Review phim tai trái

Đây là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên “Tai trái” do Tô Hữu Bằng làm đạo diễn.

Đầu tiên, Han đến với phim này vì có Dương Dương với Hồ Hạ. Cũng chưa có xem qua giới thiệu, ban đầu chỉ nghĩ đơn giản là câu chuyện học trò cấp 3 quậy phá bình thường thôi. Nhưng đến khi xem mới thấy được nó có rất nhiều ý nghĩ.

Tuổi thiếu niêu thật đẹp, cũng thật đau lòng. Có lẽ những con người trong câu truyện này, mỗi người đều có một nỗi đau riêng, một cuộc đời riêng. Theo tôi, ở đây không có ai đúng, cũng không có ai sai. Chỉ là do cuộc đời tạo ra những cảnh ngộ. Những tình huống trớ trêu đã đẩy họ vào cùng chung một câu truyện, xây dựng cho mỗi người một hồi ức không tốt đẹp, tạo thành những vệt xám trong cuộc đời thanh xuân đáng lẽ phải tràn ngập màu hồng.

  Tuổi thanh xuân….

  Tuổi thanh xuân thật đẹp, thật rạng rỡ, lại trở nên thật ảm đạm, thật buồn.

  Tôi nghĩ nếu như…

  À không, trên đời hoàn toàn làm gì có nếu như. Chỉ vì một quyết định của đời trước đã khiến cho chàng thanh niên 18 tuổi Trương Dạng phải sống một cuộc đời không mấy gì tốt đẹp.

  Trương Dạng đã từng nói rằng trong anh luôn luôn tồn tại hai con người đối lập. Có lẽ một con người yêu Lê Ba Lạp, còn một con người lại sinh ra vì tham vọng, vì thù hận.

  Anh muốn thành công, muốn tiền bạc, muốn trả thù người mẹ đã bỏ rơi anh. Và anh đã đẩy sự trả thù lên người Hứa Dực – một người vô tội.

  Anh lợi dụng Tưởng Nhã Hy làm bậc thang bước đến con đường thành công của mình, anh lợi dụng Lê Ba Lạp cho sự trả thù mù quáng của mình, để rồi cuối cùng anh mất đi người con gái mà mình yêu thương.

  Trương Dạng đã làm tổn thương năm người. Vì có thể học đại học mà tổn thương tình cảm của Tưởng Nhã Hy. Vì sự trả thù mà biến Hứa Dực từ một học sinh ưu tú trở thành một con người ăn chơi, hư hỏng. Vì sự trả thù mà khiến cho Lê Ba Lạp phải chết. Vì sự trả thù mà khiến Lý Nhị mất đi người bạn thân nhất, khiến cô luôn phải sống trong đau khổ, khiến cô phải chứng kiến Hứa Dực ngày một biến chất. Và cũng vì những hiểu lầm, những thù hận mà làm tổn thương chính ba mình, thậm chí cả chính bản thân anh nữa. Tất cả, cũng chỉ vì một chữ “trả thù”, hay đúng hơn là vì một cuộc sống quá tăm tối, quá bất hạnh.

  Tôi đã từng nói, trong câu chuyện, không ai có là người sai. Trương Dạng cũng vậy, anh không sai, nhưng những chuyện mà anh đã làm không phải đúng.

  Trương Dạng thật ra cũng chỉ là một người đáng thương, một bánh răng trong vòng quay đen tối của cuộc đời.

  Tuổi trẻ, có nhiều thứ không hiểu, có nhiều việc không rõ. Những sai lầm đã gây ra trong quá khứ, đến lúc trưởng thành, lại không thể vãn hồi.

  Nếu như Trương Dạng vì một sự trả thù mà khiến cho bao người bị tổn thương thì Lê Ba Lạp chính là người tổn thương sâu nặng nhất. Cô đã đặt toàn bộ tình yêu của mình lên người Trương Dạng, nhưng tận đến lúc chết, cô vẫn ôm tuyệt vọng mà ra đi. Cho dù sau này có sáng tỏ thế nhưng, còn tác dụng gì? Người cũng đã chết.

   Không thể sống lại.

  Ba Lạp là một cô gái không mấy trong sạch. Ban đầu tôi đã nghĩ thế. Một cô gái trẻ, có lẽ cũng chưa đến hai mươi tuổi nhưng lại đến làm việc ở quán bar. Một cô gái mồ côi sống cùng một người bà luôn đối cô không lạnh cũng không nóng.

  Có lẽ cô thiếu tình thương, hoặc có lẽ cô đã nhìn đủ cái đen tối, cái dối trá của xã hội này rồi. Giống như Trương Dạng, cô cũng bị cuộc sống xô đẩy đến đường cùng, bị người khác gọi là “gái điếm”.

  Nhưng, có ai biết cô còn trong sạch?

  Có ai biết cô là một cô gái khao khát tình yêu, cũng khao khát hạnh phúc?

  Có lẽ nhưng thứ đó là quá xa vời đối với cô, cô nhìn thấy nó, nhưng lại không thể chạm vào nó. Cô là một người sống quá thực tế, cô luôn nhìn cuộc đời qua một gam màu xám. Nó cũng khiến cô nhìn thấy sợ dơ bẩn của tận đáy xã hội. Chính nó cũng khiến cô trưởng thành, là một người phụ nữ, chứ không phải là một cô gái hồn nhiên.

  So với Lý Nhị, cô không có cái mơ mộng tình yêu lãng mạng thời thiếu niên. Cái cô có chỉ là những cái nhìn tiêu cực về cuộc đời. Và đôi khi, cái nhìn đó cũng thật đúng. Cô yêu Trương Dạng để rồi vì anh mà tổn thương một người vô tội như Hứa Dực, sau đó bị anh bỏ rơi, rồi lại ở bên anh, và cuối cùng ra đi trong tuyệt vọng.

  Cô từng nói rằng tình yêu giống như chuyến xe bus, muốn đi dài thì phải mua nhiều vé. Cô cũng đã từng nói với Lý Nhị rằng không thể tin vào tình yêu của đàn ông.

  Thế nhưng cô từ bỏ rồi lại nắm lấy, cuối cùng cô vẫn lựa chọn ở bên canh Trương Dạng, dù anh đã có bạn gái. Cô vì anh mà đánh mất đi nhiều thứ, kể cả tính mạng. Và cô cũng đã tổn thương tới Hứa Dực – một câu học sinh xuất sắc đang có một tương lai rộng mở phía trước.

  Hứa Dực! Hứa Dực!

  Cậu học sinh ngoan hiền, đẹp trai, học giỏi, gia đình khá giả. Cậu có mọi thứ mà mọi người đều muốn có được. Nhưng chỉ vì sự trả thù mù quáng của Trương Dạng, cậu mất đi tất cả, thậm chí đến cả bản tính của mình.

  Lê Ba Lạp khiến cho cậu học sinh sắp bước vào kỳ thi đại học sa ngã và thứ tình cảm mộng mơ không có thật, khiến cho cậu chìm đắm trong những tiếng nhạc xập xình của quán bar, khiến cậu trở nên hư hỏng.

  Nhưng cô gái đó, cũng đã lừa dối cậu, phụ đi tình yêu của cậu dành cho cô. Ba Lạp khiến cậu bị cuốn và những tối tăm của xã hội. Có lẽ chính cô đã gây ra một vết thương cho trái tim chưa một lần chịu thương tổn nào của cậu, khiến cho cậu thay đổi. Nó đã để lại trong cậu một hồi ức đen tối, giống như vết nhơ mãi mãi không thể xoá nhoà của thời thiếu niên.

  Nó khiến cậu thay đổi, khiến cậu trở thành một con người ăn chơi, hư hỏng, khiến cậu gây tổn thương cho Lý Nhị – cô gái vẫn luôn dõi theo chăm sóc cậu. Cậu biết Lý Nhị yêu cậu, nhưng cậu vẫn luôn gây tổn thương cho cô. Thậm chí cho dù đoạn thời gian ngắn ngủi hẹn hò, có lẽ cậu chỉ xem Lý Nhị như thế thân của Lê Ba Lạp mà trả thù thôi, trả thù những tổn thương mà cậu đã phải trải qua.

  Một lần nữa, Hứa Dực là người thứ hai trong câu chuyện này đem nỗi đau của mình đổ lên một người vô tội khác.

  Cậu là một người vô tội, một người đáng thương, một người có tương lai vô cùng tươi sáng nhưng rồi lại kết thúc thậm ảm đạm trong buổi hoàng hôn. Có lẽ sau tất cả mọi chuyện, cậu chính là người đáng thương nhất. Lê Ba Lạp đã chết, cô ấy có thể ở nơi chân trời mỉm cười. Lý Nhị và Trương Dạng tưởng như không tình không cảm lại ở bên nhau. Vưu Tha yêu đơn phương nhưng cuối cùng cũng tim được hạnh phúc của mình nơi đất Mĩ. Thậm chí Tưởng Nhã Hy có lẽ cũng đã quên đi đoạn tình năm xưa.

  Nhưng Hứa Dực có lẽ vẫn sẽ sống như vậy, vẫn sẽ sống một cách buông thả, vẫn sẽ sống trong đau khổ như vậy. Tôi thật sự mong tác giả, hay đạo diễn, có thể cho cậu ấy một kết thúc tốt đẹp hơn. Vậy mà dường như cậu đã không còn là nhân vật trong bộ phim này nữa rồi.

  Đối với cậu, không có kết thúc.

  Có phải, cậu làm tổn thương Lý Nhị là sai lầm không thể vãn hồi không?

  Cậu không đáng, không đáng để phải sống một cuộc đời như vậy. Cậu còn trẻ, còn có tương lai.

  Toàn bộ mọi chuyện, tất cả cũng đều vì số phận mà ra, những thăng trầm trong cuộc đời bọn họ có lẽ chỉ là một đoạn thanh xuân ngắn ngủi. Nhưng nó lại quá mức rõ ràng, quá mức đau lòng. Nó khiến cho những người trẻ tuổi bị cuốn vào hố sâu của sự tuyệt vọng, khiến họ nếm trải những đắng cay của cuộc đời. Có một số người sẽ vượt qua, sẽ vui vẻ sống tiếp, họ sẽ mỉm cười, hoặc là một thoáng nhíu mày khi nghĩ lại những ngày thiếu niên ngông cuồng đó. Nhưng cũng có một số người sẽ không thể thoát ra nổi, giống như Hứa Dực vậy.

  Kết thúc câu chuyện, nó là một cái kết có thể coi là HE. Nhưng thật ra, nó chỉ là một khởi đầu cho cuộc đời của tất cả các nhân vật. Bởi vì họ còn trẻ, còn một tương lai dài phía trước.

  Và, đối với Lý Nhị thì đó lại là bắt đầu của những tháng này vui vẻ. Có lẽ trong mọi chuyện, cô chỉ là người ngoài cuộc, là người hoàn toàn không liên qua gì đến yêu hận của Trương Dạng. Nếu không có sự yêu hận ấy thì có lẽ một ngày nào đó, Hứa Dực cũng sẽ quay đầu lại và nhìn thấy một cô gái đáng yêu vẫn luôn dõi theo mình.

  Nhưng tôi đã nói, trên đời không có hai từ “nếu như”. Mọi chuyện vẫn sẽ xảy ra. Lý Nhị vẫn sẽ yêu mến anh chàng thư sinh Hứa Dực, vẫn sẽ có một người bạn thân tên là Lê Ba Lạp, vẫn sẽ oán hận Trương Dạng hại chết Ba Lạp, vẫn sẽ chăm sóc Hứa Dực, vẫn sẽ bước trên con đường mà tác giả vạch ra cho cô. Để rồi cuối cùng cô gái nhỏ cũng có được một cái kết viên mãn.

  Nhưng, tôi thật sự vẫn còn thấy tiếc nuối, tiếc nuối cho đoạn tình thiếu niên của cô dành cho Hứa Dực. Nó thật đẹp, thật trong sáng. Nhưng, quá khứ mãi mãi vẫn chỉ là quá khứ, giống như thanh xuân. Không thể vãn hồi.

  “Không ai có thể thay đổi được trong trí nhớ của bạn năm tháng của tuổi thanh xuân, mặc kệ là trôi qua bao lâu, khi nhắc lại chúng ta vẫn có thể nhớ chính xác từng kí ức”.

“Lúc Tai trái còn chưa chiếu đã nổi chỉ vì một đoạn thoại này: Chúng ta đều muốn có được thứ tình yêu nắm lấy nhau là sống đến bạc đầu, nhưng lại sống trong một thời đại mà lên giường với nhau rồi vẫn không có kết thúc tốt đẹp. Đối với một người đàn ông mà nói, điều khó thực hiện nhất chính là “Trong thời điểm anh không có khả năng vật chất nhất, lại gặp được cô gái anh muốn chăm sóc cả đời”. Đối với một người con gái thì đáng tiếc nhất chính là “Trong độ tốt đẹp nhất gặp phải một người đàn ông mà mình không đợi nổi”! Thực ra, phụ nữ còn có lúc bất lực hơn ấy là khi “đến tuổi chẳng thể chờ được gặp phải người đàn ông không có khả năng vật chất”; mà đàn ông thì bi ai hơn ấy là khi “tới lúc có khả năng vật chất rồi thì lại không còn có cô gái đơn thuần thật lòng muốn ở bên bạn nữa”!

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng

_Thân_

Chủ đề