Nên đo mắt cận ở đâu

TT - Đo khám mắt chính xác, uy tín - đó là câu quen thuộc của các cửa hiệu mắt kính tại TP.HCM. Tuy nhiên, trên thực tế nếu bạn qua hàng chục điểm đo mắt thì các kết quả không giống nhau.

Phóng to
Khám mắt tại Bệnh viện Mắt TP.HCM- Ảnh: T.T.D.

Mỗi cửa hàng kính là một kiểu đo khác nhau. Thời gian đo khám có chỗ chưa tới hai phút nhưng cũng có nơi phải 10 phút. Và cuối cùng là kết quả khác nhau.

Từ không cận hóa thành cận

Có nơi chúng tôi chỉ cần đưa mắt vào máy là có kết quả, như ở cửa hiệu mắt kính V (Nguyễn Đình Chiểu, Q.3), cửa hiệu mắt kính P (Nguyễn Thông, Q.3).

Còn tại mắt kính S (quốc lộ 13, Q.Thủ Đức), mặc dù đã được đo mắt bằng máy, chúng tôi vẫn tiếp tục thử với các tròng kính đủ độ. Anh nhân viên cứ lắp tròng cận từ 0-4 độ, rồi hỏi liên tục thấy hàng số mấy. Khi chúng tôi phàn nàn nhức mắt, anh nhân viên ậm ừ giây lát rồi trả lời tầm gần 4 độ.

Khi khám lại tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, chúng tôi được đo khúc xạ rất kỹ lưỡng. Bên cạnh việc đo mắt bằng máy, chuyên viên khúc xạ liên tục thay đổi lần lượt các bảng chữ trên hộp chữ, bắt chúng tôi đọc. Sau đó các chuyên viên lần lượt lắp các tròng kính khác nhau để thử mắt, rồi bắt người khám thử đeo tròng đi lại xem có đau đầu, chóng mặt, nhức mắt...

Chị Trần Thanh Ngọc (nhà ở Q.Thủ Đức) cho biết: Khi tôi đo ở cửa hàng mắt kính P (Nguyễn Thông, Q.3) thì mắt phải cận 3,25 độ, mắt trái 2,5 độ. Hai ngày sau tôi đo tại cửa hiệu mắt kính V (Nguyễn Đình Chiểu, Q.3) lại có kết quả khác: mắt phải cận 3 độ, mắt trái 2,75 độ. Bực mình, tôi vào Bệnh viện Mắt TP.HCM thì chuyên viên khúc xạ Lê Thị Thu Thủy ở đây sau khi khám cho tôi đã kết luận: mắt phải cận 2,5 độ; mắt trái cận 2 độ... Kết quả đo mắt chênh lệch đến gần 1 độ, nếu đeo kính sai độ không biết mắt tôi sẽ ra sao.

Chị Phan Khánh Hồng dẫn con trai là Nguyễn Chí Hùng (12 tuổi) đi khám mắt ở Bệnh viện Mắt TP.HCM. Chị Hồng nói: Tôi dẫn con đến cửa hiệu mắt kính S chỗ ngã tư Thủ Đức khám mắt rồi lắp kính cận 0,5 độ. Không biết đo khám thế nào mà thằng bé cứ la nhức mắt, chóng mặt, đi cứ như sợ bị sụp hố. Kết quả khám mắt em Nguyễn Chí Hùng tại Bệnh viện Mắt là rối loạn nhẹ do dùng vi tính nhiều giờ. Theo chuyên viên khúc xạ Lê Thị Thu Thủy: Em Hùng chỉ cần giữ mắt ít tiếp xúc nhiều với vi tính trong một thời gian, uống nước nhiều, không nhất thiết phải đeo kính.

Bé Phan Đình Liêm (13 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) cũng vừa nhận kết quả không cần thiết phải đeo kính tại Bệnh viện Mắt. Chị Lý, mẹ Liêm, cho biết cách đây một tháng Liêm đi khám tại cửa hiệu mắt kính N (quốc lộ 13, Q.Thủ Đức) với kết quả mắt trái cận 0,25; mắt phải cận 0,5. Nhưng theo kết quả vừa khám, bé Liêm chỉ bị khô mắt do sử dụng vi tính nhiều. Cũng theo chị Lý, trong lớp của Liêm hơn quá nửa học sinh đeo kính cận thị. Hầu hết phụ huynh đều đưa con ra tiệm kính khám cho tiện vì khám bệnh viện phải đợi chờ lâu, kiểu dáng kính cũng không phong phú bằng ở ngoài...

Ai đo mắt cũng được?

Theo quy định của Bộ Y tế, với các cơ sở dịch vụ kính thuốc, người hành nghề phải có bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp y trở lên và đã có thời gian làm việc chuyên môn tại cơ sở chuyên khoa mắt từ hai năm trở lên. Hoặc là họ phải có chứng chỉ đào tạo về trang thiết bị y tế (vận hành, sử dụng các thiết bị đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt, mài lắp kính) do cơ sở được Bộ Y tế chỉ định đào tạo và cấp.

Thế nhưng trên thực tế tại các cửa hiệu đo mắt kính chúng tôi đến, rất ít nhân viên đo mắt kính đeo bảng tên, hoặc để các chứng chỉ giấy phép hành nghề tại cửa hiệu.

Ông Trần Hoài Long(cử nhân khúc xạ khoa điều trị khúc xạ Bệnh viện Mắt TP.HCM):

Có thể đo chưa chính xác

Hiện tại ở VN chưa có trường đào tạo về khúc xạ (ở nước ngoài chuyên viên khúc xạ phải học 4-5 năm, còn kỹ thuật viên khúc xạ mắt kính 2-3 năm).

Hiện chỉ có Bệnh viện Mắt TP.HCM có khóa đào tạo kỹ thuật viên khúc xạ sáu tháng và tại Bệnh viện Mắt trung ương, Hà Nội là có khóa đào tạo về khúc xạ. Nếu các tiệm kính chưa có nhân viên phụ trách khâu đo mắt đã qua đào tạo và chỉ dựa hoàn toàn vào máy đo khúc xạ điện tử thì kết quả đo có thể không chính xác. Mặt khác nếu cửa hàng kính chưa có người đã qua đào tạo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng toa kính kê ra cho bệnh nhân do họ chưa đủ trình độ và đưa ra những quyết định cho đeo kính đúng đắn.

Việc đeo kính sai (ví dụ: cận thị ít bị đeo nhiều, hoặc không cận bị đeo kính cận...) có thể dẫn tới các rối loạn chức năng như nhức đầu, mỏi mắt, nhìn mờ...

Đối với trẻ nhỏ có tật khúc xạ nặng, loạn thị trung bình đến nặng, hoặc bất đồng khúc xạ trung bình đến nặng nếu không đeo kính đúng có thể gây nhược thị, và trong một số trường hợp có thể dẫn đến lé, ảnh hưởng không tốt lên chức năng thị giác của các em sau này.

Video liên quan

Chủ đề