Nếu giá của một mặt hàng thấp hơn giá cân bằng thị

Trong thị trường cạnh tranh, cầu và cung của một hàng hóa hoặc dịch vụ quyết định mức giá cân bằng của thị trường.

Kinh tế học vi mô thường được gọi là lý thuyết về giá vì môn này tập trung vào cơ chế xác định giá hàng hóa và dịch vụ của thị trường. Trong kinh tế vi mô, thị trường không phải là một địa điểm diễn ra trao đổi, mà chủ yếu nói lên mối quan hệ tương tác giữa cung và cầu.

Nội dung

  • 1 Cầu
  • 2 Cung
  • 3 Trạng thái cân bằng thị trường
  • 4 Những thay đổi về Cầu tác động đến sự cân bằng thị trường
  • 5 Những thay đổi về Cung tác động đến sự cân bằng thị trường
  • 6 Ví dụ về Cân bằng thị trường với xe máy

Cầu

Cầu là mối quan hệ giữa giá của một mặt hàng với lượng cầu đối với mặt hàng đó, trong điều kiện những yếu tố khác không đổi.

Giá được đo theo đơn vị tiền và lượng cầu được tính theo đơn vị hàng mà người tiêu dùng sẵn lòng mua và có thể mua trong một thời điểm.

Quy luật cầu cho thấy mối quan hệ nghịch biến giữa giá và lượng cầu: khi giá tăng, lượng cầu của người tiêu dùng giảm đi.

Cung

Cung là mối quan hệ giữa giá của một mặt hàng và lượng cung của mặt hàng đó, trong điều kiện các biến số khác không đổi.

Lượng cung được tính theo đơn vị hàng mà nhà sản xuất sẵn lòng bán và có thể bán trong một thời điểm.

Quy luật cung nêu lên mối quan hệ trực tiếp giữa giá và lượng cung: khi giá tăng, nhà sản xuất tăng lượng cung ứng.

Trạng thái cân bằng thị trường

Tại một mức giá mà lượng cầu bằng lượng cung ta gọi là cân bằng thị trường. Nếu giá thị trường thấp hơn giá cân bằng, lượng cầu của người tiêu dùng sẽ vượt lượng cung của nhà sản xuất; nếu giá thị trường cao hơn mức giá cân bằng, lượng cần của người tiêu dùng sẽ ít hơn lượng cung của nhà sản xuất. Bài viết tiếp theo sẽ mô tả cơ chế điều chỉnh của thị trường để đạt mức cân bằng.

Chúng ta có thể biểu diễn thị trường ở trạng thái cân bằng trong một đồ thị bằng cách hiển thị giá và lượng kết hợp tại đó đường cung và đường cầu cắt nhau.

Ví dụ: hãy tưởng tượng rằng những người bán nước ngọt sẵn sàng bán500đơn vị nước ngọt ở mức giá5$ đô la, mỗi lon.Nếu người mua sẵn sàng mua 500đơn vị nước ngọt ở mức giá đó, thị trường này sẽ ở trạng thái cân bằng ở mức giá5$ đô la, và với số lượng500lon.

Những thay đổi về Cầu tác động đến sự cân bằng thị trường

Nếu thu nhập của người tiêu dùng tăng, họ cũng sẽ tăng lượng cầu hàng hóa ở mọi mức giá, do đó cầu tăng. Từ mức giá cân bằng, khi lượng cầu tăng lên vượt lượng cung thì giá sẽ bị đẩy lên. Nhà sản xuất đáp ứng bằng cách tăng lượng cung. Giá sẽ tăng đến khi một sự cân bằng mới được thiết lập; ở đó lượng và giá mới đều cao hơn ban đầu.

Khi giá hải sản tăng, người tiêu dùng sẽ tìm hàng hóa khác để thay thế hải sản. Một trong những mặt hàng đó là thịt heo, lúc này dù đang ở bất kỳ mức giá nào thì cầu thịt heo cũng tăng lên. Giá hải sản tăng khiến cho cầu thịt heo tăng: kết quả là cả giá lẫn lượng thịt heo cân bằng trên thị trường đều tăng.

Xăng và lốp xe là hai loại hàng bổ sung cho nhau vì chúng được sử dụng cùng lúc. Khi xăng lên giá, người tiêu dùng bớt dùng xe, do đó không phải thường xuyên thay lốp xe nên cầu lốp xe giảm. Các nhà sản xuất lốp xe cạnh tranh bằng cách giảm giá bán và giảm sản lượng cung ứng. Khi đó thị trường lốp xe đạt được mức cân bằng mới với giá và lượng thấp hơn ban đầu.

Bạn đọc có thể thực tập phân tích sự cân bằng đáp ứng với các tình huống: cho thu nhập của người tiêu dùng giảm, giảm giá hàng hóa thay thế hay hàng hóa bổ sung.

Những thay đổi về Cung tác động đến sự cân bằng thị trường

Giá nguyên liệu có thể tăng do cầu nguyên liệu tăng hoặc do những nhân tố khác ví dụ như tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu. Khi đó, các nhà sản xuất phải nâng giá bán sản phẩm. Khi giá bán tăng lên, một số người tiêu dùng sẽ mua ít đi. Lúc này giá cân bằng mới sẽ cao hơn trong khi lượng cân bằng mới thì thấp hơn: cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất đều bị thiệt.

Nếu giá nguyên liệu giảm, các nhà sản xuất có thể cạnh tranh với nhau bằng cách để người tiêu dùng được hưởng khoản chi phí tiết kiệm, nói cách khác là hạ giá bán sản phẩm. Khi đó, một số người tiêu dùng sẽ tăng lượng sản phẩm mà họ mua. Giá cân bằng mới lúc này sẽ thấp hơn và lượng cân bằng mới thì cao hơn: cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất đều được lợi.

Cải tiến công nghệ sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, với một mức sản lượng cho trước. Khi đó các công ty cạnh tranh có thể bán sản phẩm với giá thấp hơn; khi giá giảm, người tiêu dùng sẽ mua hàng nhiều hơn và cả bai bên đều được lợi.

Trong một nền kinh tế thị trường hoạt động hiệu quả, với giá nguyên liệu nội địa cho trước, các công ty cạnh tranh sẽ nỗ lực ứng dụng công nghệ sao cho chi phí sản xuất là thấp nhất. Nhờ vậy, họ có thể bán nhiều sản phẩm ra thị trường trong nước và có thể xuất khẩu. Các công ty kém hiệu quả sẽ thất bại, năng suất bình quân cả ngành sẽ tăng lên.

Ví dụ về Cân bằng thị trường với xe máy

Các nhà kinh tế học yêu thích thị trường xe máy vì đây là một ví dụ rõ nét về những tác động đối với cân bằng thị trường như đã mô tả phía trên. Các tác động này có thể xảy ra cùng lúc và được phản ánh qua những thay đổi về giá và lượng cân bằng. Tuy nhiên, để phân biệt ta sẽ trình bày rõ từng tác động một.

Tác động thứ nhất, thu nhập người tiêu dùng đã gia tăng trong những năm gần đây khiến cho nhu cầu mua xe máy cũng tăng theo. Trong một khoảng thời gian nhất định, mức cầu cao làm cho người bán xe máy có thể tăng giá.

Tác động thứ hai, do cầu tiêu dùng xe máy ở Việt Nam tăng mạnh nên các nhà sản xuất Trung Quốc chọn Việt Nam làm thị trường xuất khẩu xe máy. Cung xe máy với giá rẻ (với chất lượng thấp) tăng nhanh và một lượng lớn người tiêu dùng đã chọn mua xe Trung Quốc thay vì mua xe lắp ráp trong nước: lúc này cầu xe máy lắp ráp trong nước giảm dẫn đến giá và lượng cân bằng ở thị trường xe máy nội địa giảm. Công ty Honda phản ứng bằng cách trình làng một mẫu xe mới, đó là Wave Alpha, với giá tương đương giá xe Trung Quốc nhưng chất lượng tốt hơn. Kết quả là người tiêu dùng được lợi từ sự cạnh tranh này: họ có nhiều chọn lựa hơn với giá thấp hơn.

Tác động thứ ba, Chính phủ Việt Nam áp dụng chính sách thương mại hỗ trợ các nhà sản xuất linh kiện xe máy trong nước. Nếu sản phẩm xe máy của các nhà sản xuất có hàm lượng nội địa thấp thì họ phải chịu thuế nhập khẩu linh kiện cao. Chi phí tăng do thuế nhập khẩu sẽ đẩy giá thành lắp ráp xe máy lên và hạ thấp sản lượng xe máy lắp ráp lúc này đang ở trạng thái cân bằng. Các nhà sản xuất xe máy lắp ráp và người tiêu dùng nội địa phải chịu phí tổn cao hơn trong khi các nhà sản xuất linh kiện trong nước cưỡi xe bát phố một cách khoái chí.