Quy hoạch xử lý chất thải rắn tỉnh nam định

TN&MTNhằm triển khai Đề án quản lý CTRSH hiệu quả, Nam Định cần có sự chuẩn bị về nguồn lực, có sự quan tâm vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và thay đổi nhận thức của nhân dân cũng như cơ quan quản lý. Để làm rõ các giải pháp này, phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nam Định Phan Văn Phong.

Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua, Nam Định đã thực hiện một số mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở một số địa phương. Ở góc độ chuyên môn, ông đánh giá hiệu quả của mô hình này như thế nào?

Ông Phan Văn Phong: Trong thời gian qua, nhằm đảm bảo duy trì hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, trong khi chờ thực hiện xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung, công nghệ hiện đại, Sở TNMT đã triển khai thực hiện nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Nam Định được phê duyệt tại Quyết định số 2081/QĐ- UBND ngày 20/8/2021.


Phó Giám đốc Sở TN&MT Nam Định Phan Văn Phong.

Cụ thể, Sở đã ban hành Hướng dẫn số 2528/HD-STNMT ngày 24/8/2020 về phân loại chất thải rắn và xử lý chất thải rắn hữu cơ  tại hộ gia đình nhằm hạn chế tối đa lượng rác thải phát sinh đưa về các khu xử lý rác thải tập trung.

Qua thống kê, hiện nay 10/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo hướng dẫn của Sở TN&MT.

Việc triển khai phân loại RTSH thông qua 3 mô hình như “Phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” tại xã Hải Lý (huyện Hải Hậu); Mô hình “Hố rác hữu cơ di động” ở xã Thọ Nghiệp (huyện Xuân Trường), xã Nam Cường (huyện Nam Trực), xã Yên Cường (huyện Ý Yên) … và Mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình” tại xã Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Hưng)

Với sự vào cuộc sát sao của Sở, trên địa bàn tỉnh có 141/226 xã, thị trấn  (tương đương 62%), 2963/3611 thôn xóm (tương đương 57%) đã thực hiện triển khai phân loại rác thải tại nguồn.

Trong năm 2020, Sở đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể và UBND, Phòng TN&MT các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM và hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn.

Sở cũng đã phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tổ chức tập huấn về phân loại rác thải tại nguồn cho đối tượng là các trưởng thôn/xóm các xã trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Phòng TNMT huyện Nam Trực tập huấn về phân loải rác thải tại nguồn cho nhân dân xã Nam Dương, Nam Thái,...

Đối với việc đánh giá hiệu quả của mô hình phân loại rác thải tại nguồn, căn cứ tình hình thực tế tại các địa phương để áp dụng mô hình phân loại rác thải cho phù hợp như hộ có diện tích vườn rộng, có nhu cầu sử dụng phân hữu cơ nên áp dụng mô hình hố rác hữu cơ di động; hộ không có diện tích đất vườn có thể áp dụng mô hình phân loại rác thải thành 2 loại hữu cơ và vô cơ,...

Trong đó, rác hữu cơ đã được áp dụng mô hình phân loại đơn giản tại các hộ gia đình đã giúp giảm áp lực đối với công tác thu gom loại rác dễ phân huỷ này.

Giải pháp trên đã giúp giảm tải lượng rác phải xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung của địa phương, góp phần tạo cảnh quan sạch đẹp nơi hộ gia đình đang sinh sống, cải thiện bộ mặt nông thôn. Qua đánh giá ở các địa phương thực hiện phân loại rác, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình đã giảm thiểu được khoảng 30 - 50% lượng rác phát sinh phải vận chuyển xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung.
Phóng viên: Thực tế mô hình này có thể áp dụng triển khai ra diện rộng trong thời gian tới không và khi triển khai sẽ gặp những khó khăn gì?

Ông Phan Văn Phong: Nội dung phân loại rác thải tại nguồn được đưa thành nội dung trong thực hiện tiêu chí cảnh quan môi trường trong xây dựng NTM nâng cao. Một số địa phương đã triển khai mô hình khá hiệu quả, bước đầu đạt được kết quả khả quan và đang phổ biến nhân rộng mô hình.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn vẫn còn không ít khó khăn trong đó là chưa sâu sát, thiếu đồng bộ, thiếu quyết liệt của lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương.


Hoạt động thu gom rác thải rắn được duy trì trong thời gian qua tại Nam Định.

Trong khi người dân chưa có thói quen phân biệt các loại rác thải hữu cơ, vô cơ, thậm chí lúng túng trong việc nhận diện các loại chất thải; Cần có thời gian để từng bước làm thay đổi nhận thức trách nhiệm của người dân và toàn xã hội.

Thứ nữa là một số bất cập trong khâu thu gom, vận chuyển rác thải (như chưa đồng bộ phương tiện vận chuyển, xử lý để tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại tại các hộ gia đình.)

Một vấn đề tồn tại không kém phần quan trọng là thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận chuyển đáp ứng đúng quy cách có ngăn phân loại riêng đối với các loại rác.

Về mặt nhân sự thì cán bộ làm công tác môi trường tại các huyện, các xã, thị trấn còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên việc thực hiện trách nhiệm về quản lý công tác bảo vệ môi trường còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Phóng viên: Cùng với việc xây dựng mô hình phân loại rác thải tại nguồn, thời gian tới, ngành tài nguyên và môi trường có giải pháp gì để giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt? Đặc biệt là chất thải nhựa đang khá phổ biến hiện nay?

Ông Phan Văn Phong: Cùng với việc thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, trong thời gian tới nhằm giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, Sở TNMT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 (tại Quyết định số 2081/QĐ-UBND ngày 20/8/2020).

Bên cạnh đó, Sở đã có Văn bản số 2643/STNMT-CCMT ngày 01/9/2020 gửi UBND các huyện, thành phố về việc triển khai thực hiện Đề án. Căn cứ Đề án quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt của tỉnh, các huyện chỉ đạo xây dựng đề án quản lý rác thải của huyện.

Cho đến nay, UBND các huyện/thành phố đang triển khai Đề án quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt của tỉnh và xây dựng kế hoạch/ Đề án của huyện.
Trong đó, UBND thành phố Nam Định đã có Văn bản số 1585/UBND-KT ngày 22/10/2020 triển khai thực hiện Đề án quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố đến các phòng ban chuyên môn, Công ty CP Môi trường Nam Định và UBND các phường, xã; các huyện còn lại đang trong giai đoạn xây dựng Đề án cấp huyện.


Sự tham gia tích cực của người dân ở một số địa phương trong bảo vệ môi trường tại Nam Định.

Sở cũng đã ban hành Hướng dẫn số 2528/HD-STNMT ngày 24/8/2020 về phân loại chất thải rắn tại nguồnvà xử lý chất thải rắn hữu cơ nhằm hạn chế tối đa lượng rác thải phát sinh đưa về các khu xử lý rác thải tập trung.

Thông qua phối hợp với các tổ chức đoàn thể, UBND, Phòng TN&MT các huyện, Sở đã thực hiện tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM và hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn; Đã phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tổ chức tập huấn về phân loại rác thải tại nguồn cho đối tượng là các trưởng thôn/xóm các xã trên địa bàn tỉnh

Còn ở công đoạn cuối của quá trình thu gom rác thải các bãi chôn lấp và lò đốt đã được Sở bằng văn bản hướng dẫn các địa phương vận hành các công trình xử lý rác thải (Hướng dẫn số 2276/STNMT-CCMT ngày 06/12/2013 về thu gom, phân loại và vận hành bãi chôn lấp và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn quy mô cấp xã; Hướng dẫn số 3361/HD-STNMT ngày 21/12/2016 về yêu cầu kỹ thuật và vận hành lò đốt chất thải rắn sinh hoạt).

Đối với các bãi chôn lấp đã đầy/các lò đốt đã xuống cấp, Sở đã có nhiều văn bản đề nghị UBND các huyện rà soát, cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý rác thải.

UBND cấp xã là chủ đầu tư công trình, trực tiếp lập phương án/dự toán cải tạo sửa chữa trình UBND cấp huyện xem xét, quyết định. Nội dung này cần có thời gian và bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Hùng

Chủ đề