Thị trấn Chờ có bao nhiêu làng?

Tôi cũng ấn tượng lắm những cánh chim câu tượng trưng cho hòa bình dập dờn bay trên trời cao, bên dưới, những đôi mắt em nhỏ ngước lên đầy hồn nhiên. Rồi khi yêu những cánh chim, tôi lại ao ước tìm về hỏi han những cách nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy cho những chú chim cách chinh phục đỉnh cao để giành chiến thắng trong những hội thi vui nhộn.

Đã yêu đất thì cũng thương người nông dân hay lam hay làm, một nắng hai sương. Rồi những chiều đi qua thị trấn, tôi cứ ấn tượng mãi với tên thị trấn Chờ, chợ Chờ, bởi nó có tác động đến tâm trí, nghe như một dòng nhạc đang du dương cao chợt chùng xuống. Như một câu thơ đang vui chợt lặng đi. Thị trấn Chờ. Như thể ở nơi này đã có bao nhiêu cuộc chia ly, bao nhiêu người phụ nữ hoe mắt đỏ quyến luyến tiễn đưa rồi đằng đẵng chờ đợi người phương xa.

Nhiều lần tôi đi dạo chợ Chờ, rồi men theo những hàng cây ở phố Chờ. Hàng cây xanh mát nơi thị trấn khá bình yên gợi cho tôi nhiều nỗi niềm. Nó gợi đến tình nghĩa của con người vô cùng nhân văn. Đã chờ đợi thì có hồi hộp hy vọng, có niềm tin và có ở nơi xa có người mong ngóng trở về. Chờ đợi luôn là một cử chỉ đẹp rất cần cho cuộc sống. Với lòng ham hiểu, tôi đã tìm các lão niên để hỏi về khởi nguồn của tên thị trấn. Các lão niên kể rằng, xưa đoạn ngã ba sông Cà Lồ và sông Cầu có bến đò Lủ. Nơi đó hoang vắng nên trộm cướp thường hoành hành, bà con đi buôn bán qua lại lo lắng, nên đổi tên thành bến đò Lo. Ai đi sớm, qua trước thì đứng đợi ở trước đình làng Phú Mẫn để chờ. Dần dần, nơi người đứng chờ thành chợ, gọi là chợ Chờ. Cư dân từ đó đông đúc dần, rồi trở thành thị trấn Chờ, huyện lỵ của huyện Yên Phong. Đúng là một câu chuyện gây nhiều xúc động.

Ven sông Cầu, cách thị trấn Chờ hiện còn rất nhiều di tích lịch sử-văn hóa, làm nên tên tuổi của vùng đất này. Sông Cầu còn có tên là sông Như Nguyệt. Vào thế kỷ 11, kháng chiến chống quân Tống xâm lược là cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của quân và dân nhà Lý, mà đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược trên phòng tuyến sông Như Nguyệt do Thái úy Việt quốc công Lý Thường Kiệt lãnh đạo. Trận đánh trên sông Như Nguyệt nằm trong chiến lược tổng thể của Lý Thường Kiệt, là bước phát triển rực rỡ của nghệ thuật chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Khu di tích lịch sử-văn hóa Thái úy Lý Thường Kiệt đã được xây dựng ngay tại chân đê sông Như Nguyệt, nhìn ra bến đò Như Nguyệt thơ mộng.

Tôi không thể nào thống kê hết những bến đò dọc tuyến sông Như Nguyệt, hay bến đò Lo năm xưa, nhưng chắc có lẽ, cuộc sống của người dân từ hàng trăm năm qua, chẳng thể nào thiếu những bến đò để qua sông, đặc biệt để từ Bắc Ninh sang đất Bắc Giang. Song, bến đò nào cũng đều gợi đến sự nhớ thương, tình cảm, bởi nhiều năm về trước, trai gái đôi bên kết duyên với nhau, đám rước dâu thường đi qua những bến đò. Lẽ thường, những con đò đợi, đón và trả khách, nhưng lại ấm áp lắm tiếng gọi đò. Để rồi những đón đưa của đời đò cũng giống như cách trao và nhận giữa đò-bến, bến-đò. Một sự trao-nhận thân thương và ấm áp. Càng ngẫm, càng thấy cuộc đời nhiều ý nghĩa và giàu lắm câu chuyện nhân văn, càng thấy mình bé nhỏ trước dòng đời, trước bến rộng sông dài. Như khi đến Yên Phong, chạm vào vùng ký ức của chợ Chờ, tôi còn được trải mình trước dòng sông lịch sử và dòng ký ức oai hùng của dân tộc. Không biết có ai chờ tôi ở phía đó, nhưng đúng là tôi đã được rất nhiều.

Tản văn của DIÊN KHÁNH

Không ít người mỗi khi nói về truyền thống một vùng nào đó thường rất hùng hồn rằng nơi đây là vùng đất địa linh nhân kiệt nhưng nếu hỏi thế nào là địa linh thì chỉ biết nói đó là vùng đất thiêng chứ  không rõ hơn chút nào nữa. Còn khái niệm nhân kiệt  thì ai cũng rõ rồi - đó là có nhiều người tài, giỏi…

Khái niệm địa linh là sự mô tả một vùng đất có cấu trúc địa hình đặc biệt khác hẳn cấu trúc môi trường tổng thể xung quanh nó. Xét theo nghĩa rộng - địa linh là tổng hòa của yếu tố tâm linh, thổ nhưỡng và địa chất học. Nghĩa hẹp là vùng đất mà điều kiện tự nhiên, môi trường hoàn toàn phù hợp với con người sống ở đó.

Địa linh luôn bắt nguồn từ gió, khí và nước, trong đó yếu tố khí là quan trọng: sinh khí hay nguyên khí là bản thể, nguồn gốc của vạn vật. Nguyên khí luôn gắn bó với nước. Nước giúp khí di chuyển. Nước di chuyển thì nguyên khí cũng di chuyển, nước dừng di chuyển thì nguyên khí cũng dừng. Sinh khí tụ mạnh nhất tại những nơi giao hội của nước (như vùng Lục Đầu Giang, Kim Đôi, Vọng Nguyệt…).

Đặc điểm để nhận biết địa linh là: Trong một vùng đồng bằng, lại có một dãy núi sừng sững  mọc lên, thì vùng đó là địa linh (ở Bắc Ninh - Kinh Bắc có nhiều vùng như thế). Có những con sông, con ngòi…nước đang chảy mạnh, tự nhiên có đoạn lại chảy quanh co bao bọc lấy một vùng đất nào đó và nước lại chảy hiền hòa hoặc ngược lại thì vùng đó là địa linh. Một trong những yếu tố không thể thiếu của địa linh là khí. Khí đi chìm, dọc theo các dãy núi - gọi là mạch núi hay long mạch (mạch rồng, mạch quý…).

Địa linh theo các nhà khoa học và phong thủy học - thực chất long mạch (vùng đất có long mạch, tia đất chạy qua.

Theo khái niệm trên nghiệm thấy Bắc Ninh - Kinh Bắc có rất nhiều vùng đất mang nhiều yếu tố địa linh, nên sinh ra lắm anh tài, riêng về khoa bảng thời phong kiến đã có tới gần 700 vị đỗ Tiến sỹ và hàng ngàn Cử nhân, Tú tài…

Yên Phong - một vùng địa linh nhân kiệt, tiêu biểu như: Vọng Nguyệt - Tam Giang; Dũng Liệt; Đông Thọ; Yên Phụ…

*Truyền thống giáo dục, khoa bảng vẻ vang tiêu biểu:

Yên Phong là tên huyện có từ thời Trần, đến thời Hồng Thuận huyện Yên Phong đổi tên thành Yên Phú, sau đó lại lấy lại tên cũ. Từ đó đến nay không có sự thay đổi nữa, chỉ có địa giới một số xã thôn giáp danh với các huyện, tỉnh khác có sự thay đổi.

Trải qua mấy lần thay đổi địa giới hành chính, đến nay huyện Yên Phong có 14 xã, thị trấn, bao gồm 74 thôn, làng, khu phố.

Là một vùng đất của xứ Bắc ngàn năm văn hiến, con người Yên Phong đã sớm phát huy  tinh thần yêu nước và truyền thống khoa bảng cử nghiệp. Trong các khoa thi Hán học, tuyển chọn nhân tài của các triều đại phong kiến Việt Nam, huyện Yên Phong đã đóng góp nhiều nhân tài cho đất nước. Theo địa danh địa giới hiện nay, từ người khai khoa cuả huyện Yên Phong - Tiến sỹ Chu Xa, người xã Yên Phụ đăng khoa năm Quý Sửu, niên hiệu Thuận Thiên 6 (1433) đời Lê Thái Tổ (Trước đó chưa có tài liệu nào cho biết có ai đỗ Tiến sỹ hay không) đến khoa thi cuối cùng huyện Yên Phong có 39 vị đỗ Đại khoa, trong đó có 2 vị đỗ Bảng nhãn, 2 vị đỗ Thám hoa, 34 vị đỗ Tiến sỹ, 1 vị Phó bảng. Làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang có số người đỗ Đại khoa nhiều nhất huyện - 8 vị, họ Ngô có tới 5 vị Đại khoa, trong đó có 3 vị Hoàng giáp. Các thôn làng khác của xã Tam Giang có 3 vị Đại khoa - thôn Như Nguyệt có 2 vị (Hứa Tam Tỉnh đỗ Bảng nhỡn, còn gọi là “Trạng Ngọt”; Nguyễn Quang Tán đỗ Tiến sỹ) và thôn Đông có 1 vị đỗ Đại khoa - Lê Duy Đản. Như vậy xã Tam Giang có 11 vị đỗ Đại khoa. Thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt có 4 vị với hai cha con đều đỗ Đại khoa - Ngô Phúc Tinh và Ngô Khánh Nùng. Thôn Đông Xuất, xã Đông Thọ và thôn  Phú Mẫn, thị trấn Chờ đều có 3 vị đỗ Đại khoa. Thôn Đông Xuyên, xã Đông Tiến có 2 vị đỗ Đại khoa là hai cha con Nguyễn Thừa Hưu và Nguyễn An, thôn An Tập xã Yên Phụ có 2 ông cháu đều đậu Đại khoa là Bảng nhãn Nguyễn Chiêu Huấn và Tiến sỹ Nguyên Khắc Khoan.

Trong số 14 xã, thị trấn của huyện Yên Phong thì 11 xã có người đỗ Đại khoa, những xã còn lại đều có người đỗ Cử nhân, Tú tài. Điều này chứng tỏ truyền thống hiếu học khoa bảng của Yên Phong rất vẻ vang, nhân kiệt khoa bảng có ở mọi vùng địa linh.

Để phát huy truyền thống giáo dục khoa bảng vẻ vang của quê hương, ngay từ thời xưa, nhân dân Yên Phong đã xây dựng Văn chỉ hàng huyện, hàng tổng, hàng xã và các nhà thờ gia tộc… làm nơi giáo dục truyền thống hiếu học khoa bảng cho các thế hệ kế tiếp. Văn chỉ hàng huyện Yên Phong xưa được xây dựng ở xã Yên Phụ - là văn chỉ duy nhất trong 8 văn chỉ hàng huyện ở tỉnh Bắc Ninh hiện còn bia đá ghi khắc tên tuổi khoa danh của 41 vị Tiến sỹ thời xưa của cả huyện. Hàng tổng, hàng xã, thôn làng và các gia tộc phần nhiều đều xây dựng các văn từ, văn chỉ, từ đường gia tộc… làm nơi giáo dục phát huy truyền thống cho cho thế hệ kế tiếp.

Ngày nay, để phát huy truyền thống hiếu học khoa bảng vẻ vang của cha ông, chính quyền các cấp và nhân dân các địa phương huyện Yên Phong rất quan tâm, chú trọng tới việc khôi phục, xây dựng, xếp hạng các di tích lịch sử văn hóa phản ánh sâu sắc về truyền thống hiếu học khoa bảng vẻ vang của cha ông. Đặc biệt là hệ thống từ đường, nhà thờ các gia tộc. Công tác khuyến học ở các cấp, thôn làng, gia tộc đều được Đảng, Chính quyền và nhân dân đặc biệt chú trong quan tâm. Nhiều hội khuyến học được thành lập và hoạt động có hiệu quả tích cực.

                                                                                                                                                                                                       LÊ VIẾT NGA

Yếu tố địa linh nằm trong yếu tố thứ hai (điều kiện xã hội và địa lý tự nhiên), cùng hai yếu tố huyết thống (di truyền) và điều kiện vật chất (kinh tế), cấu thành truyền thống hiếu học - khoa bảng vẻ vang của huyện Yên Phong nói riêng và Bắc Ninh - Kinh Bắc nói chung./.