Sản xuất là gì triết học

1. Khái niệm lực lượng sản xuất

Lực lượng sản xuất là một khái niệm trung tâm của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Việc nghiên cứu rõ nội hàm của khái niệm này là cơ sở để hiểu toàn bộ sự vận động và phát triển của quá trình sản xuất vật chất trong lịch sử xã hội loài người. Vì vậy, các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác đã sớm nghiên cứu về khái niệm lực lượng sản xuất. Trong các tác phẩm của mình, mặc dù C.Mác không trực tiếp đưa ra khái niệm lực lượng sản xuất nhưng nội hàm của khái niệm này đã được ông đề cập đến ngay từ những tác phẩm đầu tay.

Năm 1845, khi viết tác phẩm Về cuốn sách của Phiđrích Lixtơ Học thuyết dân tộc về kinh tế chính trị học, C.Mác đã phê phán quan điểm duy tâm của Lixtơ về lực lượng sản xuất khi Lixtơ cho rằng lực lượng sản xuất mang bản chất tinh thần, nó là cái vô hạn. Theo C.Mác, lực lượng sản xuất không phải là cái bản chất tinh thần nào đó mà là những cái có sức mạnh vật chất. C.Mác viết: Để xua tan vầng hào quang thần bí có tác dụng cải biến sức sản xuất, chỉ cần mở ra bản tổng quan thống kê đầu tiên ta gặp là đủ. Ở đó có nói về sức nước, sức hơi nước, sức người, sức ngựa. Tất cả những thứ ấy đều là lực lượng sản xuất.

Từ quan điểm duy vật về đời sống của con người nói chung và về lực lượng sản xuất nói riêng, trong các tác phẩm tiếp theo như Hệ tư tưởng Đức, Sự khốn cùng của triết học, Lao động làm thuê và tư bản, Tiền công giá cả và lợi nhuận, đặc biệt là trong bộ Tư bản, nội hàm của khái niệm lực lượng sản xuất ngày càng được C.Mác và Ph.Ăngghen làm sáng tỏ và có nội dung sâu sắc hơn. Đó cũng là cơ sở khoa học cho việc nhận thức bản chất, động lực của sự phát triển lịch sử xã hội thông qua hoạt động lao động của con người.

Xuất phát điểm trong nghiên cứu của C.Mác về lịch sử xã hội là hoạt động sản xuất vật chất của con người hiện thực. Theo C.Mác, bản thân con người bắt đầu phân biệt với động vật khi sản xuất ra các tư liệu sinh hoạt phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu của mình. C.Mác viết: Người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể làm ra lịch sử. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy, hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất.

Ph.Ăngghen cũng coi sản xuất là tiêu chí để phân biệt sự khác nhau giữa con người và loài vật: Điểm khác biệt giữa xã hội loài người với loài vật là ở chỗ: loài vật may mắn chỉ hái lượm, trong khi con người lại sản xuất. Như vậy, tiền đề đầu tiên cho sự tồn tại của con người là việc sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu. Đó là việc sản xuất ra chính đời sống vật chất của con người. Đồng thời với quá trình đó, con người cũng sáng tạo ra các mặt của đời sống xã hội. C.Mác viết: Việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp và chính mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại tạo ra một cơ sở, từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của con người ta. Quan điểm này đã khẳng định tính triệt để trong quan niệm duy vật về lịch sử của chủ nghĩa Mác.

Cũng theo C.Mác, sản xuất vật chất là hoạt động đặc trưng của con người. Đó là hoạt động cơ bản nhất, quyết định sự tồn tại và phát triển của con người. Trong quá trình sản xuất vật chất, con người đồng thời có hai mặt quan hệ. Một mặt, con người quan hệ với tự nhiên, còn mặt khác, con người quan hệ với nhau. Mặt con người quan hệ với tự nhiên chính là biểu thị của lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, không phải mọi quan hệ của con người với tự nhiên đều là lực lượng sản xuất (chẳng hạn như quan hệ tình cảm, quan hệ thẩm mỹ, quan hệ nhận thức). Chỉ có những quan hệ mà trong đó sự tác động giữa con người với tự nhiên tạo thành của cải vật chất phục vụ cho những nhu cầu của con người, đồng thời giúp con người cải biến chính bản thân mình mới được gọi là lực lượng sản xuất.

Lực lượng sản xuất thể hiện năng lực thực tiễn của con người trong quá trình cải biến giới tự nhiên. Khi tiến hành sản xuất vật chất, con người đã dùng những công cụ lao động để tác động vào giới tự nhiên nhằm tạo ra của cải vật chất phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu của mình. Cũng trong quá trình đó, con người đã nắm bắt được những quy luật của tự nhiên, biến giới tự nhiên từ chỗ hoang sơ, thuần phác trở thành thế giới thứ hai với sự tham gia của bàn tay và khối óc của con người. Sản xuất vật chất luôn thay đổi nên lực lượng sản xuất là một yếu tố động và là một quá trình luôn được đổi mới và phát triển không ngừng.

Lực lượng sản xuất tạo ra tiền đề vật chất cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Nó cũng là tiêu chí cơ bản để đánh giá sự tiến bộ xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Chính vì vậy, trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, C.Mác đã khẳng định như sau:

Lịch sử chẳng qua là sự tiếp nối của những thế hệ riêng rẽ, trong đó mỗi thế hệ khai thác những vật liệu, những tư bản, những lực lượng sản xuất do tất cả các thế hệ trước để lại; do đó, mỗi thế hệ một mặt tiếp tục các hoạt động được truyền lại, trong những hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi, và một mặt khác lại biến đổi những hoàn cảnh cũ bằng một hoạt động hoàn toàn thay đổi.

Cho đến nay, có nhiều quan điểm khác nhau về lực lượng sản xuất. Theo các nhà mácxít ở Trung Quốc: Lực lượng sản xuất là năng lực thực tế của con người được hình thành trong hoạt động sản xuất vật chất để giải quyết mâu thuẫn giữa tự nhiên và xã hội, là sức mạnh vật chất để con người cải tạo tự nhiên, làm cho tự nhiên thích ứng với nhu cầu xã hội.

Theo quan điểm trên, khi nói đến lực lượng sản xuất, người ta nhấn mạnh đến năng lực thực tế của con người trong quá trình sản xuất vật chất. Do đó, lực lượng sản xuất chính là sự thể hiện sức mạnh vật chất của con người trong việc cải tạo tự nhiên theo mục đích của mình. Quan điểm trên tuy đã phản ánh được khía cạnh bản chất của lực lượng sản xuất nhưng chưa nói lên được nội hàm cấu trúc của lực lượng sản xuất.

Cũng gần với quan điểm trên, trong Giáo trình triết học Mác Lênin năm 2006, lực lượng sản xuất cũng được hiểu như sau: Lực lượng sản xuất là năng lực thực tiễn cải biến giới tự nhiên của con người nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống của mình. Quan điểm này cũng nhấn mạnh đến năng lực thực tiễn của con người trong việc cải biến giới tự nhiên một khía cạnh quan trọng của nội hàm khái niệm lực lượng sản xuất nhưng cũng chưa nói lên được các bộ phận cấu thành của lực lượng sản xuất.

Trong Giáo trình Triết học (dùng cho cao học không chuyên ngành triết học), lực lượng sản xuất được hiểu là thể thống nhất hữu cơ giữa người lao động và tư liệu sản xuất (trước hết là công cụ lao động) để tạo ra một sức sản xuất vật chất nhất định. Định nghĩa này đã chỉ ra hai bộ phận cấu thành của lực lượng sản xuất là người lao động và tư liệu sản xuất (trước hết là công cụ lao động) và sự thống nhất hữu cơ của chúng với nhau.

Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước, theo tác giả luận án, lực lượng sản xuất là một khái niệm dùng để chỉ sự kết hợp giữa người lao động với tư liệu sản xuất theo một cách thức nhất định để tạo ra một sức sản xuất nhằm cải biến giới tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của con người và phát triển kinh tế xã hội.

Trước đây, khi nói về lực lượng sản xuất, người ta thường nhấn mạnh đó là khả năng con người chinh phục giới tự nhiên, cải tạo giới tự nhiên nhằm tạo ra của cải vật chất, thỏa mãn nhu cầu của mình và phát triển xã hội. Vì vậy, trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trong quá trình sản xuất vật chất, giới tự nhiên thường chỉ được xem là đối tượng để con người chinh phục. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài việc là đối tượng để con người chinh phục, giới tự nhiên còn có thể tạo ra những bất lợi, gây nên những khó khăn cho con người trong quá trình tồn tại và phát triển của mình. Vậy nên, để có thể tồn tại, con người cần phải có những hiểu biết về giới tự nhiên, điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp với tự nhiên. Do đó, nếu chỉ nhấn mạnh đến mặt chinh phục giới tự nhiên và coi đó là thước đo cho sự phát triển trình độ của lực lượng sản xuất ở mỗi giai đoạn lịch sử thì con người sẽ ngày càng can thiệp thô bạo vào giới tự nhiên nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của mình. Hơn nữa, quan niệm như vậy không chỉ hạn chế nội hàm của khái niệm lực lượng sản xuất mà còn khó dung nạp với quan niệm mới về phát triển bền vững, phát triển liên tục . Sự can thiệp thô bạo và sự tàn phá giới tự nhiên đã từng được Ph.Ăngghen cảnh báo trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên như sau: Mỗi lần ta đạt được một thắng lợi là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta. Bởi vậy, để bảo đảm cho sự phát triển bền vững, cần tính đến việc phát triển lực lượng sản xuất một cách có chọn lọc.

Như vậy, lực lượng sản xuất thể hiện năng lực thực tiễn của con người, là thước đo trình độ cải biến giới tự nhiên của con người ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. Sự cải biến ấy có thể được hiểu là con người ngày càng thấu hiểu giới tự nhiên, chung sống hòa bình với giới tự nhiên bởi thực tế cho thấy, chỉ có thể thấu hiểu và chung sống hòa bình với tự nhiên, con người mới có thể được hưởng những lợi ích tốt nhất mà giới tự nhiên mang lại. Do đó, lực lượng sản xuất trong điều kiện hiện nay không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người mà còn phải đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa con người và giới tự nhiên vì mục tiêu phát triển bền vững.

2. Mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất

Trong một số tác phẩm như Hệ tư tưởng Đức, Sự khốn cùng của triết học, Lao động làm thuê và tư bản, Tiền công giá cả và lợi nhuận, Tư bản, các nhà sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử đã bàn đến những yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất. Theo C.Mác, để cải biến giới tự nhiên nhằm tạo ra của cải vật chất, con người cần phải có một sức mạnh tổng hợp. Trước hết, đó là sức mạnh thể chất và trí tuệ những yếu tố tạo nên khả năng lao động của con người: Để chiếm hữu được thực thể của tự nhiên dưới một hình thái có ích cho đời sống của bản thân mình, con người vận dụng những sức tự nhiên thuộc về thân thể của họ: tay, chân, đầu và hai bàn tay. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì quá trình sản xuất vật chất vẫn chưa thể diễn ra. Ngoài bản thân chủ thể lao động, con người cần có những yếu tố khác như cần sử dụng những thuộc tính cơ học, lý học, hóa học của các vật để tùy theo mục đích của mình, dùng những vật đó làm công cụ tác động vào các vật khác. Những vật đó được C.Mác gọi là khí quan giúp con người có khả năng nối dài đôi bàn tay và làm cho quá trình tác động vào tự nhiên trở nên có hiệu quả hơn.

Theo quan điểm của C.Mác, có hai yếu tố cơ bản cấu thành lực lượng sản xuất là tư liệu sản xuất và người lao động.

Tư liệu sản xuất bao gồm hai yếu tố cơ bản là tư liệu lao động và đối tượng lao động. Điều này đã được chỉ rõ trong tác phẩm Tư bản: Cả tư liệu lao động và đối tượng lao động đều biểu hiện ra là tư liệu sản xuất.

Đối tượng lao động bao gồm những bộ phận của giới tự nhiên được đưa vào trong sản xuất. Đối tượng lao động bao gồm hai loại:

Một là, những đối tượng thuần túy tự nhiên. Đó là những đối tượng có sẵn trong tự nhiên, do tự nhiên cung cấp. Nó được coi là đối tượng lao động khi con người tác động vào nó để tạo ra của cải vật chất, chẳng hạn như đất đai được dùng trong sản xuất nông nghiệp.

Hai là, những đối tượng lao động nhân tạo. Đó là những đối tượng không có sẵn trong tự nhiên mà do con người tạo ra. Xuất phát của nó cũng là những sự vật vốn có của tự nhiên nhưng đã được tích lũy một lượng lao động xã hội nhất định, được con người cải tạo và tiếp tục đưa vào quá trình sản xuất tiếp theo, chẳng hạn như những nguyên liệu mới được dùng trong xây dựng.

C.Mác đã phân biệt hai loại đối tượng này như sau: Mọi nguyên liệu đều là đối tượng lao động nhưng không phải mọi đối tượng lao động đều là nguyên liệu. Đối tượng lao động chỉ trở thành nguyên liệu sau khi đã trải qua một số biến đổi nào đó do lao động gây ra. Quan điểm trên của C.Mác về đối tượng lao động đã cho thấy mặc dù hầu hết các đối tượng lao động được sử dụng trong các ngành sản xuất đều in dấu ấn của lao động là những đối tượng lao động do con người tạo ta nhưng tất cả chúng đều có nguồn gốc từ tự nhiên, xuất phát từ tự nhiên. Vì vậy, đây là một trong những cơ sở quan trọng để khẳng định lực lượng sản xuất là biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trong quá trình sản xuất.

Sự phân biệt hai loại đối tượng lao động là đối tượng lao động thuần túy tự nhiên và đối tượng lao động do con người tạo ra có ý nghĩa nhất định trong việc khẳng định vai trò, vị trí của người lao động trong quá trình sản xuất vật chất. Người lao động không chỉ tận dụng những đối tượng lao động sẵn có mà còn biết chế tạo ra những đối tượng lao động mới để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của mình.

Ngoài đối tượng lao động, tư liệu sản xuất còn bao gồm tư liệu lao động. Tư liệu lao động là những yếu tố mà con người dùng để tác động vào đối tượng lao động nhằm tạo ra của cải vật chất. Điều này đã được C.Mác nhấn mạnh: Nhờ những tư liệu lao động, sự hoạt động của con người làm cho đối tượng lao động phải biến đổi theo một mục đích đã định trước. Nếu đối tượng lao động là cái thụ động, phụ thuộc rất nhiều vào sự tác động của con người thì tư liệu lao động là một yếu tố động.

Tư liệu lao động bao gồm hai yếu tố là công cụ lao động và phương tiện lao động. Công cụ lao động là những vật dùng làm trung gian để người lao động tác động vào đối tượng lao động; phương tiện lao động là những điều kiện vật chất cần thiết của quá trình lao động. Trong hai yếu tố trên, công cụ lao động là yếu tố động nhất, cách mạng nhất. Chúng là những vật được con người tạo ra và sử dụng để trực tiếp tác động vào đối tượng lao động nhằm cải biến chúng, tạo ra của cải vật chất. Vì thế, C.Mác gọi công cụ lao động chính là hệ thống xương cốt và bắp thịt của sản xuất. Chúng luôn được cải tiến, đổi mới, có ý nghĩa quan trọng quyết định năng suất lao động và là thước đo về trình độ cải tạo tự nhiên của con người. Do đó, theo C.Mác, công cụ lao động chính là yếu tố đặc trưng cho mỗi thời đại sản xuất xã hội khác nhau: Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào.

Ngoài tư liệu sản xuất được coi là yếu tố cần thiết của quá trình sản xuất, C.Mác khẳng định cần phải có người lao động. Theo C.Mác, yếu tố vật thể sẽ không có bất cứ tác dụng nào nếu không có một lực lượng xã hội để tiến hành sản xuất vật chất. Tư liệu sản xuất sẽ trở thành vô nghĩa nếu không có sự tác động của con người. Điều này đã được C.Mác khẳng định như sau:

Giới tự nhiên không chế tạo ra bất kỳ máy móc nào, không chế tạo ra xe hơi, đường sắt, điện báo, máy dệt Chúng là sản phẩm lao động của con người, đã biến thành vật chất tự nhiên của ý chí con người điều khiển tự nhiên hoặc bộ máy hoạt động của con người trong giới tự nhiên. Chúng là cơ quan đầu não của con người được sáng tạo bởi bàn tay con người; là lực lượng tri thức được vật hóa.

Như vậy, nếu không có con người biết chế tạo, sử dụng công cụ lao động, tác động vào giới tự nhiên thì sẽ không có quá trình sản xuất vật chất.

Với tính cách là một bộ phận cấu thành của lực lượng sản xuất, người lao động là những người có khả năng lao động, nghĩa là phải có cả sức mạnh cơ bắp và sức mạnh trí tuệ mà C.Mác đã gọi cụ thể là có đầu óc và đôi bàn tay. Ngoài ra, người lao động cũng cần phải có kinh nghiệm, những kỹ năng, kỹ xảo trong lao động. C.Mác viết: Chúng tôi hiểu sức lao động hay năng lực lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống, và được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó. Như vậy, người lao động không phải là con người nói chung và không phải người nào có sức mạnh thể chất và tinh thần cũng được coi là người lao động. Chỉ những người nào dùng sức mạnh thể chất và tinh thần của mình tham gia vào quá trình sản xuất vật chất nhằm tạo ra của cải mới được coi là người lao động với tư cách là yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất.

C.Mác đã khẳng định hoạt động sản xuất chính là một dạng hoạt động chỉ có ở con người, nó khác hẳn về chất so với hoạt động của con vật:

Con nhện làm những động tác giống như động tác của người thợ dệt, và bằng việc xây dựng những ngăn tổ sáp của mình, con ong phải làm cho một số nhà kiến trúc phải hổ thẹn. Nhưng điều ngay từ đầu phân biệt nhà kiến trúc tồi nhất với con ong giỏi nhất là trước khi xây dựng những ngăn tổ ong bằng sáp, nhà kiến trúc đã xây dựng chúng ở trong đầu mình rồi. Cuối quá trình lao động, người lao động thu được cái kết quả mà họ đã hình dung ngay từ đầu quá trình ấy, tức là đã có trong ý niệm rồi.

Khi tham gia vào quá trình sản xuất, trước hết người lao động đem nhập vào các yếu tố của lực lượng sản xuất sức mạnh cơ bắp của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ tiến hành sản xuất bằng các khí quan vật chất thuần túy của cơ thể thì con người sẽ không bao giờ tiến xa hơn động vật. Vì con người là một sinh vật xã hội nên ngoài sức mạnh cơ bắp, khi tham gia vào quá trình sản xuất, con người còn có cả trí tuệ và toàn bộ hoạt động tâm sinh lý và ý thức của họ nên lao động của họ trở nên khéo léo, linh hoạt, uyển chuyển, năng động, sáng tạo hơn. Chính điều này làm cho các quá trình sản xuất vật chất có thể giống nhau ở máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào nhưng những sản phẩm đầu ra của những lao động khác nhau lại rất khác nhau. Điều đó cho thấy rõ vai trò quyết định của nhân tố người lao động trong lực lượng sản xuất.

Từ việc phân tích các yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất là tư liệu sản xuất và người lao động cùng mối quan hệ của chúng với nhau, có thể rút ra một số khía cạnh cơ bản của nội hàm khái niệm lực lượng sản xuất như sau:

Thứ nhất, lực lượng sản xuất là một thể thống nhất bao gồm nhiều yếu tố cấu thành, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định quá trình sản xuất vật chất, còn những yếu tố vật thể là điều kiện của quá trình sản xuất đó. Các yếu tố này tuy có vai trò, vị trí khác nhau nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại để tạo thành một chỉnh thể thống nhất.

Thứ hai, lực lượng sản xuất luôn có tính lịch sử, gắn liền với một phương thức sản xuất nhất định, dựa trên sự kết hợp giữa các yếu tố cấu thành của nó. Nếu các yếu tố như người lao động và những điều kiện vật chất không được kết hợp với nhau thì sẽ không tạo ra những biến đổi trong sản xuất vật chất. Khi đó, sẽ không có lực lượng sản xuất. Mỗi thời đại kinh tế khác nhau có những cách thức khác nhau trong việc sản xuất vật chất. Lực lượng sản xuất cũng luôn có tính kế thừa và có sự phát triển không ngừng. Trong quá trình sản xuất vật chất, người lao động có thể kế thừa những kỹ năng, kinh nghiệm, tri thức sản xuất của những người đi trước; cũng có thể kế thừa những công cụ lao động, tận dụng những đối tượng lao động, phương tiện lao động do thế hệ trước tạo ra. Vì vậy, khi một người nào đó bắt tay vào quá trình sản xuất, họ đã có sẵn một lực lượng sản xuất của xã hội, được thừa hưởng lực lượng sản xuất của thế hệ đi trước để lại làm cơ sở cho việc duy trì và phát triển sản xuất. Trên cơ sở đó, trong quá trình sản xuất tiếp theo, người lao động không ngừng tạo ra những lực lượng sản xuất mới và đến lượt mình, những lực lượng sản xuất ấy lại trở thành cơ sở cho những quá trình sản xuất tiếp theo.

Thứ ba, lực lượng sản xuất là biểu hiện của mối quan hệ giữa người lao động với giới tự nhiên trong quá trình sản xuất vật chất. Nó không tồn tại bên ngoài hoạt động của con người mà chính là sức mạnh được hình thành trong quá trình lao động của con người và do con người trực tiếp điều khiển, chi phối. Vì vậy, lực lượng sản xuất thể hiện năng lực thực tiễn của con người trong việc cải tạo giới tự nhiên. Thực chất của lực lượng sản xuất là việc người lao động từng bước tác động vào tự nhiên để tạo ra của cải vật chất nhằm phục vụ những nhu cầu của mình và phát triển kinh tế xã hội.

Xem thêm:

  • Lực lượng sản xuất hiện đại là gì? Đặc điểm, vai trò, yêu cầu cơ bản
  • Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất

(Nguồn: Lê Thị Chiên, Luận án tiến sĩ triết học, 2017)