Màu xanh lá cây như thế nào

Tâm lý học về màu sắc là một ngành tâm lý học nghiên cứu ảnh hưởng của màu sắc đối với tâm trạng và hành vi con người. Theo đó, các màu sắc khác nhau có thể gợi lên các phản ứng tâm lý khác nhau, cho dù con người không chủ động chú ý đến nó. Những phản ứng này xảy ra do:

– Cường độ màu sắc: cùng một màu đỏ nhưng có thể có nhiều sắc độ khác nhau như đỏ hoe, đỏ rực, đỏ trầm, đỏ chói, …
– Trải nghiệm cá nhân hoặc ảnh hưởng văn hóa: trong văn hóa phương Tây, màu trắng gợi cảm giác tinh khiết, trang trọng, thường xuất hiện ở đám cưới; trong khi với phương Đông thì màu trắng đôi khi gợi cảm giác tang tóc, buồn bã, thường xuất hiện trong đám tang.

Với nhiều người, thì màu xanh lá cây (xanh lục) khiến họ liên tưởng đến thiên nhiên và sự sống, do nó là màu xuất hiện nhiều trong tự nhiên (cỏ, cây, lá, rừng, …). Xanh lục cũng thường được mô tả là màu sắc đem lại cảm giác tươi mát và yên bình.

Màu xanh lục trong tâm lý học

Trong tâm lý học về màu sắc, những màu được tạo thành từ ánh sáng có bước sóng dài (như đỏ) được xem là mang đến trạng thái ‘kích thích, ấm áp’; những màu được tạo thành từ áng sáng có bước sóng ngắn (xanh, tím) mang lại cảm giác ‘thư giãn, mát mẻ’. Mắt người cần sự điều chỉnh để có thể nhìn thấy các màu có bước sóng dài, nhưng với những màu có bước sóng ngắn như xanh lục thì không cần thiết.

Xem thêm: Màu đỏ và những tác động của nó đến tâm lý con người

Xanh lá cây là màu lạnh, vì nó có bước sóng ngắn (534–545 nm). Nó thường tượng trưng cho thiên nhiên và thế giới tự nhiên, đồng thời gắn liền với cảm giác thanh tịnh. Các liên tưởng phổ biến khác gắn với màu xanh lá cây là: tiền tài, may mắn, khỏe mạnh, tính đố kỵ, ghen tuông, và nhận thức về môi trường.

Trong thần thoại cổ xưa, màu xanh lá cây còn được dùng để chỉ về độ màu mỡ của đất đai và khả năng sinh sản của người nữ. Theo một số nghiên cứu thì xanh lục cũng được xem là nguồn cảm hứng cho sáng tạo. Kết quả từ một nghiên cứu năm 2016 cho thấy khả năng sáng tạo của con người sẽ tăng lên khi họ ở trong môi trường có nhiều cây xanh hoặc được tiếp cận với khung cảnh xanh tươi của thiên nhiên. Màu xanh lá cây còn tác động tích cực đến suy nghĩ, các mối quan hệ, và sức khỏe thể chất của con người.

Kết quả từ nghiên cứu năm 2014 của nhóm nghiên cứu Đại học Sassari và Đại học Padua (Ý) cho thấy màu xanh lá cây thậm chí giúp cải thiện khả năng đọc – môi trường ánh sáng xanh giúp người tham gia đọc tốt hơn, trong khi môi trường ánh sáng đỏ làm giảm khả năng đọc.

Màu của êm dịu

Xanh lá cây có thể giúp con người cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn trong một môi trường mới. Do đó, nó hay được sử dụng trong các không gian công cộng hoặc trong khuôn viên nhà hàng, khách sạn, dưới hình thức thiết kế của cơ sở vật chất, nội thất, hoặc cây cối trang trí.

HEX Restaurant (Oudewater, Hà Lan)

Màu của tự nhiên

Hiệu ứng làm dịu và giúp thư giãn của xanh lục có thể xuất hiện do con người có xu hướng gắn màu sắc này với thiên nhiên, và những gì gắn với thiên nhiên lại thường đem đến cảm giác tươi mát, sảng khoái. Một số nhà nghiên cứu cho rằng mối liên hệ tích cực này được hình thành từ buổi đầu tiến hóa – với người tiền sử, thì màu xanh trong tự nhiên biểu thị nguồn thức ăn, nước uống, và một nơi trú ẩn khả dĩ cho họ.

Dành thời gian đắm mình với thiên nhiên, hoặc chỉ cần ngắm nhìn tranh ảnh có khung cảnh xanh tươi có thể giúp con người giảm căng thẳng, kiểm soát xung động và tăng khả năng tập trung.

Vì màu xanh lá cây có mối liên hệ chặt chẽ với thiên nhiên, nên ở chiều ngược lại, con người cũng có xu hướng cho rằng những thứ mang màu sắc này cũng sẽ có nguồn gốc tự nhiên và tốt cho sức khỏe, ngay cả khi đó không phải sự thật.

Ví dụ, trong một nghiên cứu về tác động của màu sắc nhãn dán lên tâm lý người tiêu dùng, nhóm nghiên cứu cho biết người tham gia đánh giá một thanh kẹo nhãn xanh lá là ‘lựa chọn lành mạnh’ nếu so sánh với một thanh kẹo nhãn màu đỏ, trong khi thành phần dinh dưỡng của hai thanh kẹo không khác nhau.

Màu của động lực

Một số người thấy xanh lá cây thư giãn, trong khi số khác lại cho rằng màu sắc này có tác dụng thúc đẩy họ. Theo một nghiên cứu về ảnh hưởng của màu sắc lên ký ức cảm xúc, những người có ‘nhu cầu cao về thành tựu’ thường chọn màu xanh, trong khi người có ‘nhu cầu thấp về thành tựu’ chọn màu đỏ nhiều hơn. Ngoài ra, người tham gia còn liên kết các từ khóa liên quan đến ‘thất bại’ với màu đỏ, còn từ khóa liên quan đến ‘thành công’  với màu xanh.

Điều này được lý giải do ảnh hưởng văn hóa đối với nhận thức con người về màu đỏ và màu xanh lá cây. Đỏ thường được dùng để cảnh báo nguy hiểm, trong khi xanh cho biết tình huống an toàn. Ngoài ra, màu xanh lá cây còn hay được dùng để biểu đạt tình trạng thành công về mặt tài chính (ngay cả hình minh họa tiền giấy nói chung cũng có màu xanh lá cây).

Màu của lạc quan

Không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc, màu sắc còn có tác động đến ký ức của chúng ta. Cũng trong nghiên cứu về ảnh hưởng của màu sắc lên ký ức cảm xúc, người tham gia được yêu cầu nhắc lại một số từ cụ thể sau khi xem danh sách các từ mô tả cảm xúc viết bằng các màu khác nhau. Kết quả, họ nhớ được nhiều từ mang sắc thái tích cực và được viết bằng màu xanh. Từ thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu kết luận rằng màu xanh lá cây mang hàm ý cảm xúc tích cực. Nói cách khác, màu sắc này có thể gây ra thiên kiến lạc quan khi con người ghi nhớ thông tin.

Ngoài ra, trong văn hóa phương Tây, màu xanh lá cây còn gắn liền với văn hóa Ai-len, Ngày Thánh Patrick(*) (St. Patrick’s Day), và những điều may mắn.

Diễu hành trong Ngày Thánh Patrick tại thành phố Bologna (Ý) | Ảnh: Alex Wong / Getty Images

Đám đông tụ tập tại khu Temple Bar sau lễ diễu hành mừng Ngày Thánh Patrick ở thành phố Dublin (Ireland) | Ảnh: Nazrie Abu Seman / Getty Images

(*)Thánh Patrick (Patriciô) là vị thánh bảo hộ chính của Ai-len (Ireland). Ngày Thánh Patrick là một dịp lễ tôn giáo và văn hóa được tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới vào ngày 17/3 hằng năm. Tại Ai-len, nó được công nhận chính thức là ngày lễ Quốc gia vào khoảng thế kỷ 17 và dần trở thành ngày lễ biểu tượng cho văn hóa của người Ai-len.

Màu của ganh ghét, đố kỵ, bệnh tật

Ngoài những cảm xúc và tác động tích cực kể trên, thì xanh lục còn được dùng để biểu thị sự ganh ghét và đố kỵ. Mối liên hệ này phổ biến hơn trong văn hóa phương Tây. Ở Việt Nam, thay vì nói ai đó ‘ghen xanh mắt’ (green with envy), cách nói thường dùng hơn sẽ là ‘ghen tím mặt’.

Sắc xanh còn được dùng để ám chỉ trạng thái ốm yếu về thể chất. Tiếng Việt hay có một số cách nói ví dụ như ‘da tái xanh’, ‘người xanh rớt’ hoặc ‘người xanh lướt’ ý chỉ ai đó bệnh tật lâu ngày.

The Grinch – một nhân vật hư cấu nổi tiếng trong văn hóa đại chúng, bước ra từ quyển sách thiếu nhi How the Grinch Stole Christmas! (Dr. Seuss, 1957). Hắn được mô tả với tính cách cay độc, bất cần, có lòng thù ghét sâu sắc với Giáng sinh. Trong các ấn bản minh họa màu, The Grinch được tô màu xanh bơ. Sau này, từ grinch còn được dùng để chỉ những người tình tình nhỏ nhen, không thân thiện.

Màu xanh lá cây, hay bất cứ màu sắc nào khác, đều có thể gây ra một số ảnh hưởng đến tâm lý của chúng ta. Tuy nhiên, phản ứng của mỗi người với màu sắc này vẫn mang tính cá nhân – trải nghiệm quá khứ, liên tưởng cá nhân, nhận thức xã hội và ảnh hưởng văn hóa đều có thể đóng vai trò trong việc màu xanh lá cây khiến ta cảm thấy như thế nào.

Chủ đề