Napoleon chết vì sao

Tên tuổi cũng như những chiến công lẫy lừng của vị tướng và sau này là hoàng đế Pháp - Napoleon Bonaparte - ghi đậm dấu ấn trong sử sách, người đời thông thuộc tới từng chi tiết. Tuy nhiên, những điều thuộc dạng thâm cung bí sử liên quan tới cuộc sống thường nhật của vị tướng "lắm tài nhiều... bệnh" này lại được nói tới bằng nhiều luồng thông tin khác nhau. Đặc biệt là những căn bệnh gắn bó từ niên thiếu và nguyên nhân gây ra cái chết cho nhân vật hiển hách lẫy lừng này luôn để lại cho hậu thế những tranh cãi và khám phá thú vị...

"Lắm tài, nhiều... bệnh"

Napoleon nổi tiếng là người tham việc, hằng ngày ông làm việc khoảng 20 tiếng, chỉ nghỉ vài tiếng. Ông có trí nhớ phi phàm, trí óc rất linh hoạt, có khả năng đọc rất nhanh những ý nghĩ trong đầu cho thư ký ghi chép, cùng một lúc đọc cho nhiều thư ký về những vấn đề khác nhau. Hằng ngày ông phải ký rất nhiều văn bản, phải đọc và phê duyệt rất nhiều báo cáo, tờ trình, chủ trì nhiều cuộc họp với các cán bộ cao cấp hoặc hội đồng quốc gia. Đó là chưa kể ông trực tiếp tham gia các cuộc viễn chinh dài ngày.

Napoleon chết vì sao

Napoleon tiều tụy cuối đời vì bệnh tật

Thế nhưng Napoleon lại là người có sức khỏe không tốt lắm. Là đứa trẻ sinh thiếu tháng, thuở niên thiếu và kể cả lúc trưởng thành, do đời sống khó khăn nên ông rất gầy. Napoleon bị chứng viêm bàng quang nên rất khó đi tiểu. Căn bệnh đi tiểu nhỏ giọt này đã ảnh hưởng đến khả năng chỉ huy trận đánh ở Nga khi ông bị đau nên thiếu quyết đoán, phản ứng chậm trước diễn biến của chiến trận.

Ngoài ra, Napoleon còn bị táo bón nặng, gây trĩ chảy máu. Ông bị táo từ thuở nhỏ và ngày càng diễn biến xấu hơn. Để chữa trị, bác sĩ cho ông dùng nước đun sôi để nguội pha với dung dịch acetat chì tẩm vào một mảnh vải để rửa, và dùng đỉa để hút máu. Do bị giãn tĩnh mạch vùng hậu môn nên trong trận Waterloo, ông phải ngồi xe thay vì cưỡi ngựa để chỉ huy, cho dù chỉ vài năm trước, ông cưỡi ngựa hơn 10 giờ mỗi ngày trên những chặng đường dài dằng dặc.

Từ năm 1804, Napoleon tăng cân nhanh chóng nên các thầy thuốc buộc ông ăn với chế độ thanh đạm. Napoleon còn từng bị sốt rét 2 lần, bị ghẻ và sau đó là chứng ngứa toàn thân buộc ông phải gãi liên tục trước mặt một số cận thần. Hoàng đế Pháp còn có triệu chứng viêm gan (da vàng); có người còn cho ông bị lao với triệu chứng ho dai dẳng. Ông cũng là người thần kinh có vấn đề, hay lên cơn kích thích quá đáng, giận dữ thái quá và thỉnh thoảng trầm uất.

Đời sống tình dục của Napoleon cũng có nhiều vấn đề tế nhị. Ông thường kết thúc rất nhanh chóng chuyện ái ân và năm 42 tuổi bị mắc chứng liệt dương. Tuy có một quý tử với Marie Louise nhưng ông vẫn bị đồn đại là người đồng tính luyến ái.

Khi Napoleon mất, lúc liệm, người ta thấy cơ thể ông không có lông, dấu hiệu sinh dục bên ngoài rất ít tính nam, trong khi bộ ngực tròn trịa, mềm mại, tay chân nhỏ nhắn với kích thước chiều cao khiêm tốn: 1,57m.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử nhận định: Chính sức khỏe đã ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng chỉ huy chiến trận của Napoleon, làm ông thất bại trong những trận đánh quan trọng.

Đầu độc hay bệnh tật?

Sau thảm bại trong trận Waterloo năm 1815, Napoleon Bonaparte bị buộc thoái vị và chịu án đi đày trên hòn đảo hoang vắng St. Helena phía Nam Đại Tây dương. Ông đã qua đời tại đây ngày 5/5/1821, ở tuổi 52, triệu chứng là những cơn chảy máu không ngừng từ ruột.

Gần một thế kỷ rưỡi sau đó, năm 1961, các chuyên gia phân tích tóc của Napoleon và thấy tỷ lệ arsenic cao đột xuất và nghi ngờ ông bị người Anh đầu độc từ từ. Nghi ngờ này không phải vô căn cứ, bởi cho dù bị đày biệt tích trên đảo hoang, Napoleon Bonaparte vẫn là mối nguy ngại hàng đầu của không chỉ của riêng vương triều nước Pháp. Ai dám chắc vị tướng khét tiếng không thể đảo ngược tình thế quyền lực ở châu Âu? Vậy là, chỉ có cái chết mới được xem là biện pháp tuyệt đối an toàn.

Nhiều nhà khoa học không đồng tình với nhận định trên vì thời đó việc dùng arsenic còn khá phổ biến, chất này có trong thuốc, dầu chải tóc... Trong khi đó, sử sách không hề ghi chép những dấu hiệu thuyết phục nào chứng tỏ khả năng Napoleon bị đầu độc bằng thạch tín như móng tay bị chuyển màu; xuất hiện những vết đốm trên bàn chân, bàn tay; triệu chứng ung thư da, ung thư phổi, bàng quang hay chảy máu vách ngăn tim...

Một nghiên cứu khác lại cho rằng, thủ phạm là bệnh lỵ amíp mà Napoleon mắc phải lúc bị đày, nó gây các ổ mủ ở gan và hủy hoại các nội tạng.

Gần đây nhất, một kết luận có sự tương đồng của các chuyên gia với những đối chiếu y khoa thuyết phục đã tỏ ra lấn át.

Theo các nhà nghiên cứu Thụy Sỹ, nguyên nhân cái chết của ông là do bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Chứng bệnh này trở nên trầm trọng do chế độ ăn không đảm bảo trong các chiến dịch quân sự dài ngày và đặc biệt là khi Napoleon bị lưu đày, trong đó chủ yếu là các loại thực phẩm ướp muối, thiếu rau xanh và trái cây tươi.

Cuộc khám nghiệm tử thi cho thấy, trong dạ dày của Napoleon có một khối u dài 10,16cm và nhiều chất có màu sẫm như bã cà phê - chứng tỏ ông đã bị chảy máu dạ dày trầm trọng. Lập luận này càng được củng cố khi báo cáo của các nhà khoa học dẫn nhiều tài liệu lịch sử cho biết, Napoleon đã bị giảm tới 9kg trong những tháng cuối đời và đặc biệt là cha của ông cũng qua đời do chứng bệnh tương tự.

Nghiên cứu mới nhất của trường ĐH Tây Nam Texas (Mỹ) cũng đưa ra kết luận tương tự khi cho rằng chảy máu dạ dày là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho hoàng đế. Kết luận này được tổng kết từ một tập hợp dữ liệu phong phú: biên bản khám nghiệm tử thi, nhật ký điều trị, lời kể nhân chứng, hồ sơ sức khỏe gia đình và kiến thức y học tiên tiến nhất.

Biên bản khám nghiệm tử thi năm 1821 cho thấy dạ dày Napoleon có hai thương tổn: một vết loét lớn và một lỗ thủng nhỏ về phía gan.

Giáo sư Robert Genta và các cộng sự của ông đã tiến hành đối chiếu miêu tả hai vết thương này với 50 hình ảnh loét dạ dày lành tính và 50 hình ảnh ung thư dạ dày. Kết quả chỉ ra, rõ ràng thương tổn trên nội tạng hoàng đế rất giống với ung thư.

Giáo sư Robert Genta, chủ nhiệm đề tài khẳng định: "Đó là một tổn thương lớn kéo dài từ tâm vị tới gần môn vị. Xét riêng về mặt kích thước cũng đủ thấy tính nghiêm trọng của tổn thương. Thậm chí nó đã di căn sang cả các cơ quan bên cạnh. Cho dù có được điều trị bằng kỹ thuật tiên tiến như ngày nay, ngài cũng chỉ có thể sống thêm 1 năm là nhiều nhất. Chế độ ăn toàn thực phẩm muối khô, khan hiếm rau xanh và hoa quả trong những năm chinh chiến càng đẩy vị hoàng đế tiến nhanh tới cái chết".

Xét trên bình diện y khoa thì nguyên nhân này tỏ ra có sức thuyết phục và có nhiều tính thực tế hơn cả.

          Thu Hằng (Theo Live Science, Historia)


* Napoleon Bonaparte được coi là một trong những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại nhất thế giới. Vậy mà, một Napoleon lẫy lừng thiên hạ lại đột ngột qua đời khi bị lưu đày ở đảo St. Helena, Đại Tây Dương vào năm 1821. Nhiều giả thuyết cho rằng, ông bị đầu độc, nhưng cũng có nguồn tin nói rằng, ông bị bệnh ung thư dạ dày. Giáo sư Russell Aiuto mới đây đưa ra những bằng chứng cho thấy, ông bị ám sát

Nghi án bị đầu độc

(Cadn.com.vn) - Sau thảm bại trong trận Waterloo năm 1815, Napoleon bị buộc thoái vị và chịu án đi đày trên hòn đảo hoang vắng St. Helena phía Nam Đại Tây Dương.

Từ mùa thu năm 1820, sức khỏe của Napoleon yếu dần. Ông luôn than phiền bị đau bụng, mệt mỏi, đau ở xương bả vai phải và nhức đầu. Ông cũng thường ói mửa, người xanh xao. Ngoài ra, Napoleon còn có những đợt sốt, ớn lạnh và kèm theo nước tiểu có màu vàng đậm. Diễn biến bệnh tình này được báo cáo lên Thống đốc St. Helena người Anh Hudson Lowe, nhưng ông này luôn bác bỏ và cáo buộc rằng, đây chỉ là trò “tuyên truyền sự ngược đãi của người Anh” đối với Napoleon.

Nhưng ngày 5-5-1821, vị Hoàng đế oai hùng của nước Pháp qua đời với triệu chứng là những cơn chảy máu không ngừng từ ruột. Biên bản khám nghiệm tử thi do bác sĩ riêng của Napoleon, Francesco Antomamarchi và 5 bác sĩ người Anh thực hiện cho thấy, ung thư dạ dày là nguyên nhân. Kết luận này được ghi cẩn thận vào giấy chứng tử, nhưng nhiều người tỏ ra nghi ngờ. Từ đó, người ta bắt đầu lùng sục nguyên nhân về cái chết của ông.

Và giả thuyết bị đầu độc được đưa lên hàng đầu. Trở lại năm 1819, khi đó những người trung thành với Napoleon là Corsican, Cipriani bất ngờ trở bệnh và qua đời. Hai người phục vụ thân cận khác của Napoleon cũng chết như thế. Những cái chết này rất bí ẩn và được cho là bước khởi đầu của một âm mưu đầu độc.

Napoleon cũng từng tỏ ý nghi ngờ ông chính là mục tiêu cuối cùng trong kế hoạch đầu độc hàng loạt này. Những người theo giả thuyết này cho rằng, Napoleon bị đầu độc vì một số người có thế lực – người Pháp, người Anh hoặc cả hai vì họ sợ rằng nếu ông trốn thoát khỏi đảo St. Helene thì ông sẽ lại chiếm giữa toàn bộ Châu Âu như đã từng làm trước đó. Cái tên Napoleon vẫn là mối nguy ngại hàng đầu của các triều đại khắp Châu Âu. Giả thiết Napoleon bị hạ độc bằng arsenic (thạch tín) bùng phát kể từ khi nhật ký của người hầu Napoleon là Louis Marchand ra mắt năm 1955.

Napoleon chết vì sao
Napoleon chết vì sao

 Một Napoleon lẫy lừng trên chiến trường (trái) nhưng tiều tụy lúc sắp chết.
Ảnh: Tư liệu

Những nhận xét của Marchand về tình hình sức khỏe của Napoleon trong những tháng cuối đời khiến một số người tin rằng, Napoleon đã bị đầu độc từ từ bằng arsenic. Arsenic là một chất cực độc nhưng lại gây ra những triệu chứng dễ lầm lẫn với các chứng bệnh khác. Vì vậy, người ta rất khó phát hiện arsenic sau khi chết. Việc thi hài của Napoleon vẫn còn nguyên vẹn khác thường khi cải táng vào năm 1840 để đưa về Paris, Pháp càng củng cố giả thiết đầu độc, vì arsenic là một chất bảo quản mạnh.

Năm 1961, các chuyên gia phân tích tóc của Napoleon và thấy tỷ lệ arsenic cao đột xuất, càng củng cố nghi ngờ ông bị đầu độc từ từ. Theo đó, chất arsenic đã được dùng để đưa vào cơ thể của Napoleon vào nhiều thời điểm khác nhau với liều lượng không gây tử vong liền. Nó làm suy yếu dần dần sức khỏe của vị hoàng đế nước Pháp và tích tụ lại ở tóc.

Giả thuyết chết vì ung thư dạ dày

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học không đồng tình với nhận định này vì thời đó việc dùng arsenic còn khá phổ biến.

Trong khi đó, biên bản khám nghiệm tử thi được thực hiện ngày 6 -5 -1821 cũng không ghi chép những dấu hiệu thuyết phục nào chứng tỏ khả năng Napoleon bị đầu độc bằng arsenic như: móng tay bị chuyển màu; xuất hiện những vết đốm trên bàn chân, bàn tay; triệu chứng ung thư da, ung thư phổi, bàng quang hay chảy máu vách ngăn tim... Vào năm 2007, một nhóm nghiên cứu do giáo sư Robert Genta đứng đầu cho rằng, nguyên nhân cái chết của ông là do bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Chứng bệnh này trở nên trầm trọng do chế độ ăn không đảm bảo trong các chiến dịch quân sự dài ngày và đặc biệt là khi Napoleon bị lưu đày, trong đó chủ yếu là các loại thực phẩm ướp muối, thiếu rau xanh và trái cây tươi.

Cuộc khám nghiệm tử thi cho thấy, trong dạ dày của Napoleon có một khối u dài 10,16cm và nhiều chất có màu sẫm như bã cà-phê - chứng tỏ ông đã bị chảy máu dạ dày trầm trọng. Lập luận này càng được củng cố khi báo cáo của các nhà khoa học dẫn nhiều tài liệu lịch sử cho biết, Napoleon đã bị giảm đến từ 9 -10kg trong những tháng cuối đời. Điều đặc biệt là cha của ông cũng qua đời do chứng bệnh tương tự.

Biên bản khám nghiệm tử thi năm 1821 còn cho thấy dạ dày Napoleon có hai thương tổn: một vết lớn nằm trên bao tử, một vết nhỏ hơn xuyên thủng thành dạ dày ra tận gan. Nhóm nghiên cứu này cũng bác bỏ giả thiết Hoàng đế Napoleon bị đầu độc bằng arsenic vì thiếu những triệu chứng lâm sàng tiêu biểu như không bị xuất huyết tim. Chi tiết này đã không được ghi trong hồ sơ bệnh án của Napoleon. Hơn nữa, trong một nghiên cứu khác thực hiện theo đơn đặt hàng của tạp chí Science et Vie của Pháp trên các mẫu tóc lấy vào các năm 1805, 1814 và 1821, ông Ivan Ricordel, Trưởng phòng Độc chất học của Sở cảnh sát Paris kết luận rằng, Napoleon đã chết sớm hơn nếu bị đầu độc bằng arsenic.

Xét trên bình diện khoa học, nguyên nhân Napoleon chết do bệnh ung thư dạ dày là có sức thuyết phục hơn cả. Tuy nhiên, cho đến nay, cái chết của vị Hoàng đế lẫy lừng thiên hạ này vẫn là một trong những đề tài gây nên nhiều tranh cãi cho hậu thế.

Thanh Văn
(Theo Trutv)