Tiệm đồ cổ á xá có bao nhiêu tập

Lắng nghe lịch sử bị lãng quên trong “Á Xá”

(TBKTSG) – Mang lại hứng thú ngay từ những tranh luận về thể loại, tiểu thuyết Tiệm đồ cổ Á Xá của tác giả người Trung Quốc – Huyền Sắc đang được nhiều độc giả yêu thích. Tại Việt Nam, bộ sách này đã được NXB Phụ nữ phát hành, do hai dịch giả Huy Hoàng và Hân Vũ chuyển ngữ.

Tiệm đồ cổ á xá có bao nhiêu tập

Trên các diễn đàn mạng, nhiều người đọc dựa vào bối cảnh và nội dung mà xếp Tiệm đồ cổ Á Xá vào thể loại “Đô thị”, “Huyền huyễn”. Á Xá có yếu tố “đô thị” vì nó lấy bối cảnh cuộc sống hiện tại trong thành phố, nội dung xoay quanh sinh hoạt hàng ngày của các nhân vật. Á Xá cũng mang yếu tố “huyền huyễn” vì có bối cảnh siêu tưởng, nhiều khi vượt ra khỏi khung thời gian và không gian hiện tại, nội dung lại có nhiều chi tiết kỳ ảo.

Tiểu thuyết kể về hơn sáu mươi món đồ cổ rải rác trong dòng chảy lịch sử thông qua nhân vật gã chủ tiệm bất tử. Gã chu du khắp thiên hạ suốt hai ngàn năm, gặp gỡ vô số nhân vật phong vân, thậm chí trở thành một nhân vật cực kỳ nổi tiếng được lịch sử biên chép lại. Trong hai thiên niên kỷ đó, gã sưu tập đồ cổ, tặng đồ cổ cho một số người, thu lại đồ cổ từ một số người, chứng kiến những hạnh phúc và khổ đau của con người do cổ vật mang lại. Mỗi món đồ cổ trong cửa tiệm đều mang trong mình câu chuyện riêng nhưng ngàn năm qua không ai lắng nghe. Vì chúng đều không biết nói (“Á” nghĩa là “câm”), nên nơi này (“Xá” nghĩa là “nơi ở”) được gọi là “Á Xá”.

Tiểu thuyết kể về hơn sáu mươi món đồ cổ rải rác trong dòng chảy lịch sử thông qua nhân vật gã chủ tiệm bất tử. Gã chu du khắp thiên hạ suốt hai ngàn năm, gặp gỡ vô số nhân vật phong vân, thậm chí trở thành một nhân vật cực kỳ nổi tiếng được lịch sử biên chép lại. Trong hai thiên niên kỷ đó, gã sưu tập đồ cổ, tặng đồ cổ cho một số người, thu lại đồ cổ từ một số người, chứng kiến những hạnh phúc và khổ đau của con người do cổ vật mang lại. Mỗi món đồ cổ trong cửa tiệm đều mang trong mình câu chuyện riêng nhưng ngàn năm qua không ai lắng nghe. Vì chúng đều không biết nói (“Á” nghĩa là “câm”), nên nơi này (“Xá” nghĩa là “nơi ở”) được gọi là “Á Xá”.

Mặc dù chứa đựng yếu tố kỳ huyễn, Tiệm đồ cổ Á Xá không đơn thuần là truyện “Đô thị” hay “Huyền huyễn”. Bộ sách không những có tuyến truyện ở hiện tại mà còn có cả tuyến truyện quá khứ, bối cảnh đã vượt quá khung thời gian hiện tại ở “đô thị” mà trở thành bối cảnh “lịch sử” xuyên suốt ngàn năm, trải khắp Trung Hoa. Trong đó, phép thuật kỳ ảo không phải là trọng tâm của những xung đột. Huyền Sắc đã đưa các nhân vật của mình vào giữa những uyên nguyên ngàn năm, gắn với các sự kiện và nhân vật có thật của lịch sử Trung Hoa, như Tần Thủy Hoàng, Phù Tô, Hồ Hợi, Triệu Cao… Cô đã chủ động mở toang cánh cửa không – thời gian để các nhân vật chính có thể tương tác với lịch sử. Những nhân vật, sự kiện có thật gắn bó mật thiết với các xung đột, có khi là hệ quả, có khi là động lực thúc đẩy mạch truyện phát triển. Cho nên, “huyền huyễn” chỉ là vỏ ngoài, “lịch sử” mới là căn cốt; “đô thị” chỉ là tình tiết khởi đầu, “lịch sử” mới là đại cảnh về sau. Đây là lý do mà không ít người cũng cho rằng Tiệm đồ cổ Á Xá là tiểu thuyết lịch sử.

Một khi có thể chạm tay vào quá khứ, hẳn ai cũng thắc mắc “có thể thay đổi quá khứ hay không?”. Câu trả lời của Huyền Sắc xin để dành cho bạn khám phá, nhưng có thể thấy ngay sự trưởng thành của tác giả khi qua mỗi tập, cô định hình nên các ý tưởng cốt lõi khác nhau, tránh cho tuyến truyện bị lan man không cần thiết; đồng thời cũng đi từ nghệ thuật “cá tính hóa” các món cổ vật phát triển lên thành “triết lý hóa” mỗi câu chuyện về đồ cổ.

Về mặt kết cấu, mỗi cổ vật trong truyện có một câu chuyện riêng, đồng thời cũng đóng góp vào mạch truyện chung, khiến cho Tiệm đồ cổ Á Xá trở thành một bộ tiểu thuyết liền lạc thay vì một tập truyện ngắn rời rạc. Kết cấu song tuyến, hai tuyến riêng – chung, dài – ngắn song hành không hẳn là mới. Mấu chốt của kết cấu song tuyến nằm ở nhân vật chính “gã chủ tiệm” – người vừa là kẻ buộc nút thắt cho từng tiểu truyện lại vừa là kẻ gỡ nút thắt cho các phân cảnh tuyến dài. Huyền Sắc đã thông qua khả năng sưu tập, đánh giá đồ cổ và sứ mệnh ngàn năm của nhân vật này để xây dựng các mối quan hệ, thúc đẩy các tình tiết, mô tả các chuyển biến tâm lý và phát triển các cao trào.

Cái mới về kết cấu trong Tiệm đồ cổ Á Xá là Huyền Sắc không dừng lại ở “song tuyến” mà cô phát triển thêm nhiều tuyến khác. Có khi dùng tuyến ngắn để giới thiệu nhân vật mới, sắp xuất hiện trong tuyến dài (“Sơn Hải Kinh”, “Ô Bạch Xà”, “Côn Ngô Đao”). Có khi là nhân vật trong tuyến dài đưa ra các lựa chọn, làm phát sinh thêm tình tiết trong tuyến ngắn (“Tiền Vô Bội”, “Bồ Đề Tử”). Có khi là nhân vật trong hiện tại tương tác với một dòng thời gian, không gian khác (“Song Khiêu Thoát”, “Thiên Quang Khư”). Có khi nhân vật lại tương tác với chính bản thể của mình từ kiếp trước (“Bút Bạch Trạch”, “Đỉnh Ô Kim”)…

Nhờ sự mở rộng về thời gian và không gian, tiền kiếp và chuyển thế, nên kết cấu của tác phẩm từ song tuyến đã trở thành đa tuyến, khiến cho người đọc không bị nhàm chán mà luôn bị thu hút vào với nhiều loại quan hệ và xung đột đa dạng, bất ngờ, khó đoán.

Trong kết cấu đa tuyến ấy, cổ vật chỉ là cái cớ, là phương tiện để Huyền Sắc thuật lại một diện mạo khác của lịch sử với những nhân vật quen thuộc: Câu Tiễn, Lưu Bang, Hạng Vũ, Tào Tháo, Tư Mã Ý, Chu Du, Võ Tắc Thiên, Chu Nguyên Chương… Nhưng đồng thời, như Huyền Sắc thổ lộ, cổ vật cũng là niềm đam mê từ thơ bé, là nguyên nhân khởi phát nên bộ tiểu thuyết này. Niềm đam mê ấy không khó nhận ra khi độc giả thấy cô đã dụng công tìm tòi về cổ vật như thế nào trong từng tiểu truyện: từ lịch sử phát triển của “Cờ Lục Bác” từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, loại sứ xanh Việt Dao thời Ngũ đại Thập quốc làm nên “Gối Hoàng Lương” cho đến kỹ thuật bàn ngọc và chạm ngọc thời Minh trong “Khóa Trường Mệnh”, hay thành phần của tượng sứ cốt Đại Lý trong “Tượng Ảnh Thanh”. Nếu không có đam mê, ắt hẳn tác giả không thể nào hóa thân thành một chuyên gia về cổ vật như thế, không thể nào tái hiện lại màu sắc sinh động của ngành nghiên cứu cổ vật đến thế.

Một tiểu thuyết lịch sử đúng nghĩa sẽ không chỉ có nhân vật và sự kiện mà còn phải giúp độc giả trải nghiệm được bầu không khí của thời đại thông qua các chi tiết về kiến trúc, trang phục, đồ dùng, sinh hoạt thường ngày… Ở khía cạnh này, Huyền Sắc tiếp tục cho thấy sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc. Trong mỗi câu chuyện, tác giả vẽ ra bối cảnh đầy màu sắc và có nét đặc trưng, khiến cho chất sử tràn đầy theo mỗi bước chân nhân vật, giúp người đọc vừa dõi theo mạch truyện lại vừa có thể hòa nhập và trải nghiệm được không khí của một thời đại nhất định. Nhờ có sự tái tạo đầy công phu như vậy mà độc giả có thể trải nghiệm đầy đủ đời sống cụ thể sinh động của nhân vật lịch sử với trọn vẹn tính cách, cá tính bên trong và phong khí, bối cảnh bên ngoài.

Bỏ nhân vật lịch sử ra khỏi mối quan hệ với thiên hạ rộng lớn, Huyền Sắc xem họ như một mảnh ghép của quan hệ gia đình, gia tộc. Cách tiếp cận này đem lại một diện mạo mới cho tác phẩm: thoát ly khỏi mô hình lịch sử quan phương vốn chỉ chứa đựng các đại nhân vật, đại sự kiện; thay vào đó tập trung khắc họa lịch sử ở cấp độ vi mô hơn: các quan hệ trong đời sống, sinh hoạt, phong tục, gia đình. Thay đại tự sự bằng tiểu tự sự, nhìn đại nhân vật qua tiểu nhân vật, thậm chí bỏ qua nhân vật để miêu tả tâm tư của đồ vật (một tấm bia đá, một con rối gỗ), đó đều là những đặc sắc về nghệ thuật trong Tiệm đồ cổ Á Xá.

Những hạn chế trong ghi chép lịch sử luôn tạo ra nhiều khoảng trống. Đấy là mảnh đất lý tưởng cho nhà văn thực hành sáng tạo. Huyền Sắc đã đối chiếu sử liệu để tìm ra “cái đã có” đáng tin nhất, không vì phục vụ tình tiết câu chuyện mà coi nhẹ chính sử, mà chọn trở thành một người xử lý thông tin trung thực và khách quan. Không phải ngẫu nhiên mà Huyền Sắc có thể trong nhiều năm lọt vào top 10 nhà văn có thu nhập hàng đầu Trung Quốc với lượng tiêu thụ đã vượt qua 150 vạn bản cho mỗi tập trong bộ sách. Đó là sự ghi nhận xứng đáng của độc giả dành cho nhà văn này.