Ngày 02.11 lịch công giáo hàng năm là ngày gì

Ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái. Thánh Augustine viết, “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Tuy nhiên, các nghi thức cầu cho người chết có tính cách dị đoan thời tiền-Kitô Giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi mãi cho đến thời đầu Trung Cổ, nhờ các dòng ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm thì một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết mới được thiết lập.

Vào giữa thế kỷ 11, Thánh Odilo, Tu Viện Trưởng dòng Cluny, ra sắc lệnh rằng mọi tu viện dòng Cluny phải cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2 tháng Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh. Truyền thống này được lan rộng và sau cùng được Giáo Hội chấp nhận đưa vào niên lịch Công Giáo La Mã.

Ý nghĩa thần học làm nền tảng cho ngày lễ này là sự thừa nhận bản tính yếu đuối của con người. Vì ít có ai đạt được một đời sống trọn hảo, mà hầu hết đã chết đi với vết tích tội lỗi, do đó cần có thời gian thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với Thiên Chúa. Công Ðồng Trent xác nhận có luyện tội và nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.

Sự dị đoan vẫn còn dính dấp đến ngày lễ này. Thời trung cổ người ta tin rằng các linh hồn trong luyện tội có thể xuất hiện vào ngày lễ này dưới hình thức các phù thủy, các con cóc hay ma trơi. Và họ đem thức ăn ra ngoài mộ để yên ủi người chết.

Tuy nhiên việc cử hành lễ với tính cách tôn giáo vẫn trổi vượt. Người ta tổ chức đọc kinh cầu nguyện ở nghĩa trang hay đi thăm mộ người thân yêu đã qua đời và quét dọn, trang hoàng với nến và hoa.

Lời Bàn

Có nên cầu nguyện cho người chết hay không là một tranh luận lớn khiến chia cắt Kitô Giáo. Vì sự lạm dụng ơn xá trong Giáo Hội thời ấy nên Luther đã tẩy chay quan niệm luyện tội. Tuy nhiên, đối với chúng ta, cầu cho người thân yêu là phương cách xoá bỏ sự chia lìa với người chết. Qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng đứng với những người thân yêu, dù còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, để dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa.

Lời Trích

“Chúng ta không thể coi luyện tội là một nhà tù đầy lửa cận kề với hỏa ngục – hoặc ngay cả ‘một thời gian ngắn của hỏa ngục.’ Thật phạm thượng khi nghĩ rằng đó là một nơi chốn, là nơi Thiên Chúa bủn xỉn đang bòn rút từng chút thân xác… Thánh Catherine ở Genoa, vị thần bí của thế kỷ 15, viết rằng ‘lửa’ luyện tội là tình yêu Thiên Chúa ‘nung nấu’ trong linh hồn đến nỗi, sau cùng, toàn thể linh hồn ấy bừng cháy lên. Ðó là sự đau khổ của lòng khao khát muốn được xứng đáng với Ðấng được coi là đáng yêu quý vô cùng, đau khổ vì nỗi mơ ước được kết hợp đã cầm chắc trong tay, nhưng lại chưa thực sự được hưởng cách trọn vẹn” (Leonard Foley, O.F.M., Tin Chúa Giêsu).

Ngày 02.11 lịch công giáo hàng năm là ngày gì

Tháng 11, nỗi bật lên tâm tình của toàn thể Giáo Hội nhớ đến bậc tổ tiên, những người đã khuất bóng trên cõi đời nầy, những vị đã về Nhà Cha…

Ngày 01.11, Lễ trọng kính các Thánh Nam Nữ, các ngài đã được vinh hiển nhờ tình thương của Chúa nhân lành, các ngài được chia sẻ hạnh phúc sung mãn của Chúa. Giờ đây, trên trời, các ngài được chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa, đồng thời các ngài cũng đang cầu bầu và chờ đợi chúng ta. Các ngài là Giáo Hội khải hoàn, Giáo Hội vinh thắng sau cuộc chiến ở trần gian.

Ngày 02.11. Lễ cầu cho các linh hồn đang phải thanh luyện trong luyện hình, toàn thể Giáo Hôị dâng thánh lễ, cầu nguyện, hy sinh cho các linh hồn đã qua đời, đó là tổ tiên ông bà cha mẹ, mà hôm nay chúng ta thương nhớ tưởng niệm, hiệp thông để cầu nguyện trong lòng tin, thể hiện niềm thảo kính ấy, “vì tưởng nhớ, cầu nguyện cho những người đã an nghỉ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc đạo đức và thánh thiện” (2Mcb 12,53-45)

Công đồng Vatican II trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, viết: ” Chúa Kitô đã đem lại chiến thắng ấy khi Người sống lại, và nhờ cái chết của Người, Người đã giải phóng con người khỏi sự chết… đồng thời, còn cho con người có khả năng hiệp thông với những người anh chị em thân yêu đã chết trong Chúa Kitô và làm cho chúng ta hy vọng rằng những người ấy đã được sống thực trong Thiên Chúa.” ( HC / GH số 18b).

Về điều nầy thì chính Thánh Phaolô Tông đồ đã mang cho chúng ta sứ điệp của niềm hy vọng khi ngài viết cho tín hữu Thesalônica:”Vì nếu chúng ta tin rằng, Đức Kitô đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an nghĩ trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Kitô. Dựa vào lời Chúa, chúng tôi nói với anh chị em điều nầy là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước nhứng người đã an giấc ngàn thu đâu; vì khi lệnh ban ra, khi tiếng Tổng Lãnh Thiên Thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên, rồi đến chúng ta là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi.” (1Thes. 4, 14-16).

Như thế, việc tưởng nhớ người thân yêu đã qua đời cũng chuẩn bị cho chúng ta nhớ đến quê trời và cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa: Đấng Hằng Sống và Đấng Ban Sự Sống cho chúng ta, dù chúng ta chết hay đang sống, vẫn luôn hiện diện trong Chúa và trước tôn nhan Người… Người là Chúa kẻ sống và cũng là Chúa của những người đã chết, nên chúng ta hãy sống xứng đáng với Người và sống tốt đẹp với nhau.

Hôm nay, chúng ta đang đứng trước một huyền nhiệm rất sâu thẳm mà cũng rất hiện thực, sự sống và sự chết không có ranh giới. Cái chết là ngưỡng cửa mở ra cho chúng ta bước vào cuộc sống mới, sự sống chân thật, sự sống vĩnh cữu…

Cầu nguyện cho những ngưòi đã khuất là chúng ta đang làm trọn Đạo Hiếu, Đạo Yêu Thương mà các ngài đang khát khao mong đợi… để ngày sau, trên quê hương Nước Trời, chúng ta sẽ sum họp cùng các Thánh, gia tộc thiêng liêng, những người thân yêu, mà ca tụng lòng từ bi lân tuất Chúa không hề ngơi…

Sự sống mà sau khi chúng ta từ biệt ngôi nhà thân xác bụi đất nầy, thì chỉ có nơi Thiên Chúa, Thiên Chúa Hằng Sống, Thiên Chúa Tình Yêu. Tình yêu làm cho con người trở nên bất tử và vĩnh cữu cả đời nầy lẫn đời sau. Đời nầy, con người sống trong tình yêu: tha thứ, khoan dung, nhân hậu… thì đời sau, khi bước qua ngưỡng cửa sự chết, con người cũng sẽ ở trong tình yêu sung mãn, trong cung lòng của Đấng mệnh danh là Tình Yêu; nên cái chết cũng không phải làm cho con người quá sợ sệt, khiếp hãi, vì trong tình yêu thì không có sự sợ hãi. Con người đã sống trong tình yêu, tương quan mật thiết với chính Đấng Yêu Thương. Vì tình yêu, Thiên Chúa đã ban Con Một Người cho trần gian, Đức Giêsu xuống thế làm người, chết và sống lại, để cứu và đem con người vào vương quốc Tình yêu của Thiên Chúa; nên sứ điệp mà chúng ta phải lắng nghe, đón nhận, đó là sứ điệp Tình Yêu.

Chúng ta đang sắp đi vào tuần cuối của năm Phụng vụ năm B, và cũng là Tháng Các Linh Hồn, chúng ta sẽ nghe lại đoạn Tin Mừng về điều răn trọng nhất, là Mến Chúa Yêu người: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa…và yêu người thân cận như chính mình.”(Mc 12, 28b-34). Thiên Chúa muốn chúng ta hiệp nhất với Ngài và với anh chị em trong cùng một tình yêu. Sứ điệp Tình Yêu là sợi giây xuyên suốt, hướng dẫn, đồng hành với chúng ta trên dương gian và theo ta về thế giới hằng sống.

Vậy, để đáp lại ân sâu nghĩa nặng và lòng trân quý đối với bậc tiền bối, chúng ta hãy tham dự Thánh lễ, cầu nguyện, hy sinh, cũng như quyết tâm sống xứng đáng với những công đức và di sản các vị để lại, và hãy cùng nhau xây dựng đời sống thánh hảo, tài bồi sản nghiệp đức tin công giáo cho tình yêu gia tộc ngày thêm vững mạnh, thắm thiết, tình yêu tha nhân thêm mặn mà, để đem lại cho nhau niềm hy vọng tin yêu vào cuộc sống hơn.

Có như vậy, nén hương chúng ta thắp lên trong Mùa Báo Hiếu, Mùa Tình Yêu Hiệp Thông nầy sẽ có ý nghĩa hơn bởi lòng thành kính đối với những Người Đã Ra Đi… Các linh hồn được thanh luyện để về Quê hương Vĩnh Hằng trước… các vị cầu nguyện và chờ đợi chúng ta trong niềm Hiệp thông, gắn bó Yêu Thương, củng cố cho chúng ta là Giáo Hội lữ hành, được kiên vững trong đức tin mà nổ lực sống thánh thiện, để rồi mai ngày, chúng ta sẽ gặp các đấng mà ca tụng lòng từ bi lân tuất Chúa muôn đời.

Lời kinh Hiệp Thông trọn vẹn được đọc trong phụng vụ thánh lễ, kinh nguyện Thánh Thể III: Hội Thánh giao chiến ở trần gian cầu nguyện cho chính mình, cho thế giới và cầu nguyện cho Hội Thánh luyện hình, Nhờ – Với – Trong Hy Tế của Đức Giêsu:

” Nguyện xin của lễ hoà giải nầy đem lại bình an và cứu độ cho tất cả thế giới. Xin ban cho Hội Thánh Chúa trên đường lữ thứ trần gian được vững mạnh trong đức tin, đức mến, cùng với Đức Thánh Cha, các Đức Giám Mục chúng con và giáo sĩ khắp nơi và tất cả Dân riêng Chúa… Lạy Cha nhân từ, xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha đang tản mác khắp nơi, xin thương cho ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đã qua đời, và tất cả những ai đã ly trần trong ơn nghĩa Chúa, được vào Nước Chúa, nơi chúng con hy vọng sẽ tới, để cùng nhau tận hưởng vinh quang Chúa muôn đời…”

Lời kinh đẹp như một tình yêu tròn đầy, huyền nhiệm. Lời Tình Yêu Hiệp thông trong Đại Gia Đình Hội Thánh. Một tình yêu gắn kết sắt son không thể chia lìa, vì trong tình yêu Hiệp Thông ấy, Hội Thánh Khải Hoàn trên trời vui mừng, Hội Thánh Lữ Hành trần gian tin tưởng, lớn lên, Hội Thánh Luyện Hình hy vọng chờ đợi, trong Tình yêu của Đấng Chịu Đóng Đinh, Sống lại và Vinh Thắng.