Terraform la gi

Terraform được đánh giá là một công cụ được sử dụng nhiều nhất quy trình tự động hóa cơ sở hạ tầng. Tự động hoá luôn là một trong những chìa khóa quan trọng để nâng cao chất lượng và cải thiện hiệu suất công việc trong quá trình phát triển phần mềm.

1. Tại sao cần Terraform?

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ điện toán đám mây, nổi bật như là Amazon Web service, Microsoft Azure, Google Cloud Platform,.. thì việc xây dựng cơ sở hạ tầng trở nên đơn giản, dễ dàng hơn bao giờ hết. 

Chỉ cần thực hiện thao tác thông qua giao diện quản lý của các nhà cung cấp dịch vụ, ta đã có thể thuê được một máy chủ, một hệ quản trị cơ sở dữ liệu quan hệ, thiết lập được một hệ thống hạ tầng để triển khai ứng dụng. Nhưng bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của các hệ thống thông tin, các cơ sở hạ tầng cần triển khai cũng trở nên phức tạp hơn trước. Việc thay đổi, cải tiến cần phải linh hoạt cũng như nên được diễn ra thường xuyên hơn.

Chính vì thế, với cách quản lý thủ công khi phải xây dựng một hệ thống hạ tầng phức tạp, người thực hiện phải mất hàng giờ đồng hồ để hoàn thành. Điều này dễ dẫn đến việc xuất hiện nhiều vấn đề sai sót trong quá trình thực hiện. Và công cụ hỗ trợ tự động hoá xây dựng hạ tầng Terraform ra đời để giải quyết những vấn đề nêu trên.

2. Terraform là gì?

Terraform là một công cụ mã nguồn mở, giúp tự động hóa việc xây dựng, thay đổi, quản lý phiên bản cơ sở hạ tầng một cách an toàn, hiệu quả, chính xác.

Khi sử dụng Terraform chúng ta sẽ cần định nghĩa, mô tả hạ tầng dưới dạng file mã nguồn bằng ngôn ngữ HCL, dựa vào thông tin mô tả trong file đó Terraform sẽ tự động tương tác với Cloud Provider để tạo, sửa đổi, cấu hình các tài nguyên cơ sở hạ tầng cần thiết.

Terraform la gi

Terraform là gì?

3. Những lợi ích mà Terraform mang lại?

3.1 Nâng cao tính chính xác, tiết kiệm thời gian thực hiện

Với việc định nghĩa file mô tả hạ tầng một lần và tái sử dụng lại, Terraform giúp chúng ta tự động hóa việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Chúng đảm bảo hạ tầng được xây dựng một cách chính xác loại bỏ những sai lầm có thể xảy khi thực hiện thủ công.

Hạ tầng được xây dựng bởi Terraform cũng đảm bảo được tính nhất quán giữa các môi trường do được xây dựng từ cùng một file. Điều này sẽ loại bỏ được những sai lệch giữa các môi trường phát triển, kiểm thử, production. Đảm bảo kết quả quá trình kiểm thửchính xác, đồng nhất giữa các môi trường. 

Thời gian xây dựng hạ tầng sẽ được rút ngắn do các bước thực hiện thủ công nay đã được thay bằng các câu lệnh tự động. Khi cần xây dựng hạ tầng cho một môi trường mới hay là thay đổi hạ tầng cho tất cả các môi trường có sẵn, ta chỉ cần thực hiện chạy file mô tả với Terraform. Mọi thay đổi sẽ diễn ra như bạn mong muốn, không cần phải tạo lại từ đầu hay sửa đổi hạ tầng ở tất cả môi trường sao cho đồng nhất với nhau.

3.2 Quản lý phiên bản thay đổi

Ta có thể theo dõi được quá trình phát triển, thay đổi của hạ tầng bằng cách sử dụng các công cụ theo dõi phiên bản đối với file mô tả hạ tầng. Từ đó ta có thể dễ dàng, nhanh chóng sửa đổi hạ tầng về một phiên bản cũ nếu quá trình thay đổi xảy ra vấn đề.

3.3 Tài liệu hóa thông tin hạ tầng

Theo quy trình truyền thống với cách thực hiện quản lý cơ sở hạ tầng thủ công, để hỗ trợ quá trình phát triển, vận hành hệ thống thì chúng ta cần xây dựng tài liệu mô tả thông tin và các bước thực hiện, nhưng khi sử dụng Terraform thì chúng ta không cần xây dựng các tài liệu đó vì các thông tin cần thiết đã được thể hiện trong file mã nguồn HCL được dùng để xây dựng hạ tầng.

3.4 Hỗ trợ cộng tác, tái sử dụng

Do cơ sở hạ tầng được quản lý bằng cách sử dụng ngôn ngữ lập trình HCL để mô tả nên các lập trình viên có thể dễ dàng cộng tác, làm việc với nhau để cùng xây dựng.

Các lập trình viên cũng có thể tạo ra các module chung để tái sử dụng cho các dự án sau này, giúp cho quá trình xây dựng hạ tầng cho một hệ thống mới trở nên nhanh hơn, đơn giản hơn thay vì phải thực hiện lại mọi thứ từ đầu.

3.5 Làm việc đồng thời với nhiều Cloud Provider

Chúng ta có thể sử dụng Terraform để làm việc với nhiều nhà cung cấp dịch vụ tính toán khác nhau như: Amazon Web Service, Microsoft Azure, Google Cloud Platform, Kubernetes, VMWare... 

Việc sử dùng Terraform để làm việc với nhiều dịch vụ khác nhau giúp quản lý đồng thời các tài nguyên trên nhiều nền tảng khác trở nên dễ dàng, tiện lợi hơn.

4. Kết luận

Trên đây là giải thích của mình về Terraform và những lợi ích mà Terraform mang lại khi áp dụng vào dự án. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đọc sẽ có thêm thông tin nếu muốn lựa chọn Terraform làm công cụ quản lý hạ tầng. 

Rabiloo tự hào là một trong những công ty công nghệ đã và đang hợp tác với nhiều công ty ở nhiều đất nước: Nhật Bản, Mỹ, Pháp… Nếu bạn có nhu cầu phát triển phần mềm, phát triển website, trí tuệ nhân tạo… hay mong muốn thuê một nhóm lập trình viên giàu kinh nghiệm trình độ cùng triển khai dự án công nghệ. Đừng ngần ngại hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay nhé.