Tại sao không nên xa lánh người bị HIV

Đây là dịp để những người có HIV bày tỏ tâm tư nguyện vọng, chia sẻ cùng cộng đồng chung tay trong công cuộc phòng chống AIDS.

Là thành phố đông dân, dân số 1,8 triệu người, tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng, tiềm năng phát triển kinh tế cảng, biển lớn nhưng Hải Phòng cũng đang phải đối mặt với đại dịch HIV/AIDS. 15 quận, huyện đều có người nhiễm HIV. Ngay tại xã An Lư – nơi tổ chức Diễn đàn và là xã có dân số đông nhất huyện Thuỷ Nguyên tính đến thời điểm này có tới 119 người bị nhiễm, trong đó đã có 59 người đã chết. Nguyên nhân chủ yếu là do tiêm chích ma tuý (chiếm đến 81%), số còn lại là do quan hệ tình dục không an toàn (15,6%) và lây truyền từ mẹ sang con (3,4%).

Không kỳ thị xa lánh, hãy mở lòng, giang rộng vòng tay đối với người có HIV – đó là nguyện vọng của Trần Văn Hà (31 tuổi), Chủ nhiệm CLB Hoa Sen, xã An Lư và các thành viên CLB dù đã công khai hay còn chưa mạnh dạn công khai tình hình bệnh tật của mình gửi đến Diễn đàn. Năm 2001 do sử dụng ma tuý, phải xét nghiệm bắt buộc tại Trung tâm 06 Hải Phòng, biết mình nhiễm HIV, Hà đã sống trong tuyệt vọng, vô nghĩa. Nhưng cú sốc nặng nề hơn bội phần so với lần đầu phát hiện, đó là sự kỳ thị ngay từ người thân trong gia đình. Hà tâm sự: khi không còn gì để mất, Hà đã trở về, coi gia đình là chỗ dựa duy nhất để nương thân nhưng mọi người đã không còn tin Hà. Hà đã phải ăn riêng, ở riêng, 3 tháng đau ốm không ai dám đến gần chăm sóc, mẹ phải đeo găng tay khi giặt quần áo cho Hà. Đau đớn nhưng Hà cũng không oán trách bố mẹ và người thân bởi chỉ một điều đơn giản: họ đã thiếu hiểu biết về căn bệnh này. Hà đã bỏ đi xa với ước muốn: đoạn tuyệt với ma tuý và không còn nghe những lời xì xào, bàn tán, chỉ chỏ của những người xung quanh. Hà cũng đã làm tất cả mọi việc mà trước đây một cậu ấm con nhà giàu nhất xã như Hà chưa bao giờ phải làm như đánh giầy, trông xe, trồng rau, cấy lúa, chăn bò…Đến khi bệnh phát nặng, Hà đã về Hà Nội, đến Trung tâm y tế Cầu Diễn, Từ Liêm nằm điều trị. Chính nơi đây đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời của Hà. Hà đã được mời vào CLB Ánh Dương, được hỗ trợ, tạo điều kiện. Ý tưởng thành lập CLB Hoa Sen cũng được nhen nhóm từ đây. Được sự giúp đỡ của Đảng uỷ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và Tiến sỹ Phạm Kim Thanh (Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hải Phòng), tháng 6/2006 Hà đã đứng ra thành lập CLB Hoa Sen với số thành viên ban đầu là 10 người. Từ khi thành lập đến nay đã có 17 người được hỗ trợ uống thuốc ARV và CLB đã quyên góp được 7,8 triệu đồng tiền quỹ dùng để duy trì sinh hoạt và hỗ trợ các thành viên. Được giao lưu chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kiến thức, được hỗ trợ một phần kinh phí, được động viên, an ủi, đặc biệt là sự cảm thông, chia sẻ, số người tham gia sinh hoạt ngày càng nhiều hơn. Đến nay CLB đã thuhút được 97 thành viên. Điều Hà còn trăn trở là tuy nhiều người đã hiểu và không còn xa lánh như trước nhưng ở đây đó, sự kỳ thị vẫn còn. Nguyên nhân chính vẫn là do thiếu hiểu biết cặn kẽ về căn bệnh này. Đã có những trường hợp trong CLB của Hà, cho con đi học nhưng nhà trường không dám nhận bởi sức ép của phụ huynh học sinh; bệnh nhân AIDS đến cơ sở chữa bệnh bị các y, bác sỹ từ chối, giáo viên nhiễm HIV không được tiếp tục đứng lớp mà phải điều chuyển việc khác, các doanh nghiệp khi phát hiện nhân viên có HIV đã từ chối hoặc tìm cách cho làm những việc như lao công, dọn vệ sinh…Những việc làm đó dù vô tình hay hữu ý đã đẩy những người có HIV vào bước đường cùng, một số người đã có ý đồ trả thù đời làm tăng nhanh số người nhiễm và đẩy họ đến cái chết nhanh hơn.

Theo Đại đức Thích Thanh Lâm trụ trì chùa Bảo Quang, quận Ngô Quyền, TP. Hải phòng, người nhiễm HIV rất dễ bị tổn thương, rất cần sự chia sẻ của cộng đồng. Bản thân Đại đức Thích Thanh Lâm luôn sẵn sàng đến với cộng đồng, bất kể giờ giấc, có khi là 2 hoặc 3h sáng. Đôi khi chỉ đến để trò chuyện, tâm sự nhưng đã giải toả cho người có H rất nhiều. Họ đã tự tin hơn, sống có ích hơn và đặc biệt là có thái độ tích cực giảm lây nhiễm ra cộng đồng.

Còn đối với ông Nguyễn Minh Thuận, Bí thư Đảng uỷ xã An Lư thì huy động người có HIV tham gia công tác phòng chống là việc làm tối quan trọng. Chính vì vậy, ngay từ năm 1998, xã An Lư đã thành lập Câu lạc bộ Đồng cảm để thu hút sự tham gia của những người có H cùng những người thân trong gia đình bị ảnh hưởng và gần đây nhất là năm 2005, CLB Hoa sen mà hầu hết thành viên là những người nhiễm HIV đã ra đời thêm một lần khẳng định sự ủng hộ, tạo điều kiện của Đảng uỷ, chính quyền, các đoàn thể quần chúng cũng như người dân trong xã. Bằng sự gần gũi, cảm thông chia sẻ, đặc biệt là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, số người nhiễm HIV ngày càng giảm. Nếu như năm 2002 có 21 người nhiễm và 13 người chết thì đến năm 2007 chỉ còn 11 trường hợp nhiễm mới và 7 người tử vong do AIDS.

Tăng cường tham gia của người có HIV, đặc biệt là chống kỳ thị phân biệt đối xử với người có HIV đang là biện pháp mạnh Hội LHPN cũng như Đảng bộ, UBND thành phố Hải Phòng nỗ lực phấn đấu. Hiện tại thành phố đang duy trì 23 loại hình CLB cùng với đội ngũ trên 3.000 báo cáo viên, tuyên truyền viên đã góp phần giúp những người nhiễm HIV và người thân của họ vượt lên hoàn cảnh thực tại, bền bỉ hơn trong cuộc chiến giành giật sự sống. Tuỳ theo trình độ dân trí, nhận thức, hoàn cảnh, nông thôn, thành thị, các loại hình CLB vay vốn phát triển kinh tế phòng chống HIV/AIDS, CLB Dòng sông xanh tư vấn tại gia đình, CLB Ngôi sao xanh chăm sóc người có HIV tại gia đình, các CLB Đồng cảm, Niềm tin, Tuổi thơ, Mẹ vợ…đang tồn tại, phát triển, tạo nên thế cài răng lược thu hút ngày càng nhiều hơn người có HIV ở mọi lứa tuổi không những mạnh dạn, tự tin hoà nhập cộng đồng mà còn khẳng định vai trò hết sức quan trọng và không thể thiếu của họ trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS – bà Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội LHPN TP. Hải Phòng tâm sự với chúng tôi như vậy.

Tổng biên tập - 12 November 2021

Công tác phòng chống HIV/AIDS những năm gần đây, đặc biệt năm 2021 đã được nâng lên một tầm mới. Hiệu quả đã được đánh giá là có chiều hướng chững lại, tuy nhiên bên cạnh đó việc kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại. 

Tập huấn truyền thông, tư vấn, xét nghiệm HIV cho cán bộ tuyến huyện, thành phố

Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, người bị nhiễm HIV/AIDS không có nghĩa là họ đã làm gì sai. Do đó, đừng phân biệt đối xử với những người mắc bệnh này. Đoàn kết cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng HIV/AIDS. Bất cứ ai cũng có thể nhiễm HIV/AIDS, không phân biệt chủng tộc, tuối tác hoặc cả phẩm chất cá nhân khác.

Trước hết, phải thấy rằng, người nhiễm vi rút HIV là những bệnh nhân. Vì lý do này hay lý do khác, họ cũng chỉ là nạn nhân của bệnh dịch toàn cầu. Khi họ mắc bệnh thì cũng như bao người khác phải chịu tổn hại về sức khỏe, tâm lý. Trong khi cả hệ thống y tế đang ra sức chữa trị thì cộng đồng đừng vì thế mà “đeo vào cổ họ” thêm căn bệnh tinh thần không đáng có.

Điều ai cũng hiểu là nếu bản thân bị nhiễm bệnh sẽ gây hại trước hết cho bản thân, rồi tiếp đó là lây cho người thân, gia đình, bạn bè rồi mới đến những người quen, những người tiếp xúc. Vậy hỏi rằng có ai muốn như vậy?

Người bệnh, dù là ai, giàu hay nghèo, quan chức hay dân thường, đều được Nhà nước điều trị với chế độ chăm sóc công bằng và hết sức có thể để giúp họ khỏi bệnh.

Sự kỳ thị làm tổn thương tất cả mọi người bằng cách tạo thêm sự sợ hãi hoặc tức giận. Sự kỳ thị cũng có thể khiến người ta dễ giấu giếm bệnh và lẩn vào trong bóng tối, khiến họ không tiếp cận các biện pháp dự phòng, các dịch vụ chăm sóc, điều trị và cách giữ gìn sức khỏe. Điều này có nghĩa là sự kỳ thị có thể khiến việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh khó khăn hơn.

Sự kỳ thị có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, thể chất, cảm xúc và tâm thần của các nhóm người bị kỳ thị và cộng đồng nơi họ sinh sống. Những người bị kỳ thị có thể bị cô lập, trầm cảm, lo âu hoặc bị bêu xấu ở cộng đồng. Việc ngăn chặn sự kỳ thị là rất quan trọng để giúp tất cả các cộng đồng và thành viên trong cộng đồng được an toàn và mạnh khỏe hơn. Mọi người đều có thể chung tay chặn đứng kỳ thị liên quan tới HIV/AIDS bằng cách hiểu rõ sự thật về căn bệnh này và chia sẻ với người khác trong cộng đồng của mình. Hãy mở rộng trái tim để yêu thương, mở rộng vòng tay nhân ái để cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ, mở rộng đôi chân để đến với những người đang gặp đau khổ, bệnh tật.

Cuộc sống, dịch bệnh đã mang đến bao khó khăn, bất ổn và lo lắng. Xin đừng đổ thêm gánh nặng và tổn thương cho người khác và những con người đang phải nỗ lực, cố gắng đẩy lùi bệnh tật. Xin đừng vô tình biến mình thành đồng minh của vi rút vô cảm, vi rút thiếu trách nhiệm.

                                                                    Phạm Tiến Dũng – Trung tâm KSBT

Video liên quan

Chủ đề