Năm 1970 là thế kỷ bao nhiêu năm 2024

TCCS - Cuối những năm 60 của thế kỷ XX được coi là thập niên cách mạng với sự bùng nổ mạnh mẽ của một loạt phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa đòi quyền tự do, bình đẳng, dân chủ trên khắp thế giới. Trong bối cảnh đó, phong trào phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam với các tiêu điểm ở chính nước Mỹ và một số quốc gia, trong đó có nước Anh, đã trở thành một phần quan trọng của thập niên cách mạng, có tác động mạnh mẽ đến hòa bình thế giới.

Chính phủ Anh và cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam trước năm 1965

Một thực tế không thể tranh cãi rằng, nước Anh là đồng minh thân cận nhất của Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và quốc gia này đã ủng hộ Mỹ trong một loạt căng thẳng, xung đột, chiến tranh khu vực trong bối cảnh chung của Chiến tranh lạnh. Đối với trường hợp Mỹ can thiệp vào Việt Nam, Chính phủ của Đảng Bảo thủ Anh đến trước năm 1965 vẫn luôn ủng hộ Mỹ bằng nhiều cách thức khác nhau. Anh đã gửi một phái đoàn cố vấn, đứng đầu là Robert Thompson, đến Việt Nam để hỗ trợ Mỹ trong vấn đề quân sự, huấn luyện lính miền Nam Việt Nam(1). Sự ủng hộ của Anh là nhân tố vô cùng quan trọng để giúp chính quyền Mỹ có thể tiến hành những kế hoạch, chiến dịch chống miền Bắc Việt Nam và lực lượng cách mạng ở miền Nam. Đặc biệt, Anh cũng là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) và Hội đồng An ninh của Liên hợp quốc, do vậy, Mỹ rất cần Anh ủng hộ trong cuộc chiến ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thập niên 60 của thế kỷ XX, nước Anh phải đối mặt với một thực tế rõ ràng là sự suy yếu của nền kinh tế, nợ công lên cao với 800 triệu bảng Anh(2). Chính vì thế, khi ông Harold Wilson và Đảng Lao động Anh (Công Đảng) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 10-1964, Chính phủ Anh đã có sự chuyển biến trong cách nhìn nhận về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, mặc dù việc giữ quan hệ với Mỹ vẫn là trọng tâm trong chính sách ngoại giao của nước này. Song, thay vì hành động như mong muốn của Mỹ là đưa quân đội Anh vào Việt Nam để trực tiếp ủng hộ chính quyền Mỹ, Chính phủ của Thủ tướng Anh H. Wilson khi đó muốn đóng vai trò trung gian để tìm kiếm con đường hòa bình nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam(3). Cuối năm 1964, Thủ tướng Anh H. Wilson đã tuyên bố trước Hội nghị của Đảng Lao động Anh rằng, Chính phủ Anh đã sẵn sàng đảm nhận vai trò thảo luận hòa bình cho vấn đề Việt Nam. Chính phủ Anh muốn hợp tác với Liên Xô để thực hiện vai trò từng đảm nhận trong Hội nghị Geneve năm 1954 nhằm giải quyết tình hình Việt Nam. Theo đó, Chính phủ Anh đã tăng số tiền giúp đỡ chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ 80.000 bảng Anh (năm 1964) lên 412.000 bảng Anh (năm 1970), chủ yếu hỗ trợ trong các lĩnh vực kỹ thuật, đào tạo cảnh sát, tài chính. Anh cũng trao học bổng trị giá 1.236.500 bảng Anh cho sinh viên đến từ Việt Nam trong giai đoạn 1964 - 1970 để thúc đẩy trao đổi văn hóa, giáo dục, thay vì đưa quân đội vào Việt Nam như yêu cầu của Mỹ(4).

Lúc này, cuộc đấu tranh phản đối Mỹ can thiệp vào Việt Nam đã nổ ra, nhưng chưa trở thành phong trào mạnh mẽ ở Anh. Các cuộc đấu tranh thường chỉ dừng lại ở mức độ hiểu về Việt Nam hoặc phản đối Mỹ cung cấp tiền bạc và vũ khí, cố vấn quân sự cho miền Nam Việt Nam, dựng lên và ủng hộ Chính phủ Ngô Đình Diệm để tìm cách chia cắt Việt Nam. Phong trào phản đối chiến tranh ở Anh được biết đến trong thời gian này như “Chiến dịch giải trừ vũ khí hạt nhân” (Campaign for Nuclear Disarmament - CND) với tờ báo Sanity, hay “Phong trào vì tự do của thuộc địa” (Movement for Colonial Freedom - MCF). Năm 1953, Edgar Young, đảng viên của Đảng Cộng sản Anh, đã thành lập “Hội hữu nghị Việt - Anh” (British - Vietnam Committee - BVC) cùng với tập san Vietnam Bulletin để thúc đẩy những hiểu biết và nhận thức về vấn đề Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954). Năm 1962, khoảng 70 thành viên của BVC đã biểu tình trước Đại sứ quán Mỹ ở Thủ đô London (Anh) nhằm phản đối việc Mỹ đưa thêm nhiều cố vấn quân sự vào Việt Nam(5). Cuối năm 1964, Quỹ Hòa bình Bertrand Russell (BRPF) cũng cử đại diện sang Việt Nam tìm hiểu thực tế chiến tranh và đưa ra một hồ sơ dài 6 trang về số lượng người chết và bị thương ở miền Nam Việt Nam để làm dẫn chứng cho việc kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Đầu năm 1965, việc Mỹ gửi quân vào miền Nam Việt Nam và ném bom miền Bắc đã trực tiếp thúc đẩy sự bùng nổ mạnh mẽ của phong trào phản đối chiến tranh dưới nhiều hình thức đấu tranh khác nhau ở Anh và một loạt nước tư bản khác.

Một số phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tiêu biểu ở Anh

Ngoài sự tham gia của các tổ chức xã hội đã có từ thập niên 50 và đầu những năm 60 của thế kỷ XX, nửa sau thập niên 60 xuất hiện một loạt tổ chức đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Ngày 29-4-1965, Hội đồng Anh vì hòa bình ở Việt Nam (BCPV), tổ chức lớn nhất trong phong trào phản đối chiến tranh ở Anh, được thành lập với người đứng đầu là Fenner Brockway. Đến tháng 7-1965, BCPV có 130 cơ sở ở các địa phương; đến tháng 10-1965 là 155 cơ sở. Tổ chức này có liên kết chặt chẽ và nhận được tiền bảo trợ từ Đảng Cộng sản Anh (CPGB) cùng với nhiều tổ chức chính trị, tôn giáo và lao động khác ở Anh. Tuyên ngôn của tổ chức này nêu rõ: “Chiến tranh ở Việt Nam là tội ác chống lại con người và thách thức lương tâm của thế giới”(6). Mục tiêu của BCPV là tạo áp lực buộc Chính phủ Anh tách khỏi chính sách của Mỹ về Việt Nam, góp phần nhanh chóng chấm dứt chiến tranh.

Năm 1970 là thế kỷ bao nhiêu năm 2024
Cuộc tuần hành phản đối chiến tranh Việt Nam của phụ nữ London, năm 1967_Nguồn: gettyimages.com

Với mục tiêu kêu gọi Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, hoạt động chính của BCPV trong giai đoạn 1965 - 1968 đã thu hút được sự tham gia đông đảo của sinh viên, giảng viên đại học, giáo viên, biên tập viên, phóng viên, các đại diện của liên đoàn và những thành phần cánh tả, cấp tiến. Một trong những chiến dịch tiêu biểu nhất của tổ chức này là nhận được 100.000 chữ ký và kêu gọi hơn 6.000 người dân Anh biểu tình phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, kêu gọi Chính phủ Anh hành động với vai trò hòa giải vì hòa bình(7). Tháng 10-1965, BCPV cùng với CND tổ chức các cuộc biểu tình lớn, trong đó có những thời điểm lên tới khoảng 10.000 người tham gia nhằm phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Đến năm 1967, những cuộc biểu tình diễn ra mạnh mẽ với những biểu ngữ kêu gọi hòa bình cho Việt Nam. Đơn cử như, tháng 7-1967, 7.000 thành viên của BCPV đã biểu tình từ quảng trường Trafalgar hướng đến Đại sứ quán Mỹ để phản đối chiến tranh.

Tháng 6-1966, một nhóm các nhà hoạt động cánh tả, cấp tiến đã thành lập tổ chức phản đối chiến tranh mới ở Anh mang tên “Vận động đoàn kết vì Việt Nam” (VSC) dưới sự trợ cấp về tài chính của Quỹ BRPF. VSC đã thúc đẩy phong trào đoàn kết giữa nhân dân Anh và miền Nam Việt Nam vì mục tiêu hòa bình với các khẩu hiệu tiêu biểu, như “Chủ nghĩa đế quốc Mỹ: Chấm dứt ném bom miền Bắc, rút khỏi miền Nam Việt Nam!”, “Chiến thắng cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam!”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”(8). Tổ chức VSC đã giành được vị trí quan trọng trong phong trào phản đối chiến tranh ở Anh khi không chỉ dừng lại ở mục tiêu đấu tranh hòa bình mà còn có sự liên kết chặt chẽ với những nhà cộng sản quốc tế và thúc đẩy sự thắng lợi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. VSC kêu gọi Chính phủ Anh thực thi chính sách ngoại giao theo hướng đóng vai trò trung gian đàm phán hòa bình, tiến tới chấm dứt ném bom của Mỹ và Mỹ sẽ rút quân khỏi Việt Nam. Họ khẳng định rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam là “giải phóng” và là “nguồn cảm hứng” cho phong trào cách mạng thế giới. Cuối năm 1966, tổ chức này tuyên bố rằng “chúng tôi đang đoàn kết với Việt Nam… Bởi vì chúng tôi hoàn toàn chắc chắn tin rằng đây là vị trí duy nhất mà các nhà xã hội, nhân quyền, chống chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới, bất cứ ai chống chiến tranh Việt Nam có thể tham gia. Hơn nữa, chúng tôi cho rằng đó là cách hiệu quả nhất cho việc phản đối chiến tranh và chống lại những thực tế đầy rắc rối bị gây ra bởi Johnson và Wilson”(9). Tuyên bố trên không chỉ khẳng định tinh thần ủng hộ của VSC đối với nhân dân Việt Nam, kêu gọi tinh thần đoàn kết quốc tế, mà còn trực tiếp phản đối Chính phủ Mỹ và Anh trong vấn đề chiến tranh ở Việt Nam. Sự kiện thể hiện sức ảnh hưởng của VSC là cuộc biểu tình ngày 17-3-1968, thu hút gần 25.000 người tham gia với việc giương cao ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở trước cửa Đại sứ quán Mỹ. Cuộc biểu tình thứ hai của tổ chức này vào ngày 27-10-1968 cũng đã thu hút được sự tham gia của khoảng 100.000 người(10).

Trong phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam phải kể đến Hội đồng vận động quốc gia vì Việt Nam (NVCC) được thành lập năm 1968. Mặc dù được thành lập muộn nhất nhưng NVCC đã đưa ra được Tuyên bố của người dân Anh về hòa bình ở Việt Nam; vận động Đảng Lao động, Đảng Bảo thủ và Đảng Tự do ở Anh ủng hộ vai trò của Anh trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Việt Nam. Tổ chức này đã thu hút được nhóm thanh niên cấp tiến, những người cộng sản, những nhóm hòa bình và lao động nhằm ngăn chặn nguy cơ Chính phủ Anh đưa quân vào Việt Nam theo đề nghị của Mỹ.

Hoạt động chính của một số thành phần trong xã hội Anh

Thông tin cơ bản về quan điểm chung của người dân Anh trong giai đoạn cuối thập niên 60 về chiến tranh Việt Nam được thể hiện qua cuộc thăm dò ý kiến nổi tiếng của Viện Gallup. Đối với ý kiến về vai trò và chính sách của Chính phủ Anh về chiến tranh Việt Nam, đa phần và ngày càng nhiều người dân mong muốn nước Anh đảm nhận vai trò trung gian hòa giải: năm 1965 là 71%, tháng 7-1966 là 81%, tháng 8-1966 là 87%, tháng 3-1967 là 84% và tháng 2-1968 là 87%. Ngược lại, tỷ lệ ủng hộ Chính phủ Anh giúp Mỹ can thiệp vào Việt Nam luôn dưới 10%(11). Tỷ lệ người dân phản đối Mỹ tiến hành chiến tranh ở Việt Nam cũng tăng dần lên, từ 33% (tháng 10-1964) lên 51% (tháng 12-1966); và tỷ lệ người dân Anh mong muốn Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam tăng từ 41% (tháng 8-1966) lên 54% (tháng 10-1969). Đồng thời với đó, tính đến tháng 7-1966, có đến 65% người dân Anh cho rằng nước Anh không nên ủng hộ Mỹ hay đưa quân vào Việt Nam. Kết quả thăm dò của Viện Gallup cho thấy xu hướng chung trong quan điểm của nhân dân Anh trong nửa sau thập niên 60 là phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam, không muốn Chính phủ Anh can dự vào cuộc chiến tranh này. Đặc biệt, nhóm thanh niên cấp tiến, đội ngũ trí thức có xu hướng phản đối nhiều hơn so với tầng lớp trung niên bởi đây là đội ngũ được tiếp cận với những thông tin đa dạng hơn, có quan điểm tiến bộ hơn.

Phong trào phản đối Mỹ trong chiến tranh Việt Nam không chỉ diễn ra dưới tác động của các tổ chức xã hội vì hòa bình, mà còn thu hút được sự tham gia của rất nhiều thành phần xã hội khác nhau, đặc biệt là những nhóm trí thức, cấp tiến. Sinh viên Anh là một trong những nhóm tham gia nhiệt tình nhất vào phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam. Trường học trở thành môi trường lý tưởng ươm mầm cho cuộc đấu tranh và hình thành lý tưởng của sinh viên Anh. Các trường tiêu biểu cho phong trào này là Trường Kinh tế London, Đại học Birmingham, Đại học Warwick, Đại học Oxford, Đại học Liverpool. Phong trào đầu tiên là thảo luận về Việt Nam và chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam tại các giảng đường để sinh viên hiểu rõ hơn về vấn đề này. Không chỉ giảng viên, sinh viên mà các nhà khoa học, chính trị gia, nhà ngoại giao, các nhà hoạt động xã hội, phóng viên cũng tham gia hoạt động này, từ đó tạo ra tiếng vang lớn.

Ngoài ra, sinh viên cũng tham gia các phong trào biểu tình phản đối chiến tranh trên khắp nước Anh, mặc dù số lượng còn khiêm tốn. Cuộc đấu tranh mang tầm quốc gia đầu tiên của sinh viên diễn ra ngày 3-2-1967, với khoảng 3.000 sinh viên tham gia biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Tiếp đó là các cuộc biểu tình của giảng viên và sinh viên ở các thành phố Leeds, Manchester, Birmingham vào cuối tháng 2-1967. Tại Thủ đô London (Anh), biểu tình phản đối chiến tranh của sinh viên đã thu hút được chữ ký của 40.000 người(12).

Phóng viên có tư tưởng tiến bộ cũng tham gia phong trào phản đối chiến tranh bằng những bài viết trên các tạp chí tiến bộ, cánh tả. Một số tạp chí cánh tả và có tư tưởng cộng sản như New Statement, Tribute, Sanity, The Week thường đăng tải những thông tin về phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên thế giới để giúp người dân Anh có được cách tiếp cận đầy đủ, đa chiều nhất về vấn đề này. Các tạp chí cũng đưa thông tin về phong trào gặp gỡ, trao đổi của sinh viên Anh để bàn về chiến tranh Việt Nam, thậm chí còn tổ chức những buổi đối thoại trên truyền hình để thảo luận về vấn đề này. Tariq Ali, nhà lãnh đạo của VSC đã nhận xét rằng, những buổi tranh luận đó là một sự kiện truyền thông lớn, nơi mà nền giáo dục thực sự của nền dân chủ tư sản được định hình(13). Các học giả quốc tế cũng chỉ ra rằng, trong giai đoạn 1965 - 1975, bốn tạp chí xã hội là Social Work, Social Service Review, Child Welfare, Public Welfare đã có những bài viết sắc sảo với chủ đề về chiến tranh Việt Nam, thể hiện quan điểm phản đối hành động của Mỹ(14). Tháng 5-1965, tờ Daily Mirror dẫn lời một cố vấn cảnh sát Anh ở miền Nam Việt Nam trong cuộc phỏng vấn rằng, Chính phủ Anh nên rút đội ngũ cố vấn về nước bởi vì ông đã nhận ra sự sai trái của Mỹ khi can thiệp vào Việt Nam. Tháng 6-1965, The Week, một tạp chí theo thiên hướng chủ nghĩa cộng sản quốc tế, đã công bố bài viết với những bức ảnh về những phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị giết hại trong chiến tranh để thúc đẩy Chính phủ của Thủ tướng Anh H. Wilson nỗ lực hơn trong việc tìm giải pháp kết thúc chiến tranh. Năm 1965, tạp chí The Week đã kêu gọi lắng nghe tiếng nói từ phía Việt Nam với dòng tít lớn trên trang nhất: “Tự do ngôn luận: Hãy để nước Anh lắng nghe những người đấu tranh đòi tự do cho Việt Nam”. Thông qua hệ thống các tạp chí cấp tiến, quan điểm chung của nhân dân Anh về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã dần được định hình rõ và thiên về phía phản đối Mỹ, ủng hộ nhân dân Việt Nam.

Phong trào phản đối chiến tranh ở Anh cũng chứng kiến những đóng góp vô cùng to lớn của phụ nữ Anh. Mặc dù không thành lập một tổ chức riêng rẽ để phản đối chiến tranh, nhưng trong mọi tổ chức xã hội vì hòa bình, mọi phong trào đấu tranh chống chiến tranh đều có bóng dáng của người phụ nữ ở các thành phần khác nhau. Có thể kể đến như Nghị sĩ Anne Patricia Kerr (1925 - 1973) của Đảng Lao động Anh, một thành viên trong Nghị viện đã hoạt động vô cùng tích cực để phản đối chiến tranh Việt Nam; Tiến sĩ Amicia More Young và Margaret Stanton trong BCPV. Cuộc đấu tranh của phụ nữ Anh không chỉ là cuộc đấu tranh đòi nữ quyền mà còn thể hiện tình đoàn kết quốc tế to lớn(15).

Phong trào phản đối chiến tranh ở Anh và đối ngoại nhân dân của Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là một kênh quan trọng để thúc đẩy lương tri loài người, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Người chỉ rõ, sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và ở sự ủng hộ của nhân dân thế giới. Do đó, Người kêu gọi đoàn kết với các lực lượng tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam(16). Việt Nam tích cực tiếp xúc, tham gia các diễn đàn quốc tế, gặp gỡ đại diện các tổ chức quốc tế, góp phần thiết thực cho phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân thế giới(17). Trong bối cảnh đó, vượt ra khỏi khuôn khổ của các hoạt động biểu tình phản đối chiến tranh đơn thuần trong nội bộ nước Anh, các nhà hoạt động vì hòa bình ở Anh đã phối hợp với Việt Nam tổ chức các diễn đàn quốc tế. Đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các diễn đàn này là nhà hoạt động vì hòa bình, nhà triết học Bertrand Russell. Tháng 2-1966, nhà hoạt động chính trị Ralph Schoenman - người đại diện của ông B. Russell và Quỹ BRPF - đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thống nhất thành lập Tòa án Tội phạm chiến tranh quốc tế (còn gọi là Tòa án Russell). Ông B. Russell sau đó đã tiếp xúc, trao đổi với đại diện của Báo Cứu quốc ở Thủ đô London (Anh) để chuẩn bị công tác tổ chức cho tòa án trên. Các phiên tòa chính thức diễn ra ở Thủ đô London (Anh) vào tháng 11-1966, Thủ đô Stockholm (Thụy Điển), Thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 11-1967 đã lên án tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam với những nhân chứng, minh chứng cụ thể được cung cấp từ phía Việt Nam.

Tháng 9-1968, khoảng 800 nhà hoạt động vì hòa bình của Anh đã đến Pháp trên “con tàu hòa bình” để ủng hộ miền Bắc Việt Nam trong sự kiện “Ngày quốc tế của người Anh - Pháp - Việt vì hòa bình cho Việt Nam” được tổ chức tại Boulogne (Pháp). Đến năm 1969, CND đã thành công trong việc thuyết phục Chính phủ Anh tạo điều kiện để bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - và phái đoàn Việt Nam đến Anh để tố cáo về tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Sự kiện này đã mở ra một giai đoạn mới trong phong trào phản đối chiến tranh ở Anh vì nước Anh lúc này đã tham gia trực tiếp hơn vào quá trình đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Năm 1970 là thế kỷ bao nhiêu năm 2024
Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Anh (ngày 4-7-1969)_Nguồn: Press Photo

Có thể thấy, phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Anh đã có những ảnh hưởng vô cùng lớn đối với đại bộ phận quần chúng nhân dân và giới chính trị Anh bởi tính chiến đấu và sức nặng của phong trào. Đặc biệt, sự hình thành Tòa án Russell là một trong những đóng góp tiêu biểu của phong trào. Ngoài ra, phong trào cũng là minh chứng cho tính đúng đắn, thành công trong đường lối đối ngoại nhân dân mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra khi mà các tổ chức xã hội vì hòa bình ở Anh đã xây dựng được mối liên hệ chặt chẽ với các đại diện ở cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam để tìm hiểu rõ về nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Với những ý nghĩa đó, phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Anh đã đóng góp quan trọng cho phong trào phản đối chiến tranh trên toàn thế giới, tạo thành sức mạnh tổng hợp góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi./.