Tại sao nước ta luôn chú trọng phát triển kinh tế ở các vùng sinh sống của đồng bào dân tộc ít người

Tìm hiểu nội dung các văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng

Ðề cao vai trò, vị trí của đồng bào dân tộc thiểu số trong chiến lược phát triển đất nước

Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng đã xác định tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030 và các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ XIII.

Trong nhiều nội dung quan trọng thời gian tới, Nghị quyết của Ðảng đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước.

Trong vai trò và vị trí đó có đồng bào các dân tộc thiểu số với số dân chiếm khoảng 14-15% số dân cả nước; ở vùng miền núi chiếm ba phần tư diện tích cả nước ta, có khoảng 25 - 30 triệu dân sinh sống. Vùng miền núi và dân tộc đó có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt. Những năm qua, Ðảng và Nhà nước, đồng bào cả nước vẫn luôn quan tâm, đầu tư đến vùng miền núi, dân tộc thiểu số, như có Chương trình 327, 30a, 135, nhiều chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, di dân tái định cư xây dựng các công trình thủy điện... Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân có nhiều đổi mới và tiến bộ so với thời chưa đổi mới. Thế nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Vùng này tuy có tiềm năng và thế mạnh, nhưng vẫn còn yếu thế về nhiều mặt. Báo cáo của Ủy ban Dân tộc trình tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIV cho biết, đây là vùng khó khăn nhất nước, còn nhiều điểm thấp nhất so với cả nước, khoảng cách chênh lệch về các mặt giữa các vùng và các dân tộc vẫn chưa được thu hẹp...

Triển khai, đưa Nghị quyết Ðại hội XIII vào cuộc sống, mong Ðảng và Nhà nước, các cấp ủy và tổ chức đảng, các cấp và các ngành cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng miền núi nước ta. Muốn đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của đồng bào các dân tộc thiểu số trong chiến lược phát triển đất nước, có nhiều việc phải làm. Ở đây, tôi xin gợi mở một số vấn đề.

1. Phải xác định đúng tầm vấn đề dân tộc, đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lớn trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Chúng ta không nên nghĩ rằng, "dân tộc là vấn đề cũ, đã giải quyết xong" mà phải thấy "vấn đề cũ" trong tình huống mới Vấn đề dân tộc có tính đặc thù quan trọng, liên quan quốc gia và quốc tế, có tính thời sự cấp bách và rất nhạy cảm. Ðây là vấn đề vừa chiến lược cơ bản, lâu dài; đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của nước ta. Ở nước ta, nếu chúng ta chậm thực hiện việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch về các mặt giữa các vùng và các dân tộc, nhất là trong lĩnh vực đời sống và công tác cán bộ dân tộc, văn hóa sẽ làm giảm lòng tin của đồng bào các dân tộc với Ðảng và Nhà nước. Ðể khoảng cách giàu - nghèo quá lớn, không có cách giải quyết tốt, sẽ dẫn đến mất ổn định chính trị - xã hội.

2. Báo cáo chính trị Ðại hội XIII đã nói về đầu tư phát triển vùng miền núi, dân tộc thiểu số. Có ý kiến cho rằng, chính sách kinh tế của ta đối với các dân tộc thiểu số như là "đổ dầu vào đèn, cháy hết rồi lại đổ cho đèn khỏi tắt"; hiệu quả kinh tế ít thành công, chưa phát huy được sức mạnh của các dân tộc trong phát triển kinh tế. Ðề nghị, từ nay các nghị quyết hay một chương trình cụ thể nào đó về đầu tư ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số, phải bảo đảm quyền phát triển bình đẳng giữa các dân tộc; xây dựng và phát triển bền vững vùng miền núi, dân tộc thành động lực của phát triển đất nước. Ðược như vậy, mới đáp ứng lòng mong đợi của đồng bào các dân tộc; vì sự phát triển của từng dân tộc, vùng miền núi luôn gắn với sự phát triển chung của đất nước; đề cao được vai trò và vị trí của các dân tộc thiểu số như mong muốn.

3. Một số cán bộ và đồng bào các dân tộc có băn khoăn, chưa rõ tính khả thi về một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 được đề ra trong Báo cáo chính trị. Như tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1-1,5% hằng năm. Liệu có thể giảm thêm được không? Nếu chỉ giảm được ở mức như vậy thì bao giờ có thể thu hẹp được khoảng cách giàu - nghèo giữa các dân tộc và giữa các vùng miền? Lâu nay có khẩu hiệu nói "vùng cao tiến kịp vùng thấp, miền núi tiến kịp miền xuôi", nhưng thực tiễn miền xuôi vẫn xây dựng và phát triển mạnh, có ngồi chờ miền núi tiến kịp đâu.

Một chỉ tiêu cần quan tâm là giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%. Chúng ta phải thấy thực tế về đất rừng của nước ta. Rừng tự nhiên ngày càng giảm, trồng ít, phá nhiều, 58% diện tích đất chưa có rừng che phủ, còn nhiều đồi núi trọc, đã và đang tác động lớn đến đời sống và sinh kế của đồng bào các dân tộc thiểu số. Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Lâm nghiệp năm 2017, nhưng thực tế thực thi Luật này ở nhiều nơi chưa được như mong muốn, còn nhiều bất cập. Ðồng bào dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi chiếm khoảng 12 trong số 15 triệu người, là những người dân sinh ra từ rừng, cũng là "dân ăn rừng", họ nói "rừng là cha, đất là mẹ, đất và rừng nuôi người, sống rừng nuôi, chết rừng chôn", nhưng hiện nay họ không sống được bằng nghề rừng. Nếu chúng ta không sớm khắc phục được tình trạng "mất rừng là một nguy cơ lớn" thì sẽ còn liên tiếp xảy ra "thiên tai, nhân họa", gây thiệt hại nhiều về người và tài sản như ở miền trung mới đây. Ngày nay, bảo vệ và trồng rừng cũng là bảo vệ Tổ quốc. Hãy yêu rừng, bảo vệ rừng thì rừng sẽ che chở, bảo vệ người; ngược lại thì hậu quả thật khôn lường. Cần phải lấy người nuôi rừng, lấy rừng nuôi rừng, lấy rừng nuôi người.

4. Lịch sử cách mạng của đất nước ta đã cho thấy mọi việc đều bắt nguồn từ dân, quan điểm "dân là gốc" là bài học lớn được đúc kết suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước được Ðảng ta vận dụng thành công. Nhân dân là người hiện thực hóa được mục tiêu, lý tưởng mà Ðảng đề ra. Việc then chốt là "lấy dân làm gốc", phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Ðảng và Nhà nước, các cấp và các ngành phải đến với mọi người dân, nắm được lòng dân, nghe dân nói, làm cho dân tin. Phải phát huy và động viên được sức mạnh của nhân dân, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, động lực chủ yếu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; bảo đảm quyền dân chủ trực tiếp và gián tiếp của người dân, chịu sự giám sát và phản biện của dân, bảo đảm dân chủ và kỷ cương phép nước; mọi việc làm phải xuất phát từ lòng dân; bảo đảm và giải quyết được hài hòa lợi ích hợp pháp, chính đáng của dân, làm lợi cho dân hưởng, cho dân giàu, nước mạnh, làm cho dân tin, dân theo Ðảng đến cùng.

Từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XIII, Ðảng và Nhà nước có ngay "cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số" như Báo cáo chính trị Ðại hội XIII đặt ra. Ðiều này sẽ giúp đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi cách nghĩ, cách làm cũ, mở ra được cách nghĩ, cách làm mới, khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đề cao được vai trò và vị trí, trách nhiệm của mình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong chiến lược phát triển đất nước. Thực tiễn cho chúng ta bài học lớn: Việc làm tốt phải được nhân lên; việc khó phải được bàn bạc; việc xấu phải được đấu tranh. Việc gì chưa thống nhất thì trực tiếp đối thoại với nhau cho "thấu tình, đạt lý"; tuyệt đối không áp đặt, không làm thay, không để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động gây rối, phá hoại.

LÙ VĂN QUE

Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc T.Ư