Nải vải sơn ta là gì

Hàng trăm năm nay, người dân làng Đại Trà (xã Đông Phương, Kiến Thụy, TP Hải Phòng) đều quen thuộc với tiếng sáo diều du dương, ngân lên vào những buổi trưa hè lộng gió, hay vào những tối thanh tao, tĩnh mịch...

Con diều và bộ sáo được chứng nhận Kỷ lục Guiness Việt Nam năm 2011 (Ảnh tư liệu)

“Diều phải no gió, sáo phải du dương, để người đi đường bỏ quên phiên chợ. Diều phải no gió, sáo phải ngân nga, để người đi qua lạc đường lạc lối...”, câu ca cổ ấy cũng được các thế hệ người làng Đại Trà đọc cho nhau nghe mỗi khi thả diều.

Chúng tôi về làng Đại Trà vào những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khi “dàn nhạc giao hưởng giữa không trung” của tiếng sáo diều - một thú chơi lâu năm vẫn vang lên, tạo thành âm hưởng rất riêng ngày Tết.

Anh Nguyễn Văn Lành – một trong những người trẻ làng Đại Trà còn đam mê diều sáo cho biết, những năm gần đây, thú chơi này cũng dần thu hẹp về số lượng người tham gia.

"Nhưng với những người từ nhỏ gắn bó với ống tre, mảnh gỗ… để làm nên bộ sáo diều như anh thì, diều không có sáo cũng như người câm. Sáo là linh hồn của diều" - anh Lành cho biết khi nói về lựa chọn con đường trở thành “nghệ nhân” làm sáo của mình.

Anh Lành có đam mê vô hạn với việc làm sáo diều...

Trong “đại bản doanh” làm sáo diều của anh Lành là đủ loại nguyên liệu, dụng cụ để tạo thành bộ sáo như thứ nhạc cụ dân gian. Đó là các loại đục, cưa, bào gỗ rồi đến gỗ mít, sừng trâu…

Cũng theo anh Lành, để làm nên bộ sáo có nhiều công đoạn công phu như mở miệng, làm ống… Người làm sáo phải thực sự có đam mê, hiểu âm luật. Một bộ sáo anh Lành làm ra có thể gồm 7, 8, 9 ống, tùy theo nhu cầu người mua.

“Gỗ dùng để khoét miệng sáo tôi thường dùng gỗ mít hoặc sừng trâu. Nếu như gỗ mít với thời tiết nóng, ẩm không bị co giãn thì sừng trâu lúc buộc hoặc va chạm không bị vỡ nhưng giá thành cao hơn. Mỗi bên ống sáo có một miếng gỗ cách ngăn ở chính giữa.

Sáo diều đang ở công đoạn hoàn thành...

Ban đầu tôi khoét sáo chỉ để chơi nhưng sau dần chuyển sang kinh doanh, bán đi các tỉnh thành trong cả nước như Thái Bình, Nghệ An. Có những trường hợp đặt mua từ năm nay nhưng phải sang năm mới được lấy vì sáo sơn ta làm khá mất thời gian”, anh Lành lý giải.

Anh Lành cho biết thêm, kích cỡ các sáo trong một bộ cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc nhỏ dần. Đối với sáo đàn, ống lớn nhất gọi là sáo cái, sáo thứ 2 (sáo nhì) bằng 2/3 sáo cái, sáo thứ 3 bằng 1/2 sáo cái, từ sáo thứ 4 trở đi đường kính sẽ nhỏ dần 1mm để ống thuôn đều.

Ống sáo được đục đẽo công phu...

Với sáo cò, sáo cái vẫn là ống lớn nhất, sào nhì bằng 1/2 sáo cái, sáo thứ 3 bằng 2/3 sáo nhì, sáo thứ 4 bằng 1/2 sáo nhì…

Để diều có không gian thỏa sức bay lượn trên bầu trời, người chơi diều làng Đại Trà thường chọn những bãi đất bằng, rộng rãi, không vướng cây cối, xa đường dây điện, xa lối đi lại và đặc biệt phải có gió.

Với diều nhỏ cần 1 người là thả được nhưng diều lớn cần ít nhất 2 người trở lên, 1 người giữ dây, 1 người thả còn gọi là người đâm diều.

Thú chơi tồn tại lâu đời là thế, nhưng những người chơi diều sáo làng Đại Trà cũng không ít lần gặp “tai nạn nghề nghiệp”. Anh Lành kể, có trường hợp, diều bị sa, đâm vỡ mái ngói nhà dân, hay bị vỡ bộ sáo.

Thế nhưng, đó chỉ là một trong số câu chuyện rất hiếm hoi xuất hiện. Minh chứng cho đến nay, thú chơi này vẫn đang được duy trì bởi nhiều nghệ nhân trong làng cũng như lớp người trẻ.

Sừng trâu cũng là nguyên liệu chế tạo ra sáo diều.

Một trong số nghệ nhân được người làng Đại Trà nhắc tới nhiều là ông Nguyễn Văn Lộc. Giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã Đông Phương nhưng mỗi khi rảnh rỗi, ông Lộc lại tìm niềm vui trong tiếng sáo diều du dương ấy.

Ông Lộc cho biết, sáo diều Đại Trà có từ thế kỷ XIII do ông Trần Quốc Thi – Thành hoàng làng Đại Trà khởi xướng. Thả diều là thú chơi tao nhã của người dân vùng quê nơi đây.

“Sáo và diều là cõi thực. Con diều bay lên là biểu tượng cho sức mạnh, khát vọng chinh phục của người đàn ông. Tiếng sáo vi vu đưa con người vào cõi mơ để vơi đi những nhọc nhằn của cuộc sống đời thường.

Đặc biệt vào dịp nông nhàn kết thúc vụ chiêm xuân, chuẩn bị cho vụ mùa hàng năm, dân làng Đại Trà lại cùng nhau làm sáo diều. Họ đón gió Đông Nam thả diều để cầu an và cầu cho mùa màng năng suất, bội thu”, ông Lộc nói.

Chỉ cho chúng tôi bộ sáo được treo gọn gàng trong nhà, nghệ nhân Nguyễn Văn Lộc cho hay: Năm 2011, ông cùng Hội làng nghề Đại Trà và một số doanh nghiệp chung sức chế tác Sáo diều Đại Trà – Bộ sáo ầm có nhiều sáo nhất (13 cây sáo, nặng 7kg). Con diều và bộ sáo được chứng nhận Kỷ lục Guiness Việt Nam. Trong đó, sáo cái đường kính 18cm, dài 1m55.

“Quy mô chiếc diều sáo được chứng nhận Kỷ lục Guiness Việt Nam với con diều sải cánh 7,2m; cao 4,4m. Khi đêm vắng thả diều, người đứng xa từ 15-20km cũng nghe được tiếng sáo. Thả diều ban ngày ồn ào, âm hưởng của tiếng sáo vẫn có thể “chinh phục” người đứng cách xa 5-6km.

Nhóm chúng tôi gồm 9 người hoàn thành con diều, bộ sáo trong hơn 4 tháng”, nghệ nhân Nguyễn Văn Lộc kể.

Theo các nghệ nhân làm diều ở làng Đại Trà, trước đây diều được bọc bằng giấy bản hoặc giấy xe chỉ (giấy để làm những cánh diều cổ), dùng hồ hoặc nhựa cây để dán, nhưng nay chủ yếu được làm bằng nilon và băng dính (có nơi dùng chỉ để khâu).

Người dân trao diều sáo trong nhà như một niềm tự hào.

Cánh diều ở đây cũng mang nét độc đáo, riêng biệt. Với phần bẹn diều được chế tác thêm để tăng sức nâng cho phần bụng diều và dái diều, phần đuôi cuộn tròn (còn gọi là dái diều) thể hiện sức mạnh của người đàn ông trong tính ngưỡng phồn thực.

Và khi Tết đến xuân về, con diều ở làng Đại Trà vẫn bay cao vút như mang theo ước mơ của người dân nơi đây, muốn vươn tới những gì tốt đẹp, cầu mong một cuộc sống bình yên, no đủ.

Nguyên Trung

Từ khóa: Hải Phòng Kiến Thụy làng Đại Trà Đông Phương làng diều sáo sáo diều

                                                       Nghề làm diều sáo Đại Trà - Kiến Thụy

Diều Huế thu hút người xem bởi nhiều hình dáng đẹp, màu sắc hài hoà nhưng diều sáo Hải Phòng lại hút hồn người chơi không phải bởi hình dáng, cách điều khiển dây mà bởi tiếng sáo khi trầm khi bổng, khi réo rắt, khi lại dặt dìu…

Cánh diều ngày ấy… bây giờ

Sau những ngày làm việc căng thẳng, nhiều người tìm đến thú chơi diều, một trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc. Chỉ cần có một chiếc diều, một khoảng đất trống, một chút gió là có thể thả diều và thỏa thích ngắm những cánh diều đùa giỡn với gió. Với những người yêu âm hưởng của thiên nhiên họ tìm đến với diều sáo- được mệnh danh là “dàn nhạc giao hưởng trên không trung”. Vì thế, chơi diều không những là một thú chơi mà người chơi còn là nghệ nhân.

Lễ hội thả diều ở Kiến Thụy

Ở Hải Phòng, nhiều nơi có diều sáo, nhưng không ở đâu có những cánh diều độc đáo như ở tổng Đại Trà (gồm địa phận 2 xã Đại Đồng, Đông Phương ở huyện Kiến Thụy). Nơi đây cho ra đời những chiếc diều có phần đuôi cuộn tròn mà người dân trong vùng gọi là “dái diều”. Theo các bậc cao tuổi ở Đại Trà, cánh diều được làm tại đây có nét độc đáo thể hiện sức mạnh của người đàn ông trong tín ngưỡng “phồn thực” của người Việt.

Theo các nghệ nhân làm diều ở tổng Đại Trà, để làm được những chiếc diều có thể bay cao, cần sự hiểu biết về kỹ thuật và phải đầu tư nhiều thời gian. Cầu kỳ từ việc chọn nguyên liệu đến quá trình tạo dáng và hoàn chỉnh. Khung diều phải làm bằng tre bờ, chọn loại tre không quá già để có độ dẻo và bền chắc, sau đó ngâm nước khoảng 10 ngày để tre có độ dẻo và chống mối mọt. Khung cái của diều làm từ những đoạn tre thẳng, có 5 hoặc 9 mấu - ứng với chữ Sinh. Khung trên và khung dưới tuy có độ dài bằng nhau, nhưng chênh lệnh về kích thước (khung trên 10 thì khung dưới chỉ 7). Người làm diều phải tính toán cứ 1 m dài của cánh diều sẽ tương ứng với 30cm bụng (nếu như bụng 10 thì độ rộng của đuôi diều là 8).

Các cụ cao tuổi trong làng kể lại, trước đây diều được bọc bằng giấy bản hoặc giấy xe chỉ (giấy để làm những cánh diều cổ), dùng hồ hoặc nhựa cây để dán, nhưng nay chủ yếu được làm bằng ni-lông và băng dính (có nơi dùng chỉ để khâu). Dây dùng để thả diều cũng thay đổi theo thời gian. Ngày xưa, người chơi diều dùng tre nước bánh tẻ, chẻ ra, ngâm nước, vót nhẵn, đem luộc và dùng hoành gai nải sơn ta để đấu mối. Sau đó cuộn thành các cuộn dây để thả diều. Nhưng bây giờ người chơi dùng dây ni- lông hoặc cước, vừa nhẹ lại vừa dai, chắc.

Những cánh diều có thể bay được là nhờ sức nâng của gió. Địa điểm lý tưởng để thả diều là những bãi đất bằng rộng rãi, không vướng cây cối, đường dây điện, xa lối đi lại và đặc biệt là phải có gió. Nếu diều nhỏ, một người là có thể thả, nhưng nếu diều lớn, cần ít nhất 2 người trở lên. Một người giữ dây, một người thả (đâm). Khi thả, để diều ngược gió, hướng mũi diều lên trời chếch một góc khoảng 45 độ. Khi có gió, phóng mạnh diều lên cao, người cầm dây giật nhẹ để nâng diều lên và từ từ thả dây cho diều lên cao.

Những “nghệ sĩ” chơi diều sáo

Ở Đại Trà nhiều người có thể làm được diều, khoét được sáo, nhưng không mấy người hiểu âm luật, nắm được “hồn” của tiếng sáo. Trải qua thời gian, nhờ những người có tình yêu và lòng đam mê mà trò chơi diều sáo ở đây không bị mai một. Muốn làm được sáo hay phải có đủ 9 loại sáo theo bộ là: ầm, ì, bi, bu, bô, do, de, dí và dị. Người chơi diều phải biết nghe tiếng sáo kêu như thế nào, tuỳ theo âm sắc. Làm sáo diều đòi hỏi nhiều công phu mà người làm không khác gì nghệ sĩ thực thụ. Phần ống sáo được chọn từ cây nứa ngộ lấy trên rừng, bỏ ruột và chỉ lấy phần cật. Gỗ dùng để khoét đầu sáo phải là gỗ mít hoặc gỗ sến, nhưng hay nhất là dùng sừng trâu. Không phải sừng trâu nào cũng có thể dùng khoét đầu sáo mà chỉ lấy được một bên. Đó là phần sừng khi nằm, trâu chổng lên trên. Một bộ sáo gồm 3, 5 hoặc 7 chiếc. Kích cỡ các sáo trong 1 bộ phải tuân thủ theo nguyên tắc nhỏ dần. Sáo lớn nhất còn gọi là sáo cái, sáo thứ 2 (sáo còi) có kích cỡ bằng 1/2 sáo cái, sáo thứ 3 có kích cỡ bằng 1/3 sáo thứ 2, sáo thứ 4 bằng 1/3 sáo thứ 3…

Một bộ sáo đạt tiêu chuẩn, trước tiên, sáo cái kêu 1 tiếng, sau đó sáo nhì kêu 3 tiếng và sáo 3 kêu 2 tiếng. Còn nếu bộ sáo nào mà các sáo kêu cùng một lúc thì hỏng, dân chơi gọi là “sáo gọi chó”. Người chơi ví tiếng sáo đàn kêu bằng câu sau: mẹ gọi (sáo cái), con thưa (sáo thứ 2), cháu vỗ tay (sáo thứ 3). Còn tiếng kêu của sáo còi: “bà gọi, cháu thưa, chắt vỗ tay”. Để nghe được tiếng sáo chuẩn, người chơi diều ngoài sự am hiểu về âm luật, cần phải có đôi tai thính và tâm hồn “thanh tịnh” để cảm nhận tiếng sáo. Nghe tiếng sáo diều là phải “nghe” bằng tai, trái tim và cả sự đam mê. Theo ông, tiếng sáo là những khúc nhạc để cầu an và cũng để… dự báo thời tiết. Bởi tiếng sáo thay đổi theo mùa, nhiệt độ và các loại gió. Căn cứ vào tiếng sáo, người nghe có thể biết được thời tiết trong thời gian tới sẽ như thế nào, nghề nông cũng vì thế mà thuận lợi hơn.

Tiếng tăm của những bộ sáo diều Đại Trà đã vượt khỏi phạm vi thành phố Hải Phòng, hiện vươn ra cả nước và trên thế giới. Nhiều vị khách quốc tế tìm đến đây để chiêm ngưỡng những bộ sáo diều độc đáo và mua làm kỷ niệm. Một điều tự hào đến với tổng Đại Trà là một doanh nghiệp ở Pháp đã làm 20 chiếc diều kèm thêm 20 bộ sáo và tham dự lễ hội 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Niềm vui ấy cũng là niềm tự hào của cả tổng Đại Trà, bởi họ đã lưu giữ và phát huy được truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại cho đến ngày nay.

                                                                          Làng tạc tượng Bảo Hà

Từng có trên 60 làng nghề với 20 loại hình nghề khác nhau, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, đến nay Hải Phòng còn hơn 30 làng nghề, trong đó có 12 làng được UBND thành phố cấp bằng công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn. Không ít những làng nghề tưởng chừng mai một nhưng nay đang hồi sinh, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội cũng như gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống.

Đã từ lâu, làng tạc tượng Bảo Hà (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo) nổi tiếng với nghề điêu khắc gỗ mang đậm dấu ấn bản sắc dân tộc. Là một làng nghề hơn 700 năm tuổi, Bảo Hà vừa lưu giữ được những giá trị truyền thống vừa mang trong mình dáng dấp của một làng quê đang đổi mới từng ngày.

Các vị cao niên trong làng kể lại, nghề điêu khắc gỗ và sơn mài ở Bảo Hà có từ lâu đời và được coi là cái nôi của nghề tạc tượng cả nước. Khoảng thế kỷ XV, cụ Nguyễn Công Huệ đã khai sinh ra nghề tạc tượng nơi đây và tên tuổi của cụ cũng gắn liền với lịch sử phát triển của nghề. Hiện nay, tại miếu Cả ở làng Bảo Hà vẫn lưu giữ tượng chân dung cụ Nguyễn Công Huệ mà tương truyền là do chính tay cụ tạc.

Hiện Bảo Hà có 973 hộ thì có tới gần 500 hộ làm các ngành nghề phi nông nghiệp. Trong đó, chủ yếu là chuyên nghề điêu khắc gỗ, với khoảng 20 cơ sở sản xuất tập trung. Cuộc sống của người dân làng nghề đang từng ngày “thay da đổi thịt”.

Bảo Hà không chỉ nổi tiếng với nghề tạc tượng, độc đáo với nghề làm nhạc cụ dân gian mà còn được biết đến với nghề dệt chiếu có từ lâu đời. Tuy nhiên, cái hay của nghề làm chiếu ở Bảo Hà là đã tập trung được các hộ sản xuất nhỏ lẻ vào hợp tác xã. Sau khi HTX ra đời đã thu hút được sự tham gia của hàng chục hộ làm chiếu trên địa bàn xã. Không chỉ giúp giữ nghề truyền thống, HTX còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương. Người thợ làm chiếu bây giờ không còn phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm mà chỉ tập trung làm nghề, dồn tâm huyết dệt nên những sản phẩm chất lượng cao. Ở Bảo Hà, nghề làm chiếu bận rộn quanh năm, đến tháng Chạp thì không khí sản xuất càng nhộn nhịp, khẩn trương. Người thợ như chạy đua với thời gian để đảm bảo đúng hẹn giao hàng cho khách. Công việc ngày cuối năm dù có bận rộn hơn nhưng ai nấy cũng đều phấn khởi vì có thêm phần thu nhập để sắm tết.

Bằng sự tài hoa và tâm huyết với nghề, những lớp thợ tạc tượng, làm chiếu của làng Bảo Hà đã từng ngày khôi phục nghề truyền thống của quê hương. Việc UBND thành phố công nhận Bảo Hà là làng nghề truyền thống đạt tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT đã khẳng định những nỗ lực và đóng góp không mệt mỏi của lớp lớp những người thợ tài hoa xưa và nay. Bên cạnh những làng nghề quy mô xã, trên địa bàn thành phố còn có hàng chục làng nghề ở quy mô thôn. Có thể nói, dù còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, song các làng nghề này đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Đến với làng hoa ở các xã Đặng Cương, Đồng Thái, Lê Lợi của huyện An Dương mới thấy thiên nhiên đã rất ưu đãi cho mảnh đất và con người nơi đây. Với sự chịu thương, chịu khó, sự khéo léo, sáng tạo, người nông dân nơi đây đã biến những cánh đồng trồng lúa thu nhập thấp sang trồng đào và nhiều loài hoa có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh những cây trồng truyền thống, những loài hoa cho giá trị kinh tế cao đã được người dân đưa vào trồng đại trà như hoa ly, hoa layơn Pháp, hoa loa kèn trái vụ Đan Mạch.

Làng nghề Lật Dương, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng có từ thế kỷ XVII với sản phẩm chiếu cói được trong và ngoài thành phố biết đến. Doanh thu hàng năm của làng nghề có thời đạt từ 10 - 12 tỷ đồng/ năm. Trước thử thách nghiệt ngã của cơ chế thị trường, không biết bao nhiêu người ở bao nhiêu nơi đã bỏ nghề dệt chiếu, thì người Lật Dương chẳng những giữ được nghề, mà còn đưa nó thành thương hiệu "Chiếu cói Lật Dương" nổi tiếng khắp vùng Hải Phòng, Hải Dương, ra tới Quảng Ninh, lên tận Bắc Ninh, Bắc Giang. Sau một thời gian dài mai một, giờ đây làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương xã Quang Phục (huyện Tiên Lãng) đã trở lại không khí nhộn nhịp, tạo sắc thái mới cho một làng nghề dệt chiếu truyền thống.

Làng nghề Bảo Hà, chiếu cói Lật Dương cùng nhiều làng nghề khác được UBND thành phố cấp bằng công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của các làng nghề truyền thống tại Hải Phòng. Vẫn biết phía trước còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của những nghệ nhân, những con người tâm huyết với nghề; cùng sự trợ giúp của các ngành chức năng, các làng nghề của Hải Phòng sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế, xã hội và mãi là nơi bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.                      

                                                             Làng nghề bánh chưng Thủy Đường, hương Kiền Bái

Với những gia đình có nghề truyền thống ở làng như bánh chưng Thủy Đường, hương Kiền Bái (huyện Thủy Nguyên)..., bảo đảm an toàn vệ sinh trong sản xuất là một trong yếu tố quan trọng tạo thương hiệu.

Công nhân đang xe hương

Tuy chỉ có hơn 10 gia đình nấu bánh chưng, nhưng tiếng làng bánh chưng Thủy Đường vang xa. Theo ông Nguyễn Đức Chiển - người làm bánh chưng lâu nhất trong làng cho biết, một thời gian trên thị trường xuất hiện tình trạng luộc bánh chưng bằng pin. Tình trạng này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của mọi người và các hộ gia đình làm bánh. Thế nhưng, trong bối cảnh đó, làng bánh chưng Thủy Đường vẫn được mọi người tìm đến, thậm chí sản phẩm của làng đã "vượt biên" ra nước ngoài. Điều này chứng tỏ uy tín, chất lượng sản phẩm của làng. Theo kinh nghiệm của ông Chiển, làm bánh chưng cầu kỳ từ khâu chọn lá, chọn gạo, chọn đỗ. Đơn giản như việc chọn số lượng lá cũng phải xem thời tiết. Nếu thời tiết thuận, lạnh thì chỉ cần vừa lá, thông thường gói bộ cần 6 lá. Nếu trời nồm hoặc nóng, phải làm nhiều lá, như vậy bánh sẽ được bảo quản lâu hơn. Gạo nấu bánh có nhiều loại: Gạo nếp Bắc Hà nhưng chọn loại nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu hoặc gạo nếp Điện Biên là ngon nhất. Hạt tròn, trắng, đều và dẻo. Trước khi gói bánh chỉ cần vo sạch gạo trước một giờ để ráo chứ không nên ngâm gạo qua đêm... Ngoài ra, bánh chưng muốn ngon, ngậy phải chọn được loại thịt ngon, chủ yếu là thịt ba chỉ. Đặc biệt, bánh được gói bằng tay sẽ rất chắc.

Anh Phạm Nho Hưng - chủ hiệu hương Hưng Lan ở đội 7 xã Kiền Bái cho biết, hiện, các nguyên liệu làm hương đều có sẵn như tăm ở Hà Tây, bài ở Quảng Ninh, việc xe hương thì càng dễ. Do đó, đây là nghề ai cũng có thể làm. Tuy nhiên, để tạo thương hiệu riêng là rất khó. Cần phải tạo được mùi hương riêng, bảo đảm hương cháy và tàn hương vòng xoắn lộc. Thời gian gần đây, ở một số nơi xuất hiện tình trạng sử dụng hóa chất để tạo mùi thơm của hương hoặc độ xoắn của que hương. Song với gia đình anh và các hộ sản xuất trong làng nói chung, không có việc sử dụng các hóa chất. Bởi trước hết, nếu sử dụng hóa chất, những người trực tiếp làm bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, theo quan niệm của mọi người, nghề làm hương liên quan đến tâm linh, lương tâm làm nghề không cho phép cẩu thả, làm hương giả, hương kém chất lượng, cũng vì thế, mỗi mẻ hương, anh phải đốt thử để kiểm tra chất lượng xem có cháy đều, cháy hết không, hương thơm ra sao, hình thức thế nào... Anh Hưng chia sẻ, để hương đốt lên có mùi thơm đặc biệt, cháy hết nén và xoắn vòng lộc, người làm hương phải chọn lựa nguyên liệu rất kỹ. Phương thức làm hương quan trọng nhất là khâu pha chế, nếu pha chế không đúng cách, hương cháy kém và có mùi khét. Đây chính là “bí quyết” của mỗi gia đình làm hương và cũng là đặc điểm của nghề “cha truyền con nối”. Vì vậy, có nhiều gia đình làm hương nhưng những gia đình nổi tiếng trong nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để bảo đảm cho hương cháy, tăm mua về phải phơi thật khô rồi nghiền nhỏ các nguyên liệu than hoa, mía, quế, hồi, đinh hương… trộn với nhau theo tỷ lệ nhất định, tạo đủ độ dẻo, thơm và có màu đen bóng. Cuối cùng là công đoạn xe hương. Độ thơm, ngọt của hương còn phụ thuộc vào cách chế bài (nguyên liệu chính tạo độ thơm cho hương). Vì vậy, gia đình anh bao giờ cũng tự làm bài, không phụ thuộc vào các đại lý cung cấp nguyên liệu. Theo kinh nghiệm của các hộ làm hương ở Kiền Bái, hương không sử dụng hóa chất (để làm que hương cháy nhanh và cuốn tàn cong đẹp) không gây cay mắt, mùi hương lành thư thái và an lạc.

                                                                                     Gian nan nghề đục hà

Mạnh mẽ và gan lỳ, bền bỉ và cần cù… có lẽ đó là những đức tính mà những người dân chài ven biển đã truyền đời nối nghiệp trải qua ngàn vạn năm sinh sống nơi đầu sóng ngọn gió. Mùa gió chướng, tàu thuyền không ra khơi, neo trong vụng tránh bão, những con hà bám trên vỉa đá hay thân tàu trở thành món ăn đỡ lòng trong ngày biển động. Và rồi loài nhuyễn thể có vị đậm, ngậy đã trở thành một món ăn đặc sản của người dân vùng biển dùng để thết khách phương xa.

Có lẽ ít người biết rằng, để có bát canh hà ngon ngọt nhường kia, những dân chài theo nghề đục hà đã phải trải qua không ít gian nan.

“ Yết Kiêu ” chân sóng

Xoè cho tôi xem đôi bàn tay thô sần, dọc ngang những đường chỉ tay rất lạ, Hùng mở miệng cười hết cỡ, khuôn mặt hơi nhàu đi nhưng bù lại rất tươi, bảo: “ Không phải chỉ tay đâu, bị vỏ hà cứa đấy. Lớp nọ chồng lên lớp kia, lắm khi bóc được cả mảng da tay. Em mà đi xem bói bàn tay, chắc ông thầy rối tung chả biết đâu mà lần”. Cũng như nhiều thanh niên vùng Phục Lễ, Phả Lễ (huyện Thuỷ Nguyên), Hùng theo cha mẹ đi lưới đánh bắt ven bờ.

Gần đây, nguồn lợi thuỷ hải sản dần cạn kiệt, Hùng và mấy anh em bàn nhau đi đục hà vì những con hà có ruột to thường bán rất được giá. Trung bình một cân hà loại to có thể bán được 60.000đồng, loại thường thì có giá 50.000đồng… Suy đi xét lại, Hùng tặc lưỡi mua cuốc gẩy và gia nhập đội quân đục hà vốn chỉ toàn các bà các cô. Lúc đầu còn ngại, sau quen vì nghĩ mình làm bằng sức lao động của mình chứ có tranh hớt của ai đâu.

Quen nghề, Hùng nghĩ tới những bãi khai thác xa hơn, tại những vỉa đá ngầm hay chân đê biển hoặc những xác tàu thuyền chìm sâu trong vụng… Trong lần đi khai thác cách đây chưa lâu, Hùng đã cậy được một con hà ước chừng nặng đến 3 lạng, ruột hà săn rắn, nặng hơn 1 lạng. Có người Việt kiều cùng xóm mới về nước hỏi mua với giá 200.000 đồng, bằng bốn cân ruột hà thông thường. Đắn đo mãi, Hùng quyết định mang về ăn vì ” Em có làm cả đời chắc cũng chả tìm được con nào to hơn thế. Trời cho mình mà bán đi thì mất lộc”.

Thật chẳng dễ dàng gì để có thể cạy được những con hà sắc bám chết chặt trên đá, nếu không thạo nghề có thể bị cuốc bổ vào tay hoặc vỏ hà cứa lẹm thịt như chơi chứ chưa nói đến việc vừa lặn vừa đục hà. Hùng và Thịnh thường lặn đôi, dụng cụ lặn gồm kính bơi và ống thở tự chế để duy trì việc hô hấp dưới độ sâu khoảng 10 – 30m trong vòng 5 phút.

Cuốc đào hà cũng to hơn những chiếc cùng loại. Với những dụng cụ thô sơ như vậy, những cậu thiếu niên rất giỏi bơi lội này mỗi ngày lặn 2 giờtheo những dải đá ngầm ven biển để đục từng mảng đá có cả chục con hà lớn bám chặt, bỏ vào chiếc giỏ sắt treo toòng teng trên lưng. Chốc chốc lại ngoi lên thở, đầu tóc đỏ ngầu vì bọt sóng. Cả hai kình ngư đục hà này từng đoạt giải trong cuộc thi bơi vượt sông nên việc lặn biển như thế này đối với họ không mấy khó khăn. Nhưng do khu vực đục hà thường nhiều ghềnh đá ngầm, nhiều rều rác trôi dạt quẩn lại nên nếu không cẩn thận có thể xảy ra bất trắc. Hai người cùng lặn sẽ hỗ trợ cho nhau khi ở dưới nước, kịp thời ứng cứu khi bạn mình gặp nguy hiểm.

Trước đây cũng có khá nhiều đàn ông lặn biển đục hà, nhưng do áp lực kinh tế gia đình, con cái đi học nên họ bảo nhau ra phố đi làm thuê kiếm “ tiền tươi ”. Thịnh bảo do nghề cá hiện cho thu nhập tàm tạm nên cậu phải theo nghề của gia đình, giúp đỡ bố thu lưới và lái tàu. Nhưng các loại hải sản ngày càng ít đi, gia đình Thịnh không đủ vốn đầu tư tàu thuyền công suất lớn để đánh cá xa bờ nên thu nhập chỉ đủ ăn. Cứ đà này, sớm muộn cậu cũng phải ra nội thành, may ra mới gom được ít vốn khá khá để sửa lại căn nhà, cưới vợ, rồi … tính tiếp!

Đục hà trên triền đá

Rời Thủy Nguyên, chúng tôi về vùng biển Đồ Sơn. Dù là khu du lịch nhưng do địa hình bán đảo nên ngoài khu vực bãi biển, người dân Đồ Sơn còn có nhiều núi đá và bãi đá nằm sát biển. Khi triều rút, những bãi đá này trở thành khai trường lý tưởng cho những người đi đục hà. Với dụng cụ khá đơn giản là chiếc cuốc chim bị nước biển làm ô xi hóa gần hết và một âu nhựa, hai người đàn bà, sau tôi mới biết tên là chị Hiền và chị Lan, chân đi dép tổ ong, mặt bịt kín lầm lũi đi giữa những bãi đá.

Họ là cư dân của Vạn Hương, buổi sáng đi bốc cá thuê cho thuyền cá, chiều rủ nhau ra biển đục hà. Đến mùa sứa họ lại cùng chồng ra khơi, chuyển sang vớt sứa bằng bè gỗ gắn máy nổ, chạy ven bờ. Nhờ thông thổ và chịu được vất vả, họ thường lợi dụng lúc triều xuống, đi men theo phía sau núi để đục hà ở mé Vạn Hương và Bàng La. Mỗi buổi xuống bãi như vậy họ thu được chừng 30 nghìn đồng. Cũng có hôm phải về không do nước triều cao, các bãi đá ngập trắng.

Chị Lan kể cho tôi nghe về một “hút chết”. Lần ấy, theo những vỉa đá, chị ra đến cuối dải đá cách bờ gần 300m mà không để ý nước triều đang lên nhanh. Loáng cái nước đã ngập vào bãi, chỉ còn lại chừng dăm tảng đá lớn phía ngoài cao hơn mặt nước biển vài chục cm. Lúc ấy chị hoảng thật sự. Dù là người vùng biển, bơi lội chả kém ai nhưng đây là bãi đá ngầm với cả nghìn hòn đá lớn nhỏ, hòn nào cũng lởm chởm những vỏ hà sắc lẹm. Đã vậy, mặt nước trắng băng làm chị mất phương hướng. Vậy là đành nín thở đứng chờ nước lên. Triều dâng ngập đầu gối, rồi ngập hông và trồi dần lên bụng, chiếc âu đựng ruột hà nổi lềnh phềnh, cuốc chim chìm nghỉm.

Khi đã chắc là nước đủ tầm để bơi, chị mới quẫy mạnh chân tạo đà rồi trườn vào dòng nước còn ấm dưới ráng triều, nhắm thẳng hướng ngọn đồi Độc mà bơi tới. Sau khoảng hơn 200 sải tay, chân chị chạm bờ. Nghỉ ngơi vài hôm, chị lại ra biển vì: “Sinh ra ở biển thì phải sống nhờ nhờ biển thôi. Nhiều lần tôi đã bỏ lên phố làm thuê nhưng cứ thấy thế nào ấy. Được độ non tháng là xin về. Đi làm thuê trông thấy tiền ngay đấy nhưng còn gia đình, có đồng tiền mà bỏ lửng con cái không quan tâm chăm sóc được thì có ngày mất con cô ạ” . Hai cô con gái của chị sàn sàn trứng gà trứng vịt đều học khá và ngoan nên chị cũng tạm yên một phía, giờ chỉ tập trung làm để cải thiện kinh tế gia đình, có tiền nuôi con ăn học thành người.

Tuy nhiên, chị Lan cũng như nhiều người làm nghề đục hà khác còn không ít băn khoăn. Nghề đục hà mang lại cho họ một khoản thu nhập tạm đủ để duy trì cuộc sống hằng ngày, chuẩn bị cho những chuyến đi khơi xa nên ngày càng có nhiều người tham gia đục hà trên bãi biển, vì vậy nguồn hải sản này không còn sẵn như trước.

Hơn nữa các nhà hàng thường đặt mua hà trong khoảng 4 tháng hè phục vụ khách, những tháng còn lại việc tiêu thụ trông vào dân địa phương nên không được mấy giá, nhiều khi phải mang về ăn. Thêm nữa, trong quá trình đục hà, họ thường xuyên phải lội nước, chân tay tiếp xúc với đá nhọn và vỏ hà sắc lẹm nên nhiều chị em bị bệnh nấm ngoài da, bệnh phụ khoa hoặc bị nhiễm trùng các vết thương do vỏ hà gây ra. Vốn quen chịu đựng, lại hà tiện, nên họ không đi khám bác sỹ mà cứ cố chịu hoặc chữa qua loa, dẫn đến nhiều trường hợp không được chữa trị kịp thời, sinh biến chứng và dẫn đến những thương tật vĩnh viễn.

Âu cũng là một nghề trong trăm kế sinh nhai!.

                                                               Làng nghề chiếu cói Lật Dương

Ở xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, ngoại thành Hải Phòng, ngoài Lật Dương còn có Lật Khê, Chính Nghị và Lêu vốn có nghề dệt chiếu cói. Nhưng bây giờ thì chỉ còn Lật Dương duy trì nghề truyền thống này.

Trước năm 1990, huyện Tiên Lãng cùng với huyện Vĩnh Bảo kề bên là vùng cói lớn không những của thành phố Hải Phòng mà còn của cả miền duyên hải Bắc Bộ. Chỉ kể hai cơ sở chuyên canh là nông trường Vinh Quang (Tiên Lãng) và nông trường Trấn Dương (Vĩnh Bảo) đã có gần 2.000 ha. Cũng trên địa bàn hai huyện còn có hai xí nghiệp chế biến cói, trang bị khá hiện đại, mỗi năm sản xuất hàng vạn sản phẩm từ cói như chiếu, thảm, bao manh, làn, bị cói... thu hút hàng nghìn lao động. Ðã một thời, bao manh cói, làn, bị cói được coi là "mốt" đóng gói hàng vận chuyển xa và đồ xách tay tiện lợi của các bà, các chị nội trợ. Còn chiếu cói thì khỏi nói, có nhà nào lại không mỗi năm mua một, hai đôi về trải giường, nhất là khi Tết đến muốn có chiếc chiếu hoa. Còn bây giờ, hàng ni-lông xâm nhập vào tất cả, từ chiếc làn đi chợ, túi đựng đồ đến bao bì đóng hàng, và dĩ nhiên không loại trừ cả chiếc chiếu trải giường làm bằng ni-lông bày bán đầy dãy ở các siêu thị. Vậy thì cói và nghề dệt chiếu cói ra sao?

Làng nghề Lật Dương, xã Quang Phục có từ thế kỷ XVII với sản phẩm chiếu cói được trong và ngoài thành phố biết đến. Doanh thu hàng năm của làng nghề có thời đạt từ 10 - 12 tỷ đồng/ năm. Tuy nhiên, vài năm gần đây, làng nghề đứng trước những khó khăn về vốn, nguyên liệu để phục vụ sản xuất.

Trước đây cuộc sống của bà con trong làng khấm khá lên nhờ nghề truyền thống, sản phẩm được tiêu thụ khắp trong và ngoài thành phố. Việc phát triển làng nghề đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho đại bộ phận người dân. Được biết, tầm tháng 7- 8 âm lịch là thời điểm các hộ dân đi thu mua cói ở các bãi, vùng trong và ngoài thành phố về sản xuất. Tuy nhiên hiện nay ở một số địa phương ven biển, diện tích cây cói bị phá bỏ để khoanh vùng nuôi trồng thuỷ sản đã đẩy nguồn nguyên liệu khan hiếm và giá thành cao. Vì vậy, tại thời điểm này, các hộ dân trong thôn luôn sản xuất cầm chừng với tâm lý sợ hết nguyên liệu.

Ngoài việc thiếu nguyên liệu, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất cũng còn hạn hẹp. Được công nhận là làng nghề từ năm 1999 với việc thành lập HTX làng nghề chiếu cói Lật Dương nhưng sự đầu tư cho trang thiết bị phục vụ sản xuất ở đây vẫn lạc hậu. Thực tế cho thấy, đại bộ phận các hộ khi đi mua cói đều phải vay tiền ngân hàng, thậm chí bán cả tài sản lấy tiền mua nguyên liệu về làm.

Trước thử thách nghiệt ngã của cơ chế thị trường, không biết bao nhiêu người ở bao nhiêu nơi đã bỏ nghề dệt chiếu, thì người Lật Dương chẳng những giữ được nghề, mà còn đưa nó thành thương hiệu "Chiếu cói Lật Dương" nổi tiếng khắp vùng Hải Phòng, Hải Dương, ra tới Quảng Ninh, lên tận Bắc Ninh, Bắc Giang. Sau một thời gian dài mai một, giờ đây làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương xã Quang Phục (huyện Tiên Lãng) đã trở lại không khí nhộn nhịp, tạo sắc thái mới cho một làng nghề dệt chiếu duy nhất ở thành phố hiện nay.

Nét đặc biệt của làng nghề dệt chiếu cói Lật Dương là chợ chiều. Chợ được họp từ 12 giờ trưa. Chợ chỉ bán chiếu, người đi chợ đều là người làm nghề và cũng chỉ họp trong khoảng 1 tiếng thì vãn chợ. Đây là một sinh hoạt mang tính đặc thù của làng nghề mà còn ít người được biết.

                                                                   Làng nghề bánh đa Nông Xá

Thành phố Hải Phòng với những con đường rợp bóng phượng vĩ, với những hè phố rộng, từ lâu đã trở thành địa điểm kinh doanh lý tưởng của những món ngon đậm chất bình dân, bánh đa cua cũng ở những nơi như thế. Đi trên bất cứ con phố nào, bạn đều có thể bắt gặp một vài chiếc bàn, chiếc ghế được kê ngay ngắn bên hè phố, gần đó là cái bảng nhỏ với vài chữ không cần nắn nót “Bánh đa cua”...

Người dân Hải Phòng rất tự hào về đặc sản của đất mình, nhưng không phải ai trong số họ cũng biết rằng, tại một ngôi làng nhỏ cách trung tâm thành phố không xa, những mẻ bánh đa vừa ngon, vừa giòn, vừa dai, vừa quánh vẫn hàng ngày, hàng giờ được ra lò từ những đôi bàn tay khéo léo, cần cù, yêu lao động...

Làng Nông Xá, xã Tân Tiến, huyện An Dương vào một ngày giữa hè, đường vào làng rộng thoáng, sạch sẽ. Rải khắp đường vào và trên nóc nhà là những mẹt bánh màu trắng, màu đỏ san sát nhau, hình ảnh đó khiến cho những người đến đây lần đầu có một cảm giác ấm cúng khác lạ. Từ lâu lắm rồi, cái nghề tưởng chừng như chỉ là phụ ấy đã trở thành cứu cánh cho cuộc sống của người dân ở đây.

Người làm bánh đòi hỏi phải có một thái độ làm việc cẩn thận, tỷ mỷ. Chọn gạo là công đoạn đầu tiên hết sức quan trọng trong quy trình sản xuất bánh đa. Yêu cầu gạo phải có độ nở tốt, có hương vị thơm tự nhiên, tốt nhất là loại Q5, V, 132... Gạo được nhặt sạch sạn rồi cho ngâm với nước lạnh, ngâm gạo phải đủ giờ cho gạo trắng mềm, mùa hè ngâm khoảng 1 giờ, mùa đông thì 10 giờ.
Có hai loại bánh, nếu làm bánh trắng (bánh đa) thì chỉ có bột gạo, còn nếu muốn làm bánh đỏ (bánh đa cua) thì dùng đường mía cô đặc thành kẹo đắng. Gạo được xay thành bột mịn như tơ, sau đó đổ nước bột lên băng vải của máy tráng, chạy qua sức nóng của nồi hơi. Xong công đoạn tráng sẽ trải ra những phên đan, phơi se trên lò than và chủ yếu tận dụng ánh sáng mặt trời. Khi bánh đã khô tương đối, xếp chồng lên nhau, dùng cối đá ép phẳng và dùng máy cắt nhỏ khoảng từ 0,2 - 1cm tùy theo yêu cầu của khách và tùy từng cơ sở sản xuất.

Bánh thành phẩm gồm hai loại: Bánh khô được bán cho các tỉnh xa, hay dùng làm quà biếu, bánh ướt được bán ngay trong địa bàn xã và các vùng phụ cận. Do vậy, đến Hải Phòng ăn bánh đa cua, bạn sẽ được thưởng thức những sản phẩm tươi, ngon. Theo tính toán thì cứ 1 kg gạo sẽ được 0,9 kg bánh đa.

Muốn bánh ngon, giòn, dai, quánh phải đảm bảo được các yếu tố cơ bản như: gạo phải chuẩn, bột mịn tơ (mịn hơn cả bột làm bánh trôi), nhiệt độ cao. Với những người làm nghề lâu năm và có nhiều kinh nghiệm, thì mùi vị của bánh đa là quan trọng nhất. Chính điều này tạo nên nét khác biệt và nổi tiếng của bánh đa Hải Phòng mà ít vùng nào sánh kịp. Nhưng để có được vị bánh thì hạt gạo phải đẫy đà, hạt trắng, phơi không được thiếu nắng.

Trong khi làm bánh chỉ cần một sơ xuất nhỏ trong mỗi công đoạn có thể dẫn tới hỏng cả mẻ. Nếu sót sạn, sẽ làm bánh bị vênh, gạo ngâm không đủ độ bánh sẽ dở, lúc tráng không đủ nhiệt độ nóng sẽ dẫn tới bánh gãy... Quan trọng nhất là công đoạn phơi, lúc này, người làm nghề chẳng còn cách nào khác là “trông trời, trông đất, trông mây...”, việc phải bỏ cả tạ bánh chỉ vì trời nắng, trời mưa không phải là chuyện hiếm.

Video liên quan

Chủ đề