Máy bay ngày tận thế là gì

Máy bay E-4B Nightwatch của không quân Mỹ mang hô hiệu NIGHT76 cất cánh từ căn cứ không quân Andrews, bang Maryland, chiều 6/1 (sáng 7/1 giờ Hà Nội), cùng thời điểm người ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào tòa nhà quốc hội ở Đồi Capitol tại thủ đô Washington.

Dữ liệu định vị và liên lạc của chiếc E-4B cất cánh chiều 6/1. Video: Twitter/Thenewarea51.

Không rõ nhiệm vụ của chiếc E-4B là gì và có liên quan tới những diễn biến tại thủ đô Washington hay không, nhưng các máy bay Nightwatch thường chỉ được triển khai từ căn cứ tiền phương tại sân bay Andrews trong một số trường hợp nhất định, như sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

"Vấn đề duy trì hoạt động của chính phủ là rất thực tế trong thời điểm này, khi các lãnh đạo và nghị sĩ phân tán khắp nơi. Chúng ta không biết liệu có kế hoạch khẩn cấp nào đã được kích hoạt hay chưa, nhưng chắc chắn nhiều quan chức quan trọng đã được di chuyển tới địa điểm an toàn bí mật", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.

Không quân Mỹ vận hành 4 máy bay Boeing 747 trang bị đặc biệt mang tên E-4B Nightwatch, còn được gọi là "máy bay ngày tận thế". Khi cất cánh, chúng sẽ được gọi là Trung tâm Tác chiến trên không Quốc gia (NAOC). Hoạt động từ thập niên 1970, E-4B luôn là lựa chọn tốt nhất giúp tổng thống Mỹ sống sót trong một vụ tấn công hạt nhân.

Máy bay ngày tận thế là gì

Máy bay E-4B cất cánh từ căn cứ Travis, bang California, năm 2017. Ảnh: USAF.

E-4B là trung tâm chỉ huy chiến tranh di động, mang theo hàng chục chuyên gia phân tích quân sự, chiến lược gia và trợ lý liên lạc để trợ giúp tổng thống Mỹ. Chúng được trang bị nhiều linh kiện đặc biệt, như ăng ten dây dài tới 8 km để duy trì liên lạc với lực lượng tàu ngầm hạt nhân, ngay cả khi các trạm liên lạc mặt đất bị phá hủy.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, luôn có một chiếc E-4B đặt trong tình trạng sẵn sàng cất cánh tại căn cứ không quân Andrews, sẵn sàng sơ tán tổng thống Mỹ trong vòng 15 phút sau khi cảnh báo được phát ra.

Đang tải...

Vũ Anh (Theo Drive)