Những cấu nổi nổi tiếng của các nhà hóa học năm 2024

Nhìn lại lịch sử 115 năm của Giải Nobel Hóa học, chúng ta thấy một số trường hợp có thể đã bị bỏ sót - đó là những nhà hóa học đã đưa ra những phát minh sáng chế có tính đột phá nhưng lại chưa bao giờ được nhận Giải Nobel. Những quy tắc và quy định hạn chế trong bản di chúc của Alfred Nobel cùng với những mâu thuẫn cá nhân, những trường hợp mất sớm, hoặc đơn giản chỉ là sự không may mắn đã khiến cho việc trao Giải Nobel có những thiếu sót và gây ra nhiều tranh cãi.

Tháng 3/2016, trong hội nghị toàn quốc hàng năm của Hội Hóa học Mỹ tại thành phố San Diego, các diễn giả đã kể 10 câu chuyện về những nhà hóa học lẽ ra phải được trao Giải Nobel và nêu ra nguyên nhân vì sao một số nhà hóa học đó đã trở thành những người thua cuộc nổi tiếng trong các lần đề cử Giải Nobel hàng năm.

Dưới đây là 5 trong số 10 câu chuyện đã được kể ra tại hội nghị San Diego năm qua:

1. Dmitri Mendeleev

Mọi danh sách về những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử hóa học đều nhắc đến tên của Mendeleev - nhà hóa học Nga đã phát triển Bảng Tuần hoàn các nguyên tố hóa học vào thế kỷ 19. Nhưng ông không bao giờ được nhận Giải Nobel, cho dù ông vẫn còn sống khi một số giải đầu tiên đã được trao.

Theo lời một nhà khoa học thuộc Đại học LeMoyne trong hội nghị San Diego, vấn đề chính ở đây là bản di chúc của Alfred Nobel năm 1895 quy định rằng Giải Nobel là “để công nhận những người mà trong năm trước đã mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại”. Vì vậy, những giải thưởng ban đầu, với giải đầu tiên được trao vào năm 1901, đã được trao cho những công trình thực hiện trong cùng thời gian đó.

Nhưng năm 1900, cơ quan quản lý Giải Nobel là Quỹ Nobel đã công bố một quy chế thể hiện sự giảng giải chính thức của bản di chúc. Theo đó, giải thưởng chủ yếu sẽ tôn vinh những thành tựu trong thời gian vừa qua, nhưng cũng có thể được trao cho những công trình từ trước đó nếu tầm quan trọng của chúng đã trở nên rõ rệt trong thời gian gần đây.

Những người ủng hộ Mendeleev đã viện dẫn cách giảng giải mới nói trên để đề cử nhà khoa học Nga, sau khi các nguyên tố khí trơ trở thành đối tượng của Giải Nobel Hóa học và Vật lý năm 1904. Họ khẳng định rằng, những phát hiện về khí trơ cho thấy công trình về Bảng Tuần hoàn các nguyên tố hóa học của Mendeleev từ thế kỷ 19 xứng đáng được trao Giải Nobel. Vì vậy, Mendeleev được đề cử cho Giải thưởng năm 1905, nhưng ông đã không được trao giải. Ông lại được đề cử một lần nữa cho Giải thưởng năm 1906, khi đó ủy ban Giải Nobel đã bỏ phiếu 4:1, kết quả nghiêng về phía ông. Tuy nhiên, Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển là cơ quan có tiếng nói quyết định cuối cùng đã không chấp nhận kết quả bỏ phiếu. Thay vào đó, Viện này đưa thêm 4 thành viên mới vào ủy ban Giải Nobel và yêu cầu bỏ phiếu lại. Kết quả bỏ phiếu sau đó là 5:4, nghiêng về phía Henri Moissan, người đã phân lập được flo nguyên tố và phát triển lò điện. Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển đã chấp nhận kết quả bỏ phiếu mới này.

Các học giả thời nay tin rằng Svante Arrhenius, một thành viên nổi tiếng của Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển có thể đã ngăn cản việc lựa chọn Mendeleev vì ông ta không vui trước những phê phán công khai trong thời gian dài của Mendeleev đối với lý thuyết phân ly ion. Đây là lý thuyết do Arrhenius đề ra với ý tưởng cho rằng các chất điện ly sẽ phân ly trong nước để tạo thành các ion. Ngoài ra, có thể Arrhenius cho rằng thành tựu của Mendeleev đã được thực hiện từ quá lâu rồi.

Mendeleev mất năm 1907, vì vậy ông đã không bao giờ có cơ hội nào nữa. Theo một quy định khác trong di chúc của Alfred Nobel, Giải Nobel chỉ được trao cho những nhà khoa học còn sống.

2. Wallace Carothers

Vào khoảng năm 1930, Carothers (khi đó đang làm việc tại Công ty DuPont) đã phát minh quá trình trùng ngưng - phản ứng kết hợp các monome với các nhóm đầu cuối hoạt tính và giải phóng nước. Năm 1935, ông đã sử dụng phản ứng này để tạo ra một vật liệu hoàn toàn mới là nylon mà sau này đã trở thành một thành công thương mại vang dội khắp thế giới.

Tại hội nghị San Diego, nhà khoa học E.Thomas Strom thuộc Đại học Tổng hợp Texas đã lập luận rằng phản ứng trùng ngưng xứng đáng được trao Giải Nobel.

Carothers đã thực hiện các nghiên cứu về hóa học polyme của mình tại Phòng Nghiên cứu trung tâm của Công ty DuPont, đây là một chương trình nghiên cứu kiểu hàn lâm, được khởi xướng năm 1927 bởi nhà hóa học Charlles Stine. ý tưởng của Stine là tuyển mộ các nhà khoa học hàng đầu tham gia nghiên cứu trong các lĩnh vực chất keo, hóa lý, hóa hữu cơ, polyme, và để họ công bố các kết quả nghiên cứu của mình trong những tài liệu công cộng sao cho họ có thể nhận được sự công nhận quốc tế đối với các công trình nghiên cứu của mình, tương tự như các nhà khoa học hàn lâm. Sau đó, Công ty DuPont sẽ khai thác thương mại những phát minh đó nếu cho rằng chúng có giá trị.

Sau khi ra đời, nylon đã nhanh chóng trở thành mốt thời thượng và được chào đón cuồng nhiệt khi nó được sử dụng để may tất chân dài cho phụ nữ. Ngày nay, nó được sử dụng rộng rãi để sản xuất sợi tổng hợp, các chi tiết đúc, màng mỏng và các sản phẩm khác. Trước năm 1939, phát hiện về nylon đã không được công bố ra bên ngoài Công ty DuPont. Tuy nhiên, nhà khoa học Strom cho rằng Carothers lẽ ra phải được trao Giải Nobel vì công trình nghiên cứu quá trình trùng ngưng năm 1936.

Nhưng cần phải có một nhà khoa học nổi tiếng đề cử thì Carothers mới có thể được xem xét một cách nghiêm túc để trao Giải Nobel. Khi đó, nhà khoa học Irving Langmuir (Mỹ), người đã thắng Giải Nobel Hóa học năm 1932 vì các nghiên cứu hóa học bề mặt và đồng thời là nhà hóa học công nghiệp tại Công ty General Electric, là một người hoàn toàn thích hợp cho việc đưa ra đề cử như vậy.

Strom nghĩ rằng, nếu Langmuir đề cử các nhà hóa học tiên phong trong lĩnh vực polyme là Hermann Staudinger và Carothers thì họ sẽ có cơ hội lớn được trao Giải Nobel. Nhà hóa học Staudinger là người đã phát minh kỹ thuật polyme hóa cộng và đã 9 lần được đề cử cho Giải Nobel trong thời gian từ 1931 đến 1935, nhưng ông vẫn chưa đạt giải.

Uy tín của Carothers cũng đạt đỉnh vào vào năm 1936, khi ông trở thành một trong những nhà hóa học hữu cơ công nghiệp đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ.

Nhưng năm 1936 trôi qua, Carothers đã không được đề cử. Sang năm 1937, cơ hội đã mất đi thực sự. Carothers rơi vào tình trạng suy nhược và trở nên nghiện rượu. Ông tự cho mình là một kẻ thất bại. Carothers đã tự tử bằng thuốc độc xyanua vào tháng 4/1937, kết thúc hoàn toàn cơ hội giành Giải Nobel của mình.

Còn Stauding cuối cùng cũng nhận được Giải Nobel Hóa học vào năm 1953. Nhà khoa học Strom cho rằng, nếu Carothers kiên trì thì có thể ông đã được chia sẻ Giải thưởng đó.

3. Michael Dewar

Michael Dewar là giáo sư hóa học tại Đại học Tổng hợp Texas (Mỹ), ông đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của lý thuyết bán thực nghiệm, theo đó các nhà hóa học có thể kết hợp các dữ liệu thí nghiệm với các tính toán lý thuyết để ước tính các tính chất cũng như hoạt động của những phân tử mà thường không dễ tiếp cận chỉ bằng lý thuyết. Phương pháp này được phát triển trong thời gian giữa các thập niên 1950 và 1980, ngày nay nó vẫn được trích dẫn 400-500 lần mỗi năm và “rất xứng đáng với Giải Nobel”, theo lời của nhà khoa học Eamonn F.Healy tại Đại học Tổng hợp St. Edward.

Theo nhà khoa học Healy, lý thuyết bán thực nghiệm đã thực hiện các thỏa hiệp, nó không cứng nhắc như lý thuyết ban đầu. Điều đó đã làm cho lý thuyết bán thực nghiệm trở thành thực dụng hơn nhiều, vì chỉ cần thời gian tính toán ít hơn nhiều mà vẫn đưa ra các kết quả hữu ích. Nhưng bản thân lý thuyết ban đầu đã là giải pháp trọn vẹn cho các vấn đề về lập mô hình.

Mặc dù lý thuyết bán thực nghiệm của ông rất hữu ích nhưng Dewar đã không được trao Giải Nobel, nhiều người cho rằng đó là do tính cách hiếu chiến và miệng lưỡi thường hay gay gắt của ông.

Trong một sự cố không hay ho gì, Dewar đã đứng dậy tại một diễn đàn công cộng, khi các nhà khoa học lý thuyết đang phát biểu và gọi ông là “nỗi hổ thẹn của khoa học”. Ông đã tranh cãi với từng người trong số họ, thực sự là với từng người một.

Nhưng chính những mâu thuẫn lâu năm giữa ông với các nhà khoa học đã đạt Giải Nobel là Williams N. Lipscomb và Linus Pauling đã là yếu tố chính cản đường của ông đến với giải thưởng.

Lipscomb đã đưa ra phê phán rất quan trọng như sau: “Vấn đề đối với lý thuyết bán thực nghiệm là nếu nó đúng thì chúng ta không biết chắc chắn vì sao nó đúng, còn nếu nó sai thì chúng ta cũng không biết rõ vì sao nó sai”. Còn Dewar trả lời rằng, điều đó không quan trọng, mọi người chỉ cần sử dụng kết quả của lý thuyết đó và làm việc với nó.

Pauling là nhà hóa học lý thuyết vĩ đại, nhưng Dewar lại coi thường lý thuyết cộng hưởng - khái niệm về sự chuyển vị của điện tử mà Pauling đã phát triển vào khoảng thời gian 1930. Dewar cảm thấy lý thuyết đó không đúng và ngăn cản sự tiến bộ trong lĩnh vực hóa học lý thuyết. Tại hội nghị San Diego 2016, nhà khoa học Healy cho rằng, đây là sai lầm chết người của Dewar, góp phần khiến cho ông không được trao Giải Nobel vào thời kỳ đó.

Nhưng về sau Dewar cũng không bao giờ được trao Giải Nobel và đã mất năm 1997. Theo lời của Healy, có lẽ bài học có thể rút ra từ đây là, cho dù chúng ta có biết chắc chắn rằng mình đúng thì việc nói ra điều đó với mọi người cũng không phải là cách làm tốt nhất, ít nhất thì cũng không nên nói theo cách như Dewar.

4. Louis Hammett

Hammett là nhà khoa học đi tiên phong trong lĩnh vực hóa lý hữu cơ và đã viết một quyển sách giáo khoa xuất sắc về lĩnh vực này. Tại hội nghị San Diego 2016, nhà hóa học Charles L. Perrin tại Đại học Tổng hợp California phát biểu rằng Hammett xứng đáng với Giải Nobel vì đã phát minh phương trình mang tên ông - phương trình Hammett.

Phương trình Hammett miêu tả việc các chất thế ở phân tử ảnh hưởng như thế nào đến hoạt tính của phân tử. Theo Perrin, tầm quan trọng của phương trình Hammett (và lý do khiến cho nó xứng đáng với Giải Nobel) là nó đã thiết lập hóa học hữu cơ như một lĩnh vực khoa học với các trạng thái đều đặn có thể dự báo trước, không chỉ là tập hợp các quan sát và các thí nghiệm như quan niệm trước đây, và nó cho phép chúng ta đưa ra các kết luận khoa học về các phản ứng.

Nhà hóa học Perrin cho rằng, nếu Hammett và Christopher K. Ingold cùng chia sẻ Giải Nobel thì sẽ rất hợp lý, vì họ đã trình bày ý tưởng về hóa học hữu cơ như một lĩnh vực khoa học logic và hệ thống. Ingold là nhà hóa học Anh đã phát triển các khái niệm hóa lý hữu cơ, ví dụ 4 kiểu cơ chế phản ứng SN1, SN2, E1 và E2.

Nhưng ingold có một kẻ thù đầy thế lực trong cộng đồng hóa học, đó là nhà hóa học hữu cơ Robert Robinson, người đã đoạt Giải Nobel và có ảnh hưởng lớn đến ủy ban Giải thưởng Nobel. Điều đó có lẽ đã dẫn đến việc cả Hammett cũng như Ingold đều không bao giờ được trao Giải Nobel.

Theo Perrin, khả năng của phương trình Hammett dự báo hoạt tính phản ứng trong một phạm vi rộng các quá trình là một tiến bộ lớn, vì vậy Hammett xứng đáng được trao Giải Nobel, nhưng ông đã bị bỏ qua trong các lần xét trao Giải.

5. Howard Simmons

Simmons đã trải qua toàn bộ chặng đường nghề nghiệp của mình, từ năm 1954 đến 1991, tại Công ty DuPont và phụ trách Phòng Nghiên cứu trung tâm của DuPont trong thời gian từ 1974 đến 1991. Phần lớn các công việc sáng tạo của Phòng này trong lĩnh vực hóa học cơ bản đã được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Simmons.

Theo giáo sư Pierre Laszlo tại Đại học Tổng hợp Liege (Bỉ), Simmons lẽ ra phải được trao Giải Nobel vì ông đã cùng phát hiện crypstand - các ete có chóp vòm, có thể tạo phức với các hợp chất khác một cách chọn lọc. Simmons đã phát hiện các crypstand một cách độc lập với nhà hóa học Pháp Jean-Marie Lehn, người đã được trao Giải Nobel năm 1987 cùng với hai nhà hóa học siêu phân tử khác.

Tuy nhiên, vấn đề chính đối với Simmons là ông đã dành quá ít thời gian để viết về những kết quả của mình, giáo sư Laszlo cho biết. Ông bị bủa vây bởi nhiệm vụ nặng nề là điều hành Phòng Nghiên cứu trung tâm của DuPont, ông luôn tìm cách giúp cho những nhà khoa học làm việc ở đó cảm thấy thoải mái và đồng thời phải đối phó với Ban Giám đốc của DuPont. Vì vậy, nhiều kết quả nghiên cứu của ông vẫn chưa được công bố.

Hơn nữa, Simmons là một người hào hiệp và rộng lượng không thể tin được. Ông đã chia sẻ mọi kết quả nghiên cứu của mình về crypstand với Jean-Marie Lehn. Khi Lehn được trao Giải Nobel, ông ta đã 2 lần gọi điện thoại cho Simmons từ nước Pháp để xem Simmons có giận dữ hay không. Nhưng Simmons đã không tỏ ra giận dữ.

Simmons đã thực hiện những phát hiện xuất sắc, ông có một trí tuệ sắc sảo cũng như tính cách của một người đạt nhiều thành công. Mặc dù gánh nặng của các công việc hành chính đã lấy mất nhiều thời gian và năng lượng của ông, nhưng Simmons vẫn có ảnh hưởng lớn đến hóa học.

Tại hội nghị San Diego, một số nhà khoa học cho rằng Howard Simmons xứng đáng được truy tặng Giải Nobel sau khi mất.