Những khuyết điểm của đoàn viên thường là gì năm 2024

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, anh Nguyễn Đức Sâm, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh cho biết: “Bắc Ninh là một trong các địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện về nhiều mặt cho các phong trào, hoạt động của Đoàn Thanh niên. Theo định mức, kinh phí dành cho các hoạt động của tổ chức đoàn cấp xã/phường hằng năm từ 10 đến 30 triệu đồng, cấp chi đoàn từ 5 đến 10 triệu đồng. Tuy nhiên, với định mức này, cơ sở đoàn rất khó để tổ chức các hoạt động nên phải thực hiện xã hội hóa, nhận thực hiện các phần việc để gây quỹ. Bên cạnh đó, cán bộ đoàn cơ sở còn chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, thiếu phương pháp, năng lực thiết kế, tổ chức các hoạt động”.

Không riêng tại tỉnh Bắc Ninh, kinh phí tổ chức hoạt động đoàn cũng là vấn đề trăn trở của tổ chức đoàn ở các địa phương trên cả nước. Như tại xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), để có kinh phí cho các hoạt động, đoàn thanh niên phải huy động đoàn viên tham gia thu gom ve chai và vệ sinh, khai thông mương máng để gây quỹ... “Nhiều ĐVTN không đồng tình, không hưởng ứng việc này. Không còn cách nào khác, tôi xắn quần lội mương dọn dẹp để mọi người cùng tham gia”, anh Vũ Trọng Thao, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hưng Nghĩa chia sẻ. Còn anh Đinh Ngọc Thanh, Bí thư Đoàn Thanh niên phường Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Kinh phí tổ chức hoạt động đoàn được cấp cho chúng tôi là 18 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, có năm hết đến 43 triệu đồng. Nhiều lúc, cán bộ đoàn phải bỏ tiền túi để chi trả. Chúng tôi phải vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ”.

Bên cạnh vấn đề về tài chính, đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở cũng còn không ít bất cập cần tháo gỡ. Thực tế cho thấy, ở đâu cán bộ đoàn giỏi chuyên môn, có kỹ năng và tinh thần trách nhiệm thì ở đó ĐVTN sẽ hăng say các phong trào, hoạt động. Tìm hiểu tại Thành đoàn Hà Nội, chúng tôi được biết: Trước yêu cầu và nhu cầu phát triển, thời gian qua, đội ngũ cán bộ đoàn thuộc Thành đoàn Hà Nội đã nỗ lực học tập, trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng mềm để theo kịp với thực tiễn. Song song với đó, tổ chức đoàn các cấp cũng thu hút thanh niên giỏi, có tri thức, trình độ... vào làm việc trong hệ thống tổ chức của mình. Đồng thời, hằng năm, thành phố đều có những chương trình đào tạo dành cho cán bộ đoàn về tin học, ngoại ngữ và các kiến thức chung khác để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Theo đánh giá của Thành đoàn Hà Nội, cơ bản đội ngũ cán bộ đoàn đã đáp ứng được yêu cầu đề ra trong thời buổi hiện nay, tuy nhiên, một bộ phận cán bộ đoàn thường xuyên biến động, luân chuyển nhanh, dẫn đến không kịp thời trong đào tạo, bồi dưỡng. Trong khi đó, ở một số nơi, cán bộ đoàn chưa phát huy tối đa sức trẻ, sự sáng tạo trong công tác, còn ngại rèn luyện, tiếp nhận cái mới, ngại đổi mới, sáng tạo... Từ đó, xảy ra thực trạng, khi yêu cầu tình hình thực tế thay đổi sẽ gặp khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong triển khai, các hoạt động vẫn đi vào lối mòn.

Anh Nguyễn Đức Tiến, Phó bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hà Nội thông tin thêm: “Trong các tổ chức đoàn của thành phố, nhiều cán bộ đoàn không được đào tạo theo chuẩn mà chỉ tự mày mò làm phong trào để dần tích lũy kinh nghiệm. Trong khi đó, các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ lại đơn điệu, dàn trải, nặng về lý thuyết, bài giảng chưa đủ thu hút; đội ngũ báo cáo viên kỹ năng truyền đạt còn hạn chế, máy móc, kiến thức chưa toàn diện... Thực trạng này dẫn tới việc lớp bồi dưỡng trở thành “đến hẹn lại lên”, cán bộ đoàn sau bồi dưỡng không thể vận dụng những gì đã học vào thực tế, chất lượng sinh hoạt của tổ chức đoàn cơ sở tiếp tục “giậm chân tại chỗ”.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn, Phó giám đốc Học viện Thanh, Thiếu niên Việt Nam, ở một số nơi, bí thư đoàn xã/phường độ tuổi tương đối cao nhưng cũng chưa thể luân chuyển. Có người thậm chí ngoài 40 tuổi có con đã lớn, thậm chí có cháu rồi nhưng vẫn chưa thể tìm người thay thế, vì hầu hết thanh niên đi làm ăn xa, ở nhà chủ yếu là học sinh trung học phổ thông thì lại bận việc học tập, ít có thời gian chuyên tâm để làm các công việc của chi đoàn. Từ đó, Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn đề xuất: “Họ cũng có tâm tư mà Đảng, Nhà nước ta cần quan tâm, như: Chế độ lương thưởng và phụ cấp nhiều khi không tương xứng, chế độ ưu đãi cũng không được như một số ngành nghề khác... Nhiều khi, thù lao không tương xứng với những công sức bỏ ra. Cơ chế, quy trình luân chuyển vị trí công tác hiện nay gặp khó khăn, nhất là đối với những đồng chí quá tuổi hoặc đã đủ tuổi trưởng thành đoàn. Do vậy, trong quá trình công tác, nếu không tranh thủ học tập nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn thì cũng khó cho các đồng chí luân chuyển sang các vị trí công tác khác khi đã quá tuổi đoàn...”.

Chương trình, hoạt động nặng tính hình thức, thiếu thực chất

Nội dung một buổi sinh hoạt chi đoàn thường kỳ gồm đánh giá kết quả hoạt động trong thời gian vừa qua, đề xuất các giải pháp khắc phục; đề ra phương hướng, nhiệm vụ của chi đoàn trong thời gian tới. Tiếp đến, ĐVTN thảo luận, đóng góp ý kiến. Đồng chí chủ trì tổng hợp ý kiến và kết luận, phân công nhiệm vụ cho ĐVTN thực hiện... Tuy vậy, cái khó nhất đó là đề ra nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm gì trong một kỳ sinh hoạt vẫn là thách thức với các chi đoàn. Nếu nhiệm vụ cứ na ná tháng này qua tháng khác, các phong trào theo kiểu "xuân thu nhị kỳ" sẽ gây nhàm chán và ĐVTN không còn muốn tham gia. Nhất là với các chi đoàn ở địa bàn dân cư, trong các thôn, xóm, xã, phường... rất khó xác định nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với nguyện vọng chính đáng của ĐVTN. Điều quan trọng nhất trong xác định chương trình hành động, nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn là phải trả lời được câu hỏi: "Thanh niên muốn gì, cần gì ở tổ chức đoàn?". Trả lời thỏa đáng được câu hỏi này Đoàn mới thổi bùng được ngọn lửa nhiệt huyết của ĐVTN. Qua khảo sát, trao đổi với nhiều bạn trẻ, chúng tôi nhận được câu trả lời: "Mong muốn của ĐVTN là được quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ để lập thân, lập nghiệp". Tổ chức đoàn phải là nơi chung sức giải bài toán lập thân, lập nghiệp với ĐVTN. Vấn đề lớn này vẫn có thể giải quyết được nếu thực sự tổ chức đoàn quyết tâm. Từ đó cho thấy, song song với việc giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tổ chức đoàn phải hiện thực hóa chương trình hành động của mình bằng những việc thiết thực như liên kết, tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho thanh niên; hướng dẫn phát triển kinh tế-xã hội; các phong trào phải thiết thực, tránh xa tính điểm danh, hình thức.

Năm 2021, trả lời câu hỏi của báo chí về việc “có quan điểm là hoạt động đoàn còn nặng về “phong trào, hô hào, khẩu hiệu”, anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thẳng thắn nhìn nhận: “Nhận định này không phải là không đúng vì nó vẫn còn những biểu hiện của việc xơ cứng, hình thức, đánh trống bỏ dùi, hô hào. Cấp Trung ương làm rất to tát, lễ lạt, số đông, ra quân rầm rộ, nhưng sức lan tỏa xuống đến cơ sở, tính rộng khắp, hiệu quả và bền vững thì không phải hoạt động nào cũng đạt được. Những việc này Đoàn đều nhận thức được và chúng tôi đang cố gắng tiếp tục điều chỉnh để hoạt động của Đoàn thực sự hấp dẫn hơn, thu hút ĐVTN hơn nữa. Mong muốn của bất cứ cán bộ đoàn nào là làm sao để hoạt động do Đoàn thiết kế, tổ chức, tự thân phải có sức hấp dẫn với thanh niên, để họ tự tìm đến và tham gia với mình...”. Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Cao Vãng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cho biết thêm: “Các hoạt động đoàn ngày nay vẫn còn mang hình thức hô hào, mỗi cá nhân tham gia chưa thực sự đóng góp được nhiều. Các hoạt động vẫn giáo điều, chưa khơi gợi thu hút được thanh niên. Muốn giáo dục được thanh niên, nhưng lại chưa khai thác ý thức hệ, tính cách, mong muốn của mỗi cá nhân”.

Còn nhớ, cách đây gần 10 năm, vào giữa tháng 7-2013, hơn 1.000 đoàn viên tham gia xây dựng công trình giao thông dài 700m ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội) khiến dư luận xôn xao cho rằng: Tuy mục đích giáo dục cho ĐVTN tinh thần yêu lao động là đúng đắn, nhưng việc huy động số lượng lớn đoàn viên lại gây phản cảm và mang nặng tính hình thức, phô trương, lãng phí. Không riêng sự việc này, nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa khác của Trung ương Đoàn khi được tổ chức đoàn cấp dưới triển khai chỉ mang tính hình thức, thời vụ nên hiệu quả thấp, thậm chí lãng phí; ĐVTN tham gia còn mang nặng tư tưởng tụ tập, hình thức dẫn đến thái độ thiếu nghiêm túc, thụ động, thiếu nhiệt tình... Ví dụ như, nhiều cơ sở đoàn tổ chức ra quân rầm rộ để khơi thông mương máng, thu gom rác thải, trồng cây, vệ sinh môi trường... rồi tổ chức cắm biển ghi công, nhưng chỉ sau một thời gian lại đâu đóng đấy, do không được thực hiện thường xuyên...

Đề cập đến vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn nêu quan điểm: “Tôi không phủ nhận thực trạng này, bởi thực tế hiện nay, không ít cơ sở đoàn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt là trình độ, năng lực công tác yếu kém của đội ngũ cán bộ đoàn đã phát động, triển khai tổ chức thực hiện một số phong trào thanh niên chưa hiệu quả. Điều này phần nào làm ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của cả hệ thống tổ chức Đoàn nói chung, gây ra những hiểu lầm, đánh giá phiến diện, thiếu khách quan, mang tính quy chụp “vơ đũa cả nắm”... Nhưng hiện tượng này không thể phủ nhận bản chất cách mạng của các phong trào thanh niên do Đoàn phát động. Việc phủ nhận, đánh giá thấp những thành tựu, đóng góp của tổ chức đoàn thông qua các phong trào là thiếu cơ sở”.

Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, góp ý: “Đối với cán bộ đoàn, cần có những chính sách, chế độ kịp thời, thỏa đáng thì họ sẽ cống hiến, phát triển theo định hướng. Người cán bộ đoàn cần là người truyền lửa cho thanh niên, đem tinh thần quả cảm, đức hy sinh của mình để thanh niên thấy và làm theo. Muốn phát huy được lực lượng này thì Nhà nước phải có chính sách đủ thu hút khuyến khích thanh niên. Đó là trách nhiệm của Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương”.

Chủ đề