So sánh mở rộng bài ánh trăng

                                          

  Trăng ơi từ đâu đến

Hay biển xanh dịu kì

Trăng tròn như mắt cá

Chẳng bao giờ chớp mi

Vầng trăng dịu mát, sáng trong, tròn đầy tự bao giờ đã trở nên thân thương gắn bó với con người. Đó là một mảng thiên nhiên đẹp, giàu chất trữ tình đã đi vào thơ ca và đọng lại đó những tình cảm ấm áp, chan hòa. Mỗi thi sĩ đều có ánh trăng của riêng mình, với Nguyễn Duy, trăng là tri kỉ, là biểu tượng của quá khứ, của nghĩa tình.

Bài thơ được viết năm 1978 tại Thành phố Hồ Chi Minh, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chiến tranh qua đi, không ít người vì cuộc sống mới tiện nghi hiện đại, lảng quên đi quá khứ nghĩa tình của một thời lửa đạn. Vì thế "Ánh trăng" không chỉ là bài thơ mà tác giả Nguyễn Duy dùng để bộc lộ kín đáo những suy nghĩ, chiêm nghiệm về một lẽ sống cao quý mà còn cho thấy sự suy ngẫm của cả một thế hệ đang tự nhắc nhở mình về lối sống có ân nghĩa, thủy chung với quá khứ. Bài thơ có sáu khổ nhưng chỉ mỗi chữ cái đầu khổ thơ là được viết hoa tạo nên sự liền mạch về cảm xúc, góp phần để bài thơ mang dáng dấp của một câu chuyện được kể theo trình tự thời gian.

Mở đầu bài thơ là những lời tự sự về hồi ức quá khứ, vầng trăng đã trở thành chứng nhân cho cuộc đời của con người:

Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ

Thể thơ năm chữ với nhịp điệu linh hoạt đã thể hiện sự vận động của không gian- thời gian cho thấy trăng đã gắn bó với tác giả nay từ thời thơ ấu. Điệp từ "với" thể hiện sự hòa hợp với thiên nhiên của con người. Từ "hồi" được nhắc lại nhiều lần diễn tả tuổi thơ được đi nhiều, được cảm nhận vẻ đẹp của trăng ở rất nhiều nơi. Cánh đồng, dòng sông, biển cả là hình ảnh gần gũi, thân thương, là biểu tượng của quê hương máu thịt, nơi in dấu bao kỉ niệm thời thơ ấu của tác giả. Chính vì thế những kỉ niệm thời niên thiếu của tác giả luôn đầy ắp hình ảnh của trăng, trăng đã thành một một ấn tượng khắc sâu vào tâm trí của tác giả. Khi trưởng thành, ra mặt trận, người lính và ánh trăng vẫn luôn là người bạn thân thiết, hiểu nhau như hiểu chính mình. Khi ở rừng, tác giả xa gia đình, xa quê hương, vầng trăng đã trở thành tri kỉ, trăng với người hiểu nhau, thông cảm với nhau, trăng chia sẻ ngọt bùi, đắng cay, nguy hiểm cùng những người lính. Như những anh bộ đội Cụ Hồ giữa đêm sương muối có trăng bên cạnh làm bạn với các anh:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

Trong miền kí ức của mình, người lính luôn nhớ về người bạn của mình, hình ảnh vầng trăng tri kỉ hiện ra rõ nét:

Trần trụi với thiên nhiên

hồn nhiên như cây cỏ

Vẻ đẹp của trăng hiện lên thật bình dị, mộc mạc với hai tính từ ghép "trần trụi" và "hồn nhiên". Trăng tượng trưng cho thiên nhiên, hòa mình vào cỏ cây một cách vô tư, hồn nhiên. Vầng trăng luôn gắn bó, đồng hành và soi sáng cho con người những đêm tăm tối, dẫn lối cho con người không phải lầm đường lạc lối. Mượn lối so sánh "hồn nhiên như cây cỏ", tác giả muốn nói đến tình cảm thuần hậu, chất phác, không hề vụ lợi của trăng đối với con người. Lối so sánh ấy còn cho thấy con người, cuộc sống thời ấy chân thành, ân tình, vô tư và không lừa lọc, không toan tính nhỏ nhen.

Vầng trăng gắn với con người một cách chân thành, mộc mạc, khiến khó ai quên được:

ngỡ không bao giờ quên

cái vầng trăng tình nghĩa

Vầng trăng giờ đây không chỉ là một người bạn tri kỉ mà đã trở thành một biểu tượng của quá khứ nghĩa tình, một thời đã qua của cuộc sống. Khiến cho mỗi con người phải dặn lòng "không bao giờ quên" đi người bạn thiên nhiên thơ mộng, quên đi cái quá khứ của một thời lửa đạn. Thế nhưng từ "ngỡ" như báo trước một điều gì đó nằm ngoài dự định, làm lòng người lay động vì dự đoán điều sắp xảy ra là hiện thực.

Đúng như dự đoán, hoàn cảnh sống tiện nghi khiến con người quên đi quá khứ gian lao, nghĩa tình:

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện, cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

Con người giờ đây sống trong môi trường tiện nghi với "ánh điện", "cửa gương" sung túc, đầy đủ, khiến con người trở nên vô tình và thay đổi. Từ "hồi" được nhắc lại lần nữa, nhấn mạnh một khoảng thời gian con người đắm chìm trong tiện nghi vật chất, quên đi những giá trị tinh thần. Dần dần "vầng trăng tình nghĩa" tượng trưng cho quá khứ gian lao, là đồng chí, đồng chí đồng đội, là sự một mất một còn đã bị lãng quên, người bạn "tri kỉ" ấy đã trở thành người dưng chẳng còn ai nhớ, chẳng còn ai hay sự hiện diện của vầng trăng. Trăng được nhân hóa "qua đường", đối lập với hình ảnh "vầng trăng tri kỉ" và giọng thơ trầm buồn, xót xa đã tô đậm thêm sự vô tình, lãng quên và hững hờ của con người đối với trăng. Trăng luôn gần gũi, thâ thương, trăng là tri kỉ, là nghĩa tình thế mà con người lại hờ hững, chạy theo những xa hoa phù phiếm của cuộc sống tiện nghi. Chính vì thế đã có lúc nhà thơ Tố Hữu đặt ra câu hỏi:

Mình về thành thị xa xôi

Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?

Phố đông còn nhớ bản làng?

Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?

Bi kịch của tác phẩm bùng nổ bởi khổ thơ rất thực, khi tiện nghi và vật chất biến mất, con người mới nhận ra thái độ bội bạc của mình:

Thình * h đèn điện tắt

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn

Như dòng sông có thác ghềnh, có quanh co, uốn khúc, cuộc đời cũng có nhiều biến động. "Thình * h", "vội", "đột ngột" gây ấn tượng rất mạnh về sự bất ngờ và mang tính biểu cảm cao. "Đèn điện", "phòng buyn-đinh" là những hình ảnh vật chất mà con người bị cuốn vào nhưng chúng chẳng hề "tri kỉ" và "tình nghĩa" đối với con người. "Đèn điện tắt", "phòng buyn-đinh tối om", con người chợt rơi vào bóng tối, khi ấy họ mới nhận ra sự cần thiết của "trăng" và tìm lại người bạn "tri kỉ" ngày xưa. Hành động "vội bật tung cửa sổ" như là một bản năng, một phản ứng tự nhiên, không hề có sự tính toán. Thật may mắn mà cũng trớ trêu thay, trăng vẫn tròn đầy, vẫn là người bạn "tri kỉ", "nghĩa tình", sẵn sàng có mặt. "Vầng trăng tròn" hiện hữu, sáng rực trên bầu trời đầy bao dung, rộng lượng. Trăng không hề trách cứ sự thờ ơ của con người, luôn bên cạnh con người dù họ có vô tình lãng quên nó. Tình cảm của trăng đối với người vẫn tròn đầy, vẹn nguyên không phai mờ dù con người quay lưng, chối bỏ. Hình ảnh này chứng tỏ tính vị tha, chất bền vững trong sâu thẳm nguồn cội dân tộc Việt.

Trăng đã đến với người tròn đầy, vẹn nguyên khiến người ngắm trăng phải suy nghĩ:

Ngửa mặt lên nhìn mặt

có cái gì rưng rưng

như là đồng là bể

như là sông là rừng

Điệp từ "mặt" nhấn mạnh giây phút, mặt người và mặt trăng đối diện với nhau, nhấn mạnh giây phút người lính gặp lại cố nhân của mình, đối diện một cách chua xót với quá khứ gian lao, nghĩa tình. Từ láy "rưng rưng" đã thể hiện sâu sắc cảm giác của con người lúc này, thể hiện sự chua xót, xấu hổ và nhớ thương ân hận khi nhận ra sự bội bạc của mình, khi nhớ lại lời tự hứa "không bao giờ quên" của mình, khi đánh thức những kỉ niệm thân thương. Điệp từ "là" được lặp lại bốn lần không chỉ bộc lộ cảm xúc đang dâng trào mãnh liệt của tác giả mà còn làm nổi bật hình ảnh "đồng", "bể", "sông", "rừng" thân thương cho thấy tác giả đã gặp lại ánh trăng như gặp lại tuổi thơ, gặp lại người bạn tri kỉ. Từ đó cho thấy kí ức nghĩa tình ấy, vẻ đẹp thân thương ấy không bao giờ mất đi, chỉ lặng kẽ sống trong tâm hồn mỗi con người.

Cuộc gặp gỡ giữa người và trăng giúp người lính nhận ra trăng là vĩnh hằng, bất diệt:

Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình

Mặc cho con người "vô tình", vầng trăng vẫn cứ "tròn vành vạnh", độ lượng và bao dung như những giá trị tinh thần bền vững, thuần khiết vẫn luôn bao bọc, chở che cho con người một cách vô hình. Hình ảnh ấy mang tính triết lí "uống nước nhớ nguồn", thái độ sống ân nghĩa, thủy chung với quá khứ đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Chính từ ánh trăng "im phăng phắc" ấy đã khiến cho "người vô tình" phải giật mình, tỉnh ngộ. Ánh trăng như nghiêm khắc nhắc nhở khiến cho con người phải day dứt, trăn trở nhìn lại chính bản thân mình, tìm lại những điều đã lãng quên trong quá khứ.

Bài thơ "Ánh trăng" không chỉ là lời nhắc nhở, là câu chuyện chuyện của một người mà còn có ý nghĩa đối với cả một thế hệ. Bài thơ còn có ý nghĩa với rất nhiều người, bởi nó đặt ra vấn đề thái độ sống đối với quá khứ, với những người đã khuất và với chính mình. Đó là đừng bao giờ quên lãng quá khứ, sống thủy chung với nghĩa tình cao đẹp, bình dị của đất nước, của dân tộc.

Bài thơ đã khép lại nhưng âm vang vẫn còn mãi. Qua tác phẩm "ánh trăng" tác giả muốn thức tỉnh mọi người hãy sống nghĩa tình để không phải ân hận vì có những lúc bản thân vô tình, bội bạc. Giọng thơ nhẹ nhàng, trầm lắng nhưng để lại triết lí sâu xa và bài học sâu sắc, khiến bản thân mỗi chúng ta phải giật mình nhìn lại bản thân.