Nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu

Làm thế nào để thị trường TPDN thực sự minh bạch, tiệm cận với quy chuẩn quốc tế, bảo vệ nhà đầu tư là câu chuyện đang được quan tâm hiện nay.

Nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu
Ảnh minh họa

Theo quy định hiện hành, trái phiếu riêng lẻ chỉ được chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các DN phát hành, đơn vị tư vấn, ngân hàng… có nghìn lẻ một cách để “hô biến”, “mặc áo” chuyên nghiệp cho nhà đầu tư.

“Tôi đi mua trái phiếu doanh nghiệp”

Chị Thùy Linh (Linh Đàm - Hà Nội) là một nhà đầu tư TPDN “nghiệp dư” đúng nghĩa với vài trăm triệu đồng tiền nhàn rỗi. Được sự giới thiệu của nhân viên một ngân hàng về việc mua TPDN lãi suất hấp dẫn hơn gửi tiết kiệm, chị Linh đã quyết định chọn mua TPDN của công ty S. Đó là lô trái phiếu thông thường, không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, kỳ hạn trái phiếu 3 năm, ngày phát hành 18/8/2020, ngày đáo hạn 18/8/2021. Số lượng mà chị Linh mua là 2 trái phiếu với tổng giá trị 200 triệu đồng.

Hợp đồng mua trái phiếu của chị Linh được lập vào 24/1/2022 với bên bán là công ty chứng khoán H. Trong hợp đồng chỉ ghi thời hạn lô trái phiếu tổng phát hành là 3 năm, tuy nhiên, thời hạn 200 triệu trái phiếu mà chị Linh mua là 3 tháng với lãi suất 7,8%. “Khi có nhu cầu rút trước hạn, tôi báo trước 3 ngày với tư vấn và nhận tiền đúng kỳ hạn với lãi suất thấp hơn do chưa đến hạn”- chị Linh cho biết.

Tuy nhiên, không phải lúc nào hành trình tất toán TPDN cũng suôn sẻ như vậy. Trước đó, tháng 2/2021, chị Linh mua trái phiếu trị giá mua 100 triệu đồng của Tập đoàn E. do ông Nguyễn Ngọc T. làm Chủ tịch HĐQT. Qua lời giới thiệu của tư vấn, chị Linh đã đến trụ sở của Tập đoàn này tại tòa nhà 25T1 Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội ký Hợp đồng mua trái phiếu kỳ hạn 1 năm, lãi suất 18,5%/năm.

Trước ngày đáo hạn, chị điện thoại cho tư vấn để thông báo tất toán Hợp đồng. Thế nhưng, thay vì 3 ngày như lời hứa của tư vấn viên, chị Linh nhận được lời hẹn chung chung là sẽ trả trong vòng 1 tháng khi DN có nguồn tiền. Dù chị không đồng ý nhưng Tập đoàn E. vẫn kêu khó để thanh toán thành 2 lần, mỗi lần 50% gốc cộng lãi. “May quá, cuối cùng, tôi cũng lấy được cả gốc lẫn lãi, dù thời gian “chờ DN có nguồn tiền” dài hơn 20 ngày so với ngày đến hạn Hợp đồng” - chị Linh cho biết.

Và chị Linh không phải là người duy nhất mà Tập đoàn E. hứa trả theo từng đợt khi đầu tư tài chính vào Tập đoàn này. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn chỉ bị muộn 20 ngày. Hiện, vẫn còn rất nhiều “thượng đế” mua trái phiếu hoặc ký các loại Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng vẫn đang chật vật xếp hàng chờ câu trả lời “bao giờ trả lại tiền” tại trụ sở chính của Tập đoàn E.

Trái phiếu được hiểu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định. Nếu người phát hành là DN, trong trường hợp này được gọi là TPDN.

Từ năm 2005, việc phát hành TPDN được quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán. Theo đó, có 2 hình thức: Phát hành TPDN ra công chúng và phát hành TPDN riêng lẻ. Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực từ 01/01/2021 và các Nghị định hướng dẫn đã quy định theo hướng quản lý tách biệt giữa phát hành riêng lẻ với phát hành TPDN ra công chúng.

Cụ thể, TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được bán và giao dịch trong phạm vi nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hình thức tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý không cấp phép phát hành.

DN phát hành phải thực hiện công bố thông tin đầy đủ, trung thực cho nhà đầu tư, công bố thông tin cho Sở Giao dịch chứng khoán đồng thời có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả gốc và lãi trái phiếu đúng hạn. Các văn bản pháp luật cũng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ trong việc cung cấp thông tin minh bạch và tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật.

Đối với phát hành TPDN ra công chúng, được phép bán cho mọi đối tượng nhà đầu tư (bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân) nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật và phải được UBCKNN cấp phép trước khi phát hành.

Muôn kiểu lách luật

Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định, trái phiếu riêng lẻ chỉ được chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đó là các nhà đầu tư có giá trị thị trường các danh mục chứng khoán đầu tư trên 2 tỷ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế từ 1 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, có nghìn lẻ một “chiêu” để nhân viên của các ngân hàng, các công ty chứng khoán và các DN phát hành hô biến nhà đầu tư cá nhân thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Trên các diễn đàn, trong các hội nhóm đầu tư trái phiếu, tư vấn viên cho biết, chỉ với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên, bất kỳ nhà đầu tư cá nhân nào cũng đều có thể mua TPDN phát hành riêng lẻ, phía đơn vị phân phối sẽ “lo giúp” chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp cho khách hàng.

“Cá nhân tôi không có danh mục đầu tư chứng khoán trên 2 tỷ đồng, cũng không có thu nhập chịu thuế từ 1 tỷ đồng, tuy nhiên, khi đi mua trái phiếu, tôi vẫn ký Hợp đồng đàng hoàng với Công ty Phát hành hoặc thông qua Công ty Chứng khoán môi giới. Tôi cũng không hiểu, các DN này làm sao để “biến” tôi thành nhà đầu tư chuyên nghiệp cho đúng quy định mua bán TPDN”- chị Thùy Linh (Linh Đàm - Hà Nội) thắc mắc.

Phía Bộ Tài chính thừa nhận, sau một năm triển khai các quy định mới về phát hành TPDN tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn, thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới đối với việc phát hành TPDN riêng lẻ.

Nguyên nhân chủ yếu là do một số nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận đã cùng với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại lách quy định về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Điều này đã tiếp tay cho DN vi phạm quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường TPDN bền vững. Dự thảo Nghị định đã lấy ý kiến rộng rãi và đang được gửi Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ ban hành.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN rà soát để sửa đổi một số quy định tại Luật Chứng khoán gồm: Khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ (tư vấn phát hành, đại lý, đấu thầu, bảo lãnh, đăng ký, lưu ký trái phiếu và đại diện người sở hữu trái phiếu), điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường tính công khai, minh bạch và giảm thiểu các rủi ro đối với thị trường TPDN.

(Còn nữa)

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin, các doanh nghiệp phát hành (công ty đại chúng và chưa đại chúng), các tổ chức trung gian (tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu, đại lý phát hành...) có hành vi vi phạm trong hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (hiện nay là Nghị định số 156/2020/NĐ-CP và Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2020/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, với hành vi công bố thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên, hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên.

Do vậy, “các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, các tổ chức trung gian phải đảm bảo tuân thủ chặt chẽ, đầy đủ các quy định tại Luật Chứng khoán, Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và các văn bản hướng dẫn, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư” – lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cho thấy rất nhiều tiềm năng để phát triển, do vậy, việc tăng cường các biện pháp để thị trường này phát triển ổn định, an toàn, bền vững là yêu cầu quan trọng được Chính phủ và các cơ quan quản lý ưu tiên. Tuy nhiên, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, thì cần sự chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, tổ chức trung gian và cả các nhà đầu tư trên thị trường.

Thời gian qua, cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý theo hướng tăng chất lượng, tăng tính bền vững, các cơ quan quản lý đã liên tiếp có những cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn, cũng triển khai nhiều hành động quyết liệt để thị trường phát triển lành mạnh, an toàn, bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền. Hiện Ủy ban cũng đang phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát hoạt động tư vấn hồ sơ chào bán, đại lý phát hành, báo cáo kiểm toán của các đơn vị trung gian liên quan đến các đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Đại diện Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, theo kết quả xác minh của cơ quan có thẩm quyền cho thấy đã có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động chào bán trái phiếu riêng lẻ đối với 9 đợt chào bán với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng trong thời gian từ tháng 7/2021 - 3/2022 của các Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt), Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông (Công ty Cung điện Mùa đông), Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil (Công ty Soleil) thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Căn cứ đề nghị của cơ quan có thẩm quyền, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 9 Luật Chứng khoán quy định thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước “đình chỉ, hủy bỏ liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán”, ngày 3/4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK về việc hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của 3 công ty nêu trên.

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện đang phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), cơ quan có thẩm quyền, đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động tư vấn hồ sơ chào bán, đại lý phát hành của các công ty chứng khoán liên quan đến các đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh./.