Promoter nghĩa là gì

Thị trường đang đi vào những tháng cuối năm 2019, các hoạt động PR, Khuyến mãi và Truyền thông ngày càng sôi động hơn với hàng loạt events sự kiện liên tục diễn ra, và càng trở nên nóng hơn khi các chương trình chiêu thị cuối năm của các công ty đã nằm sẵn trên bàn giấy chờ ngày khởi động. Vì thế, các công ty quảng cáo, tổ chức sự kiện, cũng ráo riết thực hiện chiến dịch SĂN PROMOTER nhằm đáp ứng nhu cầu của các công ty khách hàng.

Nghề thời thượng nhưng cũng lắm gian nan

Promoter (nhân viên chiêu thị) hay promoter girl (PG-nữ nhân viên chiêu thị) là danh từ chỉ những bạn chuyên phụ trách vai trò hoạt náo, dẫn chương trình, hướng dẫn, tư vấn cho người tiêu dùng tại các quầy hàng trong những trung tâm Thương mại, siêu thị hay hội chợ triển lãm.

Làm PG hay promoter đã và đang trở thành lựa chọn ưu tiên số một trong danh sách các việc làm bán thời gian của giới sinh viên trong hơn 15 năm trở lại đây. Nghề PG lên ngôi do nhiều yếu tố, nhưng dễ thấy nhất là mức lương khá hấp dẫn, thường dao động từ 100.000 đến 200.000 đồng cho một ngày làm việc. Cá biệt đôi khi còn lên đến 300.000 500.000 đồng đối với promoter cao cấp ( có thể là team leader -trưởng nhóm promoter hoặc là supervisor-giám sát ), phụ thuộc vào thời gian làm việc, khối lượng công việc, nhãn hàng phụ trách, công ty môi giới và một số yếu tố chủ quan khác như sắc vóc, khả năng giao tiếp, trình độ Vì sức hấp dẫn từ mức lương như thế và đặc thù công việc lại không đòi hỏi tính chuyên môn cao nên rất nhiều các ứng viên không phải là sinh viên cũng đã chọn nghề Promoter như một công việc thực sự.

Do đó, dù đa số các nhà tuyển dụng, công ty quảng cáo, dịch vụ môi giới vẫn thường ưu ái ưu tiên cho sinh viên trong các đợt tuyển người của mình nhưng các bạn sinh viên vẫn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các ứng viên không phải là sinh viên. Những ứng viên này xuất thân từ các lò đào tạo người mẫu nên có lợi thế về sắc vóc, ngoại hình. Nói như vậy, không có nghĩa là trong giới sinh viên không có những bạn xinh xắn, duyên dáng, nhưng nếu có, các bạn vẫn vướng phải nhiều hạn chế về thời gian, đôi khi không thể tập trung cho công việc một cách toàn tâm toàn ý, hoặc không có điều kiện theo những chương trình kéo dài vài tháng. Trong khi PR là một quá trình liên tục và lâu dài, do đó PG cũng là một trong số những công việc thời vụ nhưng ít nhiều đòi hỏi tính ổn định cao. Vậy là, các nhà tuyển dụng, dù rất muốn ủng hộ sinh viên, nhưng vì tính ổn định của chương trình, vẫn phải gọi những ứng viên khác. Và những promoter không phải là sinh viên này làm nhiều chương trình trở thành quen mặt, sẽ tiếp tục được gọi tham gia những chương trình lần sau do sự vượt trội về kinh nghiệm. Các bạn sinh viên đã đánh mất cơ hội của mình như thế, dù biết rằng lỗi không thuộc về các bạn.

Một nguyên nhân khác góp phần đưa nghề PG lên hàng hot là do công việc không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, không kén cá chọn canh trong việc giới hạn ngành học của các ứng viên. Bạn chỉ cần có khả năng ăn nói lưu loát, một chút tinh tế trong việc xử lý các tình huống đặc biệt là thái độ thân thiện và sự kiên nhẫn khi giao tiếp với khách hàng tất cả đều rất đời thường, những kỹ năng rất gần trong cuộc sống. Hội tụ những yếu tố đó, bạn đã có thể trở thành một promoter. Thoạt nghe qua, tưởng chừng không mấy khó khăn, nhưng thực tế trải nghiệm của các promoter lại hoàn toàn không đơn giản như vậy, nhất là khi bạn phải đứng cả ngày ở các gian hàng trong siêu thị hay vất vả hơn là đứng tại những quầy hàng ở hội chợ hầm hập cái nóng và cả hơi người, mà điều kiện tiên quyết là nụ cười tươi tắn vẫn phải thường trực trên môi bạn. Trong suốt quá trình tập luyện, các promoter thường được truyền đạt cách thức xử lý một số vấn đề khó khăn. Nhưng khi đối diên với các tình huống khó khăn thật sự, không ít người lúng túng, khi gặp phải các khách hàng khó tính, thích căn dặn đủ điều hay thậm chí la lối, quát nạt các promoter khi không hài lòng, đặc biệt là trong các chương trình chơi trò chơi, đổi quà tặng.

Làm promoter cho một nhãn hàng gần như đồng nghĩa với việc bạn trở thành người đại diện cho nhãn hàng đó trước mắt người tiêu dùng, dù chỉ trong thời gian ngắn. Promoter cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá sản phẩm đến khách hàng, đặc biệt là khi sản phẩm bạn phụ trách là một sản phẩm mới hoặc là sản phẩm đã quen thuộc nhưng có nhiều điểm mới. Người tiêu dùng có đón nhận sản phẩm hay không và đón nhận như thế nào, số lượng sản phẩm tiêu thụ nhiều hay ít, doanh thu của công ty có tăng lên hay không và tăng như thế nào. tất cả phụ thuộc vào một phần vai trò và trách nhiệm của các promoter. Vì thế, các công ty khi giao trách nhiệm cho các promotercủa mình, sẽ giao luôn doanh số tiêu thụ sản phẩm, Do đó, công việc của các promoter có phần khó khăn hơn, khi phải gánh luôn cả một phần trách nhiệm của nhân viên sales ( bán hàng ).

Ngoài ra, cũng tương tự trong giới ca sĩ hay làm người mẫu, chuyện thị phi nói xấu lẫn nhau nhằm hạ uy tín đối thủ cạnh tranh của mình, sự chia bè kết phái của các nhóm promoter và các cá nhân promoter không phải là không có. Dù mức đ65 ít hơn nhiều do sự cạnh tranh giữa các bạn không quá gay gắt nhưng đây à một tín hiệu đáng buồn cho các bạn promoter đang là sinh viên.

Và chúng tôi đã chinh phục thử thách

Cho dù bạn chọn promoter như một công việc chuyên nghiệp hay như đó là một xuất phát điểm cho công việc PR hoặc đơn giản chỉ là công việc làm thêm tăng thu nhập trang trải việc học thì những khó khăn của bạn gặp phải có thể đều giống nhau. Nếu muốn tiếp tục khẳng định bản thân, bạn không thể đầu hàng. Chỉ một con đường duy nhất là chiến thắng những thử thách ban đầu này, bạn mới tìm được cơ hội phát triển trên mãnh đất PR vốn rất màu mỡ nhưng cũng lắm chông gai.

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều trường lớp huấn luyện promoter chuyên nghiệp, người giảng viên thường xuất thân từ nghề promoter đã tích lũy nhiều năm kinh nghiệm, sẽ chia sẻ và truyền đạt lại cho bạn những kiến thức, kỹ năng mà một người mới vào nghề promoter cần có để trở thành Promoter chuyên nghiệp

Làm Promoter chuyên nghiệp, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm và chữ tâm trong công việc. Chữ tâm sẽ giúp các promoter nhận thức được vai trò của mình trong những chiến lược bán hàng của các ông ty. Chữ tâm sẽ giúp các promoter nhận thức được sự quan trọng của mình trong chuỗi mắt xích quá trình phân phối sản phẩm. Chữ tâm còn giúp các promoter nhận thức được mình phải biết kiên trì, nhẫn nại để vượt qua những khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao, dù bản thân không là nhân viên chính thức.

Yêu nghề, sống hết mình với công việc, dù chỉ là công việc thời vụ hay bán thời gian, điều đó sẽ đem lại cho bạn nghị lực khi đối mặt với những thử thách, giúp bạn có thêm tinh thần cầu tiến, niềm say mê học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, cho bản thân và chia sẻ với mọi người. Đó cũng là cơ hội để bạn trau dồi các kỹ năng giao tiếp, ứng xử khéo léo, tế nhị và tuyệt đối không học cách gièm pha, đố kỵ hay kiểu cạnh tranh không lành mạnh. Rèn luyện được những điều này, bạn sẽ thành công, không riêng trong công việc Promoter mà hầu hết tất cả các ngành nghề khác.

Chúc bạn thành công!

Sưu tầm

Video liên quan

Chủ đề