Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ nhiều không năm 2024

Suy nghĩ bệnh thoái hóa khớp gối sẽ trở nên trầm trọng khi người bệnh đi bộ là hoàn toàn sai lầm. Cụ thể như thế nào hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Người bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?

Những người giữ quan điểm đi bộ sẽ làm bệnh thoái hóa khớp gối trở nên nghiêm trọng hơn thường cho rằng hoạt động đi bộ sẽ gia tăng áp lực và ma sát tác động lên ổ khớp gối và từ đó làm tình trạng lão hóa khớp tệ thêm.

Trên thực tế, đúng là khi người bệnh thoái hóa khớp vận động, dù là nhẹ nhàng thì cơn đau nơi khớp gối vẫn rất khó chịu nhưng đây cũng là bài tập hữu hiệu để thuyên giảm các triệu chứng cứng khớp, đau khớp trên.

Ổ khớp bao gồm phần xương và sụn, bởi vì phần sụn không có hệ thống mạch máu đến nuôi dưỡng nên chủ yếu nó sẽ nhận chất dinh dưỡng cần thiết nhờ vào dịch khớp. Sụn khớp hấp thụ các dưỡng chất cần thiết bằng cách cử động khớp, tương tự như cách ta hút nước vào miếng bọt biển bằng cách bóp chúng. Do vậy, vận động sẽ giúp bổ sung chất dinh dưỡng cho sụn khớp, xương khớp hoạt động trơn tru hơn và giảm tình trạng khô cứng hay lão hóa.

/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/dau_khop_goi_khong_ro_nguyen_nhan_la_dau_hieu_benh_gi_1_ee4a9eb2b7.jpg)

Đi bộ là bài tập hữu hiệu để thuyên giảm các triệu chứng cứng khớp, đau khớp

Lợi ích của đi bộ với bệnh nhân thoái hóa khớp gối

Như đã đề cập ở trên, các hoạt động thể chất sẽ giúp cơ thể đảm bảo lượng dịch khớp cần thiết và từ đó nuôi dưỡng, bảo vệ khớp gối đang bị tổn thương, giảm sự ma sát, làm chậm quá trình thoái hóa đồng thời duy trì chức năng cũng như tính linh hoạt của ổ khớp gối.

Nhưng không dừng lại ở đó, việc đi bộ còn mang đến nhiều lợi ích khác cho đối tượng mắc bệnh thoái hóa đốt sống.

Tăng sức mạnh cơ bắp chân

Đi bộ sẽ tạo điều kiện cho bắp chân được săn chắc, khỏe mạnh hơn. Nhờ vậy mà các bó cơ trợ khớp có thể gánh bớt trọng lượng phần trên cơ thể, giảm bớt áp lực đè nặng lên khớp gối nên bệnh nhân thoái hóa khớp có thể cảm thấy bớt đau khi đi bộ. Ở người lười vận động, cơ bắp yếu sẽ làm giảm sự liên kết và chuyển động của khớp, làm xương khớp dễ bị hư hại và gặp chấn thương. Vì vậy, dù không có dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp gối bạn vẫn nên luyện tập thể chất nhẹ nhàng để bảo vệ cơ thể nhé!

Giúp giảm trọng lượng cơ thể

Đi bộ sẽ làm đốt cháy calo trong cơ thể và từ đó giúp hạn chế được tình trạng béo phì, thừa cân. Theo một số nghiên cứu, cứ mỗi 0,45kg giảm đi, áp lực tác động lên đầu gối sẽ được giảm xuống 4 lần. Ngoài ra, thừa cân hay béo phì còn làm rối loạn cân bằng hormone trong cơ thể và đẩy nhanh quá trình thoái hóa của sụn khớp. Chính vì thế mà bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên duy trì cân nặng ở mức vừa phải khi bị các bệnh liên quan đến xương khớp.

Bên các công dụng trên, việc đi bộ nhẹ nhàng còn đem đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối như cải thiện khả năng giữ thăng bằng, tăng cường lưu thông máu, giảm tình trạng lo âu, căng thẳng, giúp bạn ngủ ngon hơn và hạn chế nguy cơ biến chứng liên quan đến tim mạch do bệnh thoái hóa khớp gây ra.

/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/di_bo_co_giam_can_khong_ab32428abd7e4ce78929538004973e09_611368aac7.jpg)

Đi bộ sẽ làm đốt cháy calo trong cơ thể và giúp hạn chế được tình trạng béo phì

Đi bộ đúng cách cho người thoái hóa khớp gối

Sau khi biết được lời giải đáp cho vấn đề “thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không”, người bệnh cũng nên tìm hiểu cách đi bộ đúng khoa học để đem lại hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh tối đa cũng như hạn chế được những rủi ro không đáng có trong quá trình luyện tập.

Trước hết, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ xem họ có đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe để bắt đầu thực hành bài tập đi bộ này không. Sau đó, các bạn có thể làm theo các bước dưới đây.

Chọn địa điểm và thời gian thích hợp

Khi mới bắt đầu quá trình đi bộ, bạn nên lựa chọn các tuyến đường bằng phẳng, thông thoáng, có ít xe cộ qua lại và có nhiều bóng râm như công viên, vỉa hè,... để luyện tập.

Về thời gian đi bộ, tốt nhất là vẫn là sáng sớm và buổi tối. Đi bộ nhẹ nhàng vào đầu ngày sẽ giúp khởi động xương khớp, tăng tập trung khi bắt đầu một ngày mới cũng như giảm thiểu tình trạng đau gối. Trong khi đó, đi bộ vào buổi tối sẽ đem đến nhiều công dụng cho sức khỏe chẳng hạn như cải thiện giấc ngủ, điều hòa cơ thể và phòng ngừa hiện tượng đau khớp vào sáng hôm sau.

/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/di_bo_co_tot_cho_tim_mach_khong_01_GEJV_d6ecd1a8a9.jpg)

Chọn các tuyến đường bằng phẳng, thông thoáng, ít xe cộ qua lại và có nhiều bóng râm

Tập luyện theo cường độ tăng dần

Theo khoa học, bệnh nhân thoái hóa khớp gối nên đi bộ 30-60 phút mỗi ngày để cải thiện tình trạng xương khớp. Thế nhưng không phải ai cũng làm được, đặc biệt với những người đang phải chịu đựng cơn đau nhức xương khớp. Vì vậy, mọi người có thể bắt đầu với 10-15 phút đi bộ nhẹ nhàng rồi từ từ tăng dần lên theo từng ngày.

Trang phục vừa vặn, thoải mái

Để giúp quá trình đi bộ của bạn diễn ra thuận lợi, thoải mái hơn, bạn nên lựa chọn những loại giày vừa chân, có độ đàn hồi tốt chẳng hạn như các loại giày bằng nhựa mềm. Về trang phục, những bộ quần áo vừa người, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt sẽ là sự chọn lựa phù hợp.

/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/hinh_2_1497949664_ecb3e3cf57.jpg)

Chọn những loại giày vừa chân, có độ đàn hồi tốt để đi bộ dễ dàng hơn

Sự đau nhức khó chịu của bệnh lão hóa khớp gối làm nhiều người e ngại khi vận động, dù đó có thể là hoạt động nhẹ nhàng đi bộ. Bài viết này đã cung cấp tới bạn lời giải đầy đủ cho thắc mắc “Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?”. Hy vọng bạn sẽ bắt đầu luyện tập đi bộ từ ngày hôm nay để cải thiện tình trạng xương khớp của mình, chúc bạn thực hiện thành công!