Tại sao gửi USD không có lãi

Ngân hàng nhà nước lý giải gửi USD lãi suất 0%

T.Hằng

08:00 15/05/2018

Trả lời ý kiến cử tri về việc áp dụng lãi suất 0% với tiền gửi USD, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Trước đây, do lạm phát luôn ở mức cao nên tình trạng đô la hóa của Việt Nam ở mức báo động cần kiểm soát.

Lượng tiền gửi ngoại tệ so với tổng phương tiện thanh toán giai đoạn 2007-2011 ở mức trên 20%, thậm chí đầu những năm 90 còn ở mức 30-40%.

Hiện tượng mua bán, thanh toán và găm giữ ngoại tệ tiền mặt khá phổ biến, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và phi chính thức ở mức cao tạo áp lực lớn cho thị trường ngoại hối chính thức và ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành tỷ giá và tiền tệ của NHNN, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước sụt giảm mạnh. Sự bất ổn về tỷ giá và thị trường ngoại hối trong giai đoạn này đã là một trong những nguyên nhân gây nên sự bất ổn về kinh tế vĩ mô.

Trước thực trạng đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, NHNN đã đưa ra gói giải pháp đồng bộ để ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế đồng Việt Nam, trong đó có chính sách trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%.

Từ sau khi áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm, diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm (thể hiện qua tỷ lệ đô la hóa giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,21% thời điểm 31/12/2017), hệ thống tổ chức tín dụng chuyển từ bán ròng sang mua ròng ngoại tệ từ năm 2016, tạo điều kiện cho NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước.

Tính đến cuối tháng 2-2018, dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt gần 60 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Về cơ bản chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm không tác động bất lợi đến các luồng vốn vào như FII, FDI và kiều hối. Khi đồng VND có giá trị ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi thì các nhu cầu tích trữ dự phòng tài sản bằng ngoại tệ, vàng sẽ giảm và nhu cầu đầu tư sẽ tăng lên.

Chính vì vậy, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần nâng cao vị thế VND, củng cố niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam.

Chủ đề: Ngân hàng Nhà nước lãi suất tiền gửi USD

Tại sao gửi USD không có lãi
Giao dịch USD tại một ngân hàng ở Q.3, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Theo quyết định do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành tối qua và có hiệu lực từ hôm nay (18-12), lãi suất tiền gửi đồng USD của tổ chức và cá nhân đều có chung mức là 0%/năm. Như vậy, cá nhân gửi tiết kiệm bằng đồng USD chỉ được hưởng mức lãi suất là 0% thay vì mức 0,25%/năm như trước đó.

Sở dĩ có động thái này, theo NHNN là tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương chống đôla hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ.

Có lợi cho nền kinh tế

TS Nguyễn Đức Độ, phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, cho rằng việc NHNN hạ lãi suất tiền gửi đồng USD của cá nhân về 0%/ năm bằng với mức gửi của các tổ chức là nhằm hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ.

Rõ ràng mức lãi suất trước đó đối với đồng USD của các cá nhân chỉ 0,25%/năm là không nhiều nhưng nay về 0%/ năm thì có lẽ người ta cũng sẽ bán USD để gửi đồng VND. Như vậy, khi lượng tiền gửi bằng đồng VND tăng lên thì sẽ giảm áp lực tăng lãi suất đồng VND, thậm chí lãi suất tiền gửi đồng VND còn có thể giảm.

Việc FED tăng lãi suất lần đầu tiên trong vòng gần một thập kỷ không khiến giá vàng lao dốc như dự đoán trước đó. Giá vàng thế giới đã bật tăng lên trên mức 1.075 USD/ounce trước khi giảm về mức 1.067 USD/ounce vào cuối ngày 17-12. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 29,22 triệu đồng/lượng.

Cùng quan điểm trên, ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên thống đốc NHNN, cho rằng đây là quyết định rất kịp thời giúp chặn nguy cơ một lượng tiền VND sẽ chuyển sang USD trước áp lực FED vừa tăng lãi suất.

Chắc chắn khi lãi suất tiết kiệm USD về 0%/năm thì người dân sẽ thấy rõ ràng gửi tiết kiệm bằng đồng VND là có lợi hơn nhiều. Khi cung tiền đồng VND tăng thì lãi suất cho vay VND cũng sẽ ổn định ở mức hợp lý.

Điều này rất có lợi đối với nền kinh tế, nhất là đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Song, theo ông Độ, sau quyết định hạ lãi suất tiền gửi đồng USD, thực tế thị trường phản ứng như thế nào, người dân có bán USD để gửi tiền VND hay không thì có lẽ nên chờ đợi thêm một thời gian nữa.

Vàng, USD, chứng khoán “bình yên”

Giá vàng miếng SJC bán ra ngày 17-12 có thời điểm chạm mức 33,13 triệu đồng/lượng, tuy nhiên sau đó đã nhanh chóng giảm về 33,06 triệu đồng/lượng vào cuối ngày, giảm 20.000 đồng/lượng so với ngày 16-12. Các công ty vàng cho biết nhà đầu tư vàng khá bình tĩnh và giao dịch vàng trên thị trường trong ngày đầu tiên FED tăng lãi suất không có gì đột biến.

Trong khi đó, giá USD tự do vụt tăng, bán ra 22.800 đồng/USD, mua vào 22.730 đồng/USD. So với chiều hôm trước giá USD bán ra tăng 20 đồng, còn giá mua USD tăng khoảng 50 đồng/USD. Giá bán USD tại các ngân hàng vẫn duy trì ở mức kịch trần: 22.547 đồng/USD. Tuy nhiên, giá mua USD chuyển khoản tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, ACB giảm nhẹ khoảng 3 đồng/USD, còn 22.517 đồng/USD. Giá mua USD tiền mặt tại các ngân hàng dao động 22.497 - 22.517 đồng/USD.

Thị trường chứng khoán cũng tăng nhẹ, tâm lý nhà đầu tư chứng khoán trong nước tích cực hơn nhưng lại nảy sinh tâm lý dè chừng của khối ngoại. Kết thúc giao dịch ngày 17-12, VN-Index đóng cửa trong sắc xanh, ghi thêm được 4,56 điểm, tương đương tăng 0,8%, lên 577,11 điểm.

Tốt cho các kế hoạch đầu tư dài hơi

Ông Andy Ho, giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận đầu tư VinaCapital, cho biết việc FED nâng lãi suất sẽ làm nhà đầu tư nước ngoài tại VN “hơi buồn” do lợi nhuận của họ trước mắt sẽ bị giảm, nhưng về lâu về dài lại tốt cho thị trường và các kế hoạch đầu tư dài hơi. “Nhìn vào lịch sử, phần lớn sau khi FED tăng lãi suất thì thị trường chứng khoán và giá cả hàng hóa cũng tăng. Trong bối cảnh nền kinh tế VN đang có dấu hiệu hồi phục, nhiều chỉ số đo lường đang tốt lên thì việc FED tăng lãi suất không có gì đáng lo ngại cho nhà đầu tư” - ông Andy Ho nhấn mạnh.

Còn theo ông Dominic Scriven - giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Dragon, kinh tế VN đang trong điều kiện thuận lợi xét về mặt bằng chung nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, lạm phát thấp... nên sẽ không có lo lắng nào xảy ra bởi các nhà đầu tư nước ngoài đang ở VN, chọn VN vì giá trị VN chứ không phải vì quyết định vào FED. Thậm chí việc FED tăng lãi suất cuối cùng cũng kết thúc chuỗi thời gian phải đoán già đoán nón “tăng rồi không tăng”, làm các nhà đầu tư đứng ngồi không yên.

Ông Andy Ho cho rằng thực tế FED đã có tín hiệu tăng lãi suất từ nhiều tháng trước, tỉ giá ở ngoài thị trường VN đã đón đầu cao hơn giá trần niêm yết tại các ngân hàng những ngày qua. Thông thường thị trường chứng khoán, thị trường lãi suất đi trước thực tế đón đầu sớm hơn. VN cũng không nằm ngoài xu hướng này. Giá mua bán ngoại tệ VN đã được điều chỉnh trước khi quyết định FED tăng lãi suất được đưa ra và đã phản ánh trong kỳ vọng của thị trường.

Doanh nghiệp lên phương án chuẩn bị

Theo ông Nguyễn Thanh Trung - tổng giám đốc Công ty CP tôn Đông Á, việc FED tăng lãi suất dù ở mức rất nhẹ sẽ tác động trực tiếp đến thị trường VN.

“Chúng tôi cũng đã có các phương án chuẩn bị nguồn ngoại tệ thanh toán vì Đông Á vừa có xuất khẩu vừa có nhập khẩu. Để bảo đảm chi phí tài chính không bị ảnh hưởng, việc cân đối được nguồn ngoại tệ cho hợp lý trong các tình huống ngắn hạn lẫn dài hạn đều được ban giám đốc thận trọng xem xét” - ông Trung cho biết.

Cùng quan điểm, ông Cao Tiến Vị, tổng giám đốc Công ty CP giấy Sài Gòn, cho rằng việc nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động trong mấy ngày gần đây “có thể họ đoán trước được việc FED sẽ điều chỉnh tỉ giá.

Điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã biết, nên chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp điều hành thị trường trong giai đoạn tâm lý doanh nghiệp đang có nhiều biến động như hiện nay” - ông Vị nhấn mạnh.

“Điều mà doanh nghiệp cần nhất trong giai đoạn hiện nay chính là sự ổn định của tỉ giá và lãi suất cho vay” - ông Vị chia sẻ. Chính vì vậy, khi đề cập yếu tố tăng trưởng tín dụng, ông Vị cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần có sự kiểm soát chặt chẽ và an toàn hơn nữa, nhất là việc tín dụng đổ vào bất động sản trong thời gian qua có dấu hiệu tăng nóng trở lại. Nếu tăng trưởng tín dụng nằm ở khối doanh nghiệp sản xuất hoặc các ngành nghề cơ bản thì sẽ bền vững và ổn định hơn.

Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN, cho biết trước mắt các doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa có những xáo trộn gì vì dòng ngoại tệ luân chuyển của ngành này đang theo xu hướng xuất nhiều, nhưng nhập cũng nhiều.

“Đặc điểm của các doanh nghiệp ngành xuất khẩu có kim ngạch lớn hiện nay như dệt may, da giày... đều dùng ngoại tệ thu được trong xuất khẩu để nhập khẩu nguyên phụ liệu trở lại. Nên nói các doanh nghiệp ngành này được hưởng lợi hoặc có ưu thế là điều chưa chắc lắm” - ông Kiệt nhận định.

NHNN sẽ bình ổn thị trường ngoại hối và tỉ giá

Tại sao gửi USD không có lãi
Dữ liệu: A.H. - Đồ họa: V.Cường

Chiều 17-12, trao đổi với báo giới, bà Nguyễn Thị Hồng, phó thống đốc NHNN, khẳng định như vậy sau khi FED tăng lãi suất. Cụ thể, theo bà Hồng, NHNN đánh giá việc FED tăng lãi suất có tác động không đáng kể đối với thị trường trong nước.

Bởi dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, tức là dòng vốn ngắn hạn, chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng nguồn vốn vào, ra của Việt Nam. Như vậy, động thái này của Mỹ sẽ tác động không nhiều đối với sự dịch chuyển dòng vốn của Việt Nam.

NHNN cũng khẳng định diễn biến tỉ giá trong những ngày gần đây chủ yếu do yếu tố tâm lý. Vì tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức cũng như cá nhân tại các tổ chức tín dụng vẫn tăng lên. Đối với cung cầu ngoại tệ, hiện đang có những diễn biến tích cực.

Xuất siêu khoảng 500 triệu USD trong tháng 10 và khoảng 260 triệu USD trong tháng 11. Số liệu về giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng trên 17% so với cùng kỳ 2014. Dòng kiều hối tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Về định hướng điều hành tỉ giá trong thời gian tới, NHNN cam kết sẽ có những giải pháp để bình ổn thị trường ngoại hối và tỉ giá.

L.THANH

Á.HỒNG - T.V.NGHI - N.BÌNH - L.THANH ()