Ngân hàng chiếm đoạt tiền vật chứng xử lý sao

Theo quy định tại Điều 89 BLTTHS năm 2015, vật chứng được hiểu là “vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.

Trong thực tiễn giải quyết các vụ án, quá trình áp dụng các quy định của pháp luật về vật chứng, xử lý vật chứng nhìn chung được áp dụng đúng đắn, tuy nhiên, vẫn có nhiều quan điểm, nhận thức áp dụng pháp luật không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Ví dụ vụ án cụ thể sau:

Do cần tiền để chi tiêu nên trong khoảng thời gian từ tháng 02/2017 đến tháng 11/2018, bị can Trần Thanh B, Vũ Văn T và Giang Đình Q đã nhiều lần làm giả hồ sơ để trực tiếp hoặc nhờ người khác vay tiền của Ngân hàng MB và Ngân hàng VPBank, sau đó chiếm đoạt của các ngân hàng. Cụ thể: Trần Thanh B chiếm đoạt 790.000.000 đồng, Vũ Văn T chiếm đoạt 58.000.000 đồng, Giang Đình Q chiếm đoạt 136.000.000 đồng. Trong quá trình điều tra, Giang Đình Q đã tác động và được gia đình nộp số tiền 136.000.000 đồng cho Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.

Ngày 24/6/2020, Tòa án C thụ lý hồ sơ vụ án Trần Thanh B, Vũ Văn T và Giang Đình Q bị Viện kiểm sát C truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại khoản 4 Điều 174 BLHS.

Liên quan đến số tiền 136.000.000 đồng (tiền gia đình bị can Giang Đình Q nộp để khắc phục thiệt hại do hành vi phạm tội của bị can Giang Đình Q gây ra), trong quá trình nghiên cứu, giải quyết vụ án, hiện nay có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Số tiền 136.000.000 đồng gia đình bị can Giang Đình Q nộp để khắc phục thiệt hại do hành vi phạm tội của bị can Giang Đình Q gây ra được xác định là vật chứng của vụ án.

Bởi vì căn cứ vào quy định của Điều 89 BLTTHS, vật chứng có một số đặc trưng cơ bản như: vật chứng chứa đựng và phản ánh trong mình những sự kiện thực tế liên quan đến vụ án, sự liên quan này có thể ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp nhưng quan trọng nó phải nằm trong mối liên quan tổng thể của vụ án hình sự và phải là những vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; những vật mang dấu vết tội phạm; đối tượng của tội phạm mà người phạm tội tác động đến; tiền và những vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Theo đó, số tiền 136.000.000 đồng này có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án, liên quan đến mức độ gây thiệt hại của hành vi phạm tội do bị can gây ra.

 Do vậy, căn cứ vào Điều 90 (Bảo quản vật chứng) và Điều 106 (Xử lý vật chứng) của BLTTHS, Viện kiểm sát C đã ra Quyết định chuyển vật chứng, tài sản từ Cơ quan Điều tra sang Cơ quan Thi hành án để giải quyết.  

 Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: Số tiền 136.000.000 đồng nêu trên không phải là vật chứng, mà chỉ là một trong những chứng cứ của vụ án.

Tại Điều 89 BLTTHS quy định về khái niệm vật chứng, thì số tiền này không phải là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, không phải là vật mang dấu vết tội phạm, cũng không phải là đối tượng của tội phạm; không có giá trị chứng minh tội phạm.

Theo đó, số tiền 136.000.000 đồng trong vụ án nêu trên chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, để từ đó xác định trách nhiệm dân sự của bị can Giang Đình Q theo quy định của pháp luật.

Như vậy, số tiền bồi thường khắc phục thiệt hại này có thể được coi là vật chứng trong vụ án hay không?

 Trên đây là bài viết trao đổi của chúng tôi, kính mong quý độc giả tham gia bàn luận để làm rõ và có cơ sở để giải quyết những vụ việc tương tự có thể xảy ra./.

Phiên tòa xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại TAND tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh minh họa)

Khoa học Luật Tố tụng Hình sự quy định, vật chứng trong vụ án hình sự được xác định là nguồn chứng cứ quan trọng, được các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử; có giá trị quan trọng trong việc chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, giúp cho việc giải quyết vụ án hình sự được đúng đắn. Theo quy định tại Điều 89 BLTTHS năm 2015: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm”. Như vậy, một vật được coi là vật chứng chỉ khi thỏa mãn các đặc điểm đặc trưng của vật chứng trong vụ án hình sự, đó là: 1) Vật chứng tồn tại dưới dạng vật thể. 2) Vật chứng chứa đựng và phản ánh những thông tin, sự kiện thực tế liên quan đến vụ án, sự liên quan này có thể ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp nhưng quan trọng phải nằm trong mối liên hệ tổng thể giữa các nội dung, vấn đề của vụ án hình sự. 3) Vật chứng được các chủ thể có thẩm quyền thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. 4) Vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội và các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 48 BLHS năm 2015 quy định: “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”. Theo quy định tại điều luật, có thể hiểu bị can, bị cáo trong vụ án hình sự phải có trách nhiệm bồi thường những tổn thất về mặt vật chất do hành vi phạm tội của mình gây ra cho bị hại (chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp đối với tài sản đã bị bị can, bị cáo chiếm đoạt). Việc bồi thường thiệt hại có thể diễn ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự hoặc có thể diễn ra sau khi Tòa án tuyên bị cáo phạm tội theo tội danh mà Cơ quan điều tra (CQĐT), VKSND đã viện dẫn với hình phạt tương ứng và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự) cho bị hại đối với hành vi phạm tội mà mình gây ra. Tuy nhiên, việc bị can, bị cáo chủ động bồi thường khắc phục hậu quả thiệt hại trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử mới được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.

Trên cơ sở phân tích nêu trên và dựa theo nội dung vụ án mà tác giả Hồng Ngát, Ngọc Mai đề cập đến thì vật chứng quan trọng được xác định trong vụ án này là những bộ hồ sơ vay tiền ngân hàng mà bị can Trần Thanh B, Vũ Văn T và Giang Đình Q đã nhiều lần làm giả để trực tiếp hoặc nhờ người khác vay tiền của Ngân hàng MB và VPBank nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của các ngân hàng. Số tiền 136.000.000 đồng mà bị can Giang Đình Q nộp cho CQĐT để khắc phục hậu quả không được coi là vật chứng vì không thỏa mãn 4 đặc điểm đặc trưng của vật chứng dưới khía cạnh của Khoa học Luật Tố tụng Hình sự.

Cụ thể, số tiền này không phải là vật được bị can Trần Thanh B, Vũ Văn T và Giang Đình Q sử dụng làm công cụ, phương tiện nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng MB và VPBank; không phải là vật mang dấu vết tội phạm; không chứa đựng những thông tin có tác dụng làm rõ việc có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra hay không và không có giá trị chứng minh hành vi phạm tội của B, T và Q. Việc bị can Giang Đình Q chủ động nộp 136.000.000 đồng cho CQĐT trong giai đoạn điều tra được xem xét là tình tiết giảm nhẹ TNHS, để từ đó xác định trách nhiệm dân sự của bị cáo Giang Đình Q theo quy định của pháp luật.

Từ những lập luận được đề cập ở trên và dựa theo cơ sở lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, tác giả cho rằng, số tiền 136.000.000 đồng không phải là vật chứng mà chỉ là một trong những chứng cứ của vụ án được xem xét là tình tiết giảm nhẹ TNHS cho bị can Giang Đình Q (đồng quan điểm với tác giả Hồng Ngát và Ngọc Mai).

Các tác giả Hoàng Nguyên Thắng (Viện kiểm sát quân sự Quân khu 1), Dương Văn Hưng (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân); Trần Thanh Sơn (Tòa án quân sự ), Trần Thị Phụng (Ấp Mỹ Đông Nhất, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), Đinh Thị Ngọc Bích (Tòa án quân sự Quân khu 4), Nguyễn Thị Thanh Thủy (Viện kiểm sát quân sự khu vực 43 Quân khu 4) có cùng quan điểm nêu trên.

Tòa án nhân dân huyện Bạch Thông, Bắc Kạn xét xử vụ án “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Thanh Tuyền

Chủ đề