Mục tiêu đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh năm 2024

BHG - Hướng tới mục tiêu: Xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập gắn với giữ gìn, phát huy giá trị thuần phong, mỹ tục và các hệ giá trị: Quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, trong những năm qua, huyện Bắc Quang đã có nhiều giải pháp để vừa đảm bảo cho Nhân dân tiếp cận tinh hóa văn hóa, những yếu tố phát triển của xã hội, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc địa phương.

Cấp ủy, chính quyền huyện tập trung chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với cơ sở thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và mọi người dân sử dụng mạng xã hội, coi đây như một phương tiện hội nhập với các loại thông tin trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về việc cung cấp, đăng tải, chia sẻ thông tin trên không gian mạng. Thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân trên địa bàn; tiếp tục chỉ đạo rà soát các hương ước, quy ước để bổ sung những nội dung phù hợp vào việc tự quản ở cộng đồng; đẩy mạnh đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học.

Mục tiêu đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh năm 2024
Lễ hội Lồng tồng với quy mô cấp huyện được tổ chức hàng năm vào mùng 8 tháng Giêng.

Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại luôn được huyện quan tâm chỉ đạo, tập trung huy động nguồn lực trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, làm giàu văn hóa dân tộc. Phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện được nhiều gương điển hình trong xây dựng kinh tế, phát triển xã hội, tích cực lao động sản xuất để thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, các tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ thay vào đó là thực hiện lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh; môi trường văn hóa được cải thiện, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc được quan tâm...

Cùng với đó, huyện phối hợp với các cấp, ngành tổ chức điều tra, sưu tầm, kiểm kê di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; lựa chọn một số làng, bản còn bảo lưu được các giá trị văn hóa nguyên gốc của từng dân tộc để bảo tồn, phát huy và phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng trên địa bàn, nhất là du lịch sinh thái - văn hóa tâm linh và du lịch cộng đồng; giữ gìn, bảo lưu ngôn ngữ, chữ viết, văn nghệ dân gian; văn hóa tín ngưỡng, khơi dậy nét đẹp về ăn, ở, đi lại và mặc trang phục truyền thống; bảo tồn nghề truyền thống, kiến trúc nhà ở của đồng bào các dân tộc thiểu số. Biên soạn 2 cuốn sách đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các trường học.

Việc xây dựng văn hóa trong công sở, doanh nghiệp, trong từng cộng đồng thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình được gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có sức lan tỏa nhanh, được các cấp, các ngành và Nhân dân tích cực hưởng ứng. Trong đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, từ thiện nhân đạo và các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh trong các tầng lớp Nhân dân; phong trào luyện tập thể dục thể thao quần chúng được lan tỏa rộng khắp và trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với người dân trên địa bàn. Đến nay, có nhiều câu lạc bộ thể dục thể thao như cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, thể dục thẩm mỹ, gym… được hình thành, tạo điều kiện cho mọi người tham gia tập luyện.

Thực hiện chủ trương của Đảng: Gắn phát triển văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền huyện chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế gắn với văn hóa. Các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp văn hóa tăng dần qua các năm, nhất là việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện đã cơ bản đáp ứng được việc xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó, quan tâm phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực du lịch, quảng cáo, các sản phẩm văn hóa. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa. Tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các dịch vụ văn hóa, thể thao.

Hiện nay, huyện đã và đang triển khai đồng bộ chuyển đổi số trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nghiên cứu các nội dung trọng tâm xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số. Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh không những tạo tiền đề cần thiết để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mà còn là điều kiện cần và đủ để mỗi địa phương tiếp tục hội nhập, quảng bá văn hóa, tiềm năng phát triển về kinh tế du lịch của huyện qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đây còn là cơ hội đồng thời là phương tiện để giao lưu, quảng bá các sản phẩm văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế; đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của các dân tộc; từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.