So sánh tâm lý của bị can và phạm nhân

Hỏi cung bị can là biện pháp điều tra tác động trực tiếp đến tâm lý của bị can, có vai trò quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án hình sự. Do đó, khi tiến hành hoạt động này, Kiểm sát viên luôn chú trọng trau dồi kiến thức, kỹ năng cần thiết để áp dụng với mọi đối tượng, đặc biệt đối với bị can dưới 18 tuổi - một đối tượng pháp lý đặc thù của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự Việt Nam. Trong thời gian gần đây, cùng với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người phạm tội dưới 18 tuổi và những yêu cầu ngày càng chặt chẽ của quy định pháp luật đối với đối tượng này, hoạt động hỏi cung bị can dưới 18 tuổi đòi hỏi Kiểm sát viên phải trang bị, cập nhật kịp thời những kiến thức tâm lý học, chiến thuật điều tra, kỹ năng chuyên sâu. Tuy nhiên, thực tiễn điều tra, truy tố chỉ ra rằng, hoạt động này của Kiểm sát viên còn nhiều hạn chế: Kiểm sát viên chưa chủ động linh hoạt xây dựng kế hoạch hỏi cung, chưa nắm bắt được tâm lý đối tượng, chưa xây dựng được chiến thuật hợp lý, chưa được trang bị kiến thức đầy đủ dẫn tới bị can hoang mang, lo sợ, khai báo không trung thực, không đầy đủ do đó mục đích hỏi cung không đạt, thậm chí vi phạm tố tụng. Để nâng cao kỹ năng của Kiểm sát viên đối với hoạt động hỏi cung bị can dưới 18 tuổi, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp sau:

- Công tác chuẩn bị hỏi cung:

Trước hết, Kiểm sát viên cần phải xác định chính xác tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của bị can dưới 18 tuổi để có phương thức tiếp cận, chiến thuật hỏi cung phù hợp. Khai thác hợp lý những đặc điểm nhân thân của bị can là một yêu cầu quan trọng, đòi hỏi phải thực hiện một cách nghiêm túc khi tiến hành hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi. Kiểm sát viên khó có thể thể thiết lập và duy trì tiếp xúc tâm lý với bị can - một trong những điều kiện không thể thiếu để đạt được mục đích của cuộc hỏi cung - nếu không khai thác và sử dụng những tài liệu về đặc điểm nhân thân của bị can.

Tiếp theo, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án: các biên bản ghi lời khai đối tượng, biên bản hỏi cung bị can; lời khai nhân chứng, bị hại; các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án…đặc biệt chú ý những vụ án có đồng phạm là người đã thành niên, đánh giá vai trò, tác động của những người này đối với bị can là người dưới 18 tuổi. Chú ý tập trung vào những nội dung còn mâu thuẫn về thời gian, địa điểm xảy ra sự việc phạm tội; giữa lời khai trong các biên bản hỏi cung bị can trước đó với các vật chứng đã thu thập hay với các chứng cứ, lời khai của các bị can, người bị hại khác trong vụ án xem có mâu thuẫn không, từ đó, phân tích và xác định mục đích hỏi cung bị can để giải quyết vấn đề gì, hỏi về cái gì.

Sau đó, cần lập kế hoạch hỏi cung bị can (đề cương các câu hỏi) cụ thể; thông qua kế hoạch hỏi cung đã chuẩn bị kỹ từ trước sẽ giúp cho Kiểm sát viên không bị lúng túng trước các diễn biến của quá trình hỏi cung. Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can, cần xác định thứ tự hỏi cung hợp lý đối với từng bị can là người dưới 18 tuổi; các tài liệu, chứng cứ cần sử dụng và trình tự sử dụng; dự kiến các câu hỏi đưa ra đối với từng bị can và các hướng trả lời của bị can, từ đó dự kiến câu hỏi tiếp theo, các tình huống có thể xảy ra và biện pháp giải quyết.

+ Dự kiến các giai đoạn hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi:

Giai đoạn thứ nhất: Kiểm sát viên sử dụng cách thức giao tiếp, tạo cho bị can tâm lý thoải mái và tin tưởng. Kiểm sát viên cần bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc, có những hành vi, lời nói làm cho bị can yên tâm, tin tưởng để họ khai báo một cách đầy đủ nhất, nhưng cũng tránh suồng sã, tạo tâm lý quá thoải mái, để bị can lợi dụng sự dễ dãi của Kiểm sát viên, khai báo loanh quanh, không thành khẩn.

Giai đoạn thứ hai: Kiểm sát viên đi sâu vào nội dung hỏi cung, tùy vào tình hình thực tế để lựa chọn chiến thuật hỏi cung phù hợp. Xuất phát từ đặc điểm người dưới 18 tuổi dễ bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: trạng thái cảm xúc, nhận thức pháp luật, dễ bị xúi giục, tác động tâm lý… dẫn đến hành vi nhận thức sai lầm, dễ sa ngã dẫn đến vi phạm pháp luật. Vì vậy khi tiến hành hỏi cung nhóm đối tượng này cần có chiến thuật hỏi cung phù hợp, đặc biệt trong trường hợp người chưa thành niên từ chối khai báo hoặc khai báp gian dối.

Giai đoạn cuối cùng: Kết thúc buổi hỏi cung, Kiểm sát viên phải lập biên bản hỏi cung bị can và đọc lại nội dung biên bản hỏi cung cho bị can, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, người bào chữa của người dưới 18 tuổi … nghe và ký tên xác nhận. Có điểm nào bị can không nhất trí với bản cung đã ghi thì phải sửa lại sau đó bị can và Kiểm sát viên cùng ký xác nhận vào bản cung.

Mặt khác, phải lựa chọn thời gian, địa điểm hỏi cung phù hợp: Kiểm sát viên cần tiến hành hỏi cung bị can càng sớm càng tốt vì ở lứa tuổi này bị can rất nhanh quên các tình tiết quan trọng của vụ án và dễ bị tác động tâm lý, thay đổi lời khai. Việc hỏi cung bị can dưới 18 tuổi có thể thực hiện tại nơi cư trú của người đó hoặc nơi tiến hành điều tra. Khi tiến hành hỏi cung tại nơi tiến hành điều tra, truy tố, Kiểm sát viên phải phải sắp xếp, bố trí phòng hỏi cung bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý người dưới 18 tuổi.

- Tiến hành hỏi cung:

Trước khi bắt đầu hỏi cung, Kiểm sát viên dành một khoảng thời gian để hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, giải quyết các đề nghị của bị can… qua đó giải tỏa trạng thái tâm lý tiêu cực, làm cho bị can thấy được sự quan tâm của Kiểm sát viên, mong muốn khai báo thành khẩn.

Kiểm sát viên tiến hành giải thích cho bị can biết các quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời giải thích thích quyền và nghĩa vụ của người giám hộ, người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật.

Khi tiến hành hỏi cung, Kiểm sát viên cần lưu ý các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi được quy định tại Phần thứ 7 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 06/2018/ TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018. Trong đó đặc biệt chú ý các nội dung:

+ Việc hỏi cung phải theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, bảo đảm sự tham gia của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 183, Điều 421 và các điều luật khác có liên quan trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 06/2018/ TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 về thủ tục tố tụng với người dưới 18 tuổi.

Thời gian hỏi cung không được kéo dài, vì thời gian hỏi cung kéo dài sẽ làm cho bị can mất tập trung, mệt mỏi, ảnh hưởng đến kết quả hỏi cung. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp cần phải hỏi cung bị can nhiều lần trong một ngày hoặc thời gian hỏi cung kéo dài trong nhiều giờ thì Kiểm sát viên cần bố trí thời gian hợp lý để cho bị can nghỉ ngơi trong quá trình hỏi cung. Cần đảm bảo hỏi cung không quá 02 lần trong một ngày, mỗi lần không quá 2 giờ, không hỏi cung bị can vào ban đêm.

+ Khi tiến hành hỏi cung, Kiểm sát viên phải phải bình tĩnh, kiên trì, không nóng nảy, không cáu gắt đối với bị can, có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức của bị can. Xem xét áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thời gian, số lượng lần hỏi cung và phải tạm dừng ngay việc hỏi cung khi bị can có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.

Trong quá trình hỏi cung bị can Kiểm sát viên không được áp đặt ý thức chủ quan của mình gây tâm lý hoang mang lo sợ, bắt buộc bị can phải khai báo. Kiên trì, kết hợp nhu, cương vận dụng linh hoạt các phương pháp, chiến thuật hỏi cung bị can và kinh nghiệm sống để đấu tranh giải thích và thuyết phục bị can khai.

+ Kiểm sát viên tùy tình hình thực tế phát sinh trong quá trình hỏi cung để áp dụng các chiến thuật hỏi cung đã dự kiến trong kế hoạch cho phù hợp, nhằm thu thập lời khai của bị can về hành vi phạm tội của bản thân, những người đồng phạm (nếu có). Xuất phát từ đặc điểm người dưới 18 tuổi dễ bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: trạng thái cảm xúc, nhận thức pháp luật, dễ bị xúi giục, tác động tâm lý… dẫn đến hành vi nhận thức sai lầm, dễ sa ngã dẫn đến vi phạm pháp luật, do vậy, chiến thuật hỏi cung bị can chưa thành niên cũng chịu sự tác động bởi những đặc điểm tâm lý ở lứa tuổi này.

+ Trường hợp bị can không nhận tội, từ chối khai báo, khai báo gian dối:

Yêu cầu đặt ra đối với Kiểm sát viên trong trường hợp này là phải có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm là người dưới 18 tuổi nói chung, hoàn cảnh gia đình, đặc điểm nhân thân, nguyên nhân phạm tội, sự giáo dục của nhà trường của bị can đó nói riêng để có chiến thuật hỏi cung phù hợp.

Để bị can thay đổi thái độ khai báo, cần áp dụng chiến thuật tác động xúc cảm, tác động về mặt tâm lý, cảm xúc của bị can, cụ thể: Khơi dậy sự hối hận và thành khẩn khai báo của bị can; tác động lên những mặt tốt của bị can; sử dụng sự ác cảm của bị can đối với đồng phạm nào đó trong vụ án; sử dụng những tình tiết bất ngờ bằng cách đặt câu hỏi mà trong tình huống bị can không ngờ tới. Các thủ thuật phân tích lời khai của bị can tỏ ra kém hiệu quả bởi nó làm bị can nhớ lại tình tiết bị vạch trần là khai báo gian dối cùng với tâm lí bài xích đối với các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khiến bị can nhắc lại một cách ngoan cố những lời khai gian dối của mình.

+ Quá trình hỏi cung bị can, Kiểm sát viên cần kết hợp phân tích giáo dục, uốn nắn các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi lệch lạc của bị can là người dưới 18 tuổi, làm cho họ thấy rõ những sai phạm của mình, tự giác sửa chữa, không tái phạm.

- Kết thúc hỏi cung:

Kiểm sát viên cần kiểm tra lại hình thức, nội dung của biên bản hỏi cung để kịp thời khắc phục những thiếu sót. Trường hợp có sự sữa chữa, bổ sung nội dung biên bản thì Kiểm sát viên và bị can cùng ký xác nhận vào bản cung. Sau khi hỏi cung, cần trích cứu lại lời khai của bị can, tiến hành so sánh, đánh giá sự phù hợp giữa lời khai của bị can với các chứng cứ khác đã thu thập có trong hồ sơ vụ án để có hướng điều tra, giải quyết tiếp theo. Biên bản hỏi cung bị can phải được đưa vào hồ sơ vụ án để làm căn cứ xử lý bị can trước pháp luật.

Trên đây là một số giải pháp nâng cao kỹ năng của Kiểm sát viên trong hoạt động hỏi cung bị can dưới 18 tuổi tập trung giải quyết từng bước trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc hỏi cung đối với đối tượng đặc thù này, Kiểm sát viên phải tự trang bị cho bản thân kiến thức về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và không ngừng tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn công tác kiểm sát, linh hoạt vận dụng những kỹ năng giao tiếp, nắm bắt tâm lý, khống chế và điều chỉnh cảm xúc của bị can và bản thân. Việc áp dụng các kỹ năng hỏi cung phải tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi phạm tội.

Chủ đề