Những lời khen dành cho học sinh tiểu học

3 lưu ý khi sử dụng lời khen dành cho giáo viên

Stars Academy, 09:04 24/03/2021

Khen không đơn thuần chỉ là một lời nói hay là sự đánh giá, nó là cả-một-sự-tính-toán-có-mục-đích để truyền tải thông điệp từ giáo viên đến trẻ.

Lời khen là một công cụ đắc lực để giáo viên đưa ra ghi nhận của mình nhằm mục đích củng cố hành vi mong muốn từ trẻ, qua đó giúp trẻ phát triển bản thân và thay đổi hành vi tích cực. Khen không đơn thuần chỉ là một lời nói hay là sự đánh giá, nó là cả-một-sự-tính-toán-có-mục-đích để truyền tải thông điệp từ giáo viên đến trẻ. Vậy lời khen nên được thiết kế như thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho giáo viên trong quá trình giảng dạy trẻ?

Những lời khen dành cho học sinh tiểu học

Trong bài viết này, lời khen được đề cập với 3 lưu ý sau đây:

1. Mức độ lời khen ngợi

Khen ngợi là phần thưởng tinh thần giúp tạo động lực để trẻ làm tốt hơn nữa. Tuy nhiên nếu sử dụng lời khen quá nhiều, khen một cách vô tội vạ nó sẽ có tác động ngược lại.

  • Thứ nhất là trẻ sẽ trở thành một đứa bé kiêu ngạo, tự mãn bởi lớp màn ảo tưởng về năng lực bản thân. Điều này hoàn toàn không tốt cho trẻ vì sau đó, nếu trẻ gặp khó khăn, thử thách, con sẽ không đủ bản lĩnh để vượt qua vì nỗi sợ sụp đổ hình tượng giả lập ban đầu được xây dựng bởi lời khen. Hoặc trẻ dám đương đầu và gặp thất bại thì đôi khi sẽ là cú sốc tinh thần làm trẻ hoang mang và đặt câu hỏi ngược lại cho năng lực của bản thân mình.

  • Thứ hai là việc nghe quá nhiều lời khen sẽ khiến trẻ bị ngán và hình thành tâm lý “nhờn” với lời khen. Lúc này việc được khen ngợi không còn là hứng thú của trẻ và vô hiệu trong việc hỗ trợ giáo viên.

  • Thứ ba là việc khen nhiều sẽ làm trẻ bị phụ thuộc lời khen. Trẻ không làm vì lợi ích chính mình mà làm vì lời khen đến từ người khác, và việc làm của trẻ mang tính có điều kiện: chỉ làm khi có lời khen.

Nhưng ngược lại, không khen ngợi trẻ sẽ không biết mình đang đúng hay sai, phù hợp hay chưa phù hợp để điều chỉnh cho hợp lý. Ngoài ra, một đứa trẻ chỉ toàn nhận lời chỉ trích, phê bình về sự thất bại trong nhiệm vụ học tập do giáo viên khen thưởng không đúng cách, không ghi nhận thì đứa trẻ ấy có xu hướng vô cùng tự ti do mất dần sự tự tôn (self-esteem), sự tự tin vào bản thân (self-confident) và dẫn đến mất luôn cả tính tự hiệu quả (self-efficacy). Ta dễ nhận thấy điều này khi bắt gặp một đứa trẻ luôn phản hồi trước mọi thứ rằng “con dốt lắm”, “con dở lắm”, “con không làm được đâu”...

Do đó, khen ngợi là tốt, nhưng khen ở đâu mới là đúng. Lời khen là kết quả của hành vi tốt, nên giáo viên cần chọn lọc hành vi mong muốn từ trẻ, khen ngợi khi trẻ thực hiện các nhiệm vụ khó hơn và lên kế hoạch sử dụng lời khen cho phù hợp.

2. Chất lượng lời khen

Một lời khen “xịn xò” từ giáo viên là một lời khen đảm bảo các yếu tố dưới đây:

  • Khen ngợi sự cố gắng và hành động, không khen ngợi phẩm chất:

Tiến sĩ Carol S. Dweck của Đại học Standford đã tiến hành một nghiên cứu với các em học sinh lớp 5. Bà cho các em làm 1 bài IQ đơn giản để tất cả đều đạt điểm cao. Sau đó chia học sinh ra thành 2 nhóm. Một nhóm được khen "Em rất thông minh", nhóm còn lại được khen "Em rất nỗ lực, cố gắng khi làm bài". Sau đó, các em lại được yêu cầu làm thêm một bài kiểm tra thứ hai và có quyền chọn bài khó hoặc dễ. 90% các em được khen ngợi là có cố gắng đều chọn bài kiểm tra khó hơn, trong khi đa số các em được khen thông minh thì lại chỉ chọn bài kiểm tra dễ. Kết quả cuối cùng, nhóm trẻ được khen cố gắng có nỗ lực giải bài hơn và đạt thành tích tốt hơn.

Qua thực nghiệm cho thấy, nếu lời khen tập trung vào phẩm chất, trẻ sẽ bị rập khuôn theo kiểu tư duy cố định. Điều này làm trẻ nghĩ rằng tài năng là thứ có sẵn, không thay đổi. Việc nhóm trẻ được khen thông minh không chọn làm bài khó vì sợ không làm tốt sẽ bị đánh giá là không thông minh nữa đã cho thấy trẻ có xu hướng bị ảnh hưởng bởi những đánh giá (dán nhãn) của người khác. Còn nhóm học sinh còn lại đại diện cho kiểu tư duy phát triển. Lời khen ghi nhận sự cố gắng có nghĩa là: Dù kết quả không tốt như trẻ hay giáo viên mong muốn nhưng trẻ đã vô cùng nỗ lực khi làm thì điều đó cũng vô cùng đáng khen. Và quyết định lựa chọn bài toán khó trong lần 2 đã chứng minh trẻ phấn đấu không phải vì điểm số, vì danh hiệu hay để chứng tỏ với bất cứ ai, mà là từ niềm vui thích muốn thử thách bản thân, nỗ lực hơn nữa để vượt qua chính mình. Bà Carol đã chứng minh lời khen có thể thiết lập tư duy cho trẻ. Vậy là giáo viên, bạn muốn những đứa trẻ của mình trở thành một học sinh có tư duy cố định hay tư duy phát triển?

  • Lời khen rõ ràng và chi tiết, tránh lời khen sáo rỗng:

Những lời khen tập trung vào phẩm chất như “Con rất thông minh” không hề có ý xấu, tuy nhiên nó có thể khiến trẻ không biết cách phát triển. Khi khen trẻ thông minh, đây là lời khen vô cùng sáo rỗng. Thông minh ở đây là gì? Khi sử dụng cụm từ này để khen ngợi tức là giáo viên đang muốn truyền tải thông điệp gì cho đứa trẻ? Giáo viên cũng thường khen rằng “Con rất giỏi” hay “Con rất ngoan”. Trẻ sẽ không biết hành động nào trong lớp của trẻ là giỏi, là ngoan và cũng không biết giỏi hay ngoan ngoãn là gì. Do đó, khen vào tố chất là lời khen gây hại đến trẻ. Lời khen tốt là lời khen tập trung vào quá trình thực hiện và hành động của trẻ.

Ví dụ: “Hôm nay cô thấy con ngồi yên trên ghế từ đầu giờ đến giờ, cô rất vui vì điều đó đấy. Cô nghĩ hôm sau, con sẽ tiếp tục làm được những việc như vậy”.

Khi được khen một cách rõ ràng, chi tiết như vậy trẻ mới biết được việc ngồi yên trên ghế là việc được đánh giá cao của giáo viên và ngày hôm sau sẽ tiếp tục hành vi đó.

  • Thừa nhận hành động của con bằng cách nói ra cảm xúc của bản thân

Khi khen ngợi, ngoài việc đề cập đến trẻ, giáo viên cần bày tỏ cảm xúc của mình đính kèm trong lời khen. Vì nếu chỉ khen ngợi trẻ, trẻ sẽ không biết những lợi ích tích cực từ việc làm của trẻ tác động như thế nào đến giáo viên. Vậy nên, giáo viên cần diễn tả cảm nhận của mình với việc làm của trẻ và thừa nhận hành động của con bằng cách nói ra cảm xúc của bản thân. Đây cũng là một cách khen ngợi.

Ví dụ: “Hôm nay cô thấy con ngồi yên trên ghế từ đầu giờ đến giờ, cô rất vui vì điều đó đấy. Cô nghĩ hôm sau, con sẽ tiếp tục làm được những việc như vậy”.

3. Hình thức khen ngợi: Tập trung vào đối tượng khen, không so sánh

Ví dụ: “Bạn A hôm nay học ngoan hơn bạn B”

“Lớp này hôm nay học tốt hơn lớp khác”

Khi sử dụng lời khen dưới hình thức so sánh, vô tình giáo viên đã làm hại cả 2 phía học sinh: Giáo viên đã hạ giá trị của một học sinh và học sinh còn lại khi nhận đươc lời khen đi kèm sự so sánh với một ai đó cũng không thật sự khiến trẻ cảm thấy tự hào. Sự so sánh, đánh giá, phán xét không phải là một lời khen, nó có thể khiến trẻ bị so sánh cảm thấy ghen ghét, đố kị và dẫn đến mâu thuẫn giữa các trẻ với nhau. Giáo viên nên đánh giá con dựa vào chính sự thay đổi của con so với tiết học trước, so với ngày hôm trước, so với cuộc thi trước, với bài kiểm tra trước chứ không so sánh với một ai khác.