Tại sao có ngày thần tài

Tại sao có ngày thần tài
Vào ngày vía Thần Tài người Việt thường đi mua vàng để cầu tài lộc sung túc cả năm. Đặc biệt, với những người làm trong lĩnh vực kinh doanh, thì việc cúng Thần Tài đã trở nên quan trọng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Từ xưa Thần Tài đã là vị Thần quen thuộc với mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là những người kinh doanh buôn bán. Cứ vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm, phong tục thờ vía Thần Tài lại diễn ra, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về tục lệ này.

Nguồn gốc ngày vía Thần Tài

Thần Tài là một vị thần được nhiều gia đình người Việt thờ cúng, đặc biệt là ở những gia đình kinh doanh, buôn bán.

Thần Tài giúp bảo vệ của cải, đem tài lộc may mắn đến cho gia chủ. Về ngoại hình, Thần Tài thường tay cầm kim ngân lượng (vàng), bạc, đầu đội mũ mão, trang phục nghiêm chỉnh.

Về nguồn gốc ngày vía Thần Tài, TS. Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, có ít nhất 2 câu chuyện được dân gian lưu truyền lại.

Tượng Thần Tài thường được để ở nơi có nhiều bụi. Bởi theo quan niệm dân gian, chính bụi bặm sẽ đem lại tiền tài.

Theo một điển tích của Trung Quốc, được ghi chép trong "Sưu thần ký, có người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt. Sau khi đem Như Nguyệt về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, trở nên giàu có

Một hôm, vào ngày mồng 1 Tết, không biết vì lý do gì Âu Minh đánh Như Nguyệt, cô sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà.

Vợ Âu Minh không để ý nên vô tình quét nhà hót luôn cả đống rác có Như Nguyệt bên trong đổ đi. Từ đó về sau, nhà Âu Minh lại nghèo. Người ta đồn rằng, Như Nguyệt chính là thần Tài và lập bàn thờ để thờ.

Một câu chuyện khác, theo truyền thuyết từ xưa, Thần Tài là vị thần sống trên trời, trong một lần xuống dưới hạ giới do uống rượu say, đầu va vào đá nên không nhớ mình là ai.

Trong quá trình lưu lạc dưới nhân gian, quần áo Thần Tài mặc trên người bị người dân đem đi bán. May thay, khi Thần Tài đi lang thang ăn xin thì được một cửa hàng bán gà, vịt mời Thần Tài ăn, từ đó cửa hàng này đông nghịt khách hàng.

Được một thời gian, người bán hàng thấy Thần Tài chẳng làm gì mà suốt ngày được ăn uống ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi.

Nghĩ Thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn và hao phí đồ ăn cho người ăn mày nên người bán hàng mới đuổi Thần Tài đi. Quán đối diện thấy vậy liền mời Thần Tài vào ăn, kỳ lạ thay mọi người lại kéo hết sang quán này ăn.

Người dân khu vực đó thấy Thần Tài không có quần áo mặc nên dẫn đi mua. May mắn thay, Thần Tài tìm lại được đúng quần áo của mình.

Sau khi mặc quần áo, đội mũ nón, thì Thần Tài nhớ lại mọi chuyện và bay về trời. Mọi người coi Thần Tài như là báu vật và lập bàn thờ, tôn thờ từ đó.

Tại sao có ngày thần tài
Hình ảnh Thổ Địa và Thần Tài. (Nguồn: battrang24h.com)

Mua bán vàng đầu năm

Càng mua được nhiều vàng, họ càng tin rằng năm mới sắp tới sẽ có nhiều của cải.

TS. Đinh Đức Tiến cho biết: “Xưa kia, vàng vốn dĩ là thứ tài sản quý. Với người Việt, vì không có tài sản ngoại tệ nên các tiểu thương chỉ có một vật thiết thân nhất và có thể lưu giữ lại đó chính là vàng.

Không chỉ mang giá trị lớn, vàng còn là tài sản cố định cho đến cuối cùng”.

Ngoài ra, việc buôn bán vàng còn đóng vai trò như một thước đo, đánh giá việc kinh doanh, buôn bán sau một năm ròng.

TS. Đinh Đức Tiến giải thích: “Trong bối cảnh xã hội xưa, vào ngày đầu năm mới, khi bắt đầu khởi động công việc kinh doanh mới, người ta thường lấy số tiền lãi của năm ngoái để đầu tư.

Nhưng để tránh mất giá, tiền lãi thường được đầu tư thành vàng để đảm bảo nguồn tiền. Nhỡ khi sa cơ lỡ vận, vàng sẽ được quy đổi ngược thành tiền để giúp giải quyết công việc”.

“Nhưng có một điều cần làm rõ: trước đây, việc mua bán vàng chưa hẳn trở thành “trào lưu” như bây giờ mà chỉ giới hạn ở giới thương nhân, lái buôn. Khi “phú quý sinh lễ nghĩa”, khi bắt đầu ăn nên làm ra, người ta bắt đầu mua vàng nhiều hơn vào đầu năm”.

Tại sao có ngày thần tài
Mâm cúng ngày ví Thần Tài của một gia đình. (Ảnh: H.T)

Bàn thờ Thần Tài

Bàn thờ Thần Tài không được đặt ở trên cao như bàn thờ gia tiên. Bàn thờ thường dán giấy đỏ, để ở một góc hay một xó nào đó. Có thể có bài vị nhỏ, hai bên bài vị có câu đối:

Thổ năng sinh bạch ngọc (Đất hay sinh ngọc trắng)

Địa khả xuất hoàng kim (Đất khá có vàng ròng)

Trên đỉnh bàn thờ, lắp hai ngọn đèn (được thắp sáng khi thắp hương). Hai bên, phía bên trái (từ ngoài nhìn vào) là ông Thần Tài, phía bên phải là Thần Thổ Địa.

Ở giữa hai ông là một hũ gạo, một hũ muối và một hũ nước đầy. Ba hũ này chỉ đến cuối năm mới thay. Giữa bàn thờ là một bát nhang, bát nhang này khi bốc phải theo một số thủ tục nhất định.

Để tránh động bát nhang khi lau chùi bàn thờ, người ta dán bát nhang xuống bàn thờ bằng keo, băng dính...

Nên đặt lọ hoa bên tay phải, đĩa trái cây bên tay trái. Thường nên cắm hoa hồng, hoa cúc hoặc hoa đồng tiền. Trái cây nên sắp đủ ngũ quả (5 loại trái cây).

Ngày thường, lễ cúng đơn giản, chỉ có trầu nước và trái cây. Còn trong các dịp giỗ, Tết, các ngày sóc vọng, người ta thường bày lễ mặn.

Theo một chuyên gia nghiên cứu văn hóa thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, người Việt thờ Thần Tài với mong muốn Thần Tài mang tài lộc đến cho gia đình; gia đình sung túc, giàu có và thịnh vượng. Ngày vía Thần Tài là ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm.

Vàng rớt giá trước ngày vía thần tài, người dân tranh thủ mua cầu may

Ở Nam bộ, Thần tài được thờ chung với ông địa, đặt ở dưới đất trong nhà nhìn ra cửa chính. Tượng Thần Tài là một ông già ngồi trên ngai vàng, tóc trắng râu dài, người mặc áo gấm thắt đai ngọc, một tay cầm gậy, một tay cầm những thỏi vàng. Người dân tin rằng việc thờ Thần tài sẽ mang lại tiền bạc, lợi lộc, sự giàu có.

Tại sao có ngày thần tài

Bàn thờ ngày vía Thần Tài thường có đĩa Tam Sên

Theo chuyên gia này, những năm trở lại đây, cứ đến ngày vía Thần Tài, người dân thường đi mua vàng về cúng ông Thần Tài để lấy hên đầu năm, vàng hình linh vật của năm thường được ưa chuộng nhất trong dịp này. Tuy nhiên, đây chỉ là thói quen phổ biến ở các đô thị lớn, còn ở vùng nông thôn, việc mua vàng ngày vía Thần Tài chưa rộng rãi.

Dân văn phòng tấp nập đi chùa Ngọc Hoàng cầu vía thần tài sớm

Cũng theo vị này, bàn thờ Thần Tài thường được người dân lau dọn sạch sẽ bằng nước thơm trước ngày mùng 10 tháng Giêng. Mâm cúng ngày vía Thần Tài bắt buộc phải có thịt quay do dân gian truyền tai nhau Thần Tài thích ăn thịt quay, còn có thêm Tam Sên gồm miếng thịt heo luộc, trứng luộc và tôm (hoặc cua) luộc.

Tại sao có ngày thần tài

Ở Nam bộ thường thờ Thần Tài chung với Thổ Địa

Ở miền Nam, đa số người dân thờ chung ông Thần tài với ông Thổ địa nên còn chuẩn bị thêm cá lóc nướng ở bàn thờ. Một số gia đình còn cúng xôi và chè trôi nước với mong muốn làm ăn, buôn bán trôi chảy.

Cúng ông Thần Tài có được phát tài?

Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (TP.HCM) cho biết, tập tục cúng Thần Tài tại Việt Nam và Trung Quốc diễn ra vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Nguồn gốc tập tục này có xuất xứ từ Trung Quốc.

Người ta đồn thổi nhau và cho rằng Thần Tài vốn là một vị thần linh ở trên thiên đình, trong một lần xuống hạ giới du ngoạn và thưởng lãm vì mất kiểm soát uống rượu quá đà nên va đầu vào một vách đá, mất trí tạm thời, không biết mình là ai, ở đâu, làm gì và thân phận mình ra sao.

Quần áo của vị thần này bị người dân lấy mất hết, không còn cách nào khác vị quan này chọn con đường ăn xin qua ngày đoạn tháng. Một ngày nọ ông đến một cửa hàng bán gà vịt, chủ nhà thương tình mới cho vị quan thiên đình này ăn, ngay ngày hôm đó và những ngày sau công việc làm ăn của chủ tiệm gà vịt này phát đạt.

Tại sao có ngày thần tài

Người dân tìm mua hổ vàng trước ngày vía Thần Tài

Họ nghĩ rằng nhờ giúp người ăn xin này thần tài đã phù hộ cho mình, chuyện được đồn thổi ngày một đông. Vài tháng sau, vì lòng tham, chủ tiệm gà vịt đã mua nhiều gà vịt để đầu cơ, tích trữ. Nơi khác cũng nuôi gà vịt nhiều nên giá gà vịt mất giá do tình trạng dư thừa, khách không còn đông nữa thì chủ tiệm gà vịt nghĩ rằng nuôi ông Thần Tài này xui quá nên không nuôi nữa, ông đành phải đi ăn xin tiếp.

Ông may mắn khi đến được tiệm bán quần áo gặp vị khách nhân từ mua cho một bộ quần áo, ngay thời điểm đó ông Thần Tài hồi phục sức khỏe, biết thân phận của mình là vị thần linh ở trên thiên đình và ông đã bay về trời.

“Ông Thần Tài chẳng có tài sản gì hết, uống rượu quá nhiều nên mất kiểm soát bị va đầu vào đá bị mất trí, phải sống nương tựa vào người khác, nghèo xơ nghèo xác như vậy làm sao ban phát tài sản cho người khác được. Thế mà người ta vẫn đồn thổi thờ ông Thần Tài thì ông Thần Tài phù hộ cho. Trong khi ông còn không phù hộ được bản thân, không giúp được cho bản thân thì làm sao giúp được cho người khác”, Thượng tọa Thích Nhật Từ nêu ý kiến.

Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, từ đầu tháng Giêng đến ngày vía Thần Tài, giá vàng thường tăng do người dân có quan niệm mua vàng lấy hên đầu năm. Nhiều người vẫn tin rằng mua vàng ngày này thì tài lộc, tiền bạc sẽ đến trong cả năm mà không để ý rằng thực tế người mua đang bị thiệt thòi khi giá vàng tăng vào dịp này theo cán cân cung - cầu.

“Không có chuyện cúng ông Thần Tài thì được phát tài. Nhà Phật chủ trương nhân nào quả đó, nhân và quả phải cùng tính chất, muốn có tài sản thì phải có trí tuệ, tôn trọng luật pháp và đạo đức. Thà chậm giàu một chút, cái giàu đó xuất phát từ đầu tư chân chính thì không gì phải lo lắng, được sự bình an của tâm”, Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ.

Tin liên quan