Nhà máy nước Tân Hiệp lấy nước từ đầu

(TBKTSG Online) – Hồ thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa từ sáng ngày mai, 8-3, bắt đầu đợt xả nước xuống sông Sài Gòn với lưu lượng 30 m3/giây trong 72 giờ liên tục để đẩy mặn, giúp nhà máy nước Tân Hiệp lấy nước thô nhằm ổn định nguồn nước sạch cung cấp cho người dân TPHCM.

Theo thông báo của Công ty thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, đây là lần xả nước đẩy mặn sông Sài Gòn lần thứ 5 từ đầu năm 2016 đến nay để “cứu” các nhà máy nước sạch ở hạ nguồn trước diễn biến xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai trong những ngày gần đây.


Thông tin từ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho thấy, từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều nhà máy nước như Tân Hiệp, Bình An, Thủ Đức, BOO Thủ Đức đã nhiều lần ngưng lấy nước thô hoặc khó khăn trong xử lý nước do độ mặn trong nước sông Sài Gòn, Đồng Nai lên cao, có thời điểm lên 250 mg/lít, thậm chí có lúc tăng vọt lên mức 600 mg/lít.


Dự báo tình trạng xâm nhập mặn còn tiếp tục gây ra những tác động xấu trực tiếp đến hệ thống cấp nước của TPHCM ít nhất đến tháng 4-2016.


Hiện nay, áp lực đến nguồn nước sạch cho hàng chục triệu dân TPHCM không chỉ đến từ biển (xâm nhập mặn) mà còn do chính bàn tay con người gây ra. Hiện hai con sông Sài Gòn và Đồng Nai đang phải gánh nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt dẫn đến nguồn nước sông ô nhiễm hữu cơ, vi sinh.


Đối với sông Sài Gòn, các chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ, ammonia, hàm lượng chất rắn, vi sinh … đã vượt quy chuẩn Việt Nam, dẫn đến nhu cầu hóa chất sử dụng cho xử lý nước tăng, chi phí xử lý nước cũng tăng. Còn đối với sông Đồng Nai mặc dù chất lượng nước thô tốt hơn sông Sài Gòn nhưng một số chỉ tiêu ô nhiễm cũng đang gia tăng trong những năm gần đây như hữu cơ, ammonia, hàm lượng vi sinh…


Cần giải pháp bền vững


Theo Sawaco, về lâu dài, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát tốt dẫn tới những bất lợi như thiếu nước, suy giảm chất lượng nước nghiêm trọng hơn.


Theo một chuyên gia trong ngành xử lý nước, giải pháp xả nước từ hồ chứa thượng nguồn đẩy mặn cho sông Sài Gòn để ổn định việc lấy nước thô của các nhà máy nước sạch hạ nguồn chưa hẳn là giai pháp căn cơ và gây nhiều lãng phí.


Theo ông Trương Khắc Hoành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn, để đây mặn cho sông Sài Gòn giúp nhà máy nước Tân Hiệp lấy nước thô an toàn công suất 300.000 m3/ngày thì trên thượng nguồn cách đó 60 – 70 km là hồ Dầu Tiếng – Phước Hòa phải xả hàng triệu mét khối nước mỗi ngày. Theo ông Hoành, đây là sự lãng phí nguồn nước tự nhiên ở thượng nguồn.


Một trong những giải pháp bền vững được ông Hoành cho là khả thi đối với TPHCM trong tương lai là xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước thô từ hồ Dầu Tiếng – Phước Hòa về cấp trực tiếp cho các nhà máy nước Tân Hiệp (Hóc Môn), Kênh Đông (Củ Chi) để thay thế nguồn nước thô lấy từ sông Sài Gòn. 


Một giải pháp dài hạn khác giúp TPHCM chống chọi với biến đổi khí hậu, ổn định nguồn nước sạch cho người dân thành phố được Sawaco đưa ra gồm cải tiến công nghệ xử lý nước, nâng dung tích các công trình chứa nước sạch, tăng thời gian dự trữ nước, xây dựng thêm các bể chứa tại các nhà máy nước và bể chứa ngầm trên mạng lưới cấp nước (trước mắt năm 2016 này sẽ xây một bể chứa nước sạch 100.000 m3 cho các nhà máy nước Thủ Đức), chuyển các công trình khai thác nước ngầm sang chế độ dự phòng để đảm bảo an toàn nguồn nước cho người dân trong tình huống khẩn cấp.


Hiện nay, ngành cấp nước ở TPHCM đang tính đến ba phương án ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để dự trữ đủ nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước sạch nếu có tình huống bất lợi xảy ra.


Về ngắn hạn, thành phố sẽ xây dựng hồ dự trữ có dung tích chứa đủ cung cấp cho nhà máy nước Tân Hiệp từ 1-3 ngày trong điều kiện sông Sài Gòn bị nhiễm mặn quá cao hoặc có sự cố ô nhiễm bất thường.


Về trung hạn, thành phố sẽ xây dựng hồ có dung tích chứa lớn hơn, tối thiểu đủ cung cấp trong 15 ngày kết hợp với chức năng điều hòa chống ngập song song với chức năng dự trữ cấp nước sinh hoạt. Trong dài hạn, thành phố cũng đang nghiên cứu đến việc khai thác các nguồn nước mới từ các hồ đầu nguồn (Dầu Tiếng, Trị An). Tuy nhiên, giải pháp đưa nước trực tiếp từ các hồ đầu nguồn về xem ra khó khả thi bởi khoảng cách xa, chi phí đầu tư lớn.


Theo ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng giám đốc Sawaco, để triển khai các giải pháp được khả thi, đạt hiệu quả, sắp tới Sawaco sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia trong và nước ngoài góp ý cho các phương án xây hồ dự trữ nước thô cho TPHCM. Ông Hải nhấn mạnh rằng chính quyền thành phố cũng lên kế hoạch cho Sawaco triển khai các phương án lấy nước thô từ các hồ Dầu Tiếng, Trị An, Phước Hòa thay thế cho nguồn nước sông Sài Gòn, Đồng Nai.

Nguồn: thesaigontimes.vn

Sưu tầm: Nguyễn Tấn Tài - P. KTSX

VỤ VỠ HỒ NƯỚC THẢI Ở BÌNH DƯƠNG

Nước bẩn tấn công Nhà máy Nước Tân Hiệp

Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy nguồn nước trước khi vào nhà máy đã bị ô nhiễm hữu cơ, các chỉ tiêu như BOD, amoniac, nitrat... đều tăng từ 2 lần trở lên so với trước đây

Sáng 29-7, đoàn kiểm tra của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã khảo sát nguồn nước sông Sài Gòn ở khu vực trạm bơm của Nhà máy Nước Tân Hiệp (thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn) để xác định mức độ ô nhiễm do ảnh hưởng nguồn nước bẩn từ sông Thị Tính (Bình Dương).

Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy nguồn nước trước khi vào nhà máy đã bị ô nhiễm hữu cơ, các chỉ tiêu như BOD, amoniac, nitrat... đều tăng từ 2 lần trở lên so với trước đây.


Nước thải và các bao phân heo chưa được xử lý để tràn lan xung quanh bờ bao hồ chứa nước thải của
Công ty TNHH San Miguel Pure Foods VN. Ảnh chụp ngày 27-7. Ảnh: V.Hùng

Khẩn trương xác định mức độ ô nhiễm


Bác sĩ Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết đoàn kiểm tra đã lấy nhiều mẫu nước đầu vào cũng như đầu ra ở Nhà máy Nước Tân Hiệp gửi cho Viện Vệ sinh y tế công cộng (Bộ Y tế) xét nghiệm tất cả các chỉ tiêu cần thiết khác để xác định rõ mức độ ô nhiễm ở sông Sài Gòn và chất lượng nước máy cung cấp cho người dân TPHCM.


Ông Bùi Thanh Giang, Giám đốc Nhà máy Nước Tân Hiệp, cho biết do nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm nên trong quá trình xử lý nước, nhà máy phải châm thêm hóa chất và clo, nước sau khi xử lý vẫn bảo đảm chất lượng.

Cũng theo ông Giang, trong các ngày qua, nhà máy đã yêu cầu Công ty Khai thác thủy lợi hồ Dầu Tiếng xả nước nên chất thải ở sông Thị Tính đã bị pha loãng, nguồn nước sông Sài Gòn nhờ vậy hiện đã bớt ô nhiễm.


Cùng ngày, đoàn kiểm tra của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cũng khảo sát sông Sài Gòn để xác định tình hình ô nhiễm nguồn nước. Ông Huỳnh Thanh Nhã, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, cho biết: “Quan sát bằng mắt thấy nước trên sông Sài Gòn không có dấu hiệu nhiễm bẩn bởi nguồn nước thải từ Bình Dương. Tuy nhiên, để xác định rõ chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn, đặc biệt là khu vực lấy nước của Nhà máy Nước Tân Hiệp, chúng tôi đã lấy mẫu nước ở ba khu vực (ngã ba sông Thị Tính-Sài Gòn; cầu Phú Cường và trạm bơm Hòa Phú) để xét nghiệm những chỉ tiêu sinh hóa cần thiết”.


Xử phạt + bồi thường thiệt hại


Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, hệ thống xử lý nước thải của Công ty TNHH San Miguel Pure Foods VN được Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tỉnh Bình Dương nghiệm thu vào năm 2001, gồm các công trình xây dựng bằng bê tông và gạch với chức năng lắng tách cặn, xử lý sinh học và hệ thống các hồ sinh học được tận dụng cải tạo từ các hồ chứa nước.

Hoạt động đến năm 2008, hệ thống xử lý nước thải trên đã xuống cấp trầm trọng. Nước thải sau khi xử lý các chỉ tiêu vẫn vượt tiêu chuẩn nhiều lần, như: hàm lượng COD vượt 9,1 lần, BOD vượt 7,3 lần, tổng nitơ vượt 13,9 lần, tổng phốt-pho vượt 45 lần...

Do đó trong năm 2008, Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Dương đã đưa Công ty TNHH San Miguel Pure Foods VN vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đến tháng 5-2009, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ra quyết định đưa đơn vị này vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần tập trung xử lý trong năm 2009.

Theo đó, Công ty TNHH San Miguel Pure Foods VN phải cải tạo hệ thống xử lý nước thải trước ngày 20-8 để bảo đảm nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động phải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên đến nay, dù đã sắp hết thời hạn nhưng công ty vẫn chưa triển khai việc cải tạo hệ thống xử lý nước thải.


Sau khi xảy ra sự cố vỡ hồ chứa nước thải, ngày 28-7, Sở TN-MT tỉnh Bình Dương đã có báo cáo, nêu rõ nếu Công ty TNHH San Miguel Pure Foods VN không cải tạo hệ thống xử lý nước thải đúng thời hạn thì sẽ kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi khắc phục xong.


Riêng về sự cố vỡ hồ chứa nước thải của Công ty TNHH San Miguel Pure Foods VN, Sở TN-MT tỉnh Bình Dương cho biết ngoài việc bị xử phạt hành chính về hành vi gây ô nhiễm môi trường, doanh nghiệp này còn phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã xả ra từ hồ chứa và bồi thường thiệt hại do sự cố trên.


Công ty San Miguel Pure Foods VN tổ chức đắp ngăn hồ sinh học chứa chất thải. Ảnh: Ph.Tâm

Nước thải vẫn tràn ra môi trường


Cũng trong ngày 29-7, một đội công tác liên ngành do bà Võ Thị Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Dương làm đội trưởng, đã thực hiện việc kiểm tra Nhà nước về bảo vệ môi trường tại Công ty TNHH San Miguel Pure Foods VN.

Kết quả kiểm tra cho thấy công ty đã thực hiện một số biện pháp khắc phục sự cố nhưng tiến độ thực hiện chậm; công ty cũng đã ngăn một phần hồ sinh học để tạm thời chứa nước thải nhưng bờ đất ngăn không đúng kỹ thuật nên nước thải chưa được xử lý vẫn chảy tràn ra ngoài môi trường.

Đoàn đã yêu cầu công ty nhanh chóng khắc phục sự cố; phải hoàn thành toàn bộ việc khôi phục bờ đê trước ngày 11-8 và phải sửa chữa đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải trước ngày 19-8; phối hợp địa phương khảo sát thiệt hại của các hộ dân do sự cố gây ra.


Tổng cục Môi trường yêu cầu điều tra thiệt hại


Ngày 29-7, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã có văn bản yêu cầu Sở TN-MT tỉnh Bình Dương phải lập biên bản về hành vi dẫn đến sự cố vỡ hồ chứa nước thải của Công ty TNHH San Miguel Pure Foods VN, đồng thời tiến hành lấy mẫu nước thải ở công ty này cũng như nước suối Bến Ván và nước sông Thị Tính để phân tích, đánh giá mức độ ô nhiễm do sự cố trên; phối hợp với các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học... để đề xuất phương án xử lý, khắc phục ô nhiễm trên suối Bến Ván và sông Thị Tính; tiến hành điều tra, thống kê, đánh giá những thiệt hại về kinh tế, môi trường do sự cố trên gây ra để làm căn cứ yêu cầu Công ty TNHH San Miguel Pure Foods VN bồi thường thiệt hại, khắc phục ô nhiễm.

Trung Thanh - Ph.Tâm

Video liên quan

Chủ đề