Thành công của phim Ký sinh trùng

"Ký sinh trùng" trở thành phim Hàn Quốc đầu tiên giành giải Quả cầu vàng

HOÀI ANH   -   Thứ hai, 06/01/2020 10:08 (GMT+7)

Thành công của phim Ký sinh trùng

Bộ phim Ký sinh trùng (Parasite) đã xuất sắc giành giải Phim nước ngoài hay nhất tại lễ trao giải Quả cầu vàng 2020.

Sáng 6.1 (theo giờ Việt Nam), lễ trao giải Quả cầu vàng 2020 được tổ chức tại khách sạn Beverly Hilton ở Beverly Hills, California (Mỹ). Đây là sự kiện do Hiệp hội Báo chí Nước ngoài tại Hollywood (HFPA) tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các thành tựu trong cả lĩnh vực truyền hình lẫn điện ảnh.

Tại lễ trao giải năm nay, bộ phim Ký sinh trùng của đạo diễn Bong Joon-ho đã xuất sắc "hạ gục" 4 bộ phim khác cùng hạng mục để giành giải Phim nước ngoài hay nhất. Tác phẩm làm nên lịch sử khi là phim Hàn Quốc đầu tiên nhận được giải thưởng này.

Phát biểu tại lễ trao giải, đạo diễn Bong Joon Ho hài hước nói: "Nếu chúng ta có thể vượt qua qua rào cản ngôn ngữ bằng cách đọc phụ đề, chúng ta có thể xem được nhiều phim rất hay".

Thành công của phim Ký sinh trùng
"Ký sinh trùng" giành giải Phim nước ngoài hay nhất. 

Trước đó, "Ký sinh trùng" cũng được giới chuyên môn đánh giá rất cao. “Tác phẩm hoàn toàn không gặp bất cứ trở ngại gì để được vinh danh ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Hiện tượng của điện ảnh xứ kim chi nhận được sự yêu thích từ khán giả Hollywood, bao gồm cả HFPA (Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood”, tờ Variety nhận định.

Ngoài Quả cầu vàng, kiệt tác điện ảnh của đạo diễn Bong Joon Ho còn từng giành Cành cọ vàng danh giá ở Liên hoan phim Cannes 2019. 

Thành công của phim Ký sinh trùng
Thành công của phim Ký sinh trùng
Những hình ảnh trong bộ phim “Ký sinh trùng“.

"Ký sinh trùng" là bộ phim về 2 tầng lớp xã hội hoàn toàn tách biệt với nhau - giới nhà giàu hay còn gọi thượng lưu và giới nhà nghèo hay còn gọi là hạ lưu. Trong khi một bên có thể tận hưởng tất cả mọi thứ tốt nhất trên đời, kẻ hầu người hạ thì tầng lớp còn lại là những kẻ phải sống trong hoàn cảnh túng thiếu, không việc làm, không đồ ăn và phải tìm mọi cách để tồn tại thậm chí là lừa dối người khác.

Bộ phim đã đạt được thành công lớn tại thị trường quốc tế khi mang về doanh thu trên 23 triệu USD tại thị trường Mỹ và trên 128,8 triệu USD trên toàn cầu.

Bộ phim cũng đã trở thành bộ phim nước ngoài thành công nhất ở Anh. Từ ngày phát hành tại Anh vào ngày 7/2 - 6/3, "Ký sinh trùng" đã thu về 11,1 triệu bảng (khoảng 14,5 triệu USD). Ở Bắc Mỹ, nó đã sở hữu mốc doanh thu 52,8 triệu USD. Điều này làm cho kiệt tác điện ảnh Hàn Quốc trở thành bộ phim nước ngoài có doanh thu cao thứ tư ở Bắc Mỹ sau bộ phim "Ngoạ hổ tàng long", "Life is beautiful" và "Hero". Trên toàn cầu, Parasite đã kiếm được hơn 245,9 tỷ USD và tổng doanh thu vẫn tiếp tục tăng lên./.

Cốt truyện hấp dẫn, nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh ấn tượng, nội dung nhân văn sâu sắc… đã làm nên thành công vang dội của Ký sinh trùng - phim đạt giải Cành cọ vàng Liên hoan phim Cannes, được trao 4 giải trong Lễ trao giải Oscar lần thứ 92. Ở bộ phim này, vấn đề thân phận con người được thể hiện một cách ám ảnh, day dứt.

1. Cuộc chiến sinh tồn và đặc tính ký sinh trùng của con người

Cuộc chiến của sự sinh tồn

 Cuộc chiến sinh tồn của con người trong phim Ký sinh trùng diễn ra theo quy luật cá lớn nuốt cá bé khi có mâu thuẫn về quyền lợi. Tiêu biểu là cuộc chiến giữa gia đình họ Kim và vợ chồng bà quản gia Moon-gwang. Trước hết, gia đình họ Kim thôn tính vị trí của những người làm trong nhà Chủ tịch Park bằng những âm mưu: thế chỗ tài xế Yoon bằng ông bố Kim Ki-taek; lập kế hoạch đẩy bà Moon-gwang ra khỏi nhà để bà mẹ Chung-sook thế vào vị trí quản gia… Tính bầy đàn, tập thể, phối hợp nhịp nhàng của những người trong gia đình họ Kim được đặc biệt thể hiện thông qua yếu tố âm nhạc trong phim. Nhất là ở trường đoạn đêm mưa, âm nhạc như bản khiêu vũ làm nên tiết tấu với sự hài hòa về hành động một cách đặc biệt giữa các thành viên họ Kim: người đun nước nấu ăn, người thu dọn hiện trường đánh nhau tại phòng khách, người đánh nhau dưới hầm… Kết quả là gia đình ông Kim đã lần lượt đẩy được hai người làm thân tín của Chủ tịch Park đi, để cả gia đình trở thành người làm cho ông Park. Họ đã có những phút giây hưởng thụ hạnh phúc bên nhau trong gia đình ông Park, một cách lén lút, ngắn ngủi.

Đến giữa phim, cuộc chiến sinh tồn thực sự diễn ra trực diện giữa hai gia đình mâu thuẫn quyền lợi là gia đình nhà ông Kim và hai vợ chồng quản gia cũ Moon-gwang. Không gian cuộc chiến diễn ra trong nhà Chủ tịch Park, cả ở dưới căn hầm bí mật mà những người họ Park không hề biết. Trong không gian thiếu sáng, họ tìm cách tiêu diệt nhau một cách triệt để nhằm sinh tồn. Khúc cuối phim, khi chồng của Moon-gwang giết gia đình nhà ông Kim, cuộc chiến đó không phải sinh tồn, mà để trả thù. Nó diễn ra ở không gian sáng, không gian nhà - vườn của ông Park.

Đặc biệt, cá lớn nuốt cá bé còn xảy ra giữa gia đình họ Kim và gia đình chủ tịch Park. Tuy ông Park là người đàn ông thành đạt, chủ tịch tập đoàn, nhưng lại thua trò lừa gạt, thói lưu manh của gia đình họ Kim. Phu nhân của Park là Yeon-kyo dễ dàng bị để gia đình nhà họ Kim dắt mũi. Giả dối đã là một đặc tính của xã hội tư bản hiện đại - kẻ gian dối và người bị gian dối. Ki-woo sau khi có được tình cảm của con gái ông Park đã tính đến việc sẽ thuê ai đó đóng giả bố mẹ mình trong đám cưới sau này với cô bé. Bố mẹ Ki-woo không hề phản đối, họ cho đó là điều bình thường. Em gái Ki-woo từng đóng giả người nhà trong rất nhiều đám cưới, cô thừa nhận có lúc mình nhận được hoa cưới từ một cô dâu mà không hề biết đó là ai. Chấp nhận sự giả dối như một lẽ thường, họ khen nhau dạo này đóng kịch tốt thế… Tất cả nguyên nhân cũng chỉ vì miếng cơm manh áo để gia đình nghèo ấy có thể tồn tại.

Thành công của phim Ký sinh trùng

Một cảnh trong phim Ký sinh trùng - Ảnh: internet

Tất cả cuộc chiến sinh tồn trong Ký sinh trùng được thể hiện bằng kết cấu vừa cổ điển, vừa hiện đại. Có ý kiến cho rằng đây là bộ phim được kết cấu 5 hồi rất mới mẻ, nhiều lớp lang. Tuy nhiên, những câu chuyện trọn vẹn thường kết cấu bởi cụm từ khóa: mở - thân - kết (đưa ra vấn đề - phát triển vấn đề - kết thúc vấn đề). Cho nên có thể quy kết cấu bộ phim về ba hồi. Theo kết cấu 3 hồi và logic nhân quả, thì nhân vật và hệ thống sự kiện phim như sau: nhật vật chính là những thành viên trong gia đình họ Kim. Hồi đầu tiên với sự kiện nền là người bạn thân của Ki-woo đến tặng hòn đá với ý nghĩa phong thủy về sự thịnh vượng và giới thiệu Ki-woo đi dạy tiếng Anh; sự kiện lớn đầu tiên là Ki-woo được nhận làm gia sư trong nhà họ Park, cậu ta chợt nảy ra sáng kiến giới thiệu em gái mình làm gia sư dạy vẽ cho con trai út họ Park. Hồi thứ hai, sự kiện mang tính chất điểm xoay, vào phút thứ 107 là bà quản gia cũ Moon-gwang trở về, căn hầm bí mật bị bại lộ. Lúc này, cuộc chiến sinh tồn thực sự bắt đầu giữa hai gia đình: gia đình họ Kim và gia đình của bà quản gia cũ. Không gian chủ đạo của trận chiến là ở căn hầm bí mật đó. Hồi thứ hai của phim kết thúc bằng sự kiện chồng bà quả gia Moon-gwang thoát khỏi căn hầm, cầm dao truy sát những người trong gia đình họ Kim. Sang hồi thứ ba, cao trào được đẩy lên cao độ - đó là hành động lái xe Kim cầm dao đâm chết ông chủ (ngài Park). Về bề nổi, Chủ tịch Park không phải là đối thủ, kẻ thù của những người trong gia đình Kim, tuy nhiên, ông Park cùng với sự phân biệt về mùi (biểu hiện của phân biệt đẳng cấp) của ông đã làm nỗi đau, sự thâm thù trong lòng hình thành một cách từ từ, hiện diện vô thức nhưng mạnh mẽ mà chính người mang mối thâm thù đó cũng không hề biết nó tồn tại. Kết phim, cả ba gia đình đều tan nát, đều có người chết. Nỗi đau về vật chất và tinh thần hiển hiện, ám ảnh người xem.

Đặc tính ký sinh trùng của loài người như một lựa chọn yếu hèn về lối sống

Trong sinh tồn, ngoài cá lớn nuốt cá bé, tiêu diệt nhau để giành con mồi, hình thức tồn tại của các sinh vật vô cùng đa dạng, có thể là cộng sinh - cộng tác, hai bên cùng có lợi, cũng có thể là ký sinh - một đối tượng sống phụ thuộc hoàn toàn vào đối tượng khác… Trong phim Ký sinh trùng, đặc tính ký sinh được thể hiện rất rõ.

Tiêu biểu “ký sinh trùng” của bộ phim này là hai người đàn ông: Oh Geun-sae và Kim Ki-taek. Oh Geun-sae là chồng của quản gia Moon-gwang, từng làm chủ tiệm bánh Đài Loan nhưng buôn bán thua lỗ, để lại một món nợ và luôn bị truy đuổi. Để trốn chạy, ông ta sống lén lút trong căn hầm bí mật của gia đình họ Park, hằng ngày được vợ tiếp tế đồ ăn, thức uống và rất thoải mái với cuộc sống đó. Tuy nhiên, để khắc họa sâu sắc hơn nữa về cuộc sống ký sinh của nhân vật này, đạo diễn đã khéo léo xây dựng những phân đoạn phim đắt giá: Oh Geun-sae ra khỏi căn hầm để trả thù. Người đàn ông gầy gò thoáng loạng choạng khi bắt gặp ánh nắng… Đã sống quá lâu dưới hầm như một con ký sinh trùng bí mật, ông ta chưa quen với ánh nắng mặt trời. Thật đáng tiếc, cuộc sống trở lại làm người một cách minh bạch của ông ta lại gắn với kết cục thương đau: giết người và bị người giết. Người thứ hai là Kim Ki-taek, người đàn ông trụ cột trong gia đình họ Kim, sau khi giết người (Chủ tịch Park) đã chọn phương án là trú ẩn trong căn phòng bí mật, sống khổ sở, cầm cự cho qua ngày để trốn tránh sự truy lùng của cảnh sát.

Điều đáng lưu ý ở cuộc sống ký sinh này là thái độ tiếp nhận của hai người đàn ông hoàn toàn khác nhau: người hài lòng - người chán nản, nhưng chính họ chủ động lựa chọn. Cả hai đã trốn chạy lỗi lầm, thất bại của bản thân để sống chui lủi trong nhà người khác như một ký sinh trùng trên vật chủ. Nếu như trong giới động - thực vật, sống ký sinh là cách tồn tại mà Thượng Đế phú cho loài sinh vật đó, thì con người, đó là sự chủ động lựa chọn cách sống. Chính điều ấy làm nên bi kịch của bộ phim.

2. Biểu tượng cầu thang và mùi hương gắn với mặc cảm về sự phân cấp xã hội

Trong phim Ký sinh trùng, ranh giới giữa người giàu và người nghèo được phân biệt rất rõ nét. Tiền bạc không chỉ tạo ra hai thế giới sinh hoạt khác biệt - người giàu sống trong cuộc sống xa hoa, nhà cửa lộng lẫy; người nghèo sống trong những căn nhà tối tăm, khu hầm bí mật, trong nước cống… mà còn chi phối đến tâm tư, tình cảm, lối nghĩ. Tiêu biểu như gia đình họ Kim, tất cả các nhân vật đều thể hiện bản lĩnh và trí thông minh trong mọi tình huống, hỗ trợ, phối hợp với nhau nhịp nhàng, tiêu biểu là trường đoạn đêm mưa gió họ bị vợ chồng bà quản gia Moon-gwang phát hiện ra bí mật, tìm cách phanh phui và gia đình Chủ tịch Park đột ngột trở về. Chỉ trong 8 phút ngắn ngủi, 4 con người tương hỗ và chủ động hành động thành công đến mức chiến thắng cả hai gia đình còn lại: gia đình Moon-gwang bị tống xuống hầm; gia đình Park tiếp tục bị lừa bịp - họ ăn, cãi cọ, làm tình bên nhau mà không hề biết 3 cha con nhà họ Kim nằm dưới bàn uống nước ngay bên cạnh… Ngược lại, những người giàu trong gia đình Park không phải không thông minh. Tiêu biểu qua tình huống vợ chồng ông Park bàn về chiếc quần lót bị bỏ lại trên xe của lái xe Yoon, nhưng tính cách cơ bản của vợ ông Park lại “đơn thuần và lương thiện”.

Hình ảnh lặp đi lặp lại trong bộ phim là chiếc cầu thang, đã trở thành biểu tượng thể hiện sự phân cấp xã hội. Trong cả bộ phim, tập trung nổi bật sự đối lập giữa những bậc thang đi lên thế giới của người giàu và đi xuống thế giới của người nghèo là ở hai trường đoạn: trường đoạn con trai lái xe Kim xin việc (đi từ nhà mình đến gia đình Chủ tịch Park) và trường đoạn đêm mưa, những người trong gia đình Kim phải gấp gáp và lén lút rời khỏi nhà ông Park để trở về ngôi nhà ngập trong nước mưa, nước cống… của mình.

Sâu thẳm của mọi sự mặc cảm đều đến từ sự yếu đuối và tính thiếu thốn. Gia đình ông Kim, nhất là ông Kim đã luôn ám ảnh về chính thứ mùi từ thân thể mình và người thân của mình. Đó là mùi của người nghèo, giống “mùi khi luộc một miếng giẻ (…) thi thoảng em sẽ ngửi thấy nó trên tàu điện ngầm” qua miệng của ông Park nói chuyện với vợ. Thứ mùi đó xông xuống ghế sau ô tô - chỗ ngồi của ông Park khiến ông khó chịu, khiến vợ ông phải mở cửa kính ô tô ra cho thoáng,… Lần nào ông Kim cũng chịu đựng, giống như một người nghèo khổ chấp nhận chịu đựng hoàn cảnh của mình một cách bất lực. Đỉnh điểm là khi chứng kiến Chủ tịch Park bịt mũi lúc đối diện với thân thể người đàn ông nghèo (chồng của bà quản gia Moon-gwang), Kim Ki-taek đã không nén được nỗi hận liền cầm dao xông lên đâm ông Park. Cảnh phim được làm rất khéo, không âm nhạc, cảnh quay chậm… cho thấy đó thực sự là kết quả bột phát của một quá trình. Nó như một nốt lặng của toàn bộ bản nhạc (nhất là với một bộ phim sử dụng rất hiệu quả âm thanh như Ký sinh trùng), như một sự nín thở… khiến người xem quá bất ngờ, và buộc phải suy ngẫm. áo quần, tiền bạc, đẳng cấp có thể khác nhau, nhưng cái chết của Park khiến ta nhận ra rằng mạng sống của con người đều bình đẳng và mong manh như nhau. Vô thức làm tổn thương người khác, có thể bạn sẽ nhận một cái giá quá đắt mà không kịp biết tại sao thương đau lại giáng xuống đầu mình. Sức mạnh cảnh báo của bộ phim còn nằm ở khía cạnh đó.

Mặc cảm về phân cấp xã hội không chỉ đến từ những người yếu đuối, thấp kém về tiền bạc, địa vị, mà còn đến từ chính những người có địa vị cao như gia đình ông Park. Khi cầm vào chiếc quần lót bị để lại trên xe, vợ ông Park phải đeo găng tay, họ thấy bẩn thỉu, khó chịu và lo sợ… thế nhưng khi làm tình họ lại nhắc lại chiếc quần lót rẻ tiền đó để tăng khoái cảm cho nhau. Khi được lái xe Kim hỏi về tình cảm với vợ của mình: “Nhưng anh vẫn yêu cô ấy đúng không?”, ông Park trả lời một cách không dứt khoát: “Tất nhiên rồi, tôi yêu cô ấy. Đó chính là tình yêu”. Có lẽ, chẳng ai yêu thực sự mà phải ngẫm nghĩ, khẳng định lại với người khác cũng là với chính mình như vậy. Tất cả thể hiện một cuộc hôn nhân ở mức giới hạn vừa phải - đúng quy tắc của Chủ tịch Park, không quá nhạt nhẽo, nhưng cũng không thể nói đó là cuộc hôn nhân hạnh phúc thắm nồng… Suy cho cùng, tiền vẫn không phải là đáp số cho tất cả. Khi thiếu tiền như gia đình ông Kim, người ta cho rằng tiền là tất cả, vì tiền mà có thể giết người diệt khẩu, nhằm hòa nhập vào thế giới giàu có. Chính vì thế Ki-woo mới có động lực bê tảng đá xuống tầng hầm sẵn sàng giết người để rồi chuốc lấy cái kết bi thảm. Khi thừa tiền như gia đình ông Park, người ta vẫn sống trong bị động, lo sợ và bị lừa gạt. Đó là nỗi lo cậu con trai út bị tổn thương tâm lý, lo lái xe dắt gái về làm chuyện bậy bạ, lo bà quản gia bị ho lao… Như vậy, mỗi người mỗi cảnh nhưng sự sợ hãi, lo toan, lập kế hoạch… đã trở thành mẫu số chung cho thân phận nhỏ bé của con người.

3. Tính thiện và ranh giới giữa thiện tính, ác tính

Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, có thể ác với người này nhưng lại tốt với người kia, vì thế, tính thiện của họ khó lòng bị tiêu diệt hoàn toàn trong nhiều hoàn cảnh. Tuy cái kết của bộ phim bi thương, những nhân vật trong phim đã ác một cách cố tình hoặc vô ý với người khác, nhưng không nhân vật nào xấu hoàn toàn. Ki-woo có tình cảm với con gái chủ tịch Park là có thật, cũng giống như mọi rung động của những thanh niên mới lớn. Mọi thành viên trong gia đình Kim đều thương yêu, biết quan tâm lẫn nhau. Bà Moon-gwang dù bị “tổn thương não” luôn thương chồng, cố giải thoát cho chồng. Người chồng vì nỗi đau mất vợ mà sẵn sàng đoạt mạng để trả thù - một hành động tội ác xuất phát từ tâm ý rất thiện, đó là tình yêu đối với người vợ. Còn về gia đình nhà ông Park, tất cả đều thể hiện tâm lý không phức tạp, chồng nhường và chiều vợ, vợ thương chồng, mẹ chiều con, chị nhường em, bố mẹ cưng con cái… Thế nhưng, hình ảnh gần cuối phim, ông Kim vừa đâm chết Chủ tịch Park là một ẩn ý rõ ràng của đạo diễn. Ông Kim bước đi giữa ranh giới: nền đất có ánh nắng sáng và một phần ngả bóng màu đen… cho thấy giữa cái thiện và cái ác, giữa tự ái và hận thù, giữa cuồng sát và yêu thương chỉ một lằn ranh rất mong manh, khi không kiểm soát tốt, con người sẽ giẫm chân vào tội ác. Vì lo cho gia đình mà 2 con của ông Kim đã đẩy những người làm thiết thân của chủ tịch Park đi, để rồi chính họ cũng hối lỗi. Khi nghe thấy cha tự hỏi về lái xe Yoon: “Chắc cậu ta tìm được việc khác rồi nhỉ?”, em gái Ki-woo lập tức ngồi dậy phản đối: “Chết tiệt, thật là! (…) Lo thân mình trước đi, được chứ?”. Ở khía cạnh nào đó, cô gái sợ tội ác của chính mình và muốn quên nó. Vì mặc cảm về người nghèo, mà trong giây phút không kiểm soát ông Kim đã giết người. Cái kết của phim, nhiều người cho rằng đó là cái kết đáng buồn, khi mà Ki-woo quyết tâm kiếm tiền, được cho là nô lệ của đồng tiền… Cũng không nên quên rằng động lực cho việc kiếm tiền đó là muốn mua lại ngôi nhà nơi cha mình đang sống chui lủi dưới tầng hầm để giải thoát cho cha. Con người luôn có và luôn cần động lực cải tạo cuộc sống, lại một kế hoạch mới được vạch ra… Nhưng thiện, ác vẫn chỉ cách nhau một lằn ranh rất nhỏ.

Có lẽ, những tác phẩm với cái kết có hậu khiến con người tiếp nhận thêm niềm tin vào điều tốt, điều thiện… thì tác phẩm nghệ thuật như Ký sinh trùng với cái kết mở bi thương, day dứt về vấn đề thân phận con người như thôi thúc mỗi người hãy sống tốt hơn, lương thiện và con người hơn.