectator phản ánh nhiệt tình của một số nhà bảo thủ dành cho một lộ trình như thế ‘nếu Hồ Chí Minh và Trung Quốc phải bị thuyết phục bằng một biện pháp quân sự có nghĩa là hoà bình đáng ao ước’. Vào ngày 22 tháng 4 Dulles và ngoại trưởng Bidault gặp nhau lần nữa tại Paris để tìm một chính sách chung cho Geneva; Ely và Navarre trong khi đó thúc giục thêm phi cơ Mỹ. Khi người Anh tham gia đối thoại,  Bidault trở nên  tình cảm hơn, có lẽ vì uống nhiều rượu: ông sau đó tuyên bố rằng Dulles hỏi riêng ông liệu ông có cho rằng vũ khí hạt nhân sẽ có hiệu quả tại Điện Biên Phủ hay không; dường như ít ra biện pháp này được đưa ra một cách không chính thức. 

Cả Eisenhower và ngoại trưởng của ông đều mệt mỏi với người châu Âu: với người Pháp,  bởi vì họ muốn được viện trợ mà không bị giật dây; với người Anh, bởi vì họ không chịu nhìn nhận giá trị của việc tham chiến ở Đông Dương trước khi người Pháp khăn gói về nước. Anh cũng được cho là lo lắng một cách đáng thương trước mối đe dọa của Trung Quốc lấy lại thuộc địa Hồng Kông. Vị thủ tướng già và ngoại trưởng của ông  Anthony Eden tuy vậy vẫn bám vào lộ trình đã chọn của mình. Họ bác bỏ ‘thuyết domino’ của Eisenhower, và khước từ hậu thuẫn bất cứ hành động quân sư nào trước hội nghị Geneva,  mà Eden đồng chủ tọa với ngoại trưởng Xô viết Molotov. Về phần Churchill,  khi Radford bỏ hết khả năng ra thuyết phục nhà lãnh đạo nước Anh tại một buổi chiêu đãi  ở Điện Chequers,  vị thủ tướng bảo với người Mỹ: ‘phải đối mặt với việc thất thủ pháo đài’. Sau khi Anh không thể cứu được Ấn Độ cho mình, ông nói thêm, thì không chắc Anh có thể cứu được Đông Dương cho Pháp. Dulles điện về nước vào ngày 29 tháng 4: ‘Thái độ của Vương quốc Anh là một trong những điểm yếu đang tăng lên. Anh dường như cảm thấy chúng ta đang sẵn sàng chấp nhận rủi ro một cuộc chiến với Trung Quốc và điều này, cộng với nỗi lỗ sợ chúng ta có thể bắt đầu sử dụng vũ khí hạt nhân, đã khiến họ lo sợ tệ hại.’ Đóng góp của Anh là đóng góp có ảnh hưởng nhất và tốt đẹp nhất trong tiến trình của mọi cuộc chiến ở Việt Nam.  Nếu Churchill đã đưa ra câu trả lời khác, cho dù vẫn không chắc Eisenhower sẽ mở kho vũ khí hạt nhân, đồng minh phương Tây ắt hẳn đã tung lực lượng hậu thuẫn một tình huống gần như là tuyệt vọng của Pháp. Các tin điện của Eisenhower gửi Dulles làm rõ rằng, trong khi ông từ chối triển khai đơn phương sức mạnh Hoa Kỳ,  ông không chỉ muốn mà còn tha thiết làm thế nếu ông có thể có được vỏ bọc chính trị mà người Anh có thể cung cấp,  được hậu thuẫn bởi việc phái đến một cách tượng trưng các oanh tạc cơ RAF (Không Lực Hoàng Gia).

Từ năm 1940 người Anh đã phô diễn nhiều tài vận động ngoại giao để tránh đoạn tuyệt với Hoa Kỳ. Cho nên hiện giờ họ thấy rất bứt rứt khi phải bất đồng với Washington về một vấn đề mà hành pháp của họ gán một tầm quan trọng như thế.  Vậy mà cũng khó nghi ngờ là sự thận trọng của London là có cơ sở. Churchill thường được cho không sai là một cái bóng của chính mình trong thời gian làm thủ tướng 1952-55. Tuy nhiên,  về vấn đề này, ông thể hiện một sự minh bạch và cố chấp đáng khen. Người Anh sợ rằng mục tiêu thực sự của bất kì hành động nào của Hoa Kỳ sẽ là để trừng phạt Trung Quốc. Sự phẫn nộ của chính quyền Mỹ về viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Việt Nam dường như là kỳ cục khi chính Mỹ cũng đã cung cấp nhiều vũ khí và trang thiết bị cho Pháp. Trong mắt người Anh cuộc xung đột Triều Tiên với người cộng sản biểu thị một trận đấu vật trong bùn kéo dài không thể chịu được. Việc xông vào Đông Dương có thể nhanh chóng biến thành điều gì đó tồi tệ hơn – một cuộc đại chiến chẳng hạn. Churchill bảo với người Mỹ rằng mình không muốn câu kết trong việc hướng dẫn sai Quốc Hội Mỹ bằng việc hậu thuẫn hành động quân sự Tây phương mà không thể cứu được Điện Biên Phủ,  nhưng có thể có các ám chỉ chưa nói ra cho hoà bình.

Radford điên tiết,  và Eisenhower cũng vậy, vốn ao ước nhìn thấy bọn cộng sản ‘ăn một cái tát ở Đông Dương’. Vậy mà không có hành động nào của Tây phương vào mùa xuân 1954 có thể đã cứu được Điện Biên Phủ,  trừ việc tung ra một hoả lực quy ước áp đảo điên cuồng hoặc thậm chí hạt nhân. Sự can thiệp sau này của Mỹ vào Việt Nam bị phần đông thế giới nhìn là có tính thực dân ẩn tàng: hành động như thế vào năm 1954 sẽ là thực dân trắng trợn. Trong mọi cuộc tranh luận ở Washington không một ai ghi nhận rằng tương lai của Đông Dương sẽ được xác định chủ yếu bởi các lực lượng chính trị, xã hội và văn hoá.

Thảo luận chỉ tập trung vào sức mạnh hoả lực nào nên được triển khai. Vào năm 1954, cũng như một thập niên sau đó,  ai cũng nghĩ là đương nhiên nếu Hoa Kỳ quyết định triển khai sức mạnh của mình chống lại các nông dân mang dép râu của Giáp, thì quân Giáp sẽ hứng chịu thảm bại,  thậm chí bị xoá sổ.

Nếu người Pháp để mất Đông Dương,  người Mỹ lý luận rằng đó là bởi vị họ là – vâng, người Pháp.’ Vì không có sự can thiệp quân sự nào của người Mỹ vào mùa xuân 1954, các sự kiện xảy ra ở vùng tây-bắc xa xôi của Việt Nam diễn biến theo lộ trình của chúng. Một tranh biếm họa trong tờ Le Figaro vẽ các bộ trưởng trong chính quyền ở Paris sử dụng những viên đạn cuối cùng để tự tử. Nếu phần đông dân chúng Pháp đều đã tỏ ra cam chịu với sự thất thủ Điện Biên Phủ, trong giới ưu tú điều này được cho là có nghĩa nước Pháp đã không còn là một cường quốc. 

Navarre và Cogny bám vào các hy vọng hoặc thời tiết mùa mưa tệ hại hơn sẽ khiến Giáp khó giữ vững nhịp độ tấn công vì lý do hậu cần,  hoặc một cuộc ngừng bắn tại chỗ có thể được áp đặt bởi các Cường quốc tại hội nghị ở  Geneva. Hai vị tướng thúc giục Paris rằng tiếp viện nhiều hơn sẽ cải thiện cơ may của quân đồn trú: ‘Cũng như danh dự quân đội, it nhất có được hy vọng về một kết quả thuận lợi sẽ biện minh cho việc hy sinh thêm nữa.’ Tất nhiên,  điều này là vô lý. Không mấy người trong số phi hành đoàn còn muốn làm ra vẻ gắng sức, họ tống đại hàng tiếp tế ra khỏi máy bay từ 10,000 bộ, thành ra gần như phân nửa rơi vào tay Giáp. Phần nhiều trận dội bom được tiến hành mù, qua các đám mây. Vào ngày 28 tháng 4 một phi đội báo cáo sĩ quan chỉ huy, phụ tá của ông và 8 phi công về mặt sức khoẻ không thích hợp để bay. Vị đại tá của họ nói một cách thách thức: ‘Việc tôi từ chối gửi họ đến Điện Biên Phủ  vào ban ngày, ở cao độ thấp, để đi đến cái chết chắc chắn, là vấn đề giữa tôi và lương tri tôi. Sự hy sinh sẽ là vô ích.’

De Castries phàn nàn chua chát với Hà Nội về tình trạng phi hành đoàn chùn bước, trong khi binh sĩ của mình đang đi theo bước chân của Chúa.’

Với sự bất cẩn về an toàn, vào ngày 24 tháng 4 tờ Le Monde tiết lộ việc tiến hành Chiến dịch Condor, một cuộc hành quân băng rừng gồm 3,000 người khởi hành từ Lào để chiếm lại Điện Biên Phủ.  Rõ ràng Condor không có mảy may cơ hội thành công trên một địa thế bất khả và chống lại sức đối kháng của Việt Minh,  mặc dù tin đồn về vụ giải cứu đó tiếp tục giữ sống một vết tích hy vọng giữa một số ít người lạc quan. Phần đông quân đồn trú, trái lại, giờ đã cam chịu chết hoặc bị bắt. Có sự khác biệt giữa một thiểu số người đối mặt với số phận một cách gan dạ, và những người gục ngã trước cơn phần uất và niềm tuyệt vọng. Binh lính giữ các vị trí gần trung tâm của vòng đai đã teo tóp tiếp tục nhận được khẩu phần để ăn và rượu vang để giải sầu. Những người khác ở các boongke phía ngoài đôi khi vài ngày không được tiếp tế lại, phải sống cầm chừng bằng bánh mì ôi thiu và sốt cà chua. Trong bệnh viện, BS Grauwin trấn an thương binh  ghê tỡm khi thấy có vòi nhung nhúc trong vết thương mình, bảo rằng chúng chỉ thịt vào những màng nhầy bị phân huỷ mà thôi. Vào ngày 26 tháng 4 lính Algeria kinh hoảng khi đánh nhau tại Isabelle – sau đó nổi loạn. Đại tá của họ muốn bắn các tên cầm đầu, nhưng de Castries không cho phép. Vào ngày 30 tháng 4 binh chủng Lê Dương trân trọng kỷ niệm trận đánh quyết tử 1863 tại Camerone ở Mexico.  đến hơi thở cuối cùng. Buổi lễ diễn ra trong cơn mưa bão, càng làm tăng nỗi thống khổ của binh sĩ đồn trú kiệt sức, bẩn thỉu, sống dỡ chết dỡ.

Vào đêm sâu ngày 1 tháng 5, bộ đội Giáp tiến đánh Eliane 1, và chiếm được sau 90 phút đánh cận chiến.  Trong khi đó,  trên Dominique 3, quân phòng thủ Thái và Algeria chống đỡ gan lì trước khi ngã quỵ. Trong trận Eliane 2, de Castries thiệt hại 331 người chết hoặc mất tích và 168 người bị thương, và bây giờ chỉ còn hơn 2,000 bộ binh chống lại 14,000 bộ đội của Giáp.  Việt Minh tung ra vũ khí mới: Katyusha của Xô viết,  dàn phóng tên lửa đa nòng, với tiếng rít gây chấn động tinh thần. Khi quan hệ giữa Navarre và Cogny ngày càng nóng lên, vị tổng tư lệnh đe dọa đưa thuộc hạ mình ra tòa án binh vị tội rò rỉ những lời phàn nàn  chủ bại.

Bóng tối đang khép lại trên Điện Biên Phủ,  nơi  mùi nồng nặc của phân người,  xác chết chưa chôn và tình nhân loại đang phân huỷ càng trở nên không thế chịu đựng được. Viện trợ rỉ rả, lẻ tẻ người tình nguyện muốn ôm lấy thảm họa, tiếp tục được thả dù xuống, với mục đích duy nhất là giúp phái đoàn Pháp ở Geneva tranh cãi tình trạng không thể tránh được của sự thất trận. Thương binh đi được được kêu gọi trở lại đơn vị; họ núp trong các chiến hào mà băng quấn đóng cứng bùn đất.  Langlais và Bigeard bàn bạc một kế sách theo đó các toán quân đội hinh hàng dọc có thể xông ra đi xuyên rừng: nhưng rồi họ kết luận, không thể khác được, mọi xuất kích đều vô phương.

Rồi đến một cuộc tấn công khác của Việt Minh. Vào sáng ngày 4 tháng 5 bộ phận vô tuyến của lực lượng đồn trú nghe được một loạt các tin dữ từ một trung úy đang nắm quyền chỉ huy đơn vị Ma Rốc trên Huguette 4 sau khi chỉ huy đại đội bị trúng đạn: ‘Chỉ còn lại 10 người chúng tôi trong chốt chỉ huy…Chúng tôi đang đợi tiếp viện… Tiếp viện đâu? … Bọn Việt đang tấn công… Tôi nghe chúng … Chúng đang tiến đến từ giao thông hào … Chúng đây rồi … Aaah!’ Vào chiều tối ngày 5 Cogny gửi cho ngài de Castries khốn khổ một tín hiệu hống hách yêu cầu ‘kéo dài cuộc kháng cự tại chỗ để giữ vững sứ mạng vinh quang của ông’.

 Trong 24 giờ tiếp theo quân đồn trú nhận được quân tiếp viện 383 người thả dù xuống,  trong đó có 155 người Việt. Vào buổi sáng ngày 6 tháng 5, tình báo cảnh giác cho de Castries chuẩn bị một trận tấn công lớn đêm đó. Đại úy Yves Hervouet yêu cầu Bs Grauwin cắt bỏ lớp băng bột bọc cánh tay gãy của mình để ông có thể lên xe tăng. Vào lúc 21:30 một quả mìn Việt Minh phát nổ bên dưới Eliane 2, và rồi nó bị đánh chiếm trong một trận đánh chớp nhoáng dưới cơn mưa tầm tã; Đại úy Jean Pouget dẫn đầu một cuộc phản công bất thành. Một trận hỗn chiến dã man cũng nổ ra trên Eliane 4 và Eliane 10, khiến Langlais và Bigeard phải điện đài không kích ngay trên đầu mình, hủy bỏ một cuộc nhảy dù tiếp viện: vành đai phòng thủ bây giờ quá chật chội đến nỗi lính nhảy dù chắc chắn tiếp đất ngay trong tay địch. Thông điệp cuối cùng của sĩ quan chỉ huy Eliane 4, thất thủ ngay sau 21:00, thúc giục đừng pháo kích vào vị trí đã thất thủ, vì hào chứa đầy thương binh Pháp. Trong khi đó quanh phòng băng bó, thêm vào số người chết và bị thương,  chen chúc những người nằm lay lắt ngủ vùi qua nhiều giờ dài bởi vì – thiếu vũ khí hoặc nhiệm vụ quân sự – họ không thể làm gì khác.

Lúc 17:00 ngày 7 tháng 5 de Castries điện đàm với bộ chỉ huy của Cogny,  nói, ‘Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể . Đúng 17:30 tôi sẽ phái sứ giả.’ Cogny chính mình lên sóng, tìm cách ngăn cản một cuộc đầu hàng chính thức: ‘Ngài không được giơ cờ trắng. Ngài nên để trận đánh lụi tàn tự nhiên.’ De Castries biểu lộ sự đồng ý: ‘Vâng, thưa đại tướng.’ Tư lệnh của ông nói, ‘Thôi, tạm biệt ông bạn già.’ Rồi, từ boongke nhớp nhúa, ngột ngạt,  de Castries ra lệnh phá hủy nhiều vũ khí như có thể để khỏi lọt vào tay địch trước khi chính thức đầu hàng.  Đại úy Pouget viết,  ‘dưới ánh sáng đèn điện chói gắt, trần trụi, trông ông già hơn 10 tuổi  so với tháng 3’. Vị chỉ huy Điện Biên Phủ,  người của ông ít khi được nhìn thấy, không thể hiện phẩm chất có thể khiến ông là một anh hùng. Nhưng sẽ là hoàn toàn lầm lẫn khi cho ông chịu trách nhiệm với việc thất thủ căn cứ, đã được an bày kể từ lúc lực lượng đồn trú không thể nhận được sự hậu thuẫn vững chãi. Việt Minh đặt tiền cược nhiều hơn người Pháp có thể theo được, và giờ họ quơ hết tiền cược.

.

Trận đánh từ từ tắt lịm. Một nhân viên điện đàm hủy bỏ một vụ tấn công của chiến đấu cơ và oanh tạc cơ đang tiến đến, gọi đến với mật danh César 5: ‘Chúng tôi đang phá hủy mọi thứ – gửi lời tạm biệt đến với gia đình chúng tôi.. . Vĩnh biệt César.’ Một cứ điểm, Isabelle, cầm cự vài giờ nữa: 1,200 binh sĩ của nó tìm cách chạy thoát nhưng hai đại đội bị cắt ra từng mảnh trong một trận đánh đêm hỗn loạn. Một xạ thủ Ma Rốc tên Mohammed ben Salah được cho là người chết cuối cùng, điều khiển súng tự hành 105 mm hàng giờ sau khi de Castries bỏ cuộc.

Việt Minh bỗng thấy mình có đến 5,500 tù binh,  tất cả trừ một ngàn người đều bị thương.  Chỉ huy Pháp đã chính thức ghi chép 1,161 người đào ngũ, giờ họ gia nhập hàng ngũ tù binh: tổng cộng, 16 tiểu đoàn Pháp và lính thuộc địa bị quét sạch theo lệnh chiến đấu của Navarre. Cán bộ văn công Văn Ký nói như mơ: ‘Đây quả là một thắng lợi không thể ngờ được, một điều gì đó vượt  xa sức tưởng tượng của chúng tôi. Không ai có thể hình dung làm sao chúng tôi có thể đánh bại một sức mạnh lớn như thế.’ Đại tá Trần Trọng Trung xác quyết một cách đúng đắn rằng thắng  lợi này trên hết là ‘một chiến thắng của ý chí’.

Số người của de Castries chết trong cảnh tù tội nhiều hơn số người chết trong chiến đấu.  Một khi đến được trại tù binh cộng sản – một số người không bao giờ đến được đó – một chính uỷ nói với các tù binh sĩ quan Pháp theo phong cách đặc trưng: ‘Các ông ở đây trong một thời gian không xác định, để được học tập lại bằng lao động. Các ông sẽ sống cuộc sống của người bị các ông áp bức, các ông sẽ chịu khổ như họ, để hiểu được họ. Chúng tôi sẽ hướng dẫn các ông trong việc tìm kiếm chân lý.’ Khoảng 3,900 thành viên của lực lượng đồn trú Pháp cuối cùng được đưa trở về với đồng bào họ, 43 phần trăm  số người bị bắt. 60 người Thái và  19 người Âu thoát khỏi trận địa và lủi qua 100 dặm rừng rậm đến nơi bình yên. Câu hỏi đầu tiên mà de Castries nói với vị sĩ quan hải quân đến tiếp nhận ông khi ông được thả vào cuối năm 1954 là: ‘Có thật là họ muốn bắn tôi không?’

Chỉ một phần mười trong số 14,324 binh sĩ Việt bị bắt làm tù binh trong quân phục Pháp trong diễn tiến của cuộc chiến còn sống trở về. Nói cho công bằng với Việt Minh,  ngay người của họ còn thiếu thốn hỗ trợ y tế, và sống trên bờ chết đói. Dù sao thì cũng dễ hiểu nếu Giáp và các đồng chí của mình không thiết gì đến sự sống còn của đồng bào đã chọn theo phía thua trận. Làm sao khác được, khi họ đã hy sinh ước chừng 25,000 người đi theo họ để đạt được thắng lợi tại Điện Biên Phủ? Nguyễn Thị Ngọc Toàn, cô con gái của viên quan lại đã trở thành một người cách mạng nhiệt thành, phục vụ như một nhân viên y tế 21 tuổi trong quân đội Giáp.  Ngay sau chiến thắng, bà lấy Cao Văn Khánh, Sư đoàn Phó Sư đoàn 308, trong một lễ cưới tổ chức ngay trong boongke chỉ huy của de Castries. 

Trên giấy tờ,  trận chiến không cần thiết đã là sự kiện quyết định của chiến tranh, bởi vì người Pháp còn sở hữu các lực lượng hùng mạnh. Quân Giáp đã kiệt sức, và không có năng lực biến thắng lợi địa phương này thành một tổng công kích thành công. Vậy mà chính quyền và nhân dân Pháp lại không thể chịu đựng thêm được nữa. Pierre Rocolle đã viết: ‘Điện Biên Phủ trở thành lời mời mọc cấp thiết để kết thúc cuộc bắn giết, bởi vì ý chí theo đuổi cuộc chiến đấu không còn tồn tại.’ Các sĩ quan hậu cần Mỹ của Pháp có tâm trạng tồi tệ nhất: họ đã cung cấp viện trợ quân sự đầy đủ để tiến hành cuộc chiến, vậy mà vẫn không đủ sức thắng.

Thường kết cục các bi kịch lịch sử khó thể nào dự đoán trước, nhưng bi kịch Đông Dương của Pháp giữa 1945 và 1954 thì tuyệt đối không có cốt truyện hồi hộp: nền cai trị thuộc địa ở đó trở nên không thể giữ vững giữa sức mạnh đối kháng dân tộc cùng với sự yếu kém của phe chính trị phi cộng sản – ‘Lực lượng Thứ Ba’ huyền thoại mà nhiều người Mỹ khao khát để nhận diện. Doug Ramsey, một viên chức ngoại vụ Mỹ, người sẽ trở thành một nhân vật có ý nghĩa ở Việt Nam trong thập kỷ tới, nói: ‘Tôi tự hỏi giá mà chúng ta có thể dấn thân vào đó, một mạch nhiều năm liền.  Nó trở lại với việc  Roosevelt dàn xếp các thỏa thuận với các cường quốc thực dân. Nghĩ về các trò ngớ ngẩn của John Foster Dulles.’

Đã từng có suy đoán về việc thành công của Giáp phụ thuộc vào các cố vấn Trung Quốc đến đâu. Người của Mao tất nhiên cung cấp các hướng dẫn kỹ thuật.  Tuy nhiên, phần lớn lịch sử tiếp theo cho thấy người Miền Bắc – mặc dù nhiều nhà lãnh đạo cộng sản đến từ miền nam và miền trung – cần và nhận rất ít hướng dẫn từ người khác. Trải nghiệm của một thập niên chiến tranh đã biến Giáp và các đồng chí của mình thành các chiến sĩ  giỏi giang, thậm chí hồ hởi, gan lì không chùn bước trước hy sinh, một đặc điểm chung của các quân đội cộng sản: người ngoại quốc ngưỡng mộ sau này gán cho lính Miền Bắc là ‘Lính Phổ Đông Dương ‘. Các sách sử Hà Nội dành công lao tràn trề cho vai trò cá nhân của Hồ Chí Minh.  Các tuyên bố như thế bắt rễ theo yêu cầu của một huyền thoại chính thức của một nhà nước chuyên chế. Ít ra đến giờ chúng cũng có giá trị: Giáp  không thể thành tựu những gì mình đã làm, cũng không thể trụ vững với quá nhiều thất bại xương máu trong vai trò tổng tư lệnh,  nếu không có Hồ hậu thuẫn trong những thời điểm tốt và xấu. (Chú thích: Có lần trong một cuộc phỏng vấn,  một phóng viên ngoại quốc hỏi Hồ tại sao phong chức tướng cho Giáp khi ông không qua trường lớp quân sự nào và không đi lên thang cấp bậc theo thứ tự như nguyên tắc, Hô trả lời Giáp xứng đáng làm tướng vì ông ta đánh thắng một vị tướng: ND). Chính vị tướng cũng được tôn trọng, nhưng tính vị kỷ của ông khiến ông ít được yêu mến. Trong những bài viết sau này về trận Điện Biên Phủ,  và đúng ra các cuộc chiến Việt Nam,  ông chỉ kể một câu chuyện về Giáp, Giáp, Giáp, hiếm khi gật đầu nhìn nhận các công lao của phụ tá ông. Dù sao thì thắng lợi của ông tại Điện Biên Phủ nổi lên như một trong các thiên hùng ca của thế kỷ 20.

3 Geneva

Tin tức về cuộc đầu hàng được phát đi tại Paris  vào lúc 4:45 p.m. ngày 7 tháng 5, và được đón nhận ở  Geneva muộn hơn một chút, một ít giờ trước khi các ngoại trưởng nhóm họp bắt đầu thảo luận về tương lai chính trị của Việt Nam.  Georges Bidault, phát điện thông báo, nêu công lao không thể tin được cho vai trò ‘khai sáng’ của người Pháp tại Việt Nam,  nói về ‘cuộc xung đột này bị áp đặt cho chúng tôi’. Điều bất thường về các sự kiện tiếp theo tại bàn hội nghị là cuộc bại trận muối mặt của Pháp không đem lại khải hoàn cho Việt Minh. Sau khi tiêu tốn bao nhiêu xương máu để củng cố thế đứng của mình tại bàn hội nghị, rốt cục họ buộc ra về với nửa ổ bánh mì. Làm sao thế được?

Câu chuyện Geneva bắt đầu khi hai phái đoàn đầu tiên đến, vào ngày 24 tháng 4 1954. Đại biểu của giới truyền thông thế giới  vây kín nhóm Trung Quốc 200 người,  dẫn đầu là ngài Chu Ân Lai lịch lãm, đẹp trai, cực kì tao nhã, hậu duệ 56 tuổi của một dòng họ học giả. Chu mang xuống mồ sự kính trọng của cộng đồng quốc tế,  cho dù phục vụ như một công cụ của Mao Trạch Đông quá nhiều thập niên tàn sát tập thể.  Người Nga đến mang theo một lượng lớn trứng cá muối nhằm chiêu đãi trong các buổi tiệc tùng họ dự định tổ chức để tỏ lòng hiếu khách, mặc dù cuối cùng không có buổi tiệc nào xảy ra.

John Foster Dulles vẫn giữ chuẩn mực thường lệ của ông trong phép lịch sự ngoại giao, quay lưng lại với Chu khi Chu chìa tay ra. Người Anh bồn chồn với ngoại trưởng Mỹ còn hơn cả với người cộng sản: họ sợ sự hiềm thù của Dulles có thể khiến ông phá hoại tiến trình.  Sự khống chế rõ ràng của Trung Quốc và Nga càng củng cố xác quyết của người Mỹ là Hồ Chí Minh là con cờ của họ: tại Geneva phái đoàn của Chu và Molotov được bắt gặp ở mọi nơi, còn phái đoàn Việt Minh chỉ xuất hiện trong các phiên họp.

Dulles cầm đầu phe duy nhất nóng lòng một cách bướng bỉnh muốn duy trì cuộc chiến Đông Dương. Ông bày tỏ sự ghê tỡm rằng mình được mời tham dự một vụ bán đứng ngoại giao cho phe cộng sản,  tương tự như hội nghị Yalta 1945. Nhà viết chuyên mục kỳ cựu Walter Lippmann nhận xét: ‘Vị thế người Mỹ ở Geneva là một vị thế bất khả thi, chừng nào mà các thượng nghị sĩ Cộng Hòa cầm đầu không có điều kiện gì khác cho hoà bình ngoại trừ đầu hàng vô điều kiện của kẻ thù và không có điều kiện cho lâm chiến trừ với tư cách một hành động tập thể mà hiện thời không ai muốn tham gia.’

Vậy mà sự cứng rắn của ngoại trưởng Mỹ đóng một vai trò tối thiết trong việc đưa ra hướng giải quyết ít thuận lợi cho phe cộng sản hơn là thắng lợi Điện Biên Phủ đáng lẻ làm được. Vào năm 1972, Tổng thống Richard Nixon sẽ thất bại khi tìm cách thuyết phục Miền Bắc rằng ông đủ liều lĩnh để xả láng hành động quân sự – ‘Thuyết Thằng Điên’. Nhưng mà vào năm 1954, cả hai phái đoàn cộng sản ở Geneva đều sợ chết khiếp việc Mỹ tung quân vào châu Á. Người Trung Quốc và Nga đã thích thú với chiến tranh Triều Tiên thậm chí ít hơn các Cường quốc Tây phương.  Họ đọc báo, và ý thức một cách sâu sắc các lực lượng bảo thủ đang nắm quyền bên trong nước Mỹ. Họ biết rằng chính quyền Eisenhower chỉ cần một chút khiêu khích là tung ra hỏa lực  – và có thể, các vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, dù Việt Minh thường được tung hô là sở hữu một năng lực hy sinh vô hạn, vào thời điểm tháng năm 1954 giới lãnh đạo biết rõ binh sĩ và dân quân đã mệt mỏi.

Từ ‘chia đôi’ dường như phát ra từ môi người Nga trước hơn bất cứ ai. Việt Minh thống trị miền bắc, trong khi còn yếu ở miền nam. Việc chia cắt Triều Tiên tại Vĩ tuyến 38, được Dean Rusk uỷ thác một cách vô tư vào 1945, đã tạo ra một tiền lệ. Vào ngày 3 tháng 5, trước khi các phiên họp chính thức mở ra ở Geneva, chính quyền bù nhìn Bảo Đại đe dọa tẩy chay hội nghị nếu người Pháp không đảm bảo việc chia cắt không có trên nghị trình. Cùng ngày, Dulles hờn dỗi  trở lại Washington, giao cho tùy viên Walter Bedell Smith, tham muu trưởng thời chiến của Eisenhower, cầm đầu phe Mỹ. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, vì Smith thì biết lý lẻ, còn Dulles thì không. Các cuộc đối thoại song phương riêng tư nhộn nhịp tiến hành,  liên quan đến mọi phái đoàn, trước khi họp chính thức bắt đầu vào ngày 8 tháng 5, dưới bóng đổ của Điện Biên Phủ thất thủ.

Trong tuần lễ đầu, Trung Quốc vẫn giữ thái độ câm như hến: hai ngoại trưởng duy nhất tỏ ra mất kiên nhẫn là Eden và Molotov. Vào ngày 10 tháng 5 Phạm Văn Đồng đọc bài phát biểu mở đầu, tuyên bố Việt Minh chủ trương một nền độc lập đầy đủ cho ba nước Đông Dương.  Ông hứa những người Việt nào từng chống lại Hồ Chí Minh sẽ ‘không bị áp bức’. Rồi, trước sự kính ngạc của người Tây phương,  ông bày tỏ ý muốn  xem xét việc chia cắt. Gần như chắc chắn Việt Minh đã bị người Trung Quốc và người Nga gây áp lực mới đưa ra một đề nghị như thế.

Một khi phe cộng sản đã đề xuất việc đó, kết quả coi như đã xong. Việc tiếp theo ai cũng rỏ là cắt ở đâu để chia hai miền Bắc và Nam. Người Pháp lúc đầu ưng ý việc phân bố lãnh thổ kiểu ‘da beo’,  nhận diện những vùng đất nào nên nhượng cho cộng sản,  đặc biệt Hà Nội và Hải Phòng bị loại ra. Vào ngày 12 tháng 5, phái đoàn Bảo Đại tái xác nhân là mình bác bỏ  bất kì sự chia cắt nào. Nhưng các cuộc đối thoại song phương về cách thức và phương tiện bắt đầu giữa các đại biểu Pháp và Việt Minh,  do Anh động viên.

Ở Hoa Kỳ Dulles cố ý lánh mặt,  và giới truyền thông bảo thủ quậy lên điên cuồng.  Tờ Time nói rằng các lãnh đạo Anh ‘trông như những kẻ xoa dịu đáng lo ngại ‘. Bedell Smith bảo trong một cuộc họp báo rằng sự chia cắt là không thể chấp nhận được, và trong chốn riêng tư tỏ ra ngày càng bực bội khi thấy Eden hồ hởi một cách lộ liễu nuông chiều tham vọng của cộng sản. Trong các cuộc trao đổi song phương bí mật, Washington tìm cách gia tăng sự đối kháng của Paris,  nhưng người Pháp trả lời rằng chỉ có hành động quân sự tức thời của Mỹ mới thuyết phục họ không hoàn tất việc thương thảo.  Một lần nữa, Eisenhower và Dulles khảo sát các khả năng thành lập liên minh cho dù không có Anh. Tuy nhiên,  Úc và New Zealand từ chối tham gia, thế là tắt ngấm cơn dãy dụa cuối cùng của nhiệt tình hiếu chiến của Mỹ. Tờ Spectator mô tả những cuộc trao đổi ban đầu tại Geneva là ‘lộn xộn khủng khiếp’, và không phe tham gia nào nhất trí. Để hiểu rõ các sự kiện vài tuần sau đó,  cần nhận thức rằng việc đầu hàng tại Điện Biên Phủ không ngăn được hai bên đánh nhau và giết hại ở nơi khác trên khắp Việt Nam: người Pháp tiếp tục bị trừng phạt,  vì dòng người đào ngũ từ các lực lượng tân binh địa phương của họ thành cơn lũ. Vào ngày 4 tháng 6 Navarre bị cách chức, nhường chỗ cho Paul Ely trở thành toàn quyền Đông Dương. Hai thảm họa quân sự mới xảy ra. Nhóm Cơ động 100, trong khi tiến hành một cuộc rút quân khỏi An Khê ở Cao nguyên Trung phần, rơi vào hàng loạt bẫy phục kích bắt đầu vào ngày 24 tháng 6. Khoảng nửa quân số Nhóm Cơ động 100 bị tàn sát và 4 phần 5 xe cơ giới bị phá hủy; một trong các trung đoàn thiện chiến nhất, ‘Triều Tiên’ 1 bị xoá sổ. Vào ngày 12 tháng 7 Nhóm Cơ động 42 chịu chung số phận. Trong khi đó người ta được biết Giáp đang chuẩn bị một trận công kích lớn vào đồng bằng sông Hồng: tuyến đường sắt Trung Quốc nối với biên giới phía bắc của ‘vùng giải phóng’ hiện giờ giao cho Việt Minh đến 4,000 tấn quân nhu và trang thiết bị mỗi tháng.

Việc kéo đài thương lượng giữa các Cường quốc khiến dư luận thế giới bất mãn và mất kiên nhẫn. Tại quán Café de Paris ở London, Noël Coward giới thiệu ngôi sao điện ảnh Marlene Dietrich bằng cách ngâm nga một vần thơ dí dỏm ca tụng nét quyến rũ phụ nữ qua các thời đại. Tiếng cười lên đến đỉnh cao khi nghe đến đoạn thơ về Cleopatra: ‘Con Rắn Sông Nile/có thể đạt được bằng một nụ cười/các kết quả nhanh hơn Geneva nhiều.’ Vậy mà thình lình,  có hy vọng: giữa những đảo ngược cục diện chiến trường đang tiếp diễn của Pháp,  ở Washington người ta bỗng hiểu rằng có thể có những kết quả tệ hơn là chia cắt. Vắng mặt sự can thiệp của Mỹ,  toàn bộ Việt Nam có thể bị cộng sản đánh chiếm. Bedell Smith nhìn nhận cần thiết phải giải quyết.  Trong khi đó tại Geneva,  vào ngày 15 tháng 6 phe cộng sản tổ chức một phiên họp chiến lược kín: Chu ép Việt Minh hãy thực tế hơn, nhất là đừng tiếp tục nói dối là mình không có lực lượng ở Lào và Cambodia. Molotov phụ họa người đồng cấp Trung Quốc. 

Ba ngày sau hội nghị phát triển một cách kịch tính: Joseph Laniel rời chức thủ tướng, và được Pierre Mendès-France thay thế. Vị thủ tướng mới lập tức tuyên bố rằng ông cũng sẽ từ chức nếu trong 30 ngày ông không đạt được lệnh ngừng bắn ở Đông Dương. Như vậy là ông đã đặt ra kỳ hạn chót cho hòa đàm Geneva,  và Chu bảo Eden và những người khác rằng ông tha thiết nhìn thấy điều này hiện thực. Vào ngày 23 tháng 6 tại Bern ông gặp riêng với Mendès-France, ở đó hai người đạt được nhiều tiến bộ. Chu không vòng vo nói thẳng mục tiêu chính của mình: không muốn lực lượng Hoa Kỳ đóng ở Đông Dương.  Để đạt được điều này, họ đồng ý phải chia cắt. 

Các đại biểu Việt Nam chống cộng, do thủ tướng mới của họ Ngô Đình Diệm cầm đầu, người được Bảo Đại chọn một cách bất thường, vẫn tỏ thái độ thù địch. Vậy mà chỉ duy nhất một người bất đồng có tiếng nói quyết định: liệu Washington có áp đặt quyền phủ quyết hay không?

Churchill viết cho Eisenhower: ‘Tôi nghĩ Mendès-France đã quyết định giải quyết cho xong với điều kiện tốt nhất có thể. Nếu là như thế, tôi nghĩ ông ta đúng.’ Vào ngày 24 tháng 6, Dulles bảo với các lãnh đạo quốc hội rằng Hoa Kỳ sẽ nhìn nhận một chính sách mới: bảo vệ Miền Nam,  Lào và Cambodia không cho cộng sản đánh chiếm – ‘Giữ gìn lãnh thổ này và chiến đấu chống sự lật đổ với tất cả sức mạnh chúng ta có.’ Phát biểu của ông ám chỉ họ nhìn nhận đã để mất Miền Bắc. 

Trong khi đó, các lãnh đạo  Trung Quốc và Việt Nam duyệt xét lại vị thế của họ, trước vòng đàm phán tiếp theo quan trọng tại Geneva.  Tại một cuộc họp ngày 3-5 tháng 7 tại thành phố Liễu Châu Trung Quốc, thủ tướng Chu Ân Lai nhớ lại sự kiện lật ngược cục diện trong vụ cộng sản xâm lăng Nam Triều Tiên vào mùa hè 1950. Chu bảo Hồ Chí Minh và phái đoàn: ‘Chìa khóa đối với vấn đề Triều Tiên nằm trong sự can thiệp của Mỹ … Hoàn toàn vượt quá sự tính toán của chúng ta là việc quân tiếp viện (của MacArthur) đã có thể đến nhanh như vậy … Nếu không có sự can thiệp của người Mỹ, Quân đội Nhân dân Triều Tiên đã có thể đánh đuổi các lực lượng của Syngman Rhee ra biển.’ Đây là phản ánh nỗi sợ hãi người Mỹ: người Trung Quốc nhận thức được rằng nếu Việt Minh quá tay, như Kim Nhật Thành của Bắc Triều Tiên đã từng làm, một thảm họa địa chiến lược có thể mở ra.

Vào năm 1954 thắng lợi của Mao Trạch Đông trong nội chiến, cùng với sự bẽ mặt của người Mỹ và thân chủ Quốc Dân Đảng của họ, chỉ mới xảy ra cách đó 5 năm. Một số người Mỹ bảo thủ vẫn còn ôm ấp hy vọng, đúng ra là ảo vọng, về thế lật ngược lại ‘việc đánh mất Trung Hoa của Tưởng ‘. Bốn năm trước,  Trung Cộng đã bước vào cuộc chiến Triều Tiên bởi vì họ cảm thấy không thể tha thứ được quân đội chiến thắng của MacArthur đến được biên giới sông Áp Lục. Tại thời điểm Geneva, Mao cảm thấy ít chắc chắn hơn về sự trường tồn của chế độ mình.  Ưu tiên của Chu Ân Lai là  an ninh của Trung Quốc. Điều này dường như được làm tốt nhất bằng cách xoa dịu tính nhạy cảm của người Mỹ: y có thể sống với một Miền Nam phi cộng sản, nếu việc này có thể làm an tâm Dulles and Eisenhower.

Vậy là hội nghị Liễu Châu tiếp theo lộ trình của nó. Nếu chiến tranh Đông Dương tiếp tục không có kết quả  – điều này có thể, với người Pháp còn triển khai khoảng 470 ngàn quân so với 310 quân Việt Minh  – và mối căng thẳng Đông – Tây tồi tệ hơn, Washington có thể ra đòn. Mọi thứ đạt được trong một thập niên chiến đấu có thể mất hết. Giáp hiểu rằng, nếu không có giải pháp chính trị, phải mất hai đến năm năm để đạt được thắng lợi quân sự tuyệt đối, một quan điểm được các cố vấn Trung Quốc chia sẻ. Sau đó Pháp đề xuất chia cắt xa hơn về phía bắc ngay Vĩ tuyến 18, ngay phía nam thành phố Vinh. Đề nghị ban đầu của Việt Minh là Vĩ tuyến 13 ngay chính giữa Cao nguyên Trung phần của  AnNam. Người Trung Quốc đề nghị mức trung bình tại Vĩ tuyến 16, mà Hồ Chí Minh có vẻ tỏ ra không ngần ngại. Khi Chu báo cáo với Mao vào ngày 7 tháng 7, vị chủ tịch nhìn nhận nhu cầu phải nhượng bộ và giải quyết nhanh chóng. Người Nga đồng ý, vì những lý do địa chính trị tương tự.

Dulles bực bội không dự các buổi họp đầu tiên của phiên cuối cùng của hội nghị Geneva vào ngày 10 tháng bảy. Ông xem sự thỏa thuận đang điều đình là biểu thị một sự đầu hàng nhục nhã và hèn nhát không khác với thỏa thuận thập niên 1930 với bọn phát xít: nó sẽ chắc chắn cho thấy chỉ là trạm dừng chân tiến tới việc cộng sản chiếm đóng toàn bộ Việt Nam. Sự thể này, sau khi Hoa Kỳ đã tiêu tốn 2.5 tỉ đô la tài trợ cho.một nỗ lực chiến tranh chống cộng, nhiều hơn Pháp đã nhận được trong viện trợ kinh tế từ năm 1945. Trong khi đó Mendès-France đã không băn khoăn gì báo cho Bảo Đại biết tin về tiến độ của đàm phán. Ở Sài Gòn vị thủ tướng mới dựng lên, Ngô Đình Diệm,  vẫn còn phản đối sự chia cắt , cho dù người Mỹ thúc giục ông chấp nhận phân nửa đất nước còn tốt hơn không có gì. Diệm chỉ thị cho ngoại trưởng của mình đang ở Geneva theo đuổi điều huyễn hoặc là giữ Hà Nội và Hải Phòng dưới sự cai trị của Sài Gòn. Ông nhấn mạnh việc phải chính thức ghi chép quan điểm của chính quyền ông, rằng sự chia cắt là phớt lờ ‘nguyện vọng trước sau như một của nhân dân Việt Nam cho sự thống nhất đất nước’.

Top 5 khẩu súng tồi tệ nhất để đóng gói một cú đấm năm 2022

Vào ngày 16 tháng 7 tùy viên ngoại trưởng Bedell Smith đến Geneva để góp thêm sự hiện diện miễn cưỡng của Mỹ. Tuy nhiên,  theo chỉ thị, ông không tham gia vào việc thảo luận riêng giờ đang được tiến hành qua một vòng các buổi họp đặc biệt và song phương. Hai ngày sau các ngoại trưởng đồng ý rằng việc ngừng bắn được đề nghị sẽ được giám sát bởi một uỷ ban kiểm soát quốc tế gồm người Ấn, Canada và Ba Lan. Vào ngày 10 tháng 7 mọi việc chia cắt được thỏa thuận giữa người Pháp và Việt Minh khép lại tại Vĩ tuyến 17, cho Miền Nam mới một biên giới ngắn, dễ phòng thủ với Miền Bắc.  Sự chia cắt này ‘sẽ có tính lâm thời và theo bất cứ cách nào không nên được giải thích là hình thành một đường biên giới chính trị hoặc lãnh thổ. Mọi công dân Việt Nam được nhận một thời kỳ chiếu cố 300 ngày để quyết định sẽ sống dưới chế độ nào, với quyền tự do được bảo đảm đi ra bắc hay vô nam. Trong vòng hai năm sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử. Cả hai miền Việt Nam sẽ tham gia cùng với Lào và Cambodia như các nhà nước được thừa nhận là trung lập. Người Pháp sẽ khăn gói về nước. Có hai văn kiện chính hình thành Hiệp định Geneva.  Thỏa thuận Đình Chiến được ký vào ngày 21 tháng 7 năm 1954 bởi Pháp và Miền Bắc. Thông cáo Cuối cùng của Hội nghị Geneva được hậu thuẫn miệng bởi Pháp, Anh, Trung Quốc,  và Nga. Dulles phát đi một tuyên bố nhấn mạnh mối quan tâm đặc biệt của quốc gia ông về số phận của hai đứa con sinh đôi mới ra đời: ông cảnh báo rằng bất kì sự vi phạm điều khoản nào của thỏa thuận sẽ là ‘một vấn đề quan ngại nghiêm trọng và đe dọa nguy cấp đến an ninh và hoà bình thế giới ‘. Mọi người liên can trừ Mỹ khen ngợi Anthony Eden cho thành tựu của ông trong vai trò đồng chủ tịch, qua nhiều tuần khi cuộc đàm phán dường như có nguy cơ thất bại. Một nhân chứng viết về ‘óc khôi hài và tính kiên nhẫn gần như là siêu phàm ‘: đây là giờ phút tốt đẹp nhất trong sự nghiệp chính khách của một ngoại trưởng Anh xuất sắc, dao động,  và đẹp trai khó tưởng tượng.

Hiệp định Geneva chỉ giải quyết những điều khoản hưu chiến, giữa thực dân Pháp ra đi và người cộng sản nắm quyền cai trị Miền Bắc.  Trong đó chứa cơ sở cho cả Washington lẫn Sài Gòn sau này nhấn mạnh rằng việc từ chối tiến hành bầu cử quốc gia trong khuôn khổ hai năm là không vi phạm điều gì mà hai bên đã thỏa thuận. Nhiều người trên thế giới nhanh chóng hiểu ra rằng dù kết quả của hội nghị là không vừa miệng nhưng không có món nào ngon hơn được dọn ra. Tờ The Spectator bình luận vào số 23 tháng 7: ‘Đây là một nền hoà bình tồi tệ. Nhưng gần như chắc chắn là nền hoà bình tốt nhất có thể đạt được trong hoàn cảnh này.’ Tờ báo tiếp tục suy đoán rằng khối cộng sản đã kiềm chế yêu sách của mình vì sợ Washington khua kiếm. ‘Dường như có thể suy ra rằng Hoa Kỳ, với nét nhăn nhó hoang dã,  xấu xí, vô kỷ luật, dù sao cũng gián tiếp góp phần vào thành quả hoà bình.’

Eisenhower và Dulles sau đó đầu tư cho nửa quốc gia mới tính hợp pháp và tầm quan trọng bắt rễ trong nhu cầu xoa dịu phe cử tri Cộng Hòa trong nước,  và để phục hồi lòng tự trọng của chính quyền sau khi thất bại cứu lấy Miền Bắc.  Miền Nam,  ngoại trưởng nói, có thể thịnh vượng ‘không cần dấu vết của chủ nghĩa thực dân Pháp’, qua sự cơ cấu Ngô Đình Diệm,  một nhân vật mà Washington chọn lấy với một nhiệt tình phần nào gây ngạc nhiên, biết rằng người Mỹ hiểu rất ít về ông ta. Người Anh nhìn vấn đề cách khác: họ đã luôn luôn khước từ việc liên kết mình với cuộc chiến ở Đông Dương, bởi vì họ thấy ở đó không có lợi ích sống còn nào. Họ cho rằng phương Tây đã bận bịu quá đủ khi đương đầu với Liên Xô ở  châu Âu. 

Trong khi đó người Nga và Trung Quốc tất nhiên muốn giúp đỡ Miền Bắc, giờ đã là một nhà nước xã hội chủ nghĩa anh em. Họ sẽ hài lòng nếu người Mỹ thất bại trong việc biến Miền Nam thành một hàng mẫu của chủ nghĩa tư bản, nhưng sẽ không ăn ngon miệng nếu biến Đông Dương trở thành nơi đối đầu quyết định giữa Đông và Tây.

Việt Minh về nhà từ Geneva tin rằng Chu Ân Lai đã lừa dối họ, tuy vậy Hồ Chí Minh nhìn nhận rằng quyền bá chủ trên toàn cõi Việt Nam phải được trì hoãn một thời gian.  Khi cuộc tổng tuyển cử Nam Bắc xảy ra, ông có thể tin chắc thống nhất sẽ đến. Hiện thời,  ông và các đồng chí mình toàn tâm toàn ý cho công cuộc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa mà họ đã mơ ước bấy lâu, trong đó Miền Nam sẽ được kết nạp. Mặc dù Việt Minh đã phô diễn lòng kiên gan chiến đấu, nhưng vào năm 1954, các lãnh đạo của nó ắt hẳn đã vui mừng vì cuối cùng cũng được ngủ ngon trên giường dưới mái ấm gia đình; được ăn những bữa cơm khá ngon; được sống và làm việc mà không sợ bom rơi pháo nổ.

Không có người phương Tây nào xem Geneva là một thành tựu, mà chỉ là một vận dụng nhằm hạn chế thiệt hại,  như chính sách ngoại giao của Cường quốc Lớn Nhất: thành tựu của nó là bứng một cường quốc thực dân đã đuổi sức ra khỏi một cuộc chiến không thế thắng. Vậy mà điều phi thường về Hiệp định là chính quyền Sài Gòn mới nhận được quá nhiều, trong khi Việt Minh chiến thắng lại nhận quá ít. Đó là bởi vì người Nga và người Hoa ít quan tâm với số phận của Đông Dương, và nói trắng ra của Việt Nam, hơn là Chiến bình Lạnh của Washington tưởng. Mao Trạch Đông không muốn nhìn thấy một Việt Nam cộng sản hùng mạnh ngay thềm cửa của mình, và có vẻ đang nóng lòng muốn lôi kéo Lào và Cambodia vào tầm ảnh hưởng của mình, hơn là của  Hồ Chí Minh. 

Lệnh ngừng bắn có hiệu lực vào ngày 27 tháng 7,  hoãn tạm thời việc chia cắt Việt Nam.  Sau nhiều  năm sống tại bộ chỉ huy bí mật Trung ương Cục Miền Nam trong vùng đồng bằng Cửu Long, Lê Duẩn xuất hiện để bắt đầu chuyến đi về Miền Bắc. 

Vào ngày 9 tháng 10 Quân đội Pháp rời Hà Nội, đánh dấu sự kiện bằng các lễ nghi quân cách vênh váo.  Giữa hồi trống giục và chập chã chát chúa, Tướng René Cogny, chủ gánh xiếc Điện Biên Phủ, đưa tay chào các quân kỳ các trung đoàn đã tham gia chiến đấu  – nhảy dù, Lê Dương,  Thủy quân Lục chiến, Senegal,  Bắc Phi,  cùng với đoàn thiết giáp ngấu nghiến lớp nhựa mỏng của đường phố Hà Nội. Người Pháp ra đi mà không tỏ ra cao thượng và hào phóng chút nào: họ lấy đi hoặc phá hủy  mọi thứ có giá trị đối với người chiến thắng. 

Đoàn Phượng Hải 10 tuổi cho rằng tiếng kèn của người Pháp thổi khi rời Hà Nội ‘quá buồn nghe như tiếng nức nở’. Quốc kỳ của họ được hạ xuống lần cuối cùng trên pháo đài vào một buổi chiều lộng gió, ẩm ướt và giá lạnh. Hai hạ sĩ quan gấp lá cờ tam sắc ướt sũng, rồi trình cho vị tướng chủ tọa, và vị này trao lại cho chỉ huy quân đồn trú. Mưa che khuất những giọt nước mắt của nhiều sĩ quan và binh sĩ khi quân nhạc chơi bài Marseillaise (quốc thiều Pháp). Rồi quân đồn trú lên xe tải quân sự và chạy đi về phía bờ biển. Như vậy là đúng 75 năm kể từ khi cường quốc thực dân nắm quyền trị vì thành phố.

Người Pháp ra đi trước tiên được thay thế bởi các đại diện của Ủy ban Kiểm soát Quốc tế, ‘các sĩ quan Quân đội Ấn Độ với gậy ngắn và ria mép tua tủa, người  Ba Lan mặt nhợt đội loại mũ lưỡi trai tam giác kỳ cục, và người Canada uống bia nói thứ tiếng Pháp khó nghe.

Tiếp theo là đoàn quân chiến thắng, những đơn vị đầu tiên của quân đội Giáp. Theo.lời của Howard Simpson: họ bước đi hàng hai,  mỗi người một bên đường,  những người nhỏ thó trong quân phục bạc màu,  đội mũ lót vải, vắt lá cây trên lưới ngụy trang. Vai trĩu nặng với vũ khí và thiết bị, bộ đội của Sư đoàn 308 đang bước vào một môi trường hoàn toàn xa lạ, đi trước họ là tiếng lệt xệt của hàng trăm bàn chân trong đôi giày vải rẻ tiền: Đoàn quân Việt Minh tiến vào Hà Nội cho thấy mình là một trong những đoàn quân diễu hành chiến thắng lặng lẽ nhất trong lịch sử thế giới. ‘ Các chiến binh nông dân trố mắt nhìn các tòa nhà cao tầng và đại lộ to rộng, chiến lợi phẩm của cuộc chiến đấu của mình. Các đám đông dân chúng nhìn họ biểu lộ một nhiệt tình không hoàn toàn tự phát: các cán bộ nhiều ngày trước đã đi khắp thành phố, dặn dò dân chúng hãy mạnh dạn hoan hô đoàn quân chiến thắng. 

Top 5 khẩu súng tồi tệ nhất để đóng gói một cú đấm năm 2022

Kẻ thù bất khuất chiến thắng: Theo sau lệnh ngừng bắn 1954 các sĩ quan Pháp hộ tống một đơn vị Việt Minh vào thành

Một nông dân lớn tuổi sống cạnh quốc lộ 1 nói: ‘Ngày hạnh phúc nhất đời tôi là khi nhìn thấy hai xe nhà binh chở đầy binh lính Pháp rời Huế lần cuối cùng. Họ lái xe qua nhà tôi, người nào trông cũng buồn.’ Pháp để lại sau lưng mình ngôi mộ của 93 ngàn người lính, đã hy sinh từ năm 1945 trong cuộc chiến đấu vô vọng để bám lấy Đông Dương. Những người này không có Kipling (văn hào Anh: ND) để dệt cho họ tấm vải liệm lãng mạn. Tuy nhiên, một thập niên sau tại Sài Gòn, một truyền thuyết đã được thêu dệt, kể rằng những người lính ngã xuống của Nhóm Cơ động 100 đã được chôn cất cạnh Đường 19 ở Cao nguyên Trung phần nơi họ hy sinh, khi chết vẫn đứng thẳng người, mặt quay về Pháp.